Lại Văn Sâm: Cặp đôi hoàn hảo có bất công!

Văn hóa - Giải tríThứ Hai, 26/12/2011 10:15:00 +07:00

"Sân chơi SV 2012 chúng tôi không có phần nhắn tin bình chọn của khán giả bởi một số gameshow như Cặp đôi Hoàn hảo chẳng hạn, hình thức này cũng có bất công.

"Sân chơi SV 2012 chúng tôi không có phần nhắn tin bình chọn của khán giả cho các đội bởi một số gameshow như Cặp đôi Hoàn hảo chẳng hạn, hình thức này cũng có sự bất công..." - nhà báo Lại Văn Sâm trải lòng.

Mỹ Tâm, Hồng Ánh sẽ ngồi "ghế nóng" làm giám khảo

- SV 2012 trở lại, thay vì làm MC anh nhận lời ngồi "ghế nóng". Anh có thấy áp lực không?

-  Đối với tôi, các bạn sinh viên vẫn luôn là những người trẻ thông thái, vui tính và dí dỏm. Tuy nhiên, còn quá ít "đất" để các bạn có thể thể hiện cá tính, sự thông minh và sáng tạo của mình. SV 2012 chính là cách chúng tôi giúp khán giả thấy một góc nhìn toàn diện hơn về những nhà thông thái vui tính - những chủ nhân tương lai của đất nước đang làm gì, nghĩ gì và nhìn nhận như thế nào về cuộc sống xung quanh họ.

Đương nhiên nếu ở vị trí MC thì tôi sẽ thích hơn bởi chỉ việc nhận xét ngắn gọn nhưng cũng phải tiết lộ thêm là năm đầu tiên làm SV tôi không chỉ làm mỗi công việc MC mà còn làm biên tập, đôi khi là đạo diễn để người quay phim bấm hình góc này góc kia. Còn năm nay ở vai trò giám khảo thì bên cạnh đưa ra những nhận xét tôi còn phải giơ bảng điểm trực tiếp, khó khăn hơn chứ... (cười).

Nhà báo Lại Văn Sâm 

- Ban giám khảo miền Bắc ban đầu có nhạc sĩ Hồ Hoài Anh sau đó được thay bằng nhà thơ Phan Huyền Thư. Anh có thể nói về lý do thay đổi này?

- Ban đầu chúng tôi có mời nhạc sĩ Hồ Hoài Anh cùng tôi và đạo diễn Đỗ Thanh Hải chấm miền Bắc nhưng sau đó thấy giám khảo mà nói theo cách bình luận của một phần thi trước đây là toàn là "cơm chấm cơm" nên đã mời nhà thơ Phan Huyền Thư vào vị trí Hồ Hoài Anh.

Dự kiến sẽ có ca sĩ Mỹ Tâm (BGK miền Trung); diễn viên Hồng Ánh và nhà báo Tăng Hữu Phong (BGK miền Nam). Trong vai trò này, BGK chúng tôi sẽ không chỉ chấm điểm mà còn hướng dẫn các thí sinh thể hiện các phần thi hiệu quả nhất. Đặc biệt, ở một số phần thi, chính giám khảo cũng sẽ là người trực tiếp thể hiện tình huống đặc biệt để thử thách thí sinh ngay tại sân khấu.

- Dựa theo tiêu chí nào để chọn giám khảo thưa anh?

- Giám khảo là những người hiểu sinh viên, có chất dí dỏm. Không nhất thiết những người đó là người của công chúng nhưng phải là những người sinh viên biết và thấy hợp lý. Tôi là người trực tiếp mời các giám khảo, tôi đưa tiêu chí và nhiệm vụ phải làm cho các khách mời họ xem và nhận lời, tất cả đều không có gì khó khăn cả.

Cặp đôi Hoàn hảo có sự bất công!

- Ngoài vai trò giám khảo anh cũng kiêm luôn nhiệm vụ đến các trường ĐH, CĐ để tư vấn, hướng dẫn các bạn sinh viên chuẩn bị trước mỗi vòng thi?

- Đúng vậy. Đến một số trường tôi có nói với các bạn sinh viên rằng tôi đến đây không phải để vuốt ve, mơn trớn mà để xem và góp ý thêm. Đây cũng là hình thức tôi thẩm định qua nội dung của các trường xem có vấn đề nhạy cảm không, có phù hợp với thuần phong mỹ tục của ta không vì chương trình sẽ được phát trên truyền hình.

Điều tôi mong muốn nhất đối với các đội là thể hiện sự hiểu biết, hồn nhiên của mình. Tôi cũng có nói với các thầy lãnh đạo nhiều trường rằng hãy để các em học sinh họ tự làm, đừng bắt họ làm theo ý các thầy rồi sau khi các em tập với nhau nhà trường có thể duyệt rồi góp ý thêm trước khi mỗi đội đi thi.

Tôi cũng xin nói thật rằng năm 2000 sau khi thấy các thầy can thiệp thô bạo vào nội dung thi của một số trường, thậm chí có trường thuê cả đạo diễn nhúng tay, thấy không ổn nên tôi đã phải xin dừng chương trình này.

- Sau khi chấm một số vòng loại, anh thấy có bao nhiêu trường có bàn tay của đạo diễn?

- Theo cảm nhận của tôi, phía Bắc, có 36 trường thì chỉ có một trường có bàn tay đạo diễn. Nhìn thấy ngay. Nó như là đá bóng nhi đồng song tự nhiên có một ông 15, 16 tuổi nhảy vào. Nhiều khi hơi hướng của sự chuyên nghiệp mà tôi cũng nghĩ đó chỉ là sự chuyên nghiệp nửa vời thôi bởi tôi tin các trường cũng chẳng đủ lực để mời các đạo diễn xuất sắc giỏi đâu. Với trường mà có bàn tay đạo diễn thì cũng đã bị tuột ra khỏi cuộc chơi thôi.

Nhà báo Lại Văn Sâm tại phòng làm việc. 

- Tại sao sân chơi SV 2012 không có phần nhắn tin bình chọn của khán giả cho các đội để nâng cao tính tương tác - cách mà Đài THVH hay làm đối với các game show gần đây?

- Sân chơi SV 2012 chúng tôi không có phần nhắn tin bình chọn của khán giả cho các đội như một số gameshow như Bước nhảy Hoàn vũ, Cặp đôi Hoàn hảo. Tôi nói thật là nhiều khi tính tương tác gây nên hiệu ứng không tốt. Ví dụ như vừa rồi Cặp đôi Hoàn hảo chẳng hạn, cá nhân tôi thấy bất công.

Ví dụ cặp đôi Đàm Vĩnh Hưng - Kim Thư bao giờ cũng vượt đôi về thứ nhì mười mấy nghìn tin nhắn mà trên thực chất kể cả những người đã nhắn tin cho họ đều nói rằng cặp đôi đó sẽ phải giải ba mới đúng. Nên với riêng SV, chúng tôi chỉ có tính tương tác là khán giả chơi online.

Rời khỏi nhà, tôi với con trai là... anh em!

- SV 2012 cũng là chương trình đánh dấu sự trở lại của Lại Bắc Hải Đăng - con trai anh sau một thời gian đi du học. Trên thực tế tôi thấy hai người đã có nhiều chương trình làm chung vậy đã khi nào xảy ra những bất đồng. Nếu có thì ai thường phải nhường ai?

- Đúng là tôi và Hải Đăng cộng sự nhiều chương trình. Nhưng tôi phải nói với bạn rằng, rời khỏi nhà trong công việc chúng tôi là... anh em. Khi tranh luận các vấn đề nảy sinh trong công việc là anh em và rất quyết liệt. Ai đúng thì người kia phải nghe. Nói chung tôi đối xử với nhân viên khá công bằng. Ai thuyết phục được ai thì người đó thắng. Mà phải nói có nhiều cái bọn trẻ đưa ra và mình thấy hợp lý phải theo thôi.

Nhà báo Lại Văn Sâm và vợ 

- Thế trên thực tế anh đã phải "chịu" làm "em" mấy lần?

- À, nói chung tỉ số đến bây giờ là 6 - 4, nghiêng phần thắng về tôi. (cười rất tươi)

- Kỷ niệm vui về thời sinh viên của anh?

- Tiết lộ đầu tiên với bạn rằng tôi suýt thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp nếu ba không bắt đi học. Còn thời sinh viên của tôi ở bên Nga có nhiều chuyện lắm. Tôi từng tham gia ban nhạc của Việt Nam với vai trò ca sĩ hát và chơi trống. Tôi còn tham gia đóng kịch. Nói chung các hoạt động thể thao văn hóa ở trường ĐH tôi tham gia hết.

Những kỷ niệm sinh viên nhiều lắm kể liệt kê nữa sẽ rất mất thời gian. Nhưng chỉ muốn nói với các trẻ rằng sinh viên là thời mà qua đi rồi người ta mới tiếc bởi đó là tuổi dễ chịu nhất. Còn khi đã rời giảng đường khi con người ta phải lo toan mưu tính rồi thì cuộc sống không bao giờ dễ chịu cả.

Tôi không muốn người ta nghĩ đến sinh viên là những con mọt sách chỉ có trong giảng đường và thư viện mà tôi muốn mọi người thấy các bạn không hề vô cảm trước tất cả những gì đang diễn ra xung quanh mình. Cho nên chủ đề SV 2012 từ tham nhũng, tệ nạn, bạo hành, gia đình, văn hóa... các bạn sinh viên tham gia có thể thành công hay không thành công nhưng sự xuất hiện của họ trên diễn đàn này đã là một thứ vô cùng đáng quý.

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Sơn Hà/VNN

Bình luận
vtcnews.vn