Nhầm lẫn nghiêm trọng trong ‘Đuổi hình bắt chữ’

Văn hóa - Giải tríThứ Bảy, 07/01/2012 03:15:00 +07:00

(VTC News) - “Đuổi hình bắt chữ” là trò chơi truyền hình theo phiên bản nước ngoài, được Việt hóa qua nội dung cụ thể.

(VTC News) - “Đuổi hình bắt chữ” là trò chơi truyền hình theo phiên bản nước ngoài, được Việt hóa qua nội dung cụ thể. Nhiệm vụ của người chơi, như tên gọi của chương trình, nói nôm na là “hãy gọi đúng tên sự vật, hiện tượng” trong các bức hình (hoạt hình đồ họa vi tính).

Ban tổ chức (BTC) lần lượt đưa ra các bức hình, người chơi theo đó phải trả lời cho được nội dung hình ảnh đó, diễn tả bằng từ ngữ, khái niệm xác định.

Trong phạm vi bài này, bỏ qua những sai sót thông thường, tôi muốn đưa ra một hiện tượng, theo tôi là rất lạ lùng, khác thường trong cách xử lý câu chữ, ngữ nghĩa trong tiếng Việt của BTC trò chơi này. Xác suất của sự xuất hiện những từ ngữ dạng này trong mỗi buổi thi tuy không nhiều nhưng cũng đủ để cho thấy đây là một quan niệm lệch lạc về cấu trúc từ và ngữ nghĩa của chúng trong tiếng Việt.

Xin được dẫn dụ, phân tích 03 Đề bài thi (ĐBT) tiêu biểu sau đây:

ĐBT1:Bức hoạt hình cho thấy một con sóc đang đeo bám vào một vành trăng khuyết giữa trời. Đáp án: Sóc trăng.(Tên một tỉnh ở miền Nam VN).
ĐBT 2: Bức hoạt hình cho thấy một con sâu đang bật lẫy trên bề mặt của một chiếc răng. Đáp án: Sâu răng.
ĐBT3: Bức hoạt hình cho thấy một con ngựa đeo gông ở cổ được một người nắm dây cương dắt đi. Đáp án: giải mã.

Chỉ cần quan sát các bức hình với các câu đáp án tương ứng trên đây chúng ta cũng không khó để nhận ra rằng đây thực chất là trò chơi theo phương pháp làm từ điển(tiếng Việt) bằng hình. Tuy nhiên, xem xét cụ thể  03 đáp án trên đây của BTC thì chữ và nghĩa của chúng chẳng ăn nhập gì với nội dung bức hình mà thí sinh cần giải đáp. Gốc rễ của sai lầm này của BTC lại xuất phát từ cách hiểu, quan niệm sai lầm về cấu trúc từ trong tiếng Việt. Cụ thể như sau:

-Ở ĐBT 1, để biểu đạt tên tỉnh Sóc Trăng, thiết nghĩ BTC phải tuân theo phương pháp địa - hành chính, hay vẽ những biểu trưng của tỉnh này,v.v.. Bức hình cho thấy con sóc đang đeo bám một vành trăng khuyết lơ lửng giữa trời, làm sao có mối liên hệ nào để xác định tên gọi của tỉnh này(Tỉnh Sóc trăng)?

Truy tìm cách thức “đuổi hình bắt chữ” này, để có đáp án của BTC, thì chỉ có một cách duy nhất là …ghép từ “sóc” và từ “trăng”= Sóc Trăng(!)?

Tuy nhiên,theo tôi,cách ghép từ này là bất cập trong tiếng Việt. Nguyên do: trong tiếng Việt, khi biểu đạt từ danh từ chỉ con giống thường đi kèm theo từ trợ từ như: cái, con, chiếc v.v.. Nếu(bỏ đi) thiếu những từ là từ trợ từ này, thường khó xác định ngữ nghĩa chính xác của từ chỉ định. Ví dụ: (con) sâu,(cái) kéo,(con) cò…nếu lược bỏ các từ trợ từ (con,cái,chiếc,…), ngữ nghĩa của chúng trở nên mơ hồ, không xác định. Khi đó”sâu”có thể là (sâu-nông), sâu (sâu bọ...); kéo (co kéo,cái kéo…); cò (con cò),hay “cò” (”kẻ mồi chài”,cò mồi…) v.v…

Trở lại ĐBT 1. Nếu muốn xác định danh tính chính xác của khái niệm ”sóc” và ”trăng”, cần có từ trợ từ đi kèm, cụ thể là: thay chỉ nói”sóc”thì phải là”con sóc”, thay nói ”trăng” thì phải nói là (ông,vành…) trăng. Và như vậy, không thể ghép chúng để thành “Sóc Trăng” như đáp án của BTC.

Mặt khác,nếu sử dụng ngay chính phương pháp ghép từ của BTC chúng ta cũng có thể không nói” sóc trăng”mà nói ngược lại là ”trăng sóc” vì thực chất cách ghép từ này của BTC là ngẫu nhiên,không bị chi phối bởi logic nào cả! Điều này cho thấy phương pháp làm “từ điển bằng hình”,trong trường hợp cụ thể này của BTC là có vấn đề, nói thẳng ra là sai.

-Ở ĐBT 2, “sâu răng” được y học xác định là bệnh do một loại vi khuẩn chứ không phải là giống sâu thuộc họ côn trùng như trong hình vẽ này.Tuy nhiên, bỏ qua vấn đề khoa học y học, chúng tôi chỉ xin bàn về vấn đề ngôn ngữ mà thôi. Mặt khác, để biểu đạt khái niệm”sâu răng” như đáp án, chắc phải có hình ảnh khác, như sách y học vẫn sử dụng, là vẽ cái răng có một phần bị sâu(vi khuẩn) hủy hoại, hay có thể là bức hình vẽ  cả phần đầu và cổ người, với phần má và cằm bị sưng, một bàn tay đang chạm vào phần bị sưng đau này v.v.. Nghĩa là, một bức tranh khác hẳn với bức tranh mà BTC đưa ra:một con sâu (thuộc họ côn trùng) đang bật lẫy trên bề mặt một chiếc răng. Những hình ảnh này quả thật chẳng có mối liên hệ, quan hệ gì với khái niệm “sâu răng” là đáp án được BTC đưa ra cả.

Thì ra là, cũng tương tự như ĐBT 1, đáp án của BTC được sinh ra từ kiểu ghép từ: sâu + răng = sâu răng.Tuy nhiên, nếu nhìn vào hình, một khi BTC nói được đó là hiện tượng “sâu răng” thì chúng ta cũng có thể nói là “răng sâu”. Thế nhưng, đấy là hai từ vừa khác âm và khác nghĩa: “Sâu răng” là bệnh sâu răng, còn “răng sâu” là cái răng bị sâu (phân biệt với răng không bị sâu). Đáp án mới này của chúng ta cũng “giá trị” ngang ngửa với đáp án của BTC. Cũng có thể nói được rằng, đáp án của BTC là không thỏa đáng. Thực chất thì cả hai đáp án này đều không đúng.

Nguyên nhân, cũng tương tự như ĐBT 1, BTC đã nhầm lẫn về cấu tạo đơn vị từ trong tiếng Việt. Ở đây, “con sâu” nếu lược bỏ từ trợ từ “con” sẽ trở nên mơ hồ, bâng quơ, khó định vị ngữ nghĩa của nó là gì. ”Sâu”(sâu-nông,sâu sắc..), hay “sâu”(con sâu)? ”Răng” là (cái,chiếc ) răng hay “răng” (mô-tê-răng-rứa?)… Thực chất ở trường hợp bức hình vẽ  này, gọi đúng “tên” phải là”con sâu” và ”cái răng” (hay”chiếc răng”). Thế nhưng như vậy sẽ không thể ghép từ thành đáp án là ”sâu răng” như của BTC. Điều đó đồng nghĩa với việc BTC đã đưa ra đáp án sai lệch.

Hình ảnh mang tính minh họa 

Đặc điểm từ tiếng Việt là tiếng đơn âm (âm rời), thuật ngữ chuyên môn gọi là từ phân-tiết-tính, khác với các ngôn ngữ có cấu tạo từ đa âm.
Từ đa âm (như trong tiếng Anh,Nga hay Bun…) gồm các từ đơn ghép lại mà thành.
-Foot (bàn chân ) + ball ( quả bóng ) = Football ( môn bóng đá )
-Basket ( cái rổ ) + ball ( quả bóng  )  = Basketball ( môn bóng rổ )
-Inter ( liên hệ,kết nối ) + net ( lưới ) = Internet (mạng lưới thông tin điện tử).V.v…

Trong các ví dụ trên đây, giả sử chúng ta gạch xóa hết các từ tiếng Anh, chỉ còn lại các từ tiếng Việt, ”bài tính” ghép từ sẽ không tồn tại được mặc dầu trên thực tế chúng (các từ tiếng Việt) vốn được dịch nguyên nghĩa từ tiếng Anh, và được “định vị” theo”khung” ghép từ của tiếng Anh. Đây là những ví  dụ cho thấy tiếng Việt có đặc thù riêng, không ghép từ kiểu như một số ngôn ngữ khác.

Ở ĐBT 3 :hình ảnh là một con ngựa đeo gông ở cổ, được một người đàn ông cầm cương dắt đi. Đáp án: giải mã. Đây là từ Hán-Việt, gồm có 02 từ ghép, là “giải”và”mã”. Đối chiếu với bức hình, có thể thấy rằng BCT đã hiểu “mã”ở đây nghĩa là (con) ngựa, và theo cách hiểu này thì “giải “ tức là  dẫn giải, áp giải, dẫn độ…Tuy nhiên, trên thực tế không ai nói là” dẫn giải”,”áp giải” hay “dẫn độ” ngựa cả. Ý tôi muốn nói là BTC đã hiểu sai từ Hán-Việt này.

Giải mã là từ Hán-Việt gồm hai thành tố: ”Giải có nghĩa là giảng giải, hóa giải, tìm ra (được),…và ”mã” tức là (cái,điều,…) bí mật, khóa mã. Như vậy, ”giải mã” nghĩa là tìm ra được ẩn số, hóa giải được điều bí mật. Khác với dong, dắt ngựa là “khiển mã”.

Tuy nhiên, hãy tạm bỏ qua sự nhầm lẫn này của BTC, coi đó là chuyện thông thường.Điều tôi muốn nói, với chủ ý dùng 03 ví dụ (ĐBT1,2 và 3) trên đây là có dụng ý này: là để thấy được rằng BTC đã đánh đồng cách hiểu từ ghép trong tiếng Việt cũng giống như tiếng Hán-Việt, mặc dù trong thực tế đây là hai ngữ hệ khác nhau, không nên nhầm lẫn. Nói cách khác, đấy không chỉ là sai sót có tính ngẫu nhiên của BTC, mà là xuất phát từ quan niệm sai lầm của họ về cấu tạo đơn vị từ trong tiếng Việt được thể hiện cụ thể thông qua đó…
 
TS Phan Quốc Linh
(Bài gửi từ CH Bungari )

Bình luận
vtcnews.vn