Các tiêm kích thế hệ thứ 5 hiện đại nhất thế giới (P3)

Khám pháThứ Bảy, 23/10/2010 11:00:00 +07:00

(VTC News) – Mặc dù hiện nay mới chỉ có Mỹ sở hữu máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5, song trong một vài năm tới cả Nga, Nhật,Trung Quốc và Ấn Độ cũng sẽ sở hữu.

(VTC News) – Mặc dù hiện nay mới chỉ có duy nhất nước Mỹ là đang sở hữu máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 trong biên chế, song trong một vài năm tới dòng máy bay tiêm kích loại này có thể sẽ có mặt ở Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc… 

 

5. Máy bay tiêm kích ATD-X của Nhật Bản.


 Mô hình máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 ATD-X của Nhật Bản.

Hiện các thông tin chính thức về đặc tính kỹ - chiến thuật của máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 của Nhật Bản vẫn chưa được tiết lộ, song theo nhận định đánh giá của một số chuyên gia thì trong tương lai loại máy bay này sẽ là một trong những loại tiêm kích hiện đại nhất thế giới.

 

Máy bay tiêm kích dự án ATD-X (Advanced Technology Demonstrator X) được nghiên cứu thiết kế tại viện nghiên cứu và thiết kế kỹ thuật (TRDI) Bộ Quốc phòng Nhật Bản và hãng Mitsubishi Heavy Industries.

 

Vào năm 2005, ATD-X đã được tiến hành kiểm tra khả năng “qua mắt” radar, năm 2006 bắt đầu thử nghiệm biến thể nhỏ điều khiển từ xa ở tỷ lệ 1:5, đến năm 2007 sau khi Mỹ chính thức từ chối không bán máy bay tiêm kích F-22 Raptor cho Nhật Bản, chính phủ Nhật đã quyết định thiết kế, chế tạo mẫu máy bay thử nghiệm ở kích thước đầy đủ mang tên ATD-X.


Về mặt cấu trúc, máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 ATD-X của Nhật Bản giống máy bay tiêm kích tàng hình đa năng Saab Gripen của Thụy Điển. 

Dự kiến, ATD-X sẽ bắt đầu thử nghiệm bay vào mùa xuân năm 2014. Tuy nhiên, hiện nay  chính phủ Nhật đang đốc thúc cho chương trình này hoàn thiện trước dự, kiến để có thể bắt đầu cho tiến hành bay thử nghiệm vào năm 2011.

 

Về mặt cấu trúc, máy bay ATD-X của Nhật Bản giống máy bay tiêm kích tàng hình đa năng Saab Gripen của Thụy Điển hơn là máy bay tiêm kích F-22 Raptor của Mỹ.


 Nhật Bản thử nghiệm hệ thống loa phóng phản lực giành cho máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 ATD-X.

Máy bay loại này có thể sẽ được trang bị 2 động cơ tuốc bin khí phản lực IHI XF-51. Tuy nhiên, hiện nay Nhật Bản vẫn đang cân nhắc lựa chọn động cơ của một số hãng như: General Electric với động cơ F404, Snecma với M88-2 và Volvo Aero với RM12.

Các động cơ này hiện đang được sử dụng trên máy bay tiêm kích Boeing F/A-18 Super Hornet, Dassault Rafale và Saab JAG 39 Gripen.

 

6. Máy bay tiêm kích J-XX của Trung Quốc.

Mô hình máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 J-XX của Trung Quốc. 

Tính đến thời điểm hiện nay, các thông tin về dự án chế tạo máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 của Trung Quốc vẫn còn rất sơ sài. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin khác nhau, thực sự Trung Quốc đang tiến hành nghiên cứu, phát triển dòng máy bay này để cạnh tranh cùng các cường quốc khác.


Máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 của Trung Quốc được biết đến với các tên gọi khác nhau: XXJ, J-X hoặc J-XX. Tham gia thực hiện chương trình này có 2 nhóm nghiên cứu, cả 2 đều thuộc tập đoàn AVIC I, trong đó viện 601 thuộc Tổng công ty hàng không Thẩm Dương, nhóm thứ 2 là viện 611 từ Tổng công ty hàng không Thành Đô.


Sự tồn tại của dự án này đã được chính Phó tư lệnh Không quân Trung Quốc, Tướng Weirong khẳng định vào ngày 22/11/2009. Ông Weirong cho rằng, trong tương lai gần Trung Quốc có thể trở thành cường quốc thứ hai trên thế giới (sau Mỹ) có trong biên chế máy bay tiêm kích thế hệ 5.


Nhiều chuyên gia cho rằng, nền công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc vẫn chưa đủ khả năng và công nghệ để tự chế tạo máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5.

Tuy nhiên, trên thực tế những thông tin đầu tiên về dự án nghiên cứu, chế tạo máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 J-XX của Trung Quốc đã bắt đầu xuất hiện từ năm 1995 do hãng tin KANWA ở Hongkong tiết lộ.


Để đánh lạc hướng tình báo nước ngoài, các dòng máy bay thế hệ thứ 4 và thứ 5 của nước này đều được tung ra một cách không rõ ràng. Cụ thể là các dự án J-12, J-13 và J-14 của các tập đoàn chế tạo máy bay hàng đầu của Trung Quốc là Thành Đô và Thẩm Dương.


Chỉ đến năm 2005, sự im lặng này mới bị phá vỡ. Chính các chuyên gia hàng không của Trung Quốc khi đó đã đưa ra tuyên bố rằng, “giai đoạn tiếp theo của chương trình phát triển máy bay  thế hệ 5” đã hoàn tất và “các biến thể của dòng máy bay tiêm kích này hầu như đã cơ bản hoàn thành.


Mô hình bàn điều khiển trong khoang lái của máy bay tiêm kích của Trung Quốc. 

Thực tế đã chỉ ra rằng  trong những cuộc xung đột gần đây trên thế giới, giành được ưu thế trên không coi như đã giành được thế thượng phong trong cuộc chiến. Chính vì vậy TQ cần phải có máy bay chiến đấu tiên tiến nhất.

Ngoài ra, Trung Quốc cho rằng, để đối phó với những nguy cơ tiềm năng từ các máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 của Mỹ, nhất định Trung Quốc cũng phải có phương tiện để chế ngự, đối trọng với các siêu máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 của Mỹ, Nga...


 Trung Quốc thử nghiệm mũ tích hợp màn hình hiển thị giành cho máy bay tiêm kích.

Mặc dù vậy, hiện nay nhiều chuyên gia tỏ ra nghi ngờ rằng, nền công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc vẫn chưa thể đủ khả năng để tự nghiên cứu, chế tạo máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5, cũng chưa đủ khả năng để sao chép máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 của Mỹ mà nhiều phần dự án này được phát triển nhờ sự hỗ trợ về kỹ thuật và công nghệ của Nga.


Hữu Kỷ - Nhật Minh (Tổng hợp)

 


Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin theo cú pháp đơn giản UHgửi 1405 (10.000đ/tin) hoặc UH gửi 1409 (18.000đ/tin) của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực để cứu trợ đồng bào miền Trung ruột thịt.

Bình luận
vtcnews.vn