Cầu huyết mạch đông Sài Gòn vẫn tê liệt hàng chục km

Thời sựThứ Ba, 15/06/2010 05:40:00 +07:00

(VTC News) – Cho đến sáng nay, cầu huyết mạch phía đông Sài Gòn vẫn quá tải. Lượng xe đổ dồn về quá nhiều khiến giao thông tại đây ách tắc hàng chục km.

(VTC News) – Sau 2 ngày từ khi Sở Giao thông vận tải (GTVT) có quyết định cấm các loại xe chạy trên cầu Bình Triệu 1 và cho phép các phương tiện lưu thông 2 chiều trên cầu Bình Triệu 2, cầu huyết mạch phía đông Sài Gòn này vẫn quá tải. Lượng xe đổ dồn về quá nhiều làm kẹt cứng trên diện rộng hàng chục km (tính bắt đầu từ chân cầu).

Ghi nhận của phóng viên VTC News, 6 giờ sáng nay (14/6) tại cầu Bình Triệu 2, các phương tiện vẫn tiếp tục "chết" trên cầu khi lưu thông qua khu vực này. Mặc dù đã nắm được thông tin nghiêm cấm trên cầu 1 và sẽ gây ách tắc nghiêm trọng khi lưu thông 2 chiều trên cầu 2 nhưng người dân vẫn đi làm trễ giờ như thường lệ. Đến giờ cao điểm (khoảng 7 giờ sáng), các phương tiện đổ dồn về đây gây nên tình trạng ách tắc nghiêm trọng.

Ngày thứ 2, cầu Bình Triệu 2 vẫn kẹt cứng, ách tắc giao thông nghiêm trọng 

Túc trực từ sáng sớm, một đồng chí CSGT cho biết, khoảng 5 giờ đến 5 giờ 30 lưu lượng xe trên cầu vẫn bình thường. Tuy nhiên, bắt đầu từ 6 giờ, hàng loạt các loại xe đổ dồn về khu vực này nên chẳng mấy chốc, cả đoạn đường dẫn lên cầu không còn chỗ chen chân. 

Theo quan sát, đoạn đường từ Bến xe Miền Đông đi về hướng QL13 (Thủ Đức) giao thông tê liệt hoàn toàn. Theo chiều ngược lại, đoạn từ chân cầu Bình Triệu 2 về ngã tư Bình Phước khoảng gần 10km, hàng ngàn phương tiện nối đuôi nhau nằm “chết” tại chỗ.

Ùn tắc nghiêm trọng nhất là ngã tư Bình Triệu. Ngay cả khi có hệ thống đèn tín hiệu, người lưu thông vẫn không quan tâm mà ào ào ùn tới. Tại ngã tư này còn có đường ray xe lửa chạy qua, nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời thì sẽ xảy ra hậu quả khôn lường cho người lưu thông.

 Đèn báo hiệu tại ngã tư Bình Triệu mất tác dụng khi lượng người đổ về quá tải

Trao đổi về tình trạng ùn tắc trong những ngày qua, ông Dương Quang Châu - Phó giám đốc đầu tư công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật (TP.HCM), chủ đầu tư dự án cầu Bình Triệu giai đoạn 2 cho biết, trước đây các loại phương tiện vẫn lưu thông bình thường trên cầu 1, nhưng cuối năm 2009, tại đây xảy ra sự cố rớt gối cầu. Nay cầu đang trong giai đoạn tháo nhịp cầu bằng thép và đổ bằng bê-tông nên phải cấm các phương tiện lưu thông.

Cầu Bình Triệu 1 có tuổi thọ gần 50 năm, là tuyến huyết mạch quan trọng nối giữa TP.HCM và các tỉnh khác vì thế mặc dù cấm các phương tiện có trọng tải lớn lưu thông 2 chiều trên cầu 2 nhưng vẫn gây ùn ứ, kẹt cứng vì hàng ngày chiếc cầu này “phải gánh” hàng vạn phương tiện các loại.

Không thể lưu thông, nhiều người ghé vào quán bên đường chờ hết kẹt xe

Theo ông Châu, để tránh ách tắc giao thông người dân chỉ có cách lưu thông trên cầu Bình Triệu 2 trước lúc 6 giờ sáng.

Trong khi đó, Trung tá Thân Thành Hy – đội CSGT quận Bình Thạnh cho biết, sau 2 ngày túc trực, tình trạng kẹt xe vẫn tiếp diễn. Trước mắt lực lượng CSGT chỉ phân luồng để điều tiết giao thông mà thôi chứ không  biết làm gì hơn.

Để tránh ách tắc giao thông và đảm bảo cho các phương tiện xe tải trên 3,5 tấn và xe khách trên 16 chỗ vào thành phố, Sở GTVT đã chỉ treo bảng hướng dẫn các địa điểm như sau:

Địa điểm 1: Đối với các xe trong khu vực TP: Lưu thông hướng từ quận Bình Thạnh về quận Thủ Đức: Điện Biên Phủ - Xa lộ Hà Nội - Quốc lộ 1A - Quốc lộ 13. Lưu thông hướng từ quận Thủ Đức về quận Bình Thạnh: Quốc lộ 13 - Quốc lộ 1A - Xa lộ Hà Nội - Điện Biên Phủ.

Địa điểm 2: Với các xe từ Bến xe Miền Đông đi các tỉnh: Bến xe Miền Đông - Đinh Bộ Lĩnh - Nguyễn Xí - Ung Văn Khiêm - Điện Biên Phủ - Xa lộ Hà Nội. Bến xe Miền Đông - Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng - Xô Viết Nghệ Tĩnh - Điện Biên Phủ - Xa lộ Hà Nội.

Địa điểm 3: Với các xe từ các tỉnh về Bến xe Miền Đông: Hướng từ tỉnh Đồng Nai về TPHCM: Quốc lộ 1A - Xa lộ Hà Nội - Điện Biên Phủ - Xô Viết Nghệ Tĩnh - Quốc lộ 13 - Bến Xe Miền Đông.Hướng từ tỉnh Bình Dương, Bình Phước về TPHCM: Quốc lộ 13 - Quốc lộ 1A - Xa lộ Hà Nội - Điện Biên Phủ - Xô Viết Nghệ Tĩnh - Quốc lộ 13 - Bến Xe Miền Đông. Hướng từ các tỉnh miền Tây về TPHCM: Quốc lộ 1A - Xa lộ Hà Nội - Điện Biên Phủ - Xô Viết Nghệ Tĩnh - Quốc lộ 13 - Bến Xe Miền Đông; hoặc Quốc lộ 1A - Nguyễn Văn Linh - Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Tất Thành - Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh - Điện Biên Phủ - Xô Viết Nghệ Tĩnh - Quốc lộ 13 - Bến Xe Miền Đông.

Sỹ Hưng

Bình luận
vtcnews.vn