"Luật Thủ đô không nên hạn chế người nhập cư mưu sinh"

Thời sựThứ Năm, 16/09/2010 10:58:00 +07:00

(VTC News) – Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật nhấn mạnh, kinh nghiệm thế giới cho thấy sử dụng biện pháp hành chính để hạn chế nhập cư là không thành công".

(VTC News) - Chiều 15/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Thủ đô. Dự luật Thủ đô cho phép áp dụng mức xử phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính ở nội thành cao hơn, nhưng không quá 5 lần so với mức xử phạt áp dụng chung cho cả nước trong 6 lĩnh vực: văn hoá, đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông vận tải và cư trú.

Cần làm rõ tăng mức xử phạt hành chính ở nội thành cao gấp 5 lần

Về quản lý trật tự an toàn xã hội, Dự thảo Luật Thủ đô quy định: áp dụng mức xử phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính ở nội thành cao hơn, nhưng không quá 5 lần so với mức xử phạt áp dụng chung cho cả nước trong 6 lĩnh vực: văn hóa, đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông vận tải và cư trú.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho biết, qua thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị cần nghiên cứu kỹ kinh nghiệm thế giới về vấn đề này để có giải pháp phù hợp. Chẳng hạn, có quốc gia do yêu cầu giảm lưu lượng xe vào nội đô nhưng họ chỉ áp dụng mức phí đỗ ô tô cao hơn hoặc cấm đỗ xe hoặc tổ chức rất ít điểm đỗ xe phải trả tiền ở khu vực trung tâm, hoặc tổ chức điểm đỗ xe ở rất xa trung tâm TP...

Các ý kiến cũng đề nghị Hà Nội cân nhắc việc xác định rõ mục đích của việc tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trên địa bàn Hà Nội là nhằm mục đích gì. Đây có phải là giải pháp hiệu quả để giải quyết những vấn đề bức xúc của Hà Nội hay vì đặc thù quản lý đô thị của Hà Nội. Nếu vì những đặc thù trong quản lý của Hà Nội mà tăng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính thì tại sao lại chỉ tăng mức phạt trong 6 lĩnh vực mà không phải tất cả các lĩnh vực; vì sao chỉ đối với vi phạm hành chính, vậy có tính đến việc tăng mức hình phạt đối với những hành vi phạm tội xảy ra trên địa bàn Thủ đô hay không?

Dự thảo Luật quy định các vi phạm hành chính ở Thủ đô sẽ bị phạt cao hơn ở những nơi khác (Ảnh: Phúc Hưng)

Ủy ban Pháp luật nêu, hiện nay đang có chủ trương giảm mức hình phạt đối với một số loại tội phạm hình sự, vậy tại sao lại tăng mức xử phạt vi phạm hành chính ở thủ đô. Đây là vấn đề cần được làm rõ.

Cùng với đó, Hà Nội cần làm rõ cơ sở để quy định mức xử phạt vi phạm hành chính cao không quá 5 lần so với mức chung của cả nước là chưa rõ ràng, căn cứ vào đâu, đó có phải là căn cứ theo GDP/người hay không? Tại sao quy định mức xử phạt không quá 5 lần, trong khi mức thu phí lại chỉ quy định cao hơn không quá 3 lần so với mức chung của cả nước? 

Dự luật Thủ đô cũng dành 1 điều để quy định về Công dân danh dự Thủ đô, theo đó, công dân Việt Nam không thường trú ở Thủ đô, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài có công lao đặc biệt trong việc xây dựng, phát triển Thủ đô, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế của Thủ đô thì có thể được Chủ tịch UBND TP Hà Nội quyết định tặng danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô.

Ủy ban pháp luật cho rằng, việc khen thưởng, vinh danh đối với những người có công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô là cần thiết. Tuy nhiên, việc quy định danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô cần cân nhắc kỹ hơn, đặc biệt là việc áp dụng đối với cả người nước ngoài. Bởi lẽ, vấn đề công dân chỉ đặt ra trong mối quan hệ với quốc gia chứ không đặt ra công dân của tỉnh, công dân huyện, công dân xã.

Hơn nữa, việc cấp, hủy bỏ quốc tịch của một người là thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước.

Mặt khác, trong hệ thống pháp luật hiện hành cũng chưa đặt ra vấn đề công dân danh dự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do đó, đề nghị bỏ quy định này trong dự thảo Luật.

Hạn chế cư trú ở nội thành: Nên hay không nên?

