“Đánh” thương hiệu để DN không phá hoại môi trường

Thời sựThứ Tư, 02/06/2010 05:45:00 +07:00

(VTC News) – Ngoài phạt hành chính về vi phạm MT, tới đây có thể có chế tài “đánh” vào thương hiệu để cổ phiếu trên thị trường chứng khoán của DN sụt giảm.

(VTC News) – Ngoài phạt hành chính về vi phạm môi trường, tới đây có thể có chế tài là sẽ “đánh” vào thương hiệu để cổ phiếu trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp sụt giảm…

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trao đổi với báo chí như vậy tại buổi thảo luận tổ của đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nôi (chiều 31/5) về dự thảo Thuế môi trường.

- Thưa Bộ trưởng, nhiều ĐBQH cho rằng, Luật thuế bảo vệ môi trường đánh thuế môi trường đối với xăng dầu dễ nảy sinh mất công bằng và thuế chồng thuế?

Thuế môi trường đánh thuế xăng dầu trước. Tiêu thụ xăng dầu là gây ô nhiễm, việc nộp thuế là để trả cho giá môi trường bị đang “ăn”.

Đừng hiểu đơn giản là tính thuế vào giá xăng dầu là giá tăng lên một cách cơ học, mà cần xem xét đến việc nhiều cái giảm có lợi cho toàn xã hội, cụ thể là môi trường được cải thiện. Tôi lấy ví dụ,  xăng dầu là 10.000 đồng/lít, không phải thêm 1.000 đồng môi trường thì tổng số tiền sẽ là 11.000 đồng mà giá bán ra vẫn có thể chỉ là 10.000 đồng/lít, nhưng phải trích 1.000 đồng ra để trả cho giá môi trường bị hủy hoại. Cách tính của thuế là vậy.

Đại biểu Phạm Khôi Nguyên đang trả lời phỏng vấn. Ảnh: Kiều Minh 

- Áp thuế môi trường đối với xăng dầu sẽ gây ra nguy cơ tăng giá và tạo thêm gánh nặng chi tiêu cho người dân, Bộ trưởng nghĩ thế nào về việc này?

Việc này đúng là phải tính, nhưng khẳng định là không thể không đánh thuế xăng dầu. Bộ Tài chính sẽ phải tính sâu hơn cơ cấu giá khi tính thuế môi trường.

Tôi cho là việc đánh thuế môi trường theo đề xuất của Ban soạn thảo luật là hợp lý. Mặc dù người dân có thể phản ứng nhưng phải tính đến là có thuế, người dân sẽ hạn chế tiêu thụ xăng dầu, đồng thời doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải tiết giảm chi phí để giảm giá thành.

- Dự thảo Luật thuế môi trường chỉ đề cập đến 5 đối tượng hàng hóa phải nộp thuế trong khi có rất nhiều loại hàng hóa gây ô nhiễm môi trường?

Đây là vấn đề rất mới mà Việt Nam đang tiếp cận và đưa ra Quốc hội thảo luận. Danh mục đối tượng chịu thuế môi trường sẽ được tiếp tục bổ sung.

- Luật thuế này cho thấy chỉ xử lý ở mức độ kinh tế nhiều hơn là răn đe với hành vi làm tổn hại môi trường, hầu như chưa có vụ vi phạm môi trường nào bị xử lý hình sự?

Nói về môi trường phải là tổng hợp các giải pháp, một giải pháp là không thể giải quyết được. Thuế là do tài khéo của bàn tay nhà nước để dùng thuế điều tiết khuyến khích lĩnh vực sản xuất sạch, hạn chế lĩnh vực sản xuất hại môi trường.

Sau vụ việc Vedan đã thức tỉnh Nhà nước về cơ chế chính sách đối với vấn đề môi trường. Vụ việc của Vedan tôi rất muốn xử hình sự, rất muốn đưa ra tòa nhưng hành lang pháp lý chưa đủ để xử Vedan. Sau Vedan đã kiến nghị ra Quốc hội để sửa luật, các quy định pháp luật liên quan để sau này có thể xử đúng tội tương tự như doanh nghiệp này.

Hành vi vi phạm môi trường trước đây chỉ phạt 70 triệu nhưng nay có thể phạt tối đa tới 500 triệu. Tới đây có thể chế tài nữa là sẽ đánh vào thương hiệu, đánh vào thông tin doanh nghiệp để cổ phiếu của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp sụt giảm, kể cả doanh nghiệp Việt Nam.

Vừa rồi, mối động một chút mà chứng khoán của Vedan ở thị trường Hong Kong sụt giảm. Tới đây, Vedan không tiếp tục giải quyết đền bù cho người dân thì chúng tôi sẽ tiếp tục có biện pháp xử lý.

Theo đó, sẽ dấy lên nhưng phong trào tẩy chay không sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp “ăn” trên giá môi trường… Phải dùng nhiều biện pháp mới mong doanh nghiệp thấy sợ mà không phá hoại môi trường.

- Xin cảm ơn ông!

Kiều Minh (ghi)

Bình luận
vtcnews.vn