Bị đánh đập dã man, mẹ vẫn cắn răng chăm sóc con mình

Thời sựChủ Nhật, 02/05/2010 06:17:00 +07:00

(VTC News) - Những đứa con sinh ra đã chịu thiệt thòi trong xã hội; Người mẹ bị chính đứa con mình đánh đập dã man nhưng vẫn cắn răng chịu đựng để chăm sóc con

(VTC News) - Những đứa con sinh ra đã chịu thiệt thòi trong xã hội vì tật nguyền, tâm thần... khiến hàng xóm xa lánh; Người mẹ bị chính những đứa con bệnh tật của mình đánh đập dã man nhưng vẫn cắn răng chịu đựng để chăm sóc con, vì ngoài bà, không ai đủ tình thương và lòng kiên nhẫn để làm việc đấy. Có người mẹ vì muốn có tiền chữa bệnh cho con phải bán cả gia sản, vay tiền nóng hàng chục triệu đồng và đến nay vẫn còn trong vòng nợ nần túng thiếu.

Mong lắm một chiếc xe lăn cho con

Bà Nguyễn Thị Nhì (57 tuổi, ngụ 31/3 ấp 9, xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú, Bến Tre) là mẹ của 8 người con (6 trai, 2 gái). Hiện tại phần đông con của bà đều đã lập gia đình, sống xa cha mẹ, cuộc sống hầu hết khó khăn, túng thiếu...

Nhà chỉ còn lại vợ chồng bà Nhì và hai đứa con trai. Điều đáng nói là hai người con trai này đều bị bệnh tật, trong đó Nguyễn Văn Hào Em (25 tuổi) bệnh nặng nhất. Em bị suy tim, suy hô hấp do di chứng sốt bại liệt.

Lúc khi sinh ra Hào Em lành lặn, khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Nhưng sau một cơn sốt nặng lúc 2 tuổi, do nhà nghèo lại không hiểu biết về tình trạng bệnh con nên gia đình không đưa Em đến bệnh viện mà cứ để mặc cho “số trời” đã định. Vì thế di chứng mỗi ngày một nặng. Đến nay Hào Em bị suy tim, suy hô hấp, ngồi một chỗ, hai chân teo tóp, lưng bị gù cao, sức khỏe mỗi ngày một giảm sút. Mới 25 tuổi mà nhìn chàng thanh niên này như một cụ ông tuổi 60.

Năm 20 tuổi, Hào Em bị bệnh rất nặng tưởng như không qua khỏi. Nhà nghèo nhưng không nỡ nhìn con mình đau đớn, bà Nhì đã vay mượn tiền khắp nơi đưa Em đi chữa trị, giành giật cứu mạng sống của con trước lưỡi hái tử thần.

Nguyễn Văn Hào Em (25 tuổi) bị di chứng sốt bại liệt 

Kể từ khi em bị bệnh kéo theo công việc làm ăn của gia đình sa sút. Trước đây thu nhập chính của gia đình phụ thuộc vào gánh rau, gánh cháo khi thì thúng bánh mì của bà  Nhì. Nhưng sau đó, phần lo bệnh cho con không đi làm thường xuyên được, nợ nần chồng chất nên lần lượt những vật dụng trong nhà  “đội nón” ra đi, trong đó có cả vốn liếng mà bà dành dụm làm ăn từ bấy lâu. Gánh dẹp, người thất nghiệp, khó khăn chồng chất khó khăn.

Khi Hào Em trở bệnh nặng, bà chạy vạy khắp nơi và vay nóng được hơn 15 triệu đồng với mức lãi suất 10%/tháng, để cho con chữa bệnh. Sau này, vì tiền lãi quá cao nên bà đến ngân hàng địa phương vay với mức lãi suất thấp hơn, bà dùng tiền đó trả tiền nóng bên ngoài. Hiện tại bà vẫn còn nợ ngân hàng 15 triệu đồng. Để có tiền trả nợ, tiền cho con, bà Nhì làm thuê, làm mướn bất cứ ở đâu có người gọi như ở Cần Thơ, Sài Gòn – Chợ Lớn…

Mẹ đi làm xa để kiếm tiền ở nhà chỉ có hai anh em cùng mang tật bệnh giúp đỡ, nương tựa nhau. Người anh thứ tư tên Nguyễn Văn Thiền (37 tuổi) bị bệnh gai cột sống. Làm việc nặng nhọc rất khó khăn nhưng vẫn đi lại được, phụ giúp những việc nhẹ nhàng trong gia đình, trong đó có việc chăm sóc cho em Hào Em bị bại liệt.

Còn chồng bà, ông Nguyễn Văn Bên, gần 60 tuổi cũng phải một thân một mình ở xa làm công cho những chuyến đi biển như câu mực, mò nghêu ở tận Kiên Giang, khoảng 20 ngày mới về thăm con và gia đình một lần.

Khi hỏi người mẹ mong ước điều gì cho con, bà không nén được giọng nấc nghẹn: “Mong có được một chiếc xe lăn để cho việc di chuyển Hào Em được dễ dàng, thuận tiện”.

Gánh nặng oằn vai người mẹ

Gia đình bà Trần Thị Thơ (52 tuổi, ngụ 18/2 ấp 9, xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú, Bến Tre) lại có hoàn cảnh bi đát không kém khi người con trai  duy nhất là Nguyễn Văn Tuấn (28 tuổi) bị bệnh tâm thần nặng.