Về quản lý dân cư, theo Dự thảo Luật Thủ đô, giao Chính phủ ban hành quy định về điều kiện cư trú ở nội thành phù hợp với nguyên tắc chung là dân cư trên địa bàn Thủ đô được quản lý với quy mô, mật độ, cơ cấu hợp lý theo quy hoạch chung Thủ đô; các biện pháp ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, thuận tiện ở ngoại thành.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, dự thảo Luật Thủ đô quy định 20 chính sách, cơ chế đặc thù phục vụ cho việc xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, quản lý đô thị và xây dựng chính quyền. Trong đó, so với Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội thì dự thảo Luật Thủ đô có 12 điều hoàn toàn mới, như: quy định về Trách nhiệm của Thủ đô với cả nước; Biểu tượng của Thủ đô; Danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô; Quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và trật tự xây dựng Thủ đô; Quản lý giao thông vận tải; Quản lý trật tự, an toàn xã hội; Thành lập cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân; Xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật…

Một số ý kiến băn khoăn liệu việc đặt thêm các điều kiện hạn chế cư trú ở khu vực nội thành có trái với quy định tại Điều 68 của Hiến pháp hay không. Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Chính phủ cho rằng quy định như dự thảo Luật là cần thiết và hợp lý vì phù hợp với chủ trương của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, đã được Pháp lệnh quy định và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bộ trưởng Cường cho rằng, những năm gần đây, không chỉ người dân mà cả chính quyền Hà Nội đang phải chịu áp lực ngày một tăng từ những bất cập trong phát triển đô thị, trong đó, tình trạng quá đông dân cư ở Thủ đô đã gây sức ép về kinh tế, xã hội, đặc biệt là bài toán công ăn việc làm cho người lao động. Thêm vào đó, cũng có nhiều lo ngại về hiện tượng dân di cư tự phát ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.

Ước tính trong năm 2010, Hà Nội sẽ có từ 120-130 nghìn người di cư đến. Hiện nay, các điều kiện về cơ sở hạ tầng và khả năng cung ứng dịch vụ của TP như giáo dục, ‎y tế, giao thông và dịch vụ công không đáp ứng kịp thời với số lượng người nhập cư ngày càng tăng vào Thủ đô. 

Do vậy, việc ban hành quy định quản lý dân cư như dự thảo Luật của Chính phủ “để giảm sức ép do gia tăng về tốc độ nhập cư vào khu vực nội thành, song vẫn bảo đảm cho người dân có điều kiện sinh sống và làm việc hợp pháp tại Thủ đô” – ông Cường nói.

Tuy nhiên, qua thẩm tra, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội lại cho rằng, trong Luật Cư trú quy định rõ: nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống; quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Đồng thời, trong Luật Cư trú cũng đã quy định cụ thể các điều kiện thường trú, tạm trú của công dân.

Ước tính trong năm 2010, Hà Nội sẽ có từ 120-130 nghìn người di cư đến  (Ảnh: thanglong.cinet.vn)

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận nhắc lại, một thời gian dài trước đây chúng ta đã áp dụng các biện pháp hành chính nhằm hạn chế di dân tự do vào các TP lớn, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, các biện pháp này không những không đem lại hiệu quả mà còn phát sinh các hệ lụy khác như vấn đề giáo dục, an sinh xã hội, mất trật tự an toàn xã hội, tội phạm...

“Đây là vấn đề khi xây dựng Luật Cư trú, Quốc hội đã bàn bạc kỹ và cũng đã có sự cân nhắc về những áp lực đặt ra đối với việc quản lý dân cư của những TP lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ủy ban Pháp luật cho rằng giải pháp cho vấn đề này là cần quản lý dân cư theo quy hoạch của Thủ đô, tức dùng các giải pháp về kinh tế - xã hội, như chuyển các trường đại học, dạy nghề, bệnh viện trung ương, cơ sở sản xuất... ra khỏi vùng nội thành; xây dựng các đô thị vệ tinh; xây dựng đường tàu điện ngầm, hệ thống giao thông công cộng thuận tiện kết nối vùng nội thành với vùng ngoại thành, chứ không nên dùng biện pháp hành chính để điều chỉnh và quản lý dân cư”.

Ông Thuận nhấn mạnh, quyền mưu sinh và quyền mưu cầu hạnh phúc, trong đó có việc di dân từ những nơi khó khăn đến những vùng có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi hơn là một quy luật của sự phát triển. Kinh nghiệm thế giới cho thấy việc sử dụng biện pháp hành chính để hạn chế là không thành công.

“Vì vậy, đề nghị cân nhắc quy định giao Chính phủ ban hành quy định về điều kiện cư trú ở nội thành” – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói.

Bàn về Dự thảo Luật Thủ đô, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, không nên xây dựng một luật rộng như dự thảo mà chỉ nên đặt ra những vấn đề đặc thù của Hà Nội khác với các địa phương còn lại trong khi các văn bản pháp luật hiện nay chưa quy định.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển, nhiều quy định trong dự thảo luật, nếu thay chữ Hà Nội bằng Hà Giang, nội dung không thay đổi.

Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhìn nhận, một số điều quy định trong luật Thủ đô còn thừa, những luật khác đã cho phép làm.

Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn