Tướng Võ Nguyên Giáp: Trí thức lớn, người cha bình dị

Thời sựThứ Sáu, 20/08/2010 12:27:00 +07:00

Dù cố gắng trả lời suốt 3 giờ liên tục, các vị khách mời cũng chỉ đáp ứng được phần nào mong muốn của độc giả. Sau đây là toàn bộ nội dung cuộc giao lưu.

Dù cố gắng trả lời suốt 3 giờ liên tục, các vị khách mời cũng chỉ đáp ứng được phần nào mong muốn của độc giả. Sau đây là toàn bộ nội dung cuộc giao lưu.

Mở đầu cuộc trực tuyến, chị Võ Hòa Bình thay mặt gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi lời cảm ơn tới tòa soạn và đến tất cả những độc giả đã gửi câu hỏi và lời chúc đến Đại tướng. Chị Bình hứa sẽ chuyển tất cả lời chúc tới Đại tướng trước ngày sinh nhật ông (25/8).

Dưới đây là nội dung cuộc trực tuyến:

Trịnh Thuận - Nam 55 tuổi - Vinh
- Thưa Đại tá Trịnh Nguyên Huân: Đã bao giờ anh thấy Đại tướng cáu kỉnh, bực mình chưa? Anh thấy Đại tướng rất bực mình với những chuyện như thế nào ạ? Đã bao giờ Đại tướng bực mình vì anh dịch sai, hay viết sai chưa?

Đại tá Trịnh Nguyên Huân: - Chuyện cáu kỉnh bực mình là chuyện thường tình của con người. Cũng có những lúc Đại tướng bực mình. Thường Đại tướng không bực mình với chuyện nhỏ, nhưng khi nghe đến những chuyện như phá rừng, hủy hoại môi trường, cứu trợ cho đồng bào bị thiên tai không đến tận tay người dân... thì Đại tướng không thể vui.

Tôi chưa bao giờ dịch sai, hay viết sai nên Đại tướng chưa bao giờ bực mình với tôi vì những chuyện như vậy. Thực sự, chưa bao giờ Đại tướng bực mình với tôi.

Các vị khách mời trong buổi giao lưu trực tuyến 

Kỳ Trung - Nam 17 tuổi - Huế
- Cháu xin kính chúc Ông mạnh khỏe. (Đáng lẽ cháu phải gọi bằng Cố ạ. Cố của cháu cũng hoạt động cách mạng ở chiến khu Việt Bắc ạ). Xin hỏi bác Võ Hòa Bình ạ, Ông trong gia đình có nghiêm khắc không ạ? Ông có dùng "kỷ luật sắt" với các bác không ạ? Cháu xin cảm ơn ạ.

Bà Võ Hòa Bình: - Trong gia đình bác thì ông rất bận nên thời gian dành cho các con không nhiều. Ông thường nói: "mẹ là cô giáo, mẹ giáo dục các con ba rất an tâm". Tuy nhiên, mỗi khi các con có sai phạm cần "chấn chỉnh", ông đều nghiêm khắc nhắc nhở mặc dù rất ít khi lớn tiếng.

Tôi rất nhớ một lần ông nổi giận  khi bắt gặp bốn chị em chia làm hai phe cầm gậy hầm hè đánh nhau. Ông thu và lần lượt bẻ gẫy tất cả mấy cái gậy và nhốt tất cả các con vào phòng tắm, phạt cả ngày không cho đi chơi.

Trần Quang Anh - Nam 50 tuổi
- Kính thưa nhà sử học Dương Trung Quốc, tôi có câu hỏi muốn được ông giải đáp: Đại tướng Võ Nguyên Giáp có tư chất và nhân cách gì, theo ông, là cốt lõi của một nhà sử học, không chỉ bằng thái độ sống mà còn cả cách Ông cư xử với những biến cố của lịch sử? Khi nghe Đại tướng nói chuyện, ông có tin chắc rằng phần cốt lõi nhất của lịch sử đang được tường thuật lại không? Nếu có thì vì sao?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: - Đương nhiên, người làm sử thì cái tư chất là quan trọng nhất và đây cũng là một phần của nhân cách tôn trọng sự thật. Ông là người trong cuộc, nói cách khác, ông là người làm nên lịch sử, nhưng đồng thời, ông cũng là một nhà sử học. Không chỉ vì ông đã từng là thầy giáo giảng môn lịch sử ở trường Tư thục Thăng Long khi còn trẻ mà tự mình, ông đã viết rất nhiều những công trình mang tính lịch sử dưới nhiều thể loại khác nhau:

Những tổng kết lịch sử chiến tranh, những hồi ức lịch sử. Ông còn tham gia rất nhiều hội thảo khoa học về sử học. Vì thế, có thể thấy ở ông sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa một nhà chính trị và một nhà sử học. Nói đến chính trị và sử học, người ta có thể đặt câu hỏi về tính khách quan, tính mục đích và e rằng nó khó có thể là một. Nhưng theo tôi, ông đã thực hiện một cách rất chuẩn mực nguyên tắc nghề nghiệp là: Sử học là phải nói lên sự thật, nhưng chưa hẳn sự thật nào cũng nói ra ngay.

Nhưng đã nói ra thì không sai sự thật. Nhất là khi nói về những vấn đề lịch sử hiện đại và đương đại. Vì thế, người ta có thể đặt câu hỏi còn có những khoảng trống nào đó chứ không thể đặt câu hỏi về sự trung thực của người viết. Hơn thế nữa, khi viết về lịch sử ngay cả hồi ức Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn có ý thức làm nổi bật lên cái cốt lõi của lịch sử. Ví như, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, vai trò là lãnh đạo của Đảng và nhất là tầm vóc của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng cũng không bỏ qua những chi tiết, cảm xúc của mình.

Vì thế, những tác phẩm của ông sống động và như trong nghề chúng tôi gọi là có "sử bút" thể hiện rất rõ quan điểm của mình và ý thức về lợi ích chung.


CCB Trần Đình Ngân - Nam - Berlin, BRD
- Thưa anh Trịnh Nguyên Huân, là sĩ quan trong Văn phòng Đại tướng gần 35 năm nay, anh nghĩ thế nào về chữ Nhẫn này?

Đại tá Trịnh Nguyên Huân: - Hiểu chữ Nhẫn có rất nhiều cách hiểu. Để mọi người hiểu quan điểm của mình, cần phải thuyết phục và có thời gian. Đấy cũng là Nhẫn. Để thực hiện việc nào đó, cần thuyết phục mọi người để họ hiểu và đi vào hành động, cũng cần thời gian. Đấy cũng là Nhẫn.

Trong khoa học, để ra một chính sách một chiến lược về khoa học, có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng để đi tới thống nhất, Đại tướng cũng phải thuyết phục. Đấy cũng là chữ Nhẫn.

Lê Dần - Nam 60 tuổi - Nam Định
- Chị Hòa Bình ơi, những lúc ông cụ nhà chị có điều gì không bằng lòng với ai đó trong gia đình thì cụ ứng xử thế nào ạ? Những việc của gia tộc, gia đình, các anh chị có bàn với cụ không ạ? Cảm ơn chị.

Bà Võ Hòa Bình: - Trong trường hợp như thế, sau khi hỏi han cặn kẽ về sự việc và thấy "đương sự" đã nhận rõ khuyết điểm, thường ông chỉ nói rất ngắn gọn: "Con đã thấy sai của mình, ba nghĩ là con sẽ không mắc lại sai lầm lần thứ hai".

Những việc quan trọng của gia tộc, gia đình thì ông bà là người chủ động nêu ra và bàn bạc với các con. Khi tuổi đã cao, ông thường phân công các việc cần thiết cho các con thực hiện. Ví dụ:Năm 2002, gia đình họ Võ đã dựng lại ngôi nhà thờ phái tại làng An Xá và ông đã giao cho chị Hồng Anh phụ trách và cùng các em làm việc này.

Bùi Tuấn - Nam - TP.HCM
- Chúng tôi được biết Đại tướng luyện THIỀN mỗi ngày. Tác dụng của việc rèn này là luyện cả về thể chất lẫn về ý chí. Vậy những lúc Đại tướng phải vào viện, ông luyện tập như thế nào? Ông cập nhật tin tức trong nước và thế giới như thế nào? Xin cảm ơn!

Đại tá Trịnh Nguyên Huân: - Lúc còn khỏe, Đại tướng tự đọc rất nhiều. Đồng thời, có một bộ phận trợ lý có nhiệm vụ thông tin về tình hình trong nước và thế giới cho Đại tướng hàng ngày.

Buổi sáng sớm và buổi chiều đi bộ tập thể dục quanh nhà, chúng tôi cập nhật tới Đại tướng tình hình trong nước và thế giới trong ngày mà chúng tôi cập nhật. Đối với những thông tin liên quan đến công việc, có những buổi làm việc và báo cáo chính thức để Đại tướng nắm được thông tin liên quan tới công việc ấy.

Ví dụ, những lúc chuẩn bị những văn bản góp ý về chiến lược khoa học và giáo dục, có những vấn đề mới như những cuốn sách về Làn sóng thứ ba của Alrin Toffler, hoặc của John Naisbit, hoặc những tư liệu mới về vấn đề "kinh tế tri thức" về "toàn cầu hóa". Làm thế nào để trình bày về những quan điểm nội dung cơ bản nhất chỉ trong vòng 3-4 trang giấy vì Đại tướng yêu cầu trong thời gian ngắn nhất thu thập được nhiều thông tin nhất. Những thông tin đó vừa để hiểu bản chất của vấn đề vừa để sử dụng được nó trong suy nghĩ và chiến lược. Để tóm tắt một cuốn sách như vậy, tôi có khi phải thức tới 2h sáng để đọc sách.

Vì sau quá trình tích lũy, những vấn đề mới đề cập ở cuốn sách chúng tôi dễ phát hiện hơn, đọc những vấn đề cũ bằng cách lướt qua. Nhưng chúng tôi vẫn phải mất cả tuần để tóm tắt một vài cuốn sách chung chủ đề. Còn nếu cần gấp, phải chọn được những cuốn sách tiêu biểu nhất, trong một ngày đã phải tóm tắt và báo cáo Đại tướng.
Về câu hỏi thứ 2, trước năm 2009, Đại tướng vẫn đều đặn tập Thiền. Có loại Thiền tĩnh và Thiền động. Cách tập đó để giữ sức khỏe và giữ tinh thần luôn được minh mẫn.

 Nhà sử học Dương Trung Quốc trả lời các câu hỏi

Nguyen Huu Trung - Nam 44 tuổi - Bien Hoa Dong Nai
- Thưa Đại tá, tình hình sức khỏe của Đại tuớng thế nào?
Đại tá Trịnh Nguyên Huân: - Cảm ơn sự quan tâm của bạn. Đại tướng vẫn minh mẫn, sức khỏe ổn định.

Nguyễn Tất Thái - Nam 35 tuổi - Hà Nội
- Gửi Đại tá Trinh Nguyên Huân,. Trước hết, qua Đại tá, xin gửi lời chúc TRƯỜNG THỌ tới ĐẠI TƯỚNG.. Xin Đại tá cho biết bằng cách nào để một người dân có thể được gặp Đại tướng?
Đại tá Trịnh Nguyên Huân: - Để gặp Đại tướng không khó nhưng do thời gian có hạn, và công việc của Đại tướng cũng nhiều. Cho nên để đáp ứng được mong muốn của tất cả mọi người thì rất khó.

Có những cựu chiến binh đi từ Quảng Bình, gọi điện đến báo sẽ đến, đến gặp chỉ nói một câu đơn giản: "Báo cáo anh em đã hoàn thành nhiệm vụ", gửi một vài món quà quê, rồi chào Đại tướng về ngay để kịp chuyến tàu. Những cuộc gặp đó thể hiện tình cảm bình dị của người lính với Đại tướng.

Trần Hải Bằng - Nam 32 tuổi - TP HCM
- Kính chúc Đại Tướng bước sang tuổi 100 mạnh khỏe, vui vẻ, chúc cho mọi điều tốt đẹp luôn đến với Đại Tướng và gia đình. Trần Hải Bằng - một người con của Quảng Bình yêu dấu. Nhân đây cho phép cháu hỏi chú trợ lý: trong cuộc sống hằng ngày Đại Tướng thường thích ăn món gì? Cảm ơn cô.

Bà Võ Hòa Bình: - Đại tướng thích ăn những món của miền quê Quảng Bình như cá kho, canh rau đắng...

Trần Nhạc - Nam 30 tuổi - Bình Dương
- Tôi đã đọc bài: ’’Võ Nguyên Giáp ông thầy dạy sử" của ông Quốc. Bài viết rất hay. Theo ông Dương Trung Quốc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có phải là một nhà sử học không? Trong việc "viết" sử đó, Đại tướng đã viết cho Việt Nam và bản thân mình sự kiện nào quan trọng nhất?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: - Câu hỏi của bạn đã được tôi trả lời ở phần trên nhưng tôi muốn nhấn mạnh trong khối lượng mang tính chất sử học của ông. Ông không chỉ tập trung vào lịch sử giai đoạn ông tham gia với tư cách là một nhân chứng mà ông còn rất nhiều bài viết về những vấn đề lịch sử dân tộc Việt Nam, nhất là các ý kiến ông phát biểu tại các cuộc hội thảo chuyên đề về các nhân vật hoặc sự kiện lịch sử.

Tôi có một kỉ niệm rất sâu sắc là mời ông chủ trì một cuộc hội thảo về hai nhân vật: Cụ Phan Chu Trinh, cụ Huỳnh Thúc Kháng ở Đà Nẵng. Đến lượt nhà giáo Nguyễn Văn Xuân phát biểu, vì giọng xứ Quảng rất nặng nên Đại tướng từ trên đoàn Chủ tịch đã vác ghế xuống ngồi cạnh để nghe cho rõ và sau đó tranh thủ trao đổi với thầy Xuân với một thái độ rất nghiêm túc, biết lắng nghe mọi người, khiến những ý kiến tổng kết, cũng như sau đó Đại tướng ở lại tiếp xúc với cả những cơ quan có trách nhiệm của địa phương để "đả thông tư tưởng", bởi lẽ vào thời điểm ấy (1992), nhiều nhận thức khoa học về những vấn đề lịch sử còn "mới mẻ" đối với các nhà chính trị.

Đại tá Trịnh Nguyên Huân tại cuộc giao lưu


Phan Đăng Khoa - Nam 40 tuổi - Hà Nội
- Kính chúc Đại tuớng luôn mạnh khỏe! Câu hỏi này xin gửi tới chị Võ Hòa Bình, theo chị niềm vui lớn nhất trong cuộc đời Đại tướng là gì? Chiến công lớn nhất của Đại tướng là chiến công nào?
Bà Võ Hòa Bình: - Có lần ông đã phát biểu: "Ngày vui nhất trong cuộc đời tôi là ngày 30/4/1975" . Đó là ngày cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta giành được toàn thắng.

Còn phần thứ hai của câu hỏi thì có lẽ tôi xin được chuyển cho ông Dương Trung Quốc trả lời giúp

Nhà sử học Dương Trung Quốc: - Chiến công lớn nhất của Đại tướng là gắn bó cuộc đời của mình với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, trong đó có những cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập được ghi nhận bởi hai chiến thắng quyết định: Điện Biên Phủ (1954) và giải phóng miền Nam (1975) với tư cách là vị Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam.

Tôi lấy một thí dụ, gần đây, năm 2008, Nhà Xuất bản Thames & Hudson (Anh) đã xuất bản cuốn sách Great Military Leaders (Các nhà lãnh đạo quân sự lớn). Cuốn sách rất đồ sộ, lựa chọn trong suốt 2500 năm lịch sử, chọn ra được 59 nhà lãnh đạo quân sự lớn (hiểu theo nghĩa là các vị tướng chiến lược trực tiếp chỉ đạo các chiến dịch mang tính quyết định của các cuộc chiến tranh trong lịch sử nhân loại). Nhân vật đầu tiên được lựa chọn là Cyrus Đại Đế, sống vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên và người thứ 59 là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông cũng là nhân vật duy nhất ngày hôm nay còn sống. Trong phần định danh nhân vật "Đại tướng Võ Nguyên Giáp", cuốn sách ghi: "Vị tướng đã đánh thắng Pháp và Mỹ".

Quang Đại - Nam 35 tuổi - Hà Tĩnh
- Xin được hỏi Đại tá Trịnh Nguyên Huân: Là người gần gũi và được "Đại tướng của Nhân dân" tin tuởng, ông có thể giải thích vì sao Đại tuớng lại có phạm vi kiến thức rộng và chuyên sâu ở những vấn đề mà ông quan tâm như vậy ? Đại tá học tập đuợc điều gì từ phong cách làm việc và phuơng pháp nghiên cứu, phân tích các vấn đề thời sự của Đại tướng?

Đại tá Trịnh Nguyên Huân: - Một là bản thân Đại tướng đã là một nhà trí thức có năng lực tự học rất tốt và có phương pháp để có được những kiến thức cơ bản và cốt lõi về vấn đề. Trước hết là tìm hiểu trong Bách khoa toàn thư để có một cái nhìn tổng quan, rồi đọc những cuốn sách bàn sâu về vấn đề đó.

Hai là, Đại tướng mời các chuyên gia đến trao đổi, để tìm hiểu sâu về vấn đề nào đó: từ quan điểm cơ bản, đến xu hướng phát triển cơ bản, những vấn đề đặt ra, chưa giải quyết được, sẽ phải giải quyết. Vì thế trong một thời gian ngắn, Đại tướng đã có một bức tranh tổng thể về vấn đề.

Trước khi bước vào phụ trách Khoa học và giáo dục, Đại tướng đã tìm hiểu hết những lĩnh vực khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng...

Ba là, Đại tướng cũng học phong cách làm việc của Bác Hồ, trước khi bước vào làm việc, bao giờ Bác Hồ cũng trao đổi để mọi người cũng hiểu, cung cấp thông tin cho nhau, có thể nói đó là một hình thức chia sẻ thông tin.
Chúng tôi cũng vậy. Trước khi bước vào làm việc, cũng hỏi mọi người xem mỗi người có thông tin gì về tình hình trong nước và thế giới. Trong quá trình đó, chúng tôi tìm hiểu, phân tích vấn đề, đánh giá vấn đề... Đó là điều mà chúng tôi học từ phong cách làm việc của Đại tướng: phân tích một vấn đề theo cách tiếp cận thông tin nhiều chiều, để hiểu một cách đầy đủ và toàn diện hơn.

CCB Trần Đình Ngân - Nam - Berlin, BRD
- Tôi có cảm giác chữ NHẪN xuyên suốt trong bác Giáp. Nghe nói, bác Văn luôn khuyên cán bộ dưới quyền phải biết nhẫn, biết kiềm chế. Xin gia đình cho biết sâu hơn khái niệm này ở bác!

Bà Võ Hòa Bình: - Những khi bạn bè, đồng chí, người thân gặp lúc khó khăn, bao giờ chúng tôi cũng thấy ở Ba một thái độ bình thản. Ông điểm tĩnh nhưng kiên quyết làm rõ đúng - sai với niềm tin rằng sự thật và cái đúng sẽ sáng tỏ. Và ông đã truyền cho chúng tôi niềm tin như vậy.

Trần Nhạc - Nam 30 tuổi - Bình Dương
- Cho tôi hỏi anh Huân: Sao anh làm trợ lý cho Đại tướng gần 40 năm mà ít thấy anh lên báo, lên ảnh vậy? Anh định nghĩa vai trò của trợ lý là gì?

Đại tá Trịnh Nguyên Huân: - Trợ lý (tiếng Anh và Pháp đều viết assitant) là những người hỗ trợ, trợ giúp trong công việc. Trong nhiệm vụ được giao, tôi chủ động để hỗ trợ Đại tướng nhiều nhất.

Cụ thể trong công việc lãnh đạo Khoa học Giáo dục, những người trợ lý phải tìm hiểu thông tin trong nước và thế giới, tri thức mới nhất trong lĩnh vực mình phụ trách và theo dõi. Phải có sự chủ động, phát hiện và đề xuất một số vấn đề cần tìm hiểu hoặc nghiên cứu.

Đặc biệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt ra yêu cầu rất cao với công việc. Đồng thời, muốn các trợ lý chủ động và sáng tạo trong công việc.

Thời gian đầu, chúng tôi làm việc cho Đại tướng, từ một cán bộ giảng dạy chuyên sâu sang một địa hạt mới, diện rộng và không nằm hoàn toàn trong lĩnh vực chuyên môn của mình, cả những vấn đề kinh tế chính trị, ngoại giao... nên cũng cần phải có một quá trình để thích ứng với yêu cầu làm việc mới. Những buổi làm việc đầu tiên, khi chưa quen như vậy, Đại tướng thậm chí còn như đọc chính tả cho chúng tôi viết.

Việc tôi ít lên báo như vậy là do tính cách của tôi. Thường tôi tránh truyền hình hay chụp ảnh. (Cười)

Văn Trần - Nam 50 tuổi - TP.HCM
- Chào chị Hòa Bình! Cảm giác của chị thế nào khi là con của một người cha rạng danh như thế? Nhìn chị trong ảnh có vẻ chị là người giản dị? Ngoài đời, chị có giản dị không? Theo chị thì làm sao người ta sống trong danh gia vọng tộc mà vẫn có thể giản dị?

Bà Võ Hòa Bình: - Chúng tôi đều tự hào, nghĩ mình rất may mắn đã được sinh ra trong gia tộc có truyền thống đùm bọc, yêu thương nhau và được ông bà, cha mẹ giáo dục lòng yêu nước, yêu đồng bào.

Còn bức ảnh mà bạn nhìn thấy chắc là bức ảnh đăng tải trên Bee.net.vn? Có giản dị hay không qua một bức ảnh cũng khó biết.Tuy nhiên, tôi không phải là người quá phức tạp. Mọi người trong nhà thì nhận xét bức ảnh đó giống tôi ở ngoài đời.

Theo tôi, tính cách của con người là do trời sinh và chịu ảnh hưởng từ tính cách, sự giáo dục của cha mẹ.
Nguyễn Hồng Quy - Nam 20 tuổi - TP.HCM
- Cháu muốn hỏi Nhà sử học Dương Trung Quốc: Đại tướng Võ Nguyên Giáp có từng đề cập đến mối quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc và Mỹ không ạ, nhất là trong những năm 1976-1995?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: - Trong lịch sử Pháp và Mỹ là hai "đối tác lịch sử" khá đặc biệt: Có lúc là bạn, có lúc là thù. Khi đề cập đến vấn đề này, tôi thấy Đại tướng là người tư duy rất mạch lạc, trung thực với lịch sử nhưng luôn hướng tới một thiện chí, hơn là khơi sâu những hận thù. Ví dụ, ngay khi nói về chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng muốn làm rất rõ những chi tiết liên quan đến trận đánh, đặc biệt là khi bàn đến cách đánh để khẳng định tính tự chủ của quân đội ta.

Nhưng ông cũng không quên nhắc đến những giúp đỡ của Chính phủ, nhân dân và quân đội Trung Quốc, trực tiếp còn có các vị cố vấn có mặt ngay trong cơ quan chỉ huy chiến dịch. Cũng như khi nói đến các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, ông nhắc nhở không thể quên những đóng góp rất thiết thực về vật chất và tinh thần của Liên Xô và Trung Quốc, các nước Xã hội Chủ nghĩa và bạn bè Quốc tế.

Và đương nhiên, chúng ta đều biết, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc có những giai đoạn lịch sử ảm đạm gắn với cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam. Đại tướng là người luôn nhớ đến những bài học lịch sử nhưng cũng quan niệm rằng cái quá khứ không thay đổi được nhưng tương lai thì hoàn toàn tùy thuộc vào chúng ta. Do vậy, khi đề cập tới "vấn đề Trung Quốc" trong thời kỳ xảy ra những mối quan hệ thù địch thì ông vẫn tin rằng, hai dân tộc sẽ vượt qua được nếu những nhà lãnh đạo học được bài học của lịch sử.

Thực ra, trong 1000 năm tự chủ (được ghi nhận bằng 1000 năm Thăng Long Hà Nội), bên cạnh truyền thống đánh giặc, mỗi khi bị xâm lược, thì ông cha ta luôn coi việc gìn giữ hòa hiếu với phương Bắc là một nhiệm vụ hàng đầu (đương nhiên, chủ quyền không thể chia sẻ). Còn với Mỹ, tôi nhớ lần con trai của cố Tổng thống Mỹ Kennedy đến chào Đại tướng đúng vào dịp sinh nhật lần thứ 87 (1998) mà tôi có may mắn được chứng kiến, câu đầu tiên Đại tướng chỉ lên trên tường nhà mình tấm ảnh chụp cùng Bác Hồ năm 1945 và nói rằng chính tấm ảnh này là do các bạn Mỹ chụp chúng tôi.

Đại tướng muốn nói đến một thời kỳ lịch sử Mỹ là đồng minh duy nhất của Việt minh, có những mối quan hệ rất chặt chẽ với Bác Hồ và Đại tướng trong thời kỳ quyết định thắng lới cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945 (tháng 7/1945) một đơn vị tình báo Mỹ (OSS) đã nhảy dù xuống Tân Trào cùng Việt minh thành lập Đại đội Việt - Mỹ do Đàm Quang Trung làm đại đội trưởng, Võ Nguyên Giáp là Tư lệnh và thiếu tá Thoms làm cố vấn. Đơn vị này đã bao vây quân Nhật ở Thái Nguyên, sau đó có mặt tại Hà Nội vào thời điểm tổ chức lễ Độc lập...

Rồi Đại tướng nói với con trai Kennedy rằng, quan hệ việt - Mỹ không chỉ có những trang đen tối của cuộc chiến tranh vừa qua mà từng có những trang sử tốt đẹp là đồng minh chống phát xít. Vậy, các bạn trẻ vừa không quên cuộc chiến tranh vừa qua nhưng phải có trách nhiệm viết tiếp những trang sử tốt đẹp như nó đã từng có trong quan hệ Việt - Mỹ.

Trịnh Thuận - Nam 55 tuổi - Vinh
- Tôi thấy những bài báo của Đại tướng hơi dài. Có phải tại anh Huân là trợ lý mà không dám cắt gọt hoặc góp ý không?

Đại tá Trịnh Nguyên Huân: - Thường khi bắt đầu viết bài về vần đề gì đó, Đại tướng yêu cầu là cô đọng ngắn gọn. Nhưng cuối cùng, lại thấy phải thêm ý này và ý khác, thường bao giờ cũng kéo dài hơn so với dự định. Cuối cùng, Đại tướng vẫn để như vậy vì thấy cắt bỏ ý nào cũng không nên.

Đại tướng là một người rất cẩn thận và kỹ lưỡng. Thậm chí, chỉ là một bài phát biểu ở một hội nghị thông thường, đã bước lên xe rồi, Đại tướng vẫn quay trở lại để sửa một vài chữ. Trong bài viết, có thể có ý kiến của nhiều chuyên gia, Đại tướng vì tôn trọng ý kiến của họ mà không muốn cắt bớt đi, đấy cũng là một phần lý do.

Dù Đại tướng rất bình đẳng, dân chủ lắng nghe góp ý, nhưng vì vậy nên các bài báo vẫn... dài.

Quang Minh - Nam 22 tuổi - Hà Nội
- Cháu thấy tên các con của Đại tướng hình như được đặt theo một sự kiện nào đó, ví dụ như bác Điện Biên là theo chiến dịch nổi tiếng Điện Biên Phủ. Vậy cô Hòa Bình cho cháu hỏi tên cô (chắc 1954) và những người con còn lại được đặt theo những sự kiện cụ thể nào ạ?

Bà Võ Hòa Bình: - Không có quy tắc chung trong việc đặt tên trong gia đình. Anh Biên sinh ra sau chiến thắng Điện Biên Phủ và tên của Biên đúng là đặt theo tên chiến dịch này. Tên của cậu út Hồng Nam là một bút danh của Ba tôi trong thời kỳ Tiền khởi nghĩa. Còn tên chị Hồng Anh, tên tôi và cô em (Hạnh Phúc) thể hiện sự mong ước, nguyện vọng của gia đình.

Trần Tuấn - Nam 47 tuổi - Huế
- Xin gửi lời chúc thượng thọ đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Xin ông Huân cho biết, quan điểm đãi ngộ các nhà khoa học Việt Nam của Đại tướng. Đại tướng có buồn không khi những nhà khoa học chân chính thiếu thốn điều kiện nghiên cứu, cuộc sống vật chất chưa xứng đáng với tài năng?

Đại tá Trịnh Nguyên Huân: - Cảm ơn câu hỏi của bạn. Đây cũng là một điều khiến Đại tướng luôn trăn trở.
Đối với đội ngũ tri thức, theo Đại tướng, một là phải có đời sống vật chất bảo đảm, hai là môi trường làm việc trong đó có điều kiện vật chất nhưng quan trọng hơn là có bầu không khí khoa học trung thực và dân chủ, khuyến khích được tự do tư duy và sáng tạo.

Từ thời kỳ Đại tướng phụ trách khoa học đến giờ, Đại tướng vẫn mong muốn tạo ra được điều kiện cần thiết như thế. Trong những góp ý với Đảng và Chính phủ, Đại tướng cũng thường xuyên đề cập tới vấn đề này.

Trịnh Thuận - Nam 55 tuổi - Vinh
- Cho hỏi thêm anh Huân: Đại tướng thích dùng tiếng Nga hay tiếng Pháp ạ? Tôi có nhớ là hình như tôi đọc ở đâu đó là tiếng Pháp Đại tướng dùng là tiếng Pháp cổ?

Đại tá Trịnh Nguyên Huân: - Đại tướng hay dùng tiếng Pháp nhiều hơn. Tiếng Pháp do Đại tướng sử dụng là do được học từ thời đi học nên đó là thứ tiếng Pháp chuẩn mực.

Trong rất nhiều cuộc tiếp khách, trong nước cũng như ở nước ngoài, những người Pháp cũng phải công nhận Đại tướng sử dụng tiếng Pháp rất chuẩn.

Phương Hạnh - Nam 40 tuổi - Hà Nội
- Kính thưa chị Võ Hòa Bình. Chị có thể kể lại kỷ niệm về những lần Bác Hồ đến nhà riêng gặp Đại tướng và gia đình hay không, đặc biệt lần Đại tướng đánh đàn cho Bác Hồ nghe? Làm thế nào để nguời dân Việt Nam có thể nghe đuợc tiếng đàn của Đại tuớng, gia đình có thu băng hay không? Có phải chị sinh sau khi ta giành chiến thắng tại chiến dịch Hòa Bình nên Đại tướng đã đặt tên cho chị như vậy? Xin cảm ơn chị.

Bà Võ Hòa Bình: - Lần mà Ba tôi đánh đàn cho Bác thì tôi đi học xa nên không được chứng kiến. Trong kí ức, tôi nhớ những lần Bác Hồ tới thăm nhà khi tôi còn nhỏ. Sau khi làm việc với Ba tôi, trước khi ra về Bác kéo chúng tôi cùng ngồi trên bậc thềm, Bác hỏi han việc học hành và khen nếu chúng tôi có kết quả học tập tốt. Cuối cùng khi nào Bác cũng lấy một gói kẹo chia cho chúng tôi. Khi Ba mẹ tiễn Bác ra xe thì chúng tôi cũng bám theo tới tận cửa xe.

Tiếc là gia đình không thu băng khi Ba tôi đánh đàn. Vào thời gian đó, việc thu băng không phải dễ dàng. Bây giờ tôi cũng rất tiếc là mình đã không tìm cách ghi lại tiếng đàn của Ba.

Tên tôi có nghĩa là Hòa Bình - nguyện vọng của mọi người chứ không liên quan tới các chiến dịch. Tôi sinh ra vào mùa xuân năm 1951, sau chiến dịch Biên giới, còn chiến dịch Hòa Bình vào cuối năm 1951.

Lê Nam Khánh - Nam 30 tuổi - Mễ Trì - Từ Liêm - Hà Nội
- Nhân dịp Đại tướng tròn 100 tuổi, cháu xin Kính chúc Đại tướng luôn luôn mạnh khỏe. Cháu muốn xin Đại tướng một lời chỉ bảo về lối sống và làm việc cho những người trẻ tuổi (cũng không trẻ lắm) như cháu ạ?

Đại tá Trịnh Nguyên Huân: - Tôi chỉ xin nhắc lại mong muốn của Đại tướng với thanh niên: Trong một cuộc gặp các đoàn Đại biểu thanh niên tới thăm, cũng là trả lời với một tờ báo của thanh niên, Đại tướng nói: Thế hệ trước đây đã chiến đấu và hy sinh để giành được độc lập và tự do cho đất nước. Thế hệ hiện nay cần phải chiến thắng nghèo nàn lạc hậu. Để làm được điều đó, thanh niên phải không ngừng học tập để nâng cao trí tuệ của mình và đồng thời luôn nghĩ đến trách nhiệm của mình với cộng đồng và đất nước, đưa Việt Nam sánh vai với các nước tiên tiến trên thế giới.

Tú Linh - Nam 26 tuổi - Hà Nội
- Chúc Đại tướng khỏe. Thưa bác Dương Trung Quốc, cháu không được rõ lắm về vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Bác có thể giúp cháu hiểu hơn về vấn đề này không ạ? Cháu cảm ơn.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: - Chiến dịch Hồ Chí Minh có một tầm vóc vô cùng to lớn. Nó không chỉ là một chiến dịch có quy mô rộng lớn về quân sự mà còn là một chiến dịch mang tính chiến lược quyết định sự thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hoàn thành trọn vẹn mục tiêu thống nhất đất nước. Với tầm vóc như vậy, có thể nói toàn bộ bộ máy lãnh đạo đất nước và mọi nguồn lực của dân tộc đều dốc sức cho thắng lợi chung.

Với cương vị Tổng tư lệnh Quân đội Nhân Dân Việt Nam, đương nhiên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải là người chịu trách nhiệm cao nhất trong việc chỉ huy các lực lượng vũ trang phối hợp tác chiến, theo chỉ đạo của Đảng. Người ta có thể nhắc tới những đóng góp cũng rất to lớn của các vị tướng lĩnh trên các chiến trường khác nhau nhưng sự chỉ đạo của Bộ Tổng tư lệnh vẫn mang vai trò của một người chịu trách nhiệm cao nhất về quân sự.

Liên quan đến vấn đề này, tôi muốn nhắc tới một kỷ niệm liên quan đến tác phẩm mang tính tổng kết của Đại tướng "Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng", ông đã cho phép tạp chí "Xưa và Nay" của tôi công bố một số đoạn vào năm 1995 trước khi cuốn sách được xuất bản 5 năm. Trong đoạn kết, khi viết về cảm xúc chiến thắng, ông nhắc lại tên tuổi tất cả những nhà lãnh đạo, các vị tướng lĩnh tham dự cuộc chiến tranh giải phóng này.

Ông yêu cầu tôi chọn một số tấm ảnh minh họa và rất hài lòng khi chúng tôi tìm được tấm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng chia tay nhau trước khi ra chiến trường bên cây đào đang nở hoa và ảnh ông cùng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh "xoay trần" dưới sàn nhà cùng nghiên cứu bản đồ tác chiến... Và đương nhiên, trong tất cả những điều ông viết ra luôn thấy có bóng dáng Bác Hồ.

Cúc Chi - Nữ 25 tuổi - Hà Nội
- Thưa cô Võ Hòa Bình, là con gái của một Đại Tướng được cả thế giới biết đến, cô đã phải chịu những áp lực như thế nào? Áp lực đó có bao giờ lớn đến mức cô muốn thoát khỏi cái bóng vĩ đại của Cha?

Bà Võ Hòa Bình: - Áp lực ư? Đối với câu hỏi này tôi cũng phải nghĩ một lúc....Có lẽ tôi không cảm thấy bị áp lực quá lớn, bởi vì Ba Mẹ không hề yêu cầu chúng tôi phải cố đạt được những thành tích nổi bật. Ông bà chỉ muốn các con luôn cố gắng hoàn thành những việc đã nhận, thực hiện những lời đã hứa, sống chân thành và đúng với bản chất của mình.

Tôi còn nhớ khi con gái tôi thi vào lớp 10, cháu làm bài thi không tốt, về nhà ngập ngừng mãi dám "báo cáo" với ông bà. Sau này cháu kể với tôi: Con nghĩ bụng sẽ bị một trận mắng to vì trong nhà chưa thấy ai trượt thi cả, nhưng ông nhìn con hiền từ và nói: "Con đừng lo, cứ chờ xem họ báo điểm thế nào, nếu thua keo này ta bày keo khác con ạ" rồi ông cười "Con biết không, hồi nhỏ ông đã có lần trượt không vào được Quốc Học, phải thi lại đấy" - Câu nói đã làm con bình tâm lại và con nghĩ mình sẽ cố học chăm hơn thôi.

Bình - Nam 30 tuổi - Hà Nội
- Đại tướng có bao giờ chia sẻ những trăn trở, băn khoăn với các thành viên trong gia đình không? Nếu có thì cách ông chia sẻ như thế nào?

Bà Võ Hòa Bình: - Trong những lúc êm đềm cũng như khi sóng gió, Ba Mẹ tôi khi nào cũng chia sẻ ngọt bùi/gian khó với nhau. Tất cả những thăng trầm trong cuộc đời đã gắn bó ông bà hai người như một. Nhìn hai ông bà quan tâm, chăm sóc nhau tôi thấy ba mẹ tôi thật may mắn: Ngay cả những khi ốm nằm trên giường bệnh, ông vẫn luôn nhắc bà chú ý tập luyện, giữ gìn sức khỏe.

Lê Hùng - Nam 30 tuổi - Đà Nẵng
- Trước hết, xin cho tôi gửi lời kính chúc bác Đại tướng Võ Nguyên Giáp đại thọ 100 tuổi. Xin kính chúc bác Võ Nguyên Giáp luôn luôn mạnh khoẻ, trí tuệ minh mẫn; sức khỏe bác Võ Nguyên Giáp là hạnh phúc của chúng cháu.. . Kính thưa Đại tá Trịnh Nguyên Huân, xin Đại tá nói thêm nhãn quan chiến lược, tầm nhìn rất xa, rất rộng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về chiến lược biển của đất nước từ trước năm 1976 cho đến khi Đại tướng là Phó Thủ tướng phụ trách khoa học - Giáo dục? Tầm nhìn xa rộng đó của Đại tướng đem lại những bài học gì cho đất nước ta hôm nay? Xin cảm ơn Đại tá!.

Đại tá Trịnh Nguyên Huân: - Từ lâu Đại tướng đã nhận thức rõ đất nước Việt Nam không chỉ có đất liền (rừng, núi, đồng bằng) mà còn có một vùng trời, vùng biển rộng lớn và các hải đảo.Trong công cuộc bảo vệ đất nước trước đây, Đại tướng luôn quan tâm tới việc bảo vệ chủ quyền trên biển và đảo. Ngay sau khi đất nước thống nhất, năm 1977, Đại tướng đã mở một hội nghị khoa học, kỹ thuật về biển ở Nha Trang.

Mấy năm sau, Đại tướng cho tổ chức một hội nghị lần thứ hai bàn về chiến lược phát triển về kinh tế biển và khoa học kỹ thuật về biển, trong đó nêu rõ những quan điểm về vấn đề phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật biển một cách toàn diện nhằm đáp ứng nhiệm vụ: Xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới khi mà biển ngày càng trở thành một vấn đề lớn của nhân loại.

Với quan điểm đó, theo Đại tướng, Việt Nam muốn phát triển bền vững thì phải quan tâm tới cả đất liền và biển đảo.

Nguyen Thanh Liem - Nam 51 tuổi - Bo Tu lenh Bo doi Bien phong
- Em chào Chi, Ba Em năm nay 98 tuổi, có lam bài thơ Mừng sinh nhật Đại tướng, xin phép Chị cho Em gửi qua Email cua Chị duoc khong a

Bà Võ Hòa Bình: - Chào em, chị cảm ơn tấm lòng của cha em. Em có thể gửi bài thơ cho chị qua địa chỉ
[email protected]. Chị sẽ đọc cho Ba chị nghe.

Nguyễn Thị Vân Anh - Nữ - 78/286/45 Nguyễn Thượng Hiền, Gò Vấp, TP.HCM
- Cuộc đời ông Giáp lúc nào cũng hoàn thành bất cứ nhiệm vụ gì Đảng giao. Sau khi là Tổng tư lệnh QĐNDVN, ông đã được giao nhiều công việc khác. Vậy mà ông vẫn hoàn thành nhiệm vụ. Những lúc đó, tâm trạng, ứng xử của ông như thế nào?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: - Năm 2004, vào dịp kỉ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi đã có dịp hỏi Đại tướng về một trong những nhiệm vụ dân sự mà ông đã đảm nhiệm là Ủy Ban Dân số và Kế hoạch hóa gia đình. Tôi tưởng đấy là câu hỏi "nhạy cảm" nhưng ông cười và trả lời: Chắc có nhiều điều thêu dệt lắm phải không? Thực ra, khi đó, chính anh Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng) trực tiếp "nhờ" tôi gánh vác vì theo tập quán Quốc tế, với vấn đề quan trọng này thì phải cấp Thủ tướng phụ trách mà anh Tô quá bận. Đối với tôi, đấy là một nhiệm vụ, mà đã là nhiệm vụ thì phải hoàn thành... Chúng ta còn biết rằng, Đại tướng cũng có một thời làm kiêm nhiệm làm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước (7/1096 - 1/1963), cho nên, ông càng có nhiều dịp để gặp gỡ giới trí thức và có thể nói ông có cả một đội ngũ trí thức sẵn sàng hỗ trợ cho những công việc của ông.

Nguyễn Đức - Nam 40 tuổi - Adelaide, Australia
- Đại tướng ghét nhất cái gì? điều gì?...
Bà Võ Hòa Bình: - Tôi nghĩ ông ghét nhất sự giả dối.

Trần Anh Thy - Nam - 178/2 Phan Đăng Lưu, TP.HCM
- Cháu có cảm giác Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh trận như đánh cờ? Trên cơ sở nào mà ông có thể chuyển quyết tâm chiến đấu từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc thắng chắc” trong chiến dịch Điện Biên Phủ?
Đại tá Trịnh Nguyên Huân: - Nhiều năm được sống và làm việc bên cạnh Đại tướng, tôi được biết Đại tướng không bao giờ coi một trận chiến đấu như một trận đánh cờ. Và chiến sĩ không phải là những con tốt trên bàn cờ. Đại tướng luôn cân nhắc để làm sao giành được thắng lợi cao nhất mà tổn thất về sinh mạng thấp nhất. Cũng chính vì trách nhiệm của mình với vận mệnh của đất nước và sinh mệnh của chiến sĩ, Đại tướng đã thức trắng đêm suy nghĩ để đi đến quyết định chuyển từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc thắng chắc" mà Đại tướng gọi là "một quyết định khó khăn nhất". Nhưng quyết định chính xác đó đã kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Dũng Trịnh - Nam 25 tuổi - Hà Nội
- Trong khu vườn rộng thênh thang ở đường Hoàng Diệu, Đại tướng thích nhất cây gì à? Có những cây nào mà Đại tướng tự trồng và chăm sóc không?

Bà Võ Hòa Bình: - Cụ thích nhất cây long não trong khu vườn. Cụ hay tiếp khách và nói chuyện dưới tán cây. Cụ cũng thích phong lan. Đó là những giò phong lan mà sau ngày giải phóng, các chiến sĩ trong Nam gửi ra tặng Đại tướng.
Những buổi chiều khi còn khỏe, vừa tập thể dục, Đại tướng vừa chăm sóc, tưới cây, tưới hoa. Chăm sóc cây cũng là hình thức Cụ kết hợp tập thể dục.

Dũng Trần - Nam 25 tuổi - Hà Nội
- Năm nay người cha vĩ đại của chị tròn 100 tuổi, chị và gia đình đã có món quà nào tặng cha chưa ạ? Theo quan điểm của các khách mời, món quà lớn nhất, mà cụ mong chờ từ trung ương - người dân là gì?

Bà Võ Hòa Bình: - Năm nay chúng tôi định làm một tập ảnh gia đình, thu thập các bức ảnh về những kỷ niệm đáng nhớ của gia đình để tặng ông.
Còn món quà mà ông cụ luôn mong muốn là nhận được các tin vui, các thành tích của người dân, của đất nước. Chẳng hạn vừa qua ông đã rất mừng khi được biết Khu di tích Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Trần Xuân Thoan - Nam 42 tuổi - 1/138 Quang Trung - TP. Nam Định - tỉnh Nam Định
- Cuộc đời cầm quân của Đại tướng, có quyết định khó khăn nhất là khi đánh Điện Biên Phủ, từ phương châm "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, chắc thắng". Hiện giờ, thông tin về Chiến dịch Mậu Thân 1968 vẫn chưa tỏ rõ. Xin hỏi quan điếm dùng binh của Đại tướng trong cuộc chiến Mậu Thân 1968?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: - Trong nhận thức của tôi, đây vẫn còn là một khoảng trống lịch sử. Hình như, trong bộ hồi ức rất đồ sộ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, giai đoạn này chưa được đề cập tới. Và chúng ta cũng biết rằng, đây là một khúc ngoặt rất quan trọng của lịch sử chiến tranh ở Việt Nam nhìn nhận cả về phía chúng ta (cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước) và cả đối phương.

Giờ đây, ngay trên sách báo của ta cũng đã nói đến những tổn thất nặng nề về lực lượng trước và sau chiến dịch và nhiều vấn đề khác, nhưng tổng thể thì ngay cả giới sử học phương Tây (bao gồm Hoa Kỳ) đều thừa nhận cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm 1968 đã gây kinh hoàng đối với Mỹ về khả năng điều động lực lượng và đồng loạt tấn công vào phần lớn các đô thị và căn cứ quân sự ở Việt Nam, kể cả tòa Đại sứ Mỹ ở giữa Sài Gòn của lực lượng vũ trang cách mạng.

Tuy chịu tổn thất về lực lượng nhưng nó đã đè bẹp ý chí tiếp tục cuộc chiến tranh ở Việt Nam và Mỹ hiểu rằng, không thể có được thắng lợi bằng quân sự. Nó cũng tác động mạnh mẽ vào dư luận Mỹ và thế giới. Do vậy, sau Tết Mậu thân, Mỹ phải chấp nhận bước vào cuộc đàm phán tại Paris rồi tiến đến việc rút quân khỏi miền Nam, thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh, dẫn đến điều tất yếu là chế độ Sài Gòn sụp đổ. Đương nhiên, bài học Mậu Thân cũng mang lại nhiều bài học sâu sắc cho giai đoạn tiếp theo của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Xuân Thanh - Nam 31 tuổi - Hà Nội

- Để thành công trong công việc, cuộc sống, cần có những kỹ năng cứng, kỹ năng mềm. Anh Huân có thể chia sẻ với chúng em về những kỹ năng mà Đại tướng hay áp dụng nhất, đặc biệt em muốn làm thế nào để Đại tướng có thể luôn "ung dung tự tại" trước những biến cố của thời cuộc?

Đại tá Trịnh Nguyên Huân: - Đại tướng thường hay nhắc với chúng tôi một câu nói của Bác Hồ: Vấn đề là sống ở đời và làm người. Trước hết là thương yêu bạn bè đồng đội luôn "dĩ công vi thượng" (đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc, của cộng đồng lên trên hết). Cách ứng xử ấy luôn có thể thích ứng và luôn "ung dung tự tại" trước những biến cố của thời cuộc.

Trần Văn Trãi - Nam 34 tuổi - 42 Kim Mã Thượng, Ba Đình
- Cháu kính chúc Đại Tướng mãi khỏe. Đại tướng mãi là niềm tự hào vinh quang của dân tộc Việt Nam. Xin hỏi: Những bí quyết hay thói quen sinh hoạt thường ngày như thế nào giúp Đại tướng mạnh khỏe, sống lâu và làm việc cống hiến cho nhân dân nhiều như vậy ?

Bà Võ Hòa Bình: - Ba tôi sinh hoạt rất điều độ. Ông làm việc rất nhiều nhưng luôn dành thời gian để tập luyện, thư giãn, giải trí. Những thú vui giải trí của ông là nghe nhạc, chụp ảnh, chơi với các cháu... Các môn thể dục Ông thường tập luyện là đi bộ, bơi thuyền và tập thiền.
Trong những lúc thư giãn, ông luôn giữ cho đầu óc hoàn toàn thư thái, không vướng bận những suy tư về công việc.

Dũng Trịnh - Nam 25 tuổi - Hà Nội
- Kính thưa anh Huân, trên cương vị trợ lý, nếu để anh đúc kết 10 điều cần học hỏi từ vị đại tướng của nhân dân trong phong thái làm việc, anh sẽ rút ra được những điều gì ạ?
Đại tá Trịnh Nguyên Huân: - Đây là một câu hỏi rất hay mà ngay một lúc để trả lời thì khó có thể đầy đủ được. Tôi xin tạm trả lời và những câu trả lời này không hề được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, cũng không có sự tách biệt hoàn toàn với nhau mà thường được kết hợp lại với nhau trong cái mà chúng ta gọi là "phong thái làm việc", hay "phong cách làm việc".

1. Trung thực; 2. Khoa học; 3. Dân chủ; 4. Bình đẳng; 5. Tư duy độc lập và sáng tạo; 6. Chính kiến; 7. Trách nhiệm; 8. Luôn coi thực tiễn là tiêu chuẩn của công lý; 9. Tôn trọng đối tác (độc giả, khán giả, người đối thoại); 10. Chất lượng và hiệu quả.

Hà Lý - Nam 30 tuổi - QB
- Cha chị có sự đối xử như thế nào với các con trong gia đình? Giữa chị Hồng Anh và chị có gì khác nhau không?
Bà Võ Hòa Bình: - Khi còn nhỏ Ba Mẹ dạy chúng tôi phải ngoan, chăm chỉ, quan tâm đến mọi người. Trong nhà, mẹ Thái hi sinh trong nhà tù của Pháp khi còn trẻ, chị Hồng Anh phải xa ba mẹ rất sớm, lại đi học xa nên cả nhà đều rất thương và chăm sóc chị. Là chị cả, chị cũng rất yêu thương và quan tâm tới các em. Còn chúng tôi thì "đều nhau".

Ba mẹ luôn công bằng, quan tâm tới các con và không ai có thể tị nạnh với ai cả.

Minh Quang - Nam 47 tuổi - Hà Nội
- Thưa ông Huân, Ông cảm nhận như thế nào về phương pháp nghiên cứu, tư duy khoa học của Tướng Giáp?
Đại tá Trịnh Nguyên Huân: - Đây là tư duy tổng hợp và toàn diện, vừa suy nghĩ ở tầm chiến lược, vừa chú ý đến những vấn đề thiết thực và cụ thể khi nghiên cứu và tìm cách giải quyết vấn đề. Theo tôi, câu trả lời ngắn gọn thế thôi.

Trịnh Hải - Nam 20 tuổi - Hà Nội
- Chào bác Quốc. Bác có thể kể cho cháu 1 vài kỷ niệm về những lần được làm việc với Đại tướng được không ạ ? Đại tướng đã chuẩn bị như thế nào trước những cuộc gặp quan trọng, cụ thể là cuộc gặp cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNam?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: - Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với Đại tướng cách đây đã hơn 20 năm, khi đó tôi là Phó Viện trưởng Viện Sử học, nhận nhiệm vụ sang giúp Đại tướng về mặt tư liệu, chuẩn bị cho chuyến đi thăm Ấn Độ. Ấn tượng đầu tiên là thấy ông rất chủ động xóa bỏ khoảng cách thế hệ bằng sự tin cậy và rất bình đẳng khi trao đổi những vấn đề chuyên môn. Ông đưa ra yêu cầu hãy trao đổi về chi tiết và đề nghị tôi đóng vai ông để viết một bài phát biểu tại Ấn Độ có liên quan đến Bác Hồ. Tôi vừa phấn khởi, vừa lo lăn lưng vào viết lách rồi gửi cho ông.

Ông nhắn rằng, bài viết rất tốt vả cảm ơn sự giúp đỡ của tôi. Nhưng sau này, tôi được đọc bài phát biểu của ông thì không thấy chút dấu vết nào của mình cả.

Kể từ đó, thỉnh thoảng ông lại gọi tôi đến trao đổi và khi nhắc lại bài diễn văn trên, ông nói rằng, sự chuẩn bị của tôi rất có ích. Tôi hiểu, đấy là sự động viên. Nhưng sau này có điều kiện làm việc với ông, tôi hiểu rằng ông luôn luôn lắng nghe người khác, quanh ông có rất nhiều nhà chuyên môn thường xuyên được ông tham khảo. Chuẩn bị bất kỳ việc gì, ông cũng tham khảo ý kiến của nhiều người nhưng khi đã phát biểu hay viết thì đó thực sự là ý kiến của ông. Chúng ta biết rằng, nhiều hồi ký của ông do những người khác chắp bút nhưng ngay những người chắp bút (như nhà văn Hữu Mai, bác Phạm Chi Nhân...) được ghi danh đầy đủ đều có cảm nhận rằng, giữa người chắp bút và nhân chứng gần như là một.

Lần Đại tướng gặp con trai Kennedy cũng vậy, ông gọi tôi đến trước nửa giờ đưa ra từng chi tiết nhỏ: Nên xưng hô như nào khi khách kém mình đúng nửa thế kỷ tuổi, nên nhắc gì đến quan hệ Việt - Mỹ trong lịch sử... Tôi nêu lên một vài ý kiến và suy nghĩ của mình. Sau đó, tôi thấy nhiều ý kiến của mình được ông sử dụng. Bởi lẽ ông còn là Chủ tịch danh dự Hội Sử học nên tôi còn có nhiều cơ hội làm việc với ông. Và trong công việc, ông luôn tôn trọng ý kiến của tập thể. Chẳng hạn, là Chủ tịch danh dự nên khi có yêu cầu của Hội, ông rất quan tâm chỉ đạo và bảo ban, kể cả chấp hành những đề nghị của Hội đối với ông. Chúng ta biết rằng, gần đây Đại tướng vẫn quan tâm đến những vấn đề thời sự, lắng nghe dư luận và bầy tỏ quan điểm của mình ví như vấn đề boxit, Hội trường Ba Đình... Hội Sử học chúng tôi đã có lần nhận được thư của ông bày tỏ ý kiến về việc có nên lấy lại tên cho thủ đô là Thăng Long hay không? Ông vừa phát biểu ý kiến của mình và đề nghị suy xét kỹ trước khi đưa ra ý kiến cuối cùng để đề đạt lên các cơ quan có trách nhiệm. Ông luôn nhắc tới ý thức trách nhiệm bao gồm cả tính kỷ luật lẫn tinh thần dám nghĩ dám làm.

Phan Ngân Giang - Nữ 32 tuổi - Cali, Hoa Kỳ
- Thưa cô Võ Hòa Bình, người Việt ở nước ngoài (những người tôi quen biết) đều rất quan tâm đến tình hình sức khỏe hiện nay của Đại tướng. Mong cô có thể chia sẽ một chút thông tin, để chúng tôi yên lòng. Cầu chúc Đại tướng mạnh khỏe. Trân trọng cảm ơn.
Bà Võ Hòa Bình: - Hiện nay, sức khỏe Ba tôi tương đối ổn định. Ông vẫn chọn các bài báo mà ông thích để bảo đọc cho ông nghe và rất thích nghe con cháu nói chuyện về tình hình của mọi người trong gia đình.

[email protected] - Nữ 32 tuổi - Hà Nội
- Xưa nói "văn võ song toàn" cho những vị tướng tài lại văn thơ giỏi. Nay Bác từ chỉ huy quân sự "quân lệnh như sơn" sang chỉ huy những tiến sĩ, giáo sư, những nhà khoa học... chắc chắn là giỏi nhưng "hơi gàn". Cho cháu hỏi Nhà sử học Dương Trung Quốc là có chuyện "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" không ạ, và Đại tướng giải quyết thế nào?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: - Chắc khi bạn nói rằng, những tiến sĩ, giáo sư, nhà khoa học giỏi nhưng hơi gàn là để nhấn mạnh đến tính khác biệt từ quan điểm đến tính tình của những người ấy phải không? Nếu thế thì tôi nhận thấy rằng, Đại tướng là người luôn lắng nghe trước và phát biểu sau. Ông thường chỉ tranh luận những gì có thể tìm được sự đồng thuận còn khi đã cảm thấy không đạt sự đồng thuận thì ông chỉ tỏ thái độ tôn trọng. Do vậy, nếu ai gàn thực sự thì cũng cảm thấy mình được tôn trọng.

Dũng Trịnh - Nam 25 tuổi - Hà Nội
- Xin hỏi anh Huân là Đại tướng bắt đầu quan tâm và trở trăn với Giáo dục từ khi nào, từ khi còn là một vị tướng bận bịu với binh trận, hay khi thời bình, Đại tướng làm phó Thủ tướng về Khoa học và Giáo dục?

Đại tá Trịnh Nguyên Huân: - Đối với Đại tướng, vấn đề con người luôn là nhân tố quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong chiến tranh, con người là nhân tố quyết định và vũ khí là quan trọng. Trong hòa bình, xây dựng, con người có trí tuệ, năng lực và có lòng yêu nước là nhân tố quyết định đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Cho nên, gần đây nhất, trong một bức thư gửi Đóng góp vào Cương lĩnh của Đảng, Đại tướng đã đặt vấn đề: "Phải cải cách căn bản nền giáo dục quốc dân, hình thành một nền giáo dục dân chủ nhân văn, hiện đại, một xã hội học tập, xã hội tri thức, biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục, trao cho con người những công cụ và phương pháp để tự học và học tập suốt đời" để đáp ứng với sự thay đổi của thời đại toàn cầu hóa và xã hội tri thức.

Lê Đông - Nam 50 tuổi - Quảng Bình
- Theo những biến cố của lịch sử gắn liền với những thăng trầm của bản thân Đại tướng, cho em hỏi chị Bình và bác Quốc: Đại tướng có thể cho thế hệ sau một lời khuyên để sống hạnh phúc, thong dong, tự tại và trường thọ?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: - Tôi nghĩ rằng Đại tướng có tư chất của người làm nên lịch sử (hiểu theo hai nghĩa là người trong cuộc và người chép lại lịch sử). Chính tư chất ấy đã giúp Đại tướng giữ được sự bình thản trước mọi biến cố xung quanh và có được niềm tin vững chắc vào lẽ phải và tính tất yếu của đời sống. Đó cũng chính là bài học quan trọng nhất của lịch sử.

Bà Võ Hòa Bình: - Tôi chỉ có thể phát biểu suy nghĩ của cá nhân tôi: Ba tôi đã rất hạnh phúc khi nhận được sự yêu thương và kính trọng của đông đảo người dân. Đó là vì ông đã dành cả cuộc đời cho lợi ích của đất nước, của nhân dân. Vì vậy, đối với thế hệ trẻ, điều quan trọng là chọn được mục đích sống đúng đắn và kiên trì phấn đấu cho mục đích đó.

Lê Đông - Nam 50 tuổi - Quảng Bình
- Theo những biến cố của lịch sử gắn liền với những thăng trầm của bản thân Đại tướng, cho em hỏi chị Bình và bác Quốc: Đại tướng có thể cho thế hệ sau một lời khuyên để sống hạnh phúc, thong dong, tự tại và trường thọ?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: - Tôi nghĩ rằng Đại tướng có tư chất của người làm nên lịch sử (hiểu theo hai nghĩa là người trong cuộc và người chép lại lịch sử). Chính tư chất ấy đã giúp Đại tướng giữ được sự bình thản trước mọi biến cố xung quanh và có được niềm tin vững chắc vào lẽ phải và tính tất yếu của đời sống. Đó cũng chính là bài học quan trọng nhất của lịch sử.

Bà Võ Hòa Bình: - Tôi chỉ có thể phát biểu suy nghĩ của cá nhân tôi: Ba tôi đã rất hạnh phúc khi nhận được sự yêu thương và kính trọng của đông đảo người dân. Đó là vì ông đã dành cả cuộc đời cho lợi ích của đất nước, của nhân dân. Vì vậy, đối với thế hệ trẻ, điều quan trọng là chọn được mục đích sống đúng đắn và kiên trì phấn đấu cho mục đích đó.
 
Lê Quang Huy - Nam 33 tuổi - Từ Liêm, HN
- Xin chào Đại tá Trịnh Nguyên Huân! Là một người trợ lý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chắc chắn ông có nhiều kỷ niệm về Đại tướng. Vậy kỷ niệm nào làm ông xúc động nhất và để lại trong ông những cảm xúc sâu sắc nhất? ông có thể chia sẻ không ạ. Cảm ơn ông!

Đại tá Trịnh Nguyên Huân: Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng cũng là một kỷ niệm rất vui của tôi với Đại tướng: Ngày sinh nhật của Đại tướng trùng với ngày nhập ngủ của tôi vào một đơn vị thiếu sinh quân do Đại tướng ký quyết định thành lập.

Ngoài công việc, Đại tướng rất quan tâm tới hoàn cảnh gia đình riêng của những người dưới quyền. Ngoài chuyện hỏi thăm, những lúc gia đình gặp khó khăn, có người ốm, Đại tướng tạo điều kiện giải quyết công việc riêng.
Khi con tôi (lúc ấy cháu còn nhỏ) bị đi cấp cứu ở bệnh viện, Đại tướng cho bác sĩ riêng đến kiểm tra, tạo điều kiện để cháu được điều trị kịp thời.

Dũng Trịnh - Nam 25 tuổi - Hà Nội
- Thưa cô Bình, Đại tướng đã biết thông tin GS. Ngô bảo Châu đạt giải thưởng FIELDS chưa? Cảm nhận của gia đình và đại tướng về sự kiện này ạ? Thông thường cháu thấy đại tướng hay gửi thư khen ngợi và hỏi thăm trước mỗi sự kiện lớn...

- Bà Võ Hòa Bình:  Về sự kiện GS Ngô Bảo Châu là người Việt Nam đầu tiên đạt giải thưởng FIELDS thì từ chiều hôm qua tới giờ tôi chưa gặp Ba tôi để có thể hỏi về cảm tưởng của ông. Nhưng tôi nghĩ, chắc ông sẽ rất vui mừng; Ông luôn đặc biệt quan tâm, khích lệ những tài năng trẻ và rất vui mừng khi họ đạt được những thành tựu.
Cá nhân tôi rất vui mừng về sự kiện này và xin gửi lời chúc mừng tới GS Ngô Bảo Châu và gia đình.

Hồ Đắc Huy - Nam 27 tuổi - TP.HCM
- Đầu tiên xin chúc Đại tướng luôn khỏe. Xin hỏi, gần trọn cuộc đời cống hiến cho tổ quốc, điều gì Đại tướng hối tiếc nhất chưa làm được và điều gì tâm huyết nhất đã làm được? Xin cảm ơn!

- Đại tá Trịnh Nguyên Huân: Trong một lần nói chuyện với thanh niên, Đại tướng đã nói: "Thế hệ của chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ rửa cái nhục mất nước, còn hiện nay việc rửa cái nhục về nghèo nàn lạc hậu phải giành cho thế hệ thanh niên, thế hệ tương lai".

Hồ Đắc Huy - Nam 27 tuổi - TP.HCM
- Thưa chú Dương Trung Quốc: Trong chiến dịch ĐBP khi đồng ý với quyết định "đánh nhanh thắng nhanh" của Cố vấn TQ, ta có bị áp lực gì của họ không, dù trước khi đi Bác Hồ có dặn Đại tướng chắc thắng mới đánh, và các vị tư lệnh đại đoàn cũng có nhiều băn khoăn.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: - Về việc này, trong hồi ức của Đại tướng cũng có đề cập tới. Thứ nhất, khi trao nhiệm vụ chỉ huy mặt trận, Bác Hồ đã giao cho Đại tướng toàn quyền nhưng với nguyên tắc "chắc thắng mới đánh".
Thứ hai, Đại tướng rất tôn trọng những ý kiến của các cố vấn nhưng quyết định thì luôn đề cao tinh thần tự chủ.

Thứ ba, để thay đổi cách đánh, Đại tướng luôn lắng nghe những ý kiến của các vị tướng lĩnh ngoài trận tiền và trực tiếp tìm hiểu thực tiễn. Vì thế, khi lực lượng pháo binh đã tập kết vào vị trí chiến đấu sau rất nhiều khó khăn gian khổ để đưa pháo vào để tác chiến theo phương án "đánh nhanh thắng nhanh" theo ý kiến của cố vấn.

Nhưng ngay sau khi nghe được ý kiến của Tướng Phạm Kiệt là phái viên đi thị sát công tác chuẩn bị tác chiến bầy tỏ sự lo lắng về lực lượng pháo binh có thể bị đối phương phản pháo vì chưa có công sự an toàn. Đó chính là "giọt nước tràn ly" khiến Đại tướng quyết định xem lại toàn bộ cách đánh của chiến dịch. Những người gần Đại tướng khi đó, sau ngày, luôn nhắc đến một nắm ngải cứu mà Đại tướng đặt trên đầu để giảm bớt sự căng thẳng sau một đêm suy nghĩ và trao đổi với những đồng sự của mình để đi đến quyết định cuối cùng là chuyển cách đánh từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc thắng chắc".

Sau này Đại tướng cũng nói rằng, khi trao đổi lại với các cố vấn Trung Quốc thì cuối cùng họ cũng tán thành và tôn trọng quyết định của chúng ta. Như thế là Đại tướng đã thực thi đúng những quyền hạn mà Bác Hồ giao phó, đồng thời, cũng tuân thủ những nguyên lý chắc thắng mới đánh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hồng An - Nữ - Tây Sơn - Hà Nội
- Thưa cô Võ Hoà Bình!. Xin Cô cho biết là trong những năm gần đây, Đại tướng có băn khoăn, trăn trở gì về quê hương Quảng Bình không?

Bà Võ Hòa Bình: - Tôi nhớ trong những lần về thăm quê, những lần gặp gỡ với các lãnh đạo tỉnh Quảng Bình nhiều thế hệ, Ba tôi thường nhắc là mong muốn Ban lãnh đạo tỉnh phải luôn đoàn kết, để đưa kinh tế tỉnh nhà phát triển bền vứng, nâng cao đời sống đồng bào. Ba tôi đặc biệt nhấn mạnh phải bảo vệ môi trường. 

Vũ Thị Thu Hiền - Nữ 34 tuổi - Phuơng Mai, Hà Nội
- Cháu kính chúc Đại tướng Võ Nguyên Giáp mạnh khoẻ, nhiều niềm vui và hạnh phúc. Cháu biết Đại tướng từng là thầy giáo dạy Sử, yêu môn Lịch Sử. Cháu tự nhận thấy cháu chưa giỏi môn Lịch sử, nhưng cháu ước mong khơi dậy đuợc trong con trai cháu sự yêu thích môn Sử, đặc biệt là Sử Việt Nam. Các bác có thể chia sẻ với cháu một chút về vấn đề này đuợc không ạ?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: - Là người gắn bó với công việc nghiên cứu lịch sử, tôi  muốn nói với bạn rằng, để làm một nhà sử học chuyên nghiệp, vừa không dễ, lại vừa "khó sống". Nhưng "tư duy lịch sử", trong đó có những tri thức lịch sử là rất cần với mọi người cho dù sau này họ làm nghề nghiệp gì đi nữa. Bởi lẽ, theo tôi, lịch sử chẳng qua chỉ là "ngụ ngôn". Nó mang lại những bài học hữu ích trong ứng xử con người với con người, và con người với xã hội mà thôi. Tri thức sử học thực sự là "một túi khôn" của thiên hạ, trong đó có tổ tiên mình. Vì thế, tôi muốn bạn tạo điều kiện cho con bạn niềm ham mê với những tri thức lịch sử thông qua nhiều phương cách, sách vở, lễ hội, những cuộc du ngoạn, không chỉ lịch sử Việt Nam mà cả lịch sử thế giới. Còn cháu có đi theo nghề sử hay không thì đó là việc của tương lai?

Nguyễn Thành Lập - Nam - Cầu Giấy - Hà Nội
- Là 1 cựu Sỹ quan Cảnh sát Giao thông, tôi "tò mò" xin hỏi: Lịch sử quân Pháp đi bằng phương tiện máy bay lên Điện Biên Phủ, lập căn cứ địa. Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi bằng phương tiện gì (ô tô, mô tô, xe đạp hay đi bộ...), lên Điện Biên Phủ để chỉ huy thắng trận (Điện Biên Phủ) lừng lẫy địa cầu?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: - Tôi nghĩ vào thời điểm diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, quân đội ta đã trưởng thành, đã có những khí tài tương đối hiện đại. Và đương nhiên, lực lượng vận tải quân sự, cơ giới đã có. Để đảm bảo việc đi lại an toàn và nhanh chóng thì nếu Đại tướng sử dụng những phương tiện cơ giới là rất bình thường.
Còn đi bộ hành quân, luồn rừng, vắt núi là truyền thống của quân đội Việt Nam, trong đó có cả các tướng lĩnh.

Trần Trường Giang - Nam 35 tuổi - Hà Nội
- Trong thập kỷ 80 của thế kỷ trước, sau khi thôi làm Tổng tư lệnh, Đại tướng được phân công là Phó Thủ tướng phụ trách khoa học kỹ thuật. Xin ông cho biết các thành tựu nổi bật về khoa học kỹ thuật của Việt Nam trong thời kỳ đó?

Đại tướng Trịnh Nguyên Huân: - Việt Nam thời kỳ đó cũng tiến hành những cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, đưa sản xuất lên một trình độ mới. Trong tình hình cụ thể đó, Việt Nam còn là một nước kém phát triển, 80% sống ở nông thôn, 70% làm nông nghiệp.

Lúc đầu, Đại tướng đã tiến hành cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn; đồng thời, triển khai một chiến lược phát triển về kinh tế biển và khoa học kỹ thuật về biển. Để tiến hành được các chiến lược đó thì trước hết là phải xây dựng một chính sách chung cho khoa học - kỹ thuật để nhằm tập hợp và phát huy được trí tuệ của lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật Nhà nước, đồng thời triển khai triến lược phát triển về khoa học - kỹ thuật để nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

Trong 15 năm phụ trách về khoa học kỹ thuật, thông qua các chương trình và đề tài cấp Nhà nước thì Đại tướng đã tập hợp được trí tuệ của đội ngũ cán bộ kỹ thuật. Trên cơ sở đó xây dựng tiềm lực khoa học kỹ thuật và từng bước góp phần vào xây dựng nền khoa học kỹ thuật Việt Nam, bao gồm khoa học cơ bản, lĩnh vực khoa học ứng dụng và công nghệ, để gắn kết các hoạt động khoa học và giáo dục với hoạt động sản xuất kinh tế. Suốt 15 năm ấy, nền kinh tế của nước ta, giai đoạn đầu là bao cấp, sau đó chuyển sang kinh tế thị trường, những thành tựu xây dựng trong tiềm lực khoa học cũng thực hiện mục tiêu đề ra nhưng mới chỉ đạt được một mức độ nhất định.

Theo Bee 

Bình luận
vtcnews.vn