Bà nghẹn ngào kể: “Nó bị bệnh từ năm 17 tuổi. Lúc đầu thấy nó có những biều hiện bất thường như bỏ nhà đi, trong lúc ăn bỗng dưng đập tô chén, có lúc cáu gắt, có khi lại trầm ngâm suy nghĩ nhưng vì gia đình nghèo, khó khăn nên không chữa trị cho Tuấn ngay từ đầu vì thế bệnh tình Tuấn mỗi lúc một nặng thêm".

Năm 2006, một cơn mưa lớn kèm gió lốc mạnh đã làm tốc mái ngôi nhà xiêu vẹo của gia đình. Lúc đó ông Nguyễn Văn Chơi (70 tuổi) – chồng bà Thơ, vội trèo lên cột kèo để lợp lại mái, chèn thêm bao cát chống gió bất ngờ trượt chân té xuống đất. Ông bị gãy gập cột sống cổ, nằm liệt giường hơn 4 tháng sau thì chết.Mọi gánh nặng gia đình tiếp tục oằn vai bà Thơ kể từ ngày đó.

Bà Trần Thị Thơ với đứa con trai duy nhất bị bệnh tâm thần.

Vợ chồng bà có 3 người con (1 trai, 2 gái). Người con gái đầu cũng bị bệnh chậm phát triển trí não, khờ khạo. Năm 18 tuổi, có người hàng xóm nhờ chị này đi lấy tiền ở xa về. Đến chiều tối khi đi qua sông không có đò, chị lội qua và chết đuối.  Đến Tuấn lại bị bệnh tâm thần, chỉ còn một người em gái út đã lấy chồng, lập nghiệp ở xa, cuộc sống khó khăn nên cũng ít khi về thăm bà.

Người bà Thơ gầy nhom, cộng với bệnh kéo “mây” khiến mắt mờ, tai lãng. Bà tâm sự: “Hộ tôi được xếp vào hộ nghèo của xã. Trước đây, Công ty SXKT tỉnh Bến Tre cũng đã có trao tặng căn nhà tình nghĩa trị giá khoảng 7 triệu đồng nhưng nay căn nhà đã xuống cấp, hư hỏng nặng”. Bà cũng cho biết thêm, vì được chuẩn hộ nghèo nên hàng tháng bà nhận trợ cấp 180.000 đồng.

Nói về bệnh tình Tuấn, bà Thơ kể: “Những lúc tâm trạng nó tương đối ổn thì không sao nhưng những khi nó lên cơn thì bất kể ai nó cũng rượt đánh. Có dạo tui mang cơm đến cho nó ăn, nó không ăn mà còn đập bể chén rồi dùng cây chổi quất mạnh liên tiếp vào mạng sườn trái của tôi. Đến tận bây giờ, khi trái gió trở trời hay khi cơ thể yếu là tôi hít thở khó khăn lắm”.

Hành động không tự chủ được bản thân của anh Tuấn mang lại cho mẹ và những người khác là điều không ai muốn. Thế nhưng những người biết chuyện thì sợ sệt, xa lánh không ai dám đến gần Tuấn.Chỉ có người mẹ  không ngại khó khăn hay sợ con mình trở chứng đánh đập mới có thể cận kề chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ cho con. Tuy nhiên để phòng những khi Tuấn bị “động kinh” bỏ nhà đi, đập đồ, quậy phá bà đã sắm một sợi xích để giam con tạm thời những khi bà đi vắng.

Hạnh phúc vì được làm từ thiện

Đông đảo bà con nghèo tại Bến Tre được đoàn công tác xã hội khám bệnh, cấp thuốc
Ngày 25/04, đoàn công tác xã hội gồm các y, bác sĩ Bệnh viện 115, Bệnh viện chấn thương chỉnh hình, khoa Nội tiết Sài Gòn, Trung tâm y tế Q.6 cùng tập thể cán bộ nhân viên Công ty Năng lượng sinh học TP.HCM, Siêu thị 24h, chi hội từ thiện Bảo Hòa… đã đến thăm hỏi, khám chữa bệnh, trao thuốc, tặng quà cho hơn 300 người dân xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.

Qua đợt khám bệnh lần này, các bác sĩ trong đoàn cho biết, phần lớn bà con bị các bệnh cao huyết áp (tỉ lệ 10 người thì 6 người bị mắc phải), tiếp đó là loãng xương, thấp khớp, triệu chứng tiểu đường, bệnh về mắt, suy dinh dưỡng… Chị Nguyễn Thị Kim Loan – Điều dưỡng trưởng, khoa ngoại tổng hợp bệnh viện 115: “Tôi cảm thấy sự mong mỏi của người dân muốn khám bệnh. Nhìn cảnh những cụ già lớn tuổi chen lấn, tranh nhau chờ đến lượt mình được khám bệnh, tự dặn lòng mình, không để sót bất kì một ai trong đợt khám lần này. Quan niệm của chúng tôi dù làm từ thiện nhưng vẫn hết lòng vì bệnh nhân, dù mệt nhưng rất vui”.

Ngoài lời cảm ơn chân thành từ những người dân nghèo, Đoàn công tác từ thiện đã nhận được 5 Bằng khen và 6 thư cảm ơn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bến Tre trao tặng.






Phan Cường

Trong cuộc sống, bạn biết thêm những hoàn cảnh đáng thương nào khác như bà Nhì, bà Thơ được nêu trong bài viết, hãy chia sẻ với báo điện tử VTC News bằng cách bấm vào dòng chữ Viết thảo luận cho bài báodưới đây. Gõ tiếng Việt có dấu để được đăng tải. Trân trọng!

Bình luận
vtcnews.vn