Nước mắt cụ già gần trăm tuổi "mồ côi" giữa phố thị

Thời sựThứ Sáu, 14/05/2010 11:15:00 +07:00

(VTC News) - Giữa thành phố náo nhiệt có một cụ bà sống cô độc trong ngôi nhà với 4 bức tường cũ nát, bốc mùi ẩm mốc. Câu chuyện đời cụ nghe xót xa...

(VTC News) - Giữa thành phố Nam Định náo nhiệt, ngày ngày vẫn có một cụ bà sống cô độc trong ngôi nhà với 4 bức tường cũ nát, bốc mùi ẩm mốc. Câu chuyện cuộc đời cụ nghe xót xa...

Men theo con ngõ nhỏ, tôi đã tìm đến nhà cụ Triệu Thị Ngọ (số 9/5 Nguyễn Đức Thuận - phường Thống Nhất - TP.Nam Định). Nhà cụ nằm gần cuối dãy. Ngôi nhà cấp 4 xiêu vẹo chỉ chừng 10m2. Dù bên ngoài trời vẫn nắng chang chang nhưng phía sau cánh cửa gỗ khép hờ, ngôi nhà cụ lạnh lẽo và tối như hũ nút. Tôi cất tiếng gọi nhiều lần nhưng không nghe thấy tiếng trả lời. Một người hàng xóm thấy vậy bảo: “Cháu cứ gọi to rồi đẩy cửa mà vào. Cụ Ngọ già rồi, không nghe rõ đâu”.

Gương mặt cụ luôn phảng phất nỗi buồn từ hơn 40 năm nay do nỗi bất hạnh mất người thân.

Trong ngôi nhà ẩm thấp ấy, mái tóc lốm đốm bạc, nước da nhăn nheo cùng với khuôn mặt khắc khổ của cụ bà 96 tuổi ngay lập tức gây ấn tượng mạnh với tôi. Cố gắng lắm cụ Ngọ mới gượng dậy để tiếp chuyện và ký ức về quãng đời đầy khó nhọc, tủi hờn của một bà lão sống cô đơn gần 40 năm qua lần lượt hiện ra...

Cụ Ngọ có hai người con nhưng không may cả hai đều đã mất cách đây đã lâu. Con gái cụ, chị Nguyễn Thị Lịch, vốn xinh đẹp nổi tiếng khắp vùng. Cô Lịch cũng từng tham gia cách mạng trong vai trò là phát thanh viên chương trình tuyên truyền ở địa phương. Cụ Ngọ không thể nhớ chính xác khoảng thời gian cô Lịch qua đời. Chỉ biết đó là những ngày giặc Mỹ bắn phá ác liệt nhất, cô Lịch chẳng may bị trúng bom của kẻ thù trên đường từ nơi làm về nhà. Khi cô Lịch mất, một tay vẫn cầm sách, một tay cầm loa phát thanh, nằm trên đường gần nhà máy nước Nam Định. Được người dân báo, cụ Ngọ thất thần chạy tới rồi chỉ biết ôm con, vật vã khóc. Ngày cô Lịch mất cũng mới chỉ tròn tuổi đôi mươi.

Chẳng bao lâu sau, tới lượt chồng của cụ cũng ra đi sau một đợt cảm nặng. Cụ Ngọ nói trong nước mắt: ““Ngày đấy còn ít bệnh viện lắm, chỉ cảm lạnh thôi nhưng cũng không cứu được”.

Nghĩ về những người con và chồng đã mất, cụ Ngọ lại rơm rớm nước mắt.

Nhắc tới anh con trai thứ hai, cụ Ngọ càng khóc to hơn. Giọng cụ nghẹn lại xót xa. Anh Luyến, con trai cụ cũng qua đời khi chưa tròn 40 tuổi. Hôm ấy anh Luyến trên đường đi làm về qua khu chợ Mỹ Tho lúc trời đã xẩm tối. Thấy có đám thanh niên đứng chắn ngang đường đang trò chuyện, anh cất giọng xin: “Cho tôi đi nhờ đường của nhân dân cái nào”. Đám thanh niên côn đồ cho rằng anh nhạo báng chúng nên hò nhau đánh anh Luyến tới chết.

Quá đau xót vì mất con, cụ Ngọ lao tới nhà kẻ đã đánh chết anh Luyến đòi con. Ông bà Thân, cha mẹ của kẻ sát nhân, chỉ còn biết cúi lạy van xin cụ Ngọ. “Nhìn cảnh hai ông bà già cả chỉ biết khóc rồi bám lấy chân tôi van lạy xin cho con họ khiến tôi càng đau đớn hơn”. Cụ Ngọ càng bế tắc không biết giải quyết thế nào. Sau này, nhà ông bà Thân có tới đặt vấn đề xin lỗi nhưng người đã mất chẳng thể lấy lại được, nên bà Ngọ còn thiết gì đến những thứ người ta mang ra để tạ lỗi.


Sau ngày anh Luyến mất, vợ con anh cũng ra đi để cụ một mình trong căn nhà nhỏ. Trước những nỗi đau quá lớn liên tiếp ập tới, cụ Ngọ thần kinh rối loạn. Ngày ngày cụ ngẩn ngơ xin ăn ở góc đường, vỉa hè đông người qua lại, đủ tiền để bữa rau, bữa cháo qua ngày.

Ngày trước, cụ Ngọ có nhận nuôi một người cháu họ từ bé tên là Quế. Chị Quế hiện đã lấy chồng ở cách nhà cụ Ngọ không xa nên đã thay mặt cho những người con quá cố, nhận chăm sóc cho cụ. Ngày ngày chị Quế vẫn thường đi lại chăm lo cho cụ Ngọ. Dù thương cụ nhưng vì hoàn cảnh ngặt nghèo nên chị Quế cũng không giúp được cụ nhiều hơn.

Chị Quế hằng ngày đi khuân vác, phụ xây từ sáng sớm đến tối mịt. Ở đâu có việc cần nhờ đến sức khỏe, chị cũng chẳng nề hà. Hàng ngày, trước khi đi làm chị thường mua ít thức ăn đưa qua cho cụ Ngọ. Từ lâu, cụ Ngọ đã coi chị Quế như chính những người con ruột đã mất của mình. Từ ngày có chị Quế, cụ Ngọ vui vẻ hẳn lên. Căn bệnh tâm thần cũng dần dần thuyên giảm rồi hoàn toàn bình phục.

Nhắc tới chị Quế, gương mặt cụ Ngọ trở nên rạng rỡ. Cụ kể: "Cái Quế nó cũng khéo tay lắm ấy thế mà nhà chẳng có gì. Cứ sang đến đây là việc gì nó cũng làm, tôi không phải làm gì cả. Chẳng có gì để cho nó, tôi cũng đau lòng lắm”.
Hiện mỗi tháng cụ Ngọ được hỗ trợ 180 nghìn đồng tiền trợ cấp cho người tàn tật. Số tiền ít ỏi chẳng thể đủ chi phí tối thiểu nhất nên chị Quế thường phải phụ thêm để chăm sóc cụ.

Cụ Ngọ chỉ về một bên chân bị mất do chiến tranh.

Cụ Ngọ có kể ngày trước cũng đã từng tham gia du kích địa phương, trực tiếp cùng bộ đội địa phương chống lại nhiều trận đánh phá ác liệt của kẻ thù. Vừa nói cụ vừa chỉ vào một bên chân đã mất đi một nửa rồi bảo: “Đây là dấu tích ngày xưa tôi bị bọn giặc nó bắn. Đã hơn 40 năm rồi tôi không thể tự đi lại bình thường được”.

Ngày ấy, trong một trận càn của địch ở khu vực nhà máy nước Nam Định, một chiến sĩ của ta bị thương. Cụ Ngọ phải cõng anh bộ đội này chạy nhưng không may chính cụ Ngọ cũng dính phải luồng đạn của kẻ thù vào chân bên trái. Vết thương khá nặng, cụ phải cưa đi chỗ bị thương mới mong cứu được mạng sống. Từ ngày đó, hai bàn tay lại trở thành đôi chân giúp cụ di chuyển. Trước Tết, một nhóm bạn trẻ tình nguyện ở Nam Định đã biết được hoàn cảnh và mua tặng cụ một chiếc xe lăn giúp cụ di chuyển dễ dàng hơn.


Chiếc xe lăn các bạn trẻ tình nguyện tặng cụ Ngọ trước Tết.

Ông Trần Đức Lợi, Chủ tịch UBND phường Thống Nhất, TP.Nam Định, cho biết hoàn cảnh gia đình cụ Ngọ là một trong những trường hợp hết sức khó khăn của phường. Hiện tại, chính quyền phường cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên và có những phần quà biếu cụ Ngọ trong các dịp lễ Tết. Trước Tết Canh Dần, chính quyền phường trích 5 triệu đồng giúp cụ Ngọ sửa chữa căn nhà đón Tết.

Ông Lợi cũng cho biết thêm, cụ Ngọ cũng đã có lần trình bày mong muốn có được các chế độ cho người có công với cách mạng cho cụ và cô Lịch (con gái cụ Ngọ) nhưng hiện tại cụ không có giấy tờ chứng minh quãng thời gian phục vụ cách mạng nên chính quyền phường cũng không thể giúp đỡ được cụ.

Chia tay cụ nhưng hình ảnh về một cụ già gần trăm tuổi sống cô đơn trong căn nhà ẩm thấp, nghi ngút khói hương cứ vấn vương mãi trong tâm trí tôi trên suốt đuờng về.

Qua bài viết, báo điện tử VTC News mong  muốn bạn đọc cùng những Mạnh thường quân chung tay giúp đỡ để cụ Ngọ có thêm niềm vui trong cuộc sống ở tuổi xế chiều vốn rất cô đơn của cụ.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Cụ Triệu Thị Ngọ, số nhà 9/5 Nguyễn Đức Thuận, phường Thống Nhất, TP.Nam Định.






Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn