“Đau đầu” vì chuyện thời tiết trong dịp Đại lễ 1000 năm

Thời sựThứ Tư, 18/08/2010 12:47:00 +07:00

Thời tiết trong dịp diễn ra các hoạt động chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đang được coi là vấn đề nan giải và khó ứng phó của Hà Nội.

Thời tiết trong dịp diễn ra các hoạt động chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đang được coi là vấn đề nan giải và khó ứng phó của Hà Nội bởi với hệ thống thoát nước quá yếu như hiện nay, nếu có mưa và ngập úng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn, thậm chí nhiều chương trình kỷ niệm long trọng sẽ phải hủy bỏ. Nhiều phương án đã được tính đến, kể cả việc bắn mây phòng mưa, di dời địa điểm tổ chức Đại lễ…

Bắn mây quá tốn kém và bị động


Trong buổi giao ban Ban Chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch Lê Tiến Thọ cho biết, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã báo cáo xin lùi thời gian trình Ban tổ chức phương án can thiệp khi gặp thời tiết bất lợi đến ngày 18/8 vì chưa xác định rõ được công nghệ và kinh phí thực hiện.

"Đến thời điểm trên, nếu Bộ Tài nguyên - Môi trường vẫn chưa đưa ra phương án thực hiện ứng phó với thời tiết xấu, Ban tổ chức sẽ triển khai phương án dự phòng, không tổ chức Đại lễ ở Quảng trường Ba Đình nữa", ông Thọ cho biết.

Theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, nếu muốn bắn mây để phá mưa, ngoài việc tốn kém về chi phí, cũng cần một khoảng thời gian khá dài để chuẩn bị và Hà Nội không còn đủ thời gian. Từ nay đến Đại lễ chỉ còn gần 70 ngày, trong khi nếu muốn bắn mây phải thuê máy bay của nước ngoài, công nghệ và rất nhiều thủ tục kèm theo.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng cho rằng, do không có đội hình máy bay trên không trong lễ duyệt binh vào sáng 10/10, nên không cần thiết phải "bắn mây" phòng thời tiết xấu, vừa tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo an toàn. Thay vào đó, nếu trời mưa lớn thì thành phố sẽ có phương án chuyển tới Trung tâm Hội nghị quốc gia để tổ chức Đại lễ.

Chính quyền Hà Nội vẫn lo mưa lớn gây ngập lụt Hà Nội dịp Đại lễ 1000 năm 


Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cũng đồng tình, nếu dịp Đại lễ mưa nhỏ, mưa vừa, phải chấp nhận mặc áo mưa, còn nếu mưa lớn phải tổ chức tại sân vận động Mỹ Đình thay vì tổ chức tại Quảng trường Ba Đình.

Dự báo theo giờ và dùng sông Nhuệ làm "cống" riêng cho nội thành

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương (TT DBKTTVTƯ) cho biết, đơn vị này đang thử nghiệm chế độ báo thời tiết liên tục 1 tiếng/lần tại khu vực Hà Nội.

Để đáp ứng được việc dự báo này, ngoài tăng cường lực lượng các chuyên gia dự báo, nhiều máy móc và hệ thống thiết bị dự báo đã được lắp đặt với mật độ dày đặc ở trung tâm và các tỉnh lân cận Hà Nội. Và bắt đầu từ 2/9, toàn bộ hệ thống này sẽ hoạt động và áp dụng chế độ dự báo liên tục.

Ông Hải cũng cho biết, theo chu kỳ hàng năm, dù tháng 10 đã là thời điểm kết thúc mùa mưa bão ở Bắc Bộ nhưng với những diễn biến bất thường của thời tiết năm nay, trong điều kiện biến đổi khí hậu, mùa mưa bão năm nay đến chậm hơn, nên vẫn có khả năng xảy ra mưa to vào dịp diễn ra các hoạt động chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã nêu phương án với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, cùng hệ thống thoát nước hiện có, sông Nhuệ sẽ được dành riêng cho thoát nước nội đô nếu dịp Đại lễ Hà Nội gặp mưa to.

TS Lê Quang Vinh, Trường Đại học Thủy lợi cho biết, nên dùng các trạm bơm dã chiến di động, bơm nước từ vị trí ngập cục bộ ra 4 kênh trục tiêu nước chính là sông Lừ, sông Sét, sông Tô Lịch và Kim Ngưu bởi hiện nay, hệ thống thu nước từ các điểm ngập trong nội đô ra hệ thống dẫn, về trạm bơm Yên Sở rất kém, thiếu đồng bộ.

Ông Vinh cho rằng, Hà Nội mới nắm được khả năng thoát nước của cả hệ thống (172mm/2 ngày) chứ chưa thấy báo cáo năng lực tiêu thoát từ nội đô ra công trình đầu mối. Vì vậy, Hà Nội phải khơi dòng chính này nhằm nâng cao khả năng tiêu thoát nước dọc hoặc đặt một loạt trạm bơm tại những hệ thống này.

"Sau trận lụt năm 2008, cái khó ló cái khôn, chúng tôi tính sẽ bơm nước ra sông Nhuệ nếu gặp mưa lớn. Sông Nhuệ chỉ được ưu tiên cho thoát ngập nội thành. Ngoại thành đã có phương án thoát ra sông Đáy", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định. Tuy nhiên, ông Thảo cũng thừa nhận, với lượng mưa trên 200mm, không thể đòi hỏi thoát nước bề mặt ngay được, nếu không có giải pháp thoát nước thông minh như hầm chứa kết hợp giao thông, ví dụ ở thủ đô Malaysia thì Hà Nội vẫn phải chấp nhận ngập.

Một trong những phương án được tính đến để ứng phó với thời tiết xấu là bắn mưa. Chi phí cho bắn mưa có thể sẽ lên tới 1 tỷ USD. Trên thế giới, đã có nhiều nước áp dụng phương án này để thay đổi thời tiết trong các sự kiện quan trọng. Mới đây nhất, năm 2008, vào thời điểm diễn ra thế vận hội Olympic, thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) đã bắn 1.104 quả rocket để chặn một dải mây ở khu vực sân vận động Tổ Chim trong dịp khai mạc Thế vận hội.

Để bắn mây, theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, người ta dùng một rocket (tên lửa) bắn hóa chất lên những đám mây chuẩn bị gây ra mưa để nó mưa trước, hoặc sau thời gian tiến hành đại lễ. Hoặc thậm chí, nếu thấy gần mưa không phá được thì tác động để di chuyển mây, gây mưa ở vùng khác.


Theo CAND

 

Bình luận
vtcnews.vn