Cô bạn xinh đẹp lạ kỳ và "mối tình câm" của Long Nhật

Văn hóa - Giải tríThứ Tư, 29/09/2010 09:33:00 +07:00

(VTC News) - “Tôi không dám thổ lộ tình cảm với Châu Anh bởi mặc cảm mình nhỏ bé, chưa dậy thì trong khi cô ấy là một tiểu thư con nhà giàu…”.

(VTC News) - Trong phần này, ca sĩ Long Nhật sẽ kể về thuở cấp 3 với mối tình đơn phương dành cho cô bạn mang tên Châu Anh, bằng những dòng văn cũng tinh khôi như lứa tuổi áo trắng học trò. Bên cạnh đó là những kỷ niệm về thất bại, thành công đầu tiên trong sự nghiệp ca hát...

Tôi còn nhớ như in cảm nhận lần đầu tiên khi nhìn thấy Châu Anh: Nước da ngăm ngăm trái bồ quân, mắt một mí, đen nhánh, sống mũi dọc dừa, môi chúm chím, hồng mọng.

 

Lúc đó và rất lâu sau này Châu Anh cũng không biết tình cảm mà tôi dành cho cô ấy bởi tôi không dám nói. Tôi mặc cảm bởi tôi chưa dậy thì, dáng vóc nhỏ bé còn cô ấy là tiểu thư con nhà giàu. Gia đình cô ấy bán đồ mỹ phẩm, quần áo của Mỹ, nhà đối diện chợ Đông Ba.


Tôi giấu kín tình yêu đơn phương với Châu Anh trong lòng trong một thời gian dài. 

Cô ấy cũng không mảy may xúc động gì với tôi, dù tôi thường tạo cớ lên mượn tập vở chép bài, trong khi cả lớp biết hết - đúng như câu hát “Ai cũng hiểu, chỉ một người không hiểu” (Lặng thầm). Mà lúc nào nhìn Châu Anh tôi cũng thấy cô đẹp. Cũng với những trang phục như các bạn gái khác nhưng tôi không thấy ai đẹp song cứ Châu Anh khoác lên người thì mọi trang phục đều trở nên lung linh, ấn tượng.

 

Chỉ với chiếc quần nhung tích kê mặc cùng áo sơ mi thôi nhưng sao cô ấy duyên dáng, thanh thoát đến thế. Nhất là vào thứ hai chào cờ, rất nhiều các bạn khác cũng mặc áo dài trắng nhưng lướt thướt, để hằn cái dây áo lót cùng những… đụn thịt ở lưng, ở hai bên eo và bụng sao mà… vô duyên, còn Châu Anh “của tôi” thì thật cuốn hút: chiếc áo trắng tinh khôi ôm vừa vặn làm bật lên những đường cong thanh tân, nuột nà, chiếc áo cooc-xê ẩn kín đáo trong làn áo lá mặc ngoài, chỉ lộ ra hai làn dây áo trên đôi vai tròn, được che bởi những lọn tóc xinh xinh, sao mà đẹp lạ lùng.

 

Khi chúng tôi cùng nhau tập văn nghệ, Châu Anh đã mang rất nhiều quần áo mà gia đình cô ấy đang bày ở tiệm đến trường cho các bạn mượn. Hôm biểu diễn bài Con kênh xanh xanh, Châu Anh mặc một chiếc váy tím, thắt một chiếc thắt lưng vàng khiến tôi mê mẩn (sau này anh Bi tôi, tức họa sĩ Đinh Khắc Thịnh cũng cho biết: màu tím và màu vàng tưởng không liên quan nhưng kết hợp với nhau rất đẹp. Đến giờ tôi vẫn thích sự kết hợp của hai màu đó).


Cho đến giờ, cảm xúc về mối tình đầu đơn phương vẫn còn nguyên vẹn trong tôi khi bất chợt nó trở về... 

Cho đến giờ, tôi vẫn giữ nguyên những cảm xúc êm dịu khi nghĩ về Châu Anh, nhưng chính tôi cũng không hiểu là tôi đã yêu cô ấy chính xác vì điều gì. Bởi nếu nói về sắc đẹp thì cô ấy không phải là hoa khôi của lớp, hoa khôi là Phương Lan, cô bạn thân của tôi. Cô ấy cũng không học giỏi, chỉ học bình thường thôi. Tôi không thân với Châu Anh bằng Hoài Trâm, Ngọc Sương, tôi chỉ đứng từ xa nhìn Châu Anh. Còn một điều nữa, nó trở thành ám ảnh vô hình trong tôi: đó là, khi tôi yêu thích cái gì đó, hay ai đó, tôi không dám với tới, tôi liên tưởng tới chú Dũng và chị Linh, tôi rất sợ những gì mình yêu sẽ vụt biến mất…

 

Tình yêu đơn phương của tôi cứ thế lớn dần lên trong cái tập thể thân thiết, gắn bó và nhiều chuyện cười ra nước mắt đó. Tôi còn nhớ, có một bạn gái to béo nhất lớp, tên là Nhung và tất cả chúng tôi gọi bạn là chị. Ngày nào chúng tôi cũng có một trận cười vỡ ruột từ chị này. Có lần tôi cố tình kéo chân bàn để trêu chị Nhung, cái bàn kêu tít, thày giáo hỏi có chuyện gì, chị Nhung đứng phắt dậy nói: Thưa thầy, em không đánh rắm. Thế là cả lớp cười rần rần. Lần khác, có một thày vào lớp và quên kéo khóa quần, lộ cái sịp bảy màu của Thái Lan (ngày đó, quần sịp bảy màu của Thái mới xuất hiện ở Huế và trở thành mốt thời bấy giờ). Chị Nhung nhìn thấy, cười rũ rượi, đấm thùm thụp vào lưng tôi khiến thầy hét lên hỏi: Có chuyện gì mà cười rũ trong giờ học thế. Chị ấy đứng dậy, vẫn không kìm được cơn cười, chỉ vào quần thầy vào chỉ nói được mỗi một câu: Thưa thầy, bảy màu! Ông thầy quay lưng lại, cắp cặp, đi luôn, không chào lớp nửa câu và sau đó thì đổi lớp luôn.

 

Tôi như linh hồn của lớp, mỗi lần tôi nghỉ học các bạn nhớ lắm. Nhưng trong lớp có một bạn cá biệt, bạn tên Lành, bạn rất ghét tôi hát, có lần tôi chuẩn bị ra diễn vì trường có hội diễn, tôi hát bài có ca từ: Em sẽ lớn lên như tôi từng khôn lớn, sẽ bay cao bay xa hơn tôi, trên đỉnh cao mơ ước của loài người… Tôi đang chuẩn bị trong hậu trường và lẩm nhẩm lại bài hát thì bạn Lành vào, bạn ấy bảo: “Long Nhật, ra ngoài này cho Lành nói chuyện”. Nó đưa tôi ra gốc cây ở ngoài sân sau của trường và trói lại, không cho vào hát nữa. Tôi khóc hỏi: Vì sao lại trói tôi. Nó bảo: Vì tao không thích mày cứ suốt ngày hát hát hò hò như thế. Giờ gặp lại, tôi nhắc chuyện cũ, nó cười cười bảo: Ngày đó mình trẻ con quá. Sau này tôi nghiệm ra: Ai yêu quý tôi thì yêu quý vô cùng, nhưng ai mà ghét tôi thì ghét lắm, như các cụ nói là: “Ghét như hắt nước đổ đi”.


Tôi không hiểu sao, ai mà yêu tôi thì yêu đến thế mà ghét thì ghét đến vậy, với tôi, không có những người vừa yêu vừa ghét hay nhầng nhầng, nhỡ nhỡ... 

Tới hè năm lớp 11 lên lớp 12, tôi vẫn chưa dậy thì, tôi tự hỏi: Sao mình chậm lớn thế này. Nhưng rồi chuẩn bị vào lớp 12, tôi mới có dấu hiệu phát triển và tôi vui mừng nhận ra, tôi chỉ phát triển chậm hơn so với các bạn thôi, không biết có phải vì phát triển chậm hơn mà tôi cũng trẻ hơn so với các bạn cùng tuổi với mình (!). Nhưng tới năm lớp 12, tôi vẫn chơi những trò mà các bạn trai trong lớp không thích. Tôi có cảm giác các bạn ấy đã chững chạc, muốn tỏ ra mình là thanh niên, còn tôi, mỗi giờ ra chơi vẫn đuổi hết “bọn chúng” là các bạn trai ra, chia đều kem UB của Lào cho các bạn gái trong lớp đánh trắng phớ mặt, thơm ngát cả lớp và đến giờ thì cô giáo dạy Hóa bắt tất cả đứng dậy đi rửa mặt.

 

Năm nào ở Huế, mùa hè đều có cuộc thi đơn ca. Tới hè lớp 11 tôi thi đơn ca hè của TP Huế tổ chức và cả hai vòng: vòng một và vòng hai, tôi đều đoạt giải nhất. Tôi hát bài: Con ở miền nam ra thăm lăng Bác, Bác Hồ một tình yêu bao la, Tuổi đời mênh mông… Nhưng tới vòng chung kết, không rõ có phải họ ghét dáng vóc nhỏ nhỏ, yêu yếu và điệu điệu của tôi không mà ban nhạc đã đánh lạc tông khiến tôi hát lạc nhịp… và đó là thất bại đầu tiên trong con đường ca hát của tôi. Khi đó, tôi nghĩ rất nhiều về sự thất bại của mình, đôi lúc tôi tự hỏi: có phải do tôi cắt móng tay trước khi hát không? Và mãi tới bây giờ, thất bại này vẫn ám ảnh tôi, cũng từ đó, mấy mươi năm, trước khi hát, không bao giờ tôi cắt móng tay nữa.

 

Những năm tiếp sau đó, tôi thi hát toàn tỉnh, toàn TP hay toàn khu vực miền trung… lúc nào tôi cũng đoạt giải nhất. Lớn hơn cũng đoạt HCV (1985) Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp ngành Giao thông Vận tải Bắc- Miền trung (tổ chức tại TP Vinh) với ca khúc Bác Hồ, một tình yêu bao la… Đơn ca toàn tỉnh, toàn thành phố đều đoạt giải nhất. Và hát bài nào cũng được khán giả nhớ như: Mấy nhịp cầu tre, Nụ hồng (Trần Hữu Bích), bây giờ đài TNVN còn phát, nghe lại thấy trong trẻo. Lặng thầm (Thế Hiển), Tóc em đuổi gà (Thế Hiển), Về quê ngoại. Thể hiện thành công hai ca khúc Lặng thầmTóc em đuôi gà là nhờ vào cảm xúc từ mối tình đầu đơn phương tôi dành cho Châu Anh.

 

Trong cuốn lưu bút chia tay cuối cấp ba: tôi ghi là: Muốn trở thành ca sĩ nổi tiếng. Còn Châu Anh ghi là: Muốn trở thành bác sĩ. Tới vừa rồi, khi về Huế quay DVD ca nhạc với Bảo Yến: Người tình và kỷ niệm, lớp cũ tổ chức họp lớp và gọi điện cho tôi, lúc truyền tay cho các bạn trong lớp, tôi nói chuyện với Nho, Đặng, Lành rồi Ái Mỹ, lớp phó văn thể mỹ, rồi Phương Lan, Hoài Trâm tôi nói đầy hào hứng, vui nhưng tới khi truyền tay tới Châu Anh, mới nghe cô ấy hỏi: “Long Nhật có khỏe không, Châu Anh mới về nước nè (cô ấy lấy chồng ở Mỹ) thì tôi không nói được gì dù đã già, bốn mấy tuổi rồi mà vẫn ngại ngùng như cậu bé năm xưa.

 

Thậm chí, đáng ra là tôi đến họp lớp nhưng nghe có Châu Anh về nên không dám đến vì một phần ngại ngùng, một phần sợ hình ảnh Châu Anh không còn như ngày xưa, bốn mấy rồi, chồng con rồi sẽ sồ sề, xấu xí.

 

Khép lại mối tình đơn phương với Châu Anh và kết thúc những ngày tháng đẹp với tập thể cấp ba cũng là khép lại một chặng đường thơ ấu đáng nhớ của tôi, với những kỷ niệm không đơn thuần chỉ để nhớ mà nó là những ám ảnh theo suốt cuộc đời tôi sau này.

 

(Còn nữa)

 

Thục Nhi (ghi)

Bình luận
vtcnews.vn