Di tích quốc gia Đàn Xã Tắc, có đáng bảo tồn?

Văn hóa - Giải tríThứ Tư, 08/05/2013 08:00:00 +07:00

(VTC News) – Cuộc hội thảo có nên bảo tồn di tích khảo cổ Đàn Xã Tắc Thăng Long ngày 8/5 cuối cùng chưa tìm được tiếng nói chung.

(VTC News) – Cuộc hội thảo có nên bảo tồn di chỉ khảo cổ Đàn Xã Tắc Thăng Long (tại Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội) ngày 8/5 cuối cùng chưa tìm được tiếng nói chung.

Và hẳn nhiên, vẫn sẽ còn tranh cãi tiếp trong thời gian tới đây.

Theo TS Nguyễn Hồng Kiên, người chủ trì khai quật di tích Đàn Xã Tắc, người ta đang đánh tráo khái niệm, cho rằng khu đảo giao thông của nút giao thông Kim Liên mới là khu Đàn Xã Tắc và khi làm cầu vượt sẽ không ảnh hưởng đến khu vực này. Tuy nhiên, thực tế, nếu đè bản đồ xây cầu vượt vào khu vực đã từng khai quật sẽ thấy, chúng hoàn toàn chồng lên nhau. Các mấu chân cầu vượt sẽ đè lên khu khai quật. Và khu vực đảo giao thông đó, không phải là khu đã được khai quật.

Cùng ý kiến này, T.S cũng khẳng định, việc bảo tồn khu di tích này là rất quan trọng, không những cho hiện tại mà cho cả con cháu trong tương lai.

Đàn Xã Tắc
Khu vực khai quật Đàn Xã Tắc Thăng Long năm 2006. 
Ngoài TS Nguyễn Hồng Kiên là người chủ trì buổi tọa đàm, chương trình còn có sự góp mặt của đông đảo giới khoa học lịch sử, khảo cổ, Hán nôm, kiến trúc, mỹ thuật.

Trong hơn 2 giờ diễn ra buổi thuyết trình, hầu hết các nhà khoa học đã tập trung vào cuộc tranh luận khá gay gắt về hai luồng ý kiến về sự tồn tại của Đàn Xã Tắc ở ngã 5 Ô Chợ Dừa hiện nay.

Với vai trò là TS sử học, người từng giữ vai trò phụ trách khai quật khảo cổ học di tích Đàn Xã Tắc tại ngã 5 Ô Chợ Dừa hồi năm 2006, ông Kiên cho biết, năm 2006 khi khảo sát ngõ Xã Đàn 1, phát hiện thửa đất số 1 lưu giữ di tích Đàn Xã Tắc có diện tích 177m2, có nhiều dấu tích của di tích lịch sử nên đã kiến nghị mở rộng diện tích khảo cổ lên 800m2.
 
Kết quả của đợt khảo sát đã phát hiện và xác định được niên đại của các đồ vật từ giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên cách đây 3.000- 4.000 năm; với nhiều đồ gốm, vòng tay bằng đá, công cụ lao động như rìu đá.

Hiện trạng khu vực ngõ Xã Đàn, cùng nghiên cứu phối hợp với cơ quan địa chất, ông Nguyễn Hồng Kiên khẳng định tại khu vực ngã 5 Ô Chợ Dừa xuất hiện nhiều dấu vết của Đàn Xã Tắc thời Lý và một phần dấu vết của Đàn Xã Tắc thời Trần, Lê. Trong đó, có nhiều đồ thờ tế, hạt thóc và cả hạt rau rền.

Cùng với quan điểm của TS Nguyễn Hồng Kiên, kiến trúc sư Lương Tiến Dũng, PGS. TS Nguyễn Văn Thuận, TS Trần Thị Kim Anh đã đưa ra những căn cứ kiến trúc, căn cứ văn bia từng tồn tại ở đình Đông Các và khái niệm về Đàn Xã Tắc từng được các nhà khoa học nghiên cứu phát hiện ở Huế, ở Thanh Hóa... để khẳng định trong khu vực Xã Đàn hiện nay đã từng tồn tại Đàn Xã Tắc.

Do tác động của đời sống hiện đại nên dấu tích của Đàn Xã Tắc đang ngày càng bị lấp dần đi bởi những công trình xây dựng.


Riêng nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ lại cho rằng khu vực chính của Đàn Xã Tắc nằm chính ở xã Hồng Mai, huyện Thanh Đàn (khu vực Bệnh viện Bạch Mai ngày nay). Ở khu vực thành Thăng Long có 5 Đàn Xã Tắc. Ông cũng ủng hộ việc phải bảo tồn khu di tích Đàn Xã Tắc ở Ô Chợ Dừa.

Cùng chiều ý kiến trên, nhà nghiên cứu Bùi Thiết, chuyên gia bảo tồn di sản Thăng Long cho rằng, vị trí của Đàn Xã Tắc không phải bàn cãi nữa và cũng không nên hoài nghi về sự tồn tại của di tích này. Việc cần bàn hiện nay là nếu xây dựng cầu vượt đi qua di tích này thì sẽ vi phạm về nguyên tắc bảo tồn.

Ông Thiết cho rằng, việc bảo tồn di tích Đàn Xã Tắc không chỉ bảo vệ dưới lòng đất mà phải bảo vệ cả trên trời. “Tôi ủng hộ bảo tồn Đàn Xã Tắc để về sau con cháu sẽ làm Đàn to hơn, do đó cần giữ không gian nhất định. Nếu làm cầu vượt thì phải “đè” lên Đàn Xã Tắc thì đây là phương án “giết” Đàn Xã Tắc nhanh chóng nhất”, ông Thiết nói.

Ông Thiết
cũng cho rằng, việc xây dựng các công trình để giao thông thông thoáng là cần thiết. Song Hà Nội nên di dời thêm vài trăm hộ dân bên phía đường Hàng Bột và Nguyễn Lương Bằng để giải phóng mặt bằng, xây dựng cầu vượt mà không xâm phạm không gian của Đàn Xã Tắc. Ông nói, chỉ có kẻ ngu mới nói không bảo tồn khu di tích này.

Cũng tại buổi hội thảo, rất nhiều nhà khoa học đề xuất phương án mở rộng diện tích khai quật để khẳng định việc có hay không sự tồn tại của di tích.
Đàn Xã Tắc
Phối cảnh cầu vượt khu Ô Chợ Dừa, Hà Nội 
TS Vũ Thế Khanh, họa sĩ Trần Hậu Yên Thế cũng đưa ra các giải pháp bảo tồn như tư liệu hóa các dấu vết khai quật, hoặc xây dựng con đường giao thông bên cạnh công viên di sản để các nhà khảo cổ có thể mở rộng nghiên cứu...

KTS Đoàn Thế Thành nói giải pháp về kiến trúc đô thị và giao thông luôn có. Vì thế, việc làm cầu vượt ở khu vực này là vi phạm nguyên tắc ứng xử với di tích.

GS Nguyễn Văn Hảo vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng, nên xây dựng cầu vượt tại khu vực ngã 5 Ô Chợ Dừa. Ông khẳng định cuộc khai khảo cổ 2007 ở ngã 5 Ô Chợ Dừa cho có di vật nào khẳng định nơi đó là dấu tích của Đàn xã Tắc. Hơn nữa không để việc bảo tồn làm cản trở quá trình phát triển đất nước và ngược lại.

Theo ông để nghiên cứu rõ hơn về di tích khu vực này, khi tiến hành xây dựng cầu, có thể đào thám sát những ô khảo cổ khoảng 2 mét vuông để nghiên cứu. TS Nguyễn Hồng Kiên phản biện, việc đào đến 900 mét vuông còn chẳng kết luận huống chi là hố thăm dò, giám sát. Đó là phương án ngụy biện, tưởng là có học nhưng lại không hề có học chút nào.

Ông Kiên cũng hy vọng phía thành phố sẽ có những ứng xử đúng đắn với việc bảo tồn này và sẽ có một cuộc hội thảo về Đàn Xã Tắc.  Nếu theo ý kiến của số đông các nhà nghiên cứu tại hội thảo, việc bảo tồn và nghiên cứu di tích Đàn Xã Tắc là cần thiết.


Đồng tình với việc sẽ bảo tồn di tích nếu xác thực được giá trị và căn cứ lịch sử của nó. Nhiều người trong cuộc hội thảo cho biết, việc tồn bảo phải được tính đến khi được nghiên cứu cẩn thận và có căn cứ, bởi lẽ, thực tế, như ông Nguyễn Hùng Vỹ và bà Trần Thị Kim Anh thì khu vực đó vẫn chưa phải Đàn quan trong nhất.

"Đừng để nhân dân hoang mang bằng những thông tin mang tính thần bí, tâm linh" - Một nhà nghiên cứu phát biểu.

Gia Vũ


Bình luận
vtcnews.vn