19 tập đoàn, tổng cty Nhà nước đạt doanh thu hơn 1.100 nghìn tỷ đồng năm 2022

Đầu TưThứ Năm, 15/12/2022 11:04:00 +07:00
(VTC News) -

Tổng doanh thu của 19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đạt 1.123 nghìn tỷ đồng (114% kế hoạch), 15/19 đơn vị hoàn thành và vượt kế hoạch, trừ EVN lỗ đột biến.

Con số này được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đưa ra tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023.

Theo báo cáo của các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, năm 2022, chỉ có EVN lỗ đột biến (ước lỗ 31.000 tỷ đồng) do nguyên nhân khách quan.

Tổng lợi nhuận trước thuế của 18 tập đoàn, tổng công ty ước đạt gần 40 nghìn tỷ đồng (bằng 173% kế hoạch và bằng 117% so với năm 2021). Trong đó, 15/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 17/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế; 16/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách Nhà nước.

Về thực hiện và giải ngân vốn đầu tư, có 41 dự án nhóm A, 125 dự án nhóm B đã được các tập đoàn, tổng công ty phê duyệt, triển khai thực hiện, hoàn thành đầu tư.

19 tập đoàn, tổng cty Nhà nước đạt doanh thu hơn 1.100 nghìn tỷ đồng năm 2022 - 1

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo kết quả công tác năm 2022.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng và các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật để triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư; trong đó, có 10 dự án lớn, quan trọng, cấp thiết đã chậm tiến độ từ nhiều năm, với tổng mức đầu tư khoảng 259 nghìn tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dịch bệnh COVID-19 kéo dài gần 3 năm kết hợp với tình hình chính trị quốc tế biến động phức tạp, bất ổn, khó dự báo, tác động tiêu cực đến xã hội và nền kinh tế đã gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp như nguồn nhân lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh thiếu hụt cục bộ; giá nguyên, nhiên vật liệu, vật tư đầu vào, nhất là sắt, thép, xăng dầu, chi phí logistics tăng cao, làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, thị trường xuất nhập khẩu chịu nhiều tác động từ cuộc khủng hoảng tại Ukraine; diễn biến tỷ giá USD/VND biến động mạnh; suy thoái kinh tế, lạm phát ở một số nước là đối tác quan trọng của doanh nghiệp Việt Nam tăng cao làm nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, các đơn hàng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam giảm mạnh hoặc có xu hướng chững lại.

"Do những khó khăn khách quan, một số tập đoàn, tổng công ty có mức lợi nhuận âm, trong đó có những doanh nghiệp  quy mô lớn, có vai trò trọng yếu như EVN, VNA... làm ảnh hưởng không nhỏ tới tổng lợi nhuận của 19 tập đoàn, tổng công ty", ông Cảnh nhấn mạnh.

Thành Lâm
Bình luận
vtcnews.vn