QH chưa hài lòng về điều hành kinh tế của Chính phủ

Thời sựThứ Bảy, 22/05/2010 07:37:00 +07:00

(VTC News) - Vấn đề được nhiều Đại biểu quan tâm nhất là Chính phủ cần xác định tái cấu trúc lại nền kinh tế hậu khủng hoảng và có giải pháp để cứu môi trường.

(VTC News) - Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nhất là Chính phủ cần xác định tái cấu trúc lại nền kinh tế hậu khủng hoảng, có giải pháp để giải quyết vấn nạn môi trường, cải cách hành chính...

Sáng nay (22/5) Quốc hội đã thảo luận ở tổ về Báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2009 và việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2010.

Ghi nhận những nỗ lực trong điều hành của Chính phủ để vực nền kinh tế thoát khỏi khó khăn trong năm 2009, đồng thời các ĐB cũng tập trung mổ xẻ những nguyên nhân khiến cho tăng trưởng kinh tế năm 2009 thấp nhất trong 10 năm trở lại đây và sự phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2010 chưa thật vững chắc.

Lơ lửng nguy cơ tái lạm phát
 
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) băn khoăn nhất là nguy cơ tái lạm phát rất cao do nguyên nhân chi phí đẩy, cộng với yếu tố tâm lý. Đặc biệt là trong bối cảnh Chính phủ điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng như xăng, điện, than, nước…. từ đầu năm 2010.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCMbăn khoăn nhất là nguy cơ tái lạm phát rất cao do nguyên nhân chi phí đẩy, cộng với yếu tố tâm lý.

Theo chuyên gia kinh tế này, năm 2010 chỉ tiêu tăng tưởng GDP 6,5% là hoàn toàn có thể thực hiện được, nhưng chỉ giải quyết được ngắn hạn, còn trung và dài hạn thì chưa đảm bảo vì chúng ta càng xuất khẩu thì càng nhập siêu nhiều. Đại biểu này đưa ra một ví dụ cụ thể: Thịt lợn chúng ta ăn hàng ngày, tưởng là nuôi ăn thì không phải nhập khẩu nhưng thực  tế phải nhập khẩu một lượng bột cá lớn đến mức giật mình, trong khi đường bờ biển nước ta dài, thủy sản rất dồi dào. ĐB này cho rằng: “Chúng ta biện minh là nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất nhưng thực tế là chúng ta đang nhập khẩu tiêu dùng”. Vì  vậy, ĐB Trần Du Lịch nhấn mạnh rằng vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế rất quan trọng trong thời điểm này.

Cùng băn khoăn về phương án tái cơ cấu nền kinh tế, ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội), cho rằng việc tái cơ cấu nền kinh tế chưa rõ ràng, chưa hoạch định thế nào về kinh tế vùng miền, kinh tế cốt lõi của đất nước. “Chúng ta cần định ra ngành nghề ưu tiên cốt lõi dựa trên ưu thế của chúng ta. Theo tôi, đó là nông nghiệp và thủy hải sản. Chúng ta nên hiện đại hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp chế biến, trồng trọt thì đúng hơn”, ĐB Loan nêu vấn đề.

Bà Loan cho rằng nếu cứ đổ lỗi cho khách quan thì “giải pháp đưa ra sẽ không trúng, không triệt để, không giải quyết được vấn đề”.

"Chúng ta nhằm vào từng mục tiêu: tăng trưởng, lạm phát, tổng đầu tư xã hội… thế nhưng, cần nhất là một chiến lược tổng thể để đón cơ hội thì lại chưa có", Phó đô đốc, Tư lệnh quân chủng Hải quân, Trung tướng Nguyễn Văn Hiến đã định như vậy về cách điều hành kinh tế xã hội của Chính phủ

Phân tích những nguyên nhân để nền kinh tế thoát khỏi khó khăn, ĐB Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM) cũng bày tỏ sự đồng ý với báo cáo của Chính phủ rằng chúng ta chuyển hướng kịp thời, khi lạm phát năm 2008 thì chúng ta thắt chặt tiền tệ, khi suy thoái thì chúng ta nới lỏng tương đối nên phù hợp với tình hình. 

Tuy nhiên, đại biểu này cho rằng bội chi 6,9%, dự báo thâm hụt ngân sách là 1,9 tỷ USD nhưng trên thực tế con số thâm hụt lên tới 8,8 tỷ USD (gấp 4 lần dự báo và cao nhất trong những năm gần đây) là rất trầm trọng.

Về việc tăng giá một số mặt hàng thiết yếu như xăng, điện, than, nước… ĐB Trừng cho rằng “tăng theo giá thị trường là đúng nhưng tăng một lúc… thì kẹt lắm. Ngăn nguy cơ lạm phát nhưng làm vậy thì làm sao ngăn?”.

Dân bức xúc vì môi trường, bất an về thủ tục hành chính

Vấn đề môi trường khiến nhiều ĐB rất không hài lòng. Bởi trong số 8 chỉ tiêu không đạt thì có tới 4 chỉ tiêu về môi trường. ĐB Nguyễn Đăng Trừng gay gắt: “Bà con bệnh, Vedan hai năm không giải quyết dứt điểm. Vậy chúng ta phát triển để làm gì?”. ĐB này đề nghị trong kỳ họp này QH phải xem xét lại vấn đề môi trường.

ĐB Trần Đình Long (Đắk Lắk) đặt câu hỏi: “Với cách quản lý và điều hành hiện nay, bao lâu nữa phải đổi tên sông Hồng thành… sông Đen?”. Và ĐB đưa ra một phép tính đáng giật mình: “GDP của TP.HCM từ giải phóng đến giờ chỉ đủ để xử lý ô nhiễm của một con sông. Rút cuộc, chúng ta đầu tư làm gì?”. ĐB này nêu quan ngại. :“Chúng ta cứ lo rót vốn, lo làm kinh tế, để cuối chặng đường dài quay lại, lại gồng lên xử lí ô nhiễm cũng không đủ”.

ĐB Trần Hoàng Thám (TP.HCM) thì cho rằng hiện nay đi đâu cũng nêu vấn đề về môi trường, ĐB này nói thẳng: “Tôi có cảm giác trong điều hành, Chính phủ bất lực với vấn đề này”.

Cùng quan điểm trên, ĐB Lê Văn Hưng (Hưng Yên) chỉ ra thiếu sót, khi báo cáo nêu ra 7 nhiệm vụ thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế xã hội nhưng lại không có giải pháp nào về giải quyết vấn đề môi trường.

Ngoài vấn đề “nóng” về môi trường, ĐB Trần Hoàng Thám còn cho rằng, trong điều hành kinh tế - xã hội, Chính phủ đang thả nổi về vấn đề lao động: “Tôi đã đề cập cách đây 2 năm rồi nhưng thao tác điều hành của Chính phủ rất lúng túng. Mình nói thừa lao động, lao động rẻ nhưng nhiều lĩnh vực thiếu trầm trọng, làm hạn chế phát triển. Vì vậy, Chính phủ cần quyết tâm cao hơn”.

Bên cạnh đó, cũng theo ĐB Trần Hoàng Thám, trong báo cáo năm 2009 Chính phủ tự phê bình là cải cách hành chính chậm, nhưng trong báo cáo bổ sung gần như không đề cập. “Việc điều hành của cơ quan hành chính nhà nước để lại trong lòng dân không ít bất an, nhiều DN kêu, thủ tục hành chính dân cũng kêu. Hệ lụy của nhiều vấn đề chưa được cũng một phần do bộ máy quản lý hành chính nhà nước”, ĐB này nhận xét.

Rất nhẹ nhàng và ngắn gọn, chính xác, ĐB Phạm Phương Thảo (TP.HCM) chỉ ra rằng, có nhiều lễ hội rình rang, rất lãng phí, rồi kỷ luật trong chi ngân sách nhưng không hề thấy báo cáo đề cập tới.

Sau buổi thảo luận ở các tổ hôm nay, ngày 27/5 tới, QH sẽ dành cả ngày để thảo luận tại hội trường (truyền hình trực tiếp) về báo cáo nói trên của Chính phủ.

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2009, GDP tăng trưởng đạt 5,32% (thấp nhất trong vòng 10 năm gần đây và bằng 2/3 mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2000-2007), lạm phát 6,52%; bội chi 8,8 tỷ USD.

Trong 25 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu, có 17 chỉ tiêu đạt kế hoạch, 8 chỉ tiêu không đạt kế hoạch, trong đó có 4 chỉ tiêu về môi trường, các chỉ tiêu còn lại là việc làm, xuất khẩu lao động…

Năm 2010, phấn đấu tăng trưởng GDP khoảng 6,5%, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm phục hồi và tăng trưởng kinh tế nhanh, bên vững. 

Ngọc Linh - Hiền Lê


Bình luận
vtcnews.vn