Đại biểu Quốc hội bị bí thư xã hành xử thô bạo nói gì?

Thời sựThứ Năm, 08/04/2010 11:27:00 +07:00

(VTC News) - Bà Phạm Thị Loan cho rằng, người đại diện cho Đảng mà có hành xử như Bí thư xã Phú Lão thì phải xử lý tư cách Đảng.

(VTC News) - Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Thị Loan cho rằng, người đại diện cho Đảng mà có hành xử như Bí thư xã Phú Lão (xua tay không tiếp, gọi công an đến truy hỏi, khoa cổng không cho xe của đại biểu quốc hội ra...) thì phải xử lý tư cách Đảng.

Bà Phạm Thị Loan, ĐBQH khóa XII thuộc Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, đề nghị như vậy trong cuộc trao đổi với VTC News, về sự việc bà bị một bí thư xã "hành" vào đầu xuân 2010.

Thời điểm ấy, bà Loan về lễ Mẫu Đầm đa ở xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình và nhận thấy một số bất cập trong việc tổ chức thu phí, lập hang động mới đưa tượng vào thờ và khoán thu tiền công đức... nên đã đến gặp lãnh đạo xã để góp ý về công tác văn hóa tâm linh, và tìm hiểu vấn đề quần chúng phản ánh. Tại đây, bà Loan đã bị "quan xã" hành xử... thô bạo.

Bà Phạm Thị Loan, đại biểu Quốc hội khóa XII thuộc Đoàn ĐB Quốc hội TP. Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội. Ảnh: Kiều Minh


- Thưa bà, được biết, với tư cách ĐBQH, bà đã đến góp ý với lãnh đạo xã Phú Lão (huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) về một số vấn đề bất cập mà bà tận mục sở thị trên địa bàn, và đã bị Bí thư xã Phú Lão bất hợp tác, thậm chí khóa cổng trụ sở không cho ra về. Bà có thể nói rõ hơn về sự việc này?

Sự việc như tôi đã nêu trong đơn thư gửi lãnh đạo tỉnh Hòa Bình. Ngay khi Bí thư xã Phú Lão bất hợp tác, gọi công an xã đến truy hỏi tôi và khóa cổng trụ sở không cho tôi ra, tôi đã gọi điện cho Chủ tịch tỉnh Hòa Bình và đồng chí này đã có chỉ đạo xuống xã Phú Lão, nhưng họ cũng không mở cửa. Cho đến khi Bí thư huyện Lạc Thủy trực tiếp đến thì cửa mới được mở để tôi ra về.

Về sự việc này, không chỉ với bản thân tôi mà là vấn đề chung khiến dư luận xã hội hết sức quan tâm, bức xúc trước sự lộng hành của một số lãnh đạo chính quyền tại đây. Họ cần phải có cách nhìn nhận và hành xử vì lợi ích chung của xã hội.

- Thưa bà, cũng có ý kiến cho rằng ngoài những tình tiết bà nêu trong đơn thư gửi lãnh đạo tỉnh Hòa Bình thì bản chất sự việc có thể có thêm nhiều tình tiết khác mới dẫn đến việc ông Bí thư hành xử như vậy. Thậm chí có ý kiến cho rằng việc bà làm là không đúng quy định, ý kiến của bà thế nào?

Chức năng giám sát của Quốc hội

Theo quy định tại Ðiều 84 Hiến pháp 1992, Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân thủ theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xét báo cáo hoạt động của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Chức năng giám sát của Quốc hội được thực hiện thông qua các hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội như Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội và Ðại biểu Quốc hội.

Không có sự việc gì khác cả. Việc bị giữ tại trụ sở không phải chỉ một mình tôi mà còn có cả 2 cán bộ của Đài truyền hình tỉnh Hòa Bình. Tôi cũng nói rất nhã nhặn mình là ĐBQH đến góp ý và tìm hiểu thêm sự việc mà tôi chứng kiến trên địa bàn, nhưng hôm đó ông Bí thư bảo với tôi là nghỉ không tiếp.

Một người đại diện cho Đảng ở cấp cơ sở - bí thư xã mà hành xử như thế là không xứng đáng.

Việc tôi đến góp ý thì không chỉ là ĐBQH mà bất cứ người dân nào cũng có quyền góp ý trước những sự việc "chướng tai gai mắt". Còn việc chuyển đơn thư của người dân tố cáo Bí thư xã Phú Lão có nhiều hành vi lạm dụng quyền hành và lấn chiếm đất công, tôi làm theo đúng trình tự quy định, và tôi đã chuyển đơn thư tố cáo của nhân dân cho Đoàn đại biểu Quốc hội Hòa Bình.

Tôi khẳng định rằng, ĐBQH thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội, Luật tổ chức Quốc hội cũng quy định ĐBQH có quyền được cung cấp thông tin, quyền bất khả xâm phạm... Trong sự việc này ông Bí thư xã Phú Lão đã phạm luật.

- Bà đã có đơn thư gửi lãnh đạo tỉnh Hòa Bình đề nghị chấn chỉnh và xử lý hành vi của ông Bí thư xã Phú Lão Trần Đình Thú và kiến nghị tỉnh này xem xét đơn thư tố cáo của người dân đối với ông Bí thư này. Hiện sự việc đã được tỉnh Hòa Bình giải quyết thế nào, thưa bà?

Chưa có phản hồi gì. Tôi cũng đã thông báo cho Đoàn ĐBQH Hòa Bình về sự việc này, đồng thời cũng chuyển đơn thư tố cáo của người dân. Đoàn ĐBQH Hòa Bình có gửi thư lại là sẽ giải quyết và trả lời thông báo kết quả. Nhưng đến giờ tôi cũng chưa thấy.

- Trong quá trình làm việc, bà đã gặp hay biết những trường hợp bị "hành" như vậy chưa?

Bản thân tôi thì chưa bao giờ gặp. Tôi nghĩ, con người ít nhất cũng phải tôn trọng nhau, nhất là lại ở cương vị cán bộ nhà nước. Trong khi ở sự việc lần này, tôi đã đưa thẻ ĐBQH mà ông Bí thư còn lệnh cho công an đến đòi tôi khai báo chương trình làm việc, thậm chí có những lời không hay về ĐBQH... Tôi nghĩ hành động này là coi thường pháp luật, coi thường đại diện của nhân dân.

Còn trong cuộc sống, tôi cũng nghe nhiều về cách hành xử như thế.

- Theo bà thì sự việc nên xử lý thế nào?

Theo tôi thì phải xử lý tư cách Đảng đối với người đại diện cho Đảng mà có hành vi như vậy. Còn việc tôi "tận mục sở thị" về một số bất cập trong việc tổ chức thu phí, lập hang động mới đưa tượng vào thờ và khoán thu tiền công đức... tôi cho rằng "buôn thần bán thánh" là không được. Tôi đã đến đó nhiều năm rồi và thấy rất bức xúc về việc này.

Tôi cũng làm việc trong Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội nên muốn những việc liên quan đến thu phí cần xử lý đúng luật, không thể ngang nhiên "ngáng đường chặn tiền", cần phải có quy định rõ ràng và tiền thu phải nộp vào ngân sách Nhà nước.

- Cảm ơn những ý kiến trao đổi của bà!

Theo những quy định trong Luật bầu cử ĐBQH, Luật Tổ chức Quốc hội, Quy chế hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH, một số Quyền hạn của ĐBQH được quy định như sau:

Quyền trình dự án luật: Quốc hội có quyền trình kiến nghị về luật, pháp lệnh; trình dự án luật, pháp lệnh theo trình tự do pháp luật quy định.

Quyền chất vấn: Ðại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Cơ quan và cá nhân bị chất vấn có nghĩa vụ trả lời chất vấn.

Trong thời gian giữa hai kỳ họp, chất vấn được gửi đến Uỷ ban thường vụ Quốc hội để chuyển đến cơ quan hoặc người bị chất vấn và quyết định thời hạn trả lời chất vấn. Tuỳ theo nội dung và tính chất của chất vấn, Uỷ ban thường vụ Quốc hội có thể quyết định người bị chất vấn phải trả lời chất vấn trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Quyền bất khả xâm phạm: Đại biểu Quốc hội được pháp luật bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Những hành vi cản trở đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Ðại biểu Quốc hội không thể bị cơ quan, đơn vị nơi đại biểu làm việc cách chức, buộc thôi việc nếu không có sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc của công dân, đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan thi hành những biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi trái pháp luật đó. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu, cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thông báo cho đại biểu Quốc hội biết việc giải quyết. Quá thời hạn nói trên mà cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị không trả lời thì đại biểu Quốc hội có quyền kiến nghị với người đứng đầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên, đồng thời báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Quyền được cung cấp thông tin: Ðại biểu Quốc hội được cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động của Quốc hội và được quyền yêu cầu các cơ quan chức năng cung cấp thông tin phục vụ cho hoạt động của mình.








Trần Vũ (thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn