Nhà văn Keng: Tôi đang viết một cuốn dâm thư thật sự

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 07/10/2011 10:22:00 +07:00

(VTC News) - "Trước giờ mọi người cứ nghĩ tên của mình gắn với sex nên lần này mình quyết định viết một cuốn dâm thư đích thực theo cách nhìn của mình".

(VTC News) - "Trước giờ mọi người cứ nghĩ tên của mình gắn với sex vì Dị bản, Hồng gai mang nhiều yếu tố sex. Nên lần này mình quyết định viết một cuốn dâm thư đích thực theo cách nhìn của mình" - nhà văn Keng.

Gặp tác giả của những Hồng gai, Dị bản và mới đây nhất là Muốn chết mới thấy được những suy nghĩ đầy gai góc, cá tính của cây bút trẻ dũng cảm tìm tòi những thể nghiệm mới.

Keng chụp ảnh với độc giả trong buổi giao lưu giới thiệu sách mới Muốn chết tại Hà Nội ngày 6/10. 
- Xin chào chị, có lẽ độc giả ấn tượng với chị ngay từ tên bút danh, tại sao lại là Keng?

- Trước đây khi học phổ thông, tính mình không bình thường cho lắm, nói chung khá là lập dị so với bạn bè nên dù tên thật là Linh nhưng bạn bè hay gọi thêm chữ "leng keng", nó có ý nghĩa là thần kinh mình không ổn định. Mình không sợ người khác trêu vậy, mà còn thấy đó là kỉ niệm đáng nhớ nên quyết định lấy bút danh Keng.

- Xuất phát điểm không phải từ văn chương, nhưng lại đang đi trên con đường văn chương, xin hỏi chị bắt đầu mê viết văn từ bao giờ?

- Thật ra hồi nhỏ mình chưa bao giờ nghĩ đến chuyện viết lách hay gì hết, mình thi vào trường báo chí vì nghĩ đơn giản làm báo chắc được đi nhiều, nhưng mà mình khờ quá nên đã thi nhầm vào khoa Xã Hội Học. Sau bốn năm học đại học khoa mình đã thi nhầm thì mình thất nghiệp, không xin được việc. Một năm trời lông bông xong mình quyết định vào Sài Gòn, làm những công việc không liên quan gì đến ngành nghề như thư kí văn phòng, trợ lý giám đốc và hơn một năm thì chuyển qua nghề viết quảng cáo.

Trong quãng thời gian đó mình bắt đầu viết blog. Ban đầu mình viết thuần túy theo kiểu viết cho riêng mình, như kiểu hôm nay trời mưa trời nắng sao, tôi làm gì nhưng sau đó thấy viết những điều ấy quanh đi quẩn lại tẻ nhạt quá mình đã chuyển qua viết truyện. Ban đầu mình được mọi người ủng hộ khá nhiều, và sự ủng hộ đó từ cộng đồng mạng đã cho mình động lực để mình viết nhiều hơn.

- Những câu chuyện chị viết thường dựa trên cảm xúc nào?

- Dựa trên những mâu thuẫn nho nhỏ ngoài đời, ví dụ mình với một nhỏ bạn chơi thân với nhau mà có những điều mình không thể chia sẻ với bạn được, thế là mình viết một câu chuyện đầy ẩn ý để gửi cho bạn ấy đọc.

Thời gian đầu thì như thế nhưng sau này thì mình viết để tặng bạn bè. Một người nào đó nói với mình một câu thú vị, một hành động làm mình xúc động mình sẽ viết một câu chuyện tặng họ. Câu chuyện có thể chẳng liên quan gì đến họ hết nhưng bên trong nó chứa một ý nghĩa gì đó để mình cảm ơn họ.

- Và chị nhận ra viết văn  là niềm đam mê của mình?

- Mình không biết là mình đam mê cái gì, vì mình khá mông lung trong mọi chuyện. Mình không hề có ý nghĩ theo kiểu văn chương là niềm đam mê mình phải đeo đuổi hay cái gì hết, mà mình thấy thích viết thì mình viết thôi, hoàn toàn theo cảm xúc.

Hôm nay mình thích viết thì mình viết, mai thấy thích vẽ vời thì chuyển qua vẽ vời, xong hôm sau nếu thích may vá, thêu thùa, đan lát thì chuyển qua cái đó.

Mình thích vẽ những hình ảnh theo trí tưởng tượng của trẻ con, ngây ngô đáng yêu, một cách rất nắn nót, kĩ càng, nó có một chút gì đó âm hưởng riêng của mình.

- Đọc Muốn chết, nhiều người tự hỏi liệu một người trẻ 8X đã đủ sức đưa ra cuộc đối thoại giữa cha mẹ và con cái như thế?

- Mình sắp bước sang tuổi 29, và nhiều người bằng tuổi mình họ đã có hai con rồi đó.

Mặc dù đưa ra một cuộc đối thoại giữa hai thế hệ nhưng mình đặt mình vào địa vị người con, gửi tâm sự đến những người làm cha mẹ. Mình viết về quá trình sống của người con từ lúc 3, 4 tuổi đến khi gần 30 tuổi, và họ gửi lại quá trình sống đó, những tâm sự, những suy nghĩ, ẩn dụ để những bậc phụ huynh có thể hiểu, có thể đồng cảm và chia sẻ.

Keng đang viết hai cuốn tiểu thuyết sau Muốn chết 
- Chị có gửi điều gì của chính mình trong ấy?

- Có nhiều chứ, vì thực ra câu chuyện là hư cấu nhưng nó mang rất nhiều màu sắc thực. Nếu như người nào đó cùng thời với mình hoặc là trải qua những bối cảnh sống như mình họ sẽ hiểu chắc chắn câu chuyện này không thể nào mà tưởng tượng 100% được, chắc chắn rằng họ tin nó có thật trong cuộc đời. Có điều họ sẽ hỏi không biết tác giả viết từ cuộc đời mình hay cuộc đời một người nào khác, có thể họ sẽ nghĩ mình đang chứng kiến một cuộc đời khác và kể lại trong câu chuyện này.

Đến ngay chính bản thân mình cũng chưa hiểu nhân vật của mình cho lắm (cười).

- Chị từng chia sẻ mẹ chị không thích chị viết văn. Lý do của suy nghĩ ấy là gì vậy?

- Mẹ vẫn thích mình viết văn nếu như những văn chương truyền thống theo kiểu truyền thống như viết cho thiếu nhi trong sáng hồn nhiên, viết về chiến tranh anh dũng khốc liệt hay đề tài nông thông yên bình êm ả... Còn khi mình viết đến đề tài đô thị và dính quá nhiều đến tình cảm, yêu đương và có gì đó khốc liệt thì mẹ mình không thích.

Có lẽ hai thế hệ đã không gặp nhau ở tư duy. Mẹ hình dung mọi chuyện trong một không gian khác, còn những gì mình mô tả lại hoàn toàn không giống mẹ hình dung, nên khi đọc mẹ thấy hoàn toàn xa lạ, xa lạ đến mức hai bên không thể nào gặp nhau, không thể đồng cảm hay chia sẻ được.

- Nếu chị muốn viết một đề tài gì đó mà mẹ chị nói không thích, chị có dừng lại?

- Thật ra mình khá ích kỉ, sống cho bản thân khá nhiều. Nếu như cha mẹ nói không thích con viết cái này, nếu như mình cũng không thích thật thì mình sẽ không viết, nhưng nếu mình thích đề tài đó thì dù ai cấm đoán mình cũng không quan tâm. Mình quan tâm đến sở thích của mình hơn.

- Chị đang viết gì sau Muốn chết?

- Mình đã viết gần xong hai cuốn tiểu thuyết. Một cuốn đề tài nó khá huyễn tưởng, mình xây dựng một thế giới hoàn toàn khác với thế giới thần thoại truyền thuyết trước đây mà mình từng biết, cái thế giới đó mình gọi là Linh tộc. Thực ra cũng mang màu sắc cá nhân lắm vì tên mình là Linh (cười). Rồi xây dựng nên bằng những chi tiết huyễn tưởng.

Cuốn thứ hai nói ra thì hơi ngại một tí vì trước giờ mọi người cứ nghĩ tên của mình gắn với sex vì Dị bản, Hồng gai mang nhiều yếu tố sex. Nên lần này mình quyết định viết một cuốn dâm thư đích thực theo cách nhìn của mình.

Tên của cuốn sách là Học viện kỹ nữ, được xây dựng trong bối cảnh ngập tràn tình dục, nhưng triển khai theo hướng điều tra kinh dị. Đơn thuần là một câu chuyện giải trí mô tả cuộc sống của một học viện kỹ nữ và bên trong đó xảy ra những chuyện giết người chết chóc... và cuối cùng sự thật được khám phá...  Tạm thời tiết lộ vậy thôi!

- Liệu chị đã sẵn sàng đón nhận dư luận cho cuốn sách thứ hai, vì dù thực sự chúng ta đã rất cởi mở khi đề cập đến yếu tố sex, nhưng cũng phải nói thẳng rằng, điều đó chưa hoàn toàn được đón nhận?

- Trước đây mình viết những câu chuyện thực tế trần trụi thì người ta có thể phản đối, còn bây giờ mình viết một câu chuyện hoàn toàn hư cấu theo trí tưởng tượng về một thế giới khác thì mình nghĩ chẳng có lý do gì để phản đối nó cả, chẳng qua nó như là một cái để mình truyền tải ý nghĩa hay thông điệp về cuộc sống, về những mối quan hệ giữa con người với con người và con người với xã hội.

Khi mình viết Dị bản hay Hồng gai thì độc giả cũng tranh luận rất nhiều, nói rằng mình viết sách gợi dục. Nhưng mình nghĩ một tác phẩm đã ra đời thì chắc chắn sẽ có sự tranh luận. Mình viết cái gì cũng muốn tạo ra nhiều luồng dư luận.

- Liệu người đọc có phải băn khoăn xem đó là sex nghệ thuật hay sex trần trụi?

- Đạt đến độ nghệ thuật hay không thì tùy xem sự đánh giá sau này của mọi người thôi, mình chỉ nói trước là mình dựa trên bối cảnh tình dục rất nhiều, nhưng cốt truyện lại không phải bám vào yếu tố tình dục để nhân vật phát triển mà nó từ những biến cố khác như một người bạn mất tích hay chết...

Hy vọng khi cuốn sách ra mắt mình sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp của độc giả.

- Xin cảm ơn chị rất nhiều về cuộc trò chuyện.

Thùy Linh(thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn