2 giờ đồng hồ cô đọng “nỗi đau của một thế kỷ”

Văn hóa - Giải tríThứ Hai, 24/05/2010 01:42:00 +07:00

(VTC News) - Hồi ức cuối cùng của Boonmee, bộ phim vừa đoạt giải Cành Cọ Vàng cách đây ít giờ, tràn đầy những ám ảnh thông qua cách diễn tả vô cùng tinh tế.

(VTC News) - Thế giới tâm linh bí ẩn, sự quay trở về của những linh hồn, chiều sâu của  ám ảnh quá khứ và cả cách diễn tả vô cùng sâu sắc và tinh tế về tình nghĩa vợ chồng trong thời khắc tuyệt vọng nhất của con người… Tất cả đều được đạo diễn Apichatpong Weerasethakul khắc họa tài tình trong bộ phim vừa giành giải Cành Cọ Vàng Hồi ức cuối cùng của Boonmee.

Cành Cọ Vàng - giải thưởng cao quý nhất của LHP Quốc tế Cannes năm 2010 đã được trao cho bộ phim đến từ Thái Lan Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives (Hồi ức cuối cùng của Boonmee) của đạo diễn Apichatpong Weerasethakul.

Cành Cọ Vàng - của LHP Quốc tế Cannes năm 2010 đã được trao cho bộ phim đến từ Thái Lan Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives (Hồi ức cuối cùng của Boonmee) của đạo diễn Apichatpong Weerasethakul. 

Ảo giác của những hi vọng không thành

Hồi ức cuối cùng của Boonmee nói về những ngày cuối cùng trong cuộc đời của nhân vật Boonmee. Bị suy thận cấp, Bác Boonmee đã dành ngày cuối cùng của cuộc đời mình để sống với những suy tưởng được bao quanh bởi những người thân yêu nơi quê nhà.

Hồn ma người vợ đã mất của Boonmee xuất hiện để chăm sóc cho ông, và cả cậu con trai duy nhất bị thất lạc lâu ngày cũng trở về an ủi ông trong hình thái không phải của con người. Boonmee đã khám phá quá khứ của mình trong khi suy nghĩ về những lý do dẫn đến căn bệnh của ông. Boonmee tưởng tượng mình vượt qua khu rừng già với gia đình để tới một hang động bí ẩn trên đỉnh đồi - nơi ông vẫn thường lui tới khi còn trẻ ...

Bộ phim do Apichatpong Weerasethakul làm đạo diễn được giới phê bình đánh giá cao về chất lượng âm thanh và hình ảnh. Phim mang đến những điều bí ẩn, ý nghĩa của sự quan tâm chăm sóc người khác, vai trò quan trọng của việc chăm sóc và được chăm sóc.

Đạo diễn trẻ Apichatpong Weerasethakul cũng là người trước đó đoạt Giải thưởng giám khảo Jury Prize vào năm 2004 cho bộ phim Tropical Malady và giải uy tín Un Certain Regard cho tác phẩm Sud Sanaeha năm 2002.
Hồn ma người vợ đã mất của Boonmee xuất hiện để chăm sóc cho ông. 
Boonmee tưởng tượng mình vượt qua khu rừng già với gia đình để tới một hang động bí ẩn trên đỉnh đồi - nơi ông vẫn thường lui tới khi còn trẻ... 

Nội dung đơn giản trong một cấu trúc nghệ thuật phức tạp

Thế giới vạn vật hữu linh theo tư tưởng Phật giáo hiện ra đầy bí ẩn, nằm ngoài khả năng đoán định cũng như kinh nghiệm sống của con người đã được thể hiện tài tình trong Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives. Giới phê bình đánh giá bộ phim là “sản phẩm xuất thần của việc tái hiện nội dung đơn giản trong một cấu trúc phức tạp thông qua không gian nghệ thuật cô đọng”.

Nhịp điệu phim chậm rãi của Hồi ức cuối cùng của Boonmee dựa trên nền tảng thần thoại và những hình ảnh mang tính tâm linh  hồi tưởng. Bộ phim được quay tại Khon Kaen, một thành phố phía đông bắc Thái Lan nơi được coi là quê hương của Phật giáo. Người dân nơi đây tin vào thuyết luân hồi và tư tưởng Phật học đồng thời đánh giá rất cao tình nghĩa sâu đậm của con người trong thời khắc khó khăn cũng như tầm quan trọng của tình cảm gia đình.

Trong bộ phim, Weerasethakul đã khắc họa một đất nước Thái Lan đầy biến động, nơi những miền quê nghèo được coi là “di sản đau đớn của bạo lực chiến tranh”.  
Người dân nơi đây chỉ coi cuộc sống yên ổn bình dị là mơ ước lớn lao nhất của mình và không còn một tham vọng nào xa hơn. 

Đoạn mở đầu phim nhẹ nhàng, bắt đầu bằng hình ảnh con trâu chạy trên một cánh đồng rộng lớn, những thước phim tiếp theo dẫn khán giả tới ngôi nhà của Boonmee người đang trải qua quá trình điều trị chạy thận cho căn bệnh suy thận giai đoạn cuối.

Với Boonmee khi gần kết thúc cuộc đời mình, những hình ảnh thân thương và những con người quan trọng nhất dần dần hiện ra trong tâm trí ông: đầu tiên là người vợ yêu dấu của ông, Huay, sau đó là cậu con trai duy nhất trong hình ảnh của một "con khỉ ma" trong bóng tối, xuất hiện như một cặp mắt đỏ.

Hai giờ đồng hồ để cô đọng “Nỗi đau của một thế kỷ”

Đạo diễn người Thái Apichatpong Weerasethakul có sở thích làm những bộ phim mang tính nhân văn và nghệ thuật cao, đặt người xem trước một câu đố dày đặc hình ảnh, thơ ca kết hợp với thiết kế điện ảnh huyền bí. Xem phim của Weerasethakul giống như làm một bài tập động lực về trí tuệ và khả năng liên tưởng hơn là theo đuổi những niềm đam mê sáng tạo kỹ xảo và công nghệ mới.

Trong thời lượng 2 giờ đồng hồ của bộ phim, Weerasethakul đã khắc họa một đất nước Thái Lan đầy biến động, nơi những miền quê nghèo được coi là “di sản đau đớn của bạo lực chiến tranh”. Người dân nơi đây chỉ coi cuộc sống yên ổn bình dị là mơ ước lớn lao nhất của mình và không còn một tham vọng nào xa hơn.
Cảnh thác nước tươi mát lấp lánh hiện ra với một thiếu nữ xinh đẹp đang nhìn ngắm đôi cá da trơn quấn quít lấy nhau.  
Ngôi nhà của Bác Boonmee, người đàn ông cô đơn bệnh tật đang chuẩn bị từ giã cõi đời. 
Một số hình ảnh tươi mát và gợi cảm của bộ phim được Weerasethakul  đặt xen kẽ vào bộ phim đầy chủ ý như cảnh thác nước tươi mát lấp lánh hiện ra với một thiếu nữ xinh đẹp đang nhìn ngắm đôi cá da trơn quấn quít lấy nhau đối lập với cảnh quay diễn tả vẻ chán chường xen lẫn sự tuyệt vọng của một nhóm quân nhân đang ngồi nghỉ sau một cuộc hành quân mệt mỏi.

Hồi ức cuối cùng của Boonmee thực chất là một bộ phim để lại ấn tượng buồn với những khoảnh khắc mang tính bi kịch nội tâm. Một người đàn ông cô đơn, bệnh tật, sống ngày cuối cùng trên giường bệnh với những mơ ước rất nhỏ nhoi trong đời cũng không thể thực hiện được bởi sức ép cuộc sống quá tàn nhẫn đè lên một tầng lớp người nghèo khổ và khốn khó trong xã hội Thái Lan.

Với sự kết hợp tinh tế và sâu sắc của âm thanh và hình ảnh, bộ phim Hồi ức cuối cùng của Boonmee đã được Chủ tịch ban giám khảo LHP Quốc tế Cannes - đạo diễn tài ba Tim Burton và hội đồng phê bình nghệ thuật của Cannes đánh giá rất cao. Và giải Cành Cọ Vàng 2010 trao cho Hồi ức cuối cùng của Boonmee là hoàn toàn xứng đáng.



Hoài Thư (Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn