11 HLV bị "trảm" sau World Cup 2010

Tổng hợpThứ Ba, 06/07/2010 08:45:00 +07:00

(VTC News) - Đã có 10 HLV bị sa thải hoặc phải từ chức sau World Cup 2010. Con số ấy sẽ còn tăng lên cao hơn nữa.

(VTC News) - Trong số 32 đội bóng đến tranh tài ở đất nước cầu vồng, có 10 viên tướng cầm quân nói lời chia tay đội tuyển quốc gia cho đến lúc này. Trong số đó có cả những người ra đi thanh thản, số khác bị sa thải hoặc tự xin từ chức vì kết quả không như mong muốn.

1. Pim Verbeek (Australia, từ 12/2007)

Sau thành công của Guus Hiddink tại World Cup 2006, liên đoàn bóng đá xứ sở Kangaroo tiếp tục đặt niềm tin vào các chiến lược gia đến từ Hà Lan. Chỉ sau... 1 trận để Rob Baan nắm đội, chiếc ghế HLV trưởng lại được trao cho một người Hà Lan khác là Tim Verbeek. Dù vậy, lối chơi của Socceroos dưới thời Verbeek không có được sự chắc chắn như người tiền nhiệm danh tiếng mang lại. Thành tích mà ông mang lại chỉ là vị trí nhất bảng ở vòng loại World Cup khu vực châu Á. Ở Nam Phi, Australia thua tan tác 0-4 trước Đức, thủ hòa Ghana 1-1 trước khi có chiến thắng thuyết phục 3-1 trước Serbia ở lượt đấu cuối.
Tim Verbeek.
2. Otto Rehhagel (Hy Lạp, từ 2001)

6 năm sau câu chuyện cổ tích ở xứ Bồ, "King Otto" đã mất hết phép và Hy Lạp chơi như mơ ngủ với tư cách là đội bóng đứng vị trí 13 thế giới. Lối chơi đơn điệu chủ yếu là tận dụng thể lực và khả năng bóng bổng quá dễ bị bắt bài chỉ giúp họ kiếm được chiến thắng trước Nigeria. Hơn nữa, nếu một cầu thủ ở tuổi 30 cũng được coi là "trẻ" thì cựu HLV Nurnberg quả thực đã đi vào lối mòn khi không có một gương mặt nào sáng giá và tươi mới xuất hiện trong đội hình.
"King Otto" đã mất hết phép.
3. Carlos Alberto Pareira Nam Phi, từ tháng 10/2009)

8 tháng dẫn dắt Nam Phi sau khi thay thế Joel Santana, cựu HLV của tuyển Brazil trên đất Đức năm 2006 đã đưa Bafana Bafana đến vòng chung kết World Cup với sự chuẩn bị khá hoàn hảo: chuỗi 13 trận bất bại. Mặc dù không thể giúp Nam Phi tránh được danh hiệu "Đội chủ nhà đầu tiên không vượt qua được vòng bảng", nhưng Carlos Pareira cũng đã được ca ngợi với chiến thắng trước đương kim Á quân Pháp ở lượt trận cuối cùng. Lần này, ông ra đi nhẹ nhàng chứ không như cách đây 2 năm.
Carlos Alberto Pareira lập kỷ lục 6 lần dẫn dắt các đội tuyển quốc gia tham dự World Cup.
4. Takeshi Okada (Nhật Bản, từ tháng 12/2007)

Lọt vào vòng 2 với kết quả rất ấn tượng: quật ngã Đan Mạch, đánh gục Cameroon và thua sát nút Hà Lan, các chiến binh Samurai chỉ chịu dừng bước trên chấm luân lưu đầy may rủi trước Paraguay. Một World Cup thành công của đất nước mặt trời mọc. 12 năm trước, Takeshi Okada chính là người đưa Nhật Bản lên bản đồ bóng đá thế giới khi tham dự France 98. Điều đáng ngạc nhiên là Okada chịu sự chỉ trích ghê gớm từ trong nước do sự chuẩn bị cho giải đấu thiếu thuyết phục, cộng thêm những lý do chính trị.
Takeshi Okada.
5. Huh - Jong Moo (Hàn Quốc, từ tháng 12/2007)

Giống như người đồng nghiệp bên phía Nhật Bản, Huh- Jong Moo cũng từng dẫn dắt Hàn Quốc cách đây 10 năm. Mặc dù không giúp Hàn Quốc lần đâu tiên vượt qua vòng 2 ở một kỳ cúp Thế giới diễn ra ngoài châu Á, thành tích của Hàn Quốc dưới thời cựu hậu vệ từng kèm Maradona năm 1986 này cũng không tệ với tỷ lệ chiến thắng lên đến 52,5%, tỷ lệ cao nhất kể từ nhiệm kỳ của chính ông cách đây 10 năm (52,9%) và cao hơn hẳn dưới thời của Guus Hiddink (42,1%). Lối chơi của đội bóng xứ Kim Chi cũng cải thiện với điểm mạnh thể lực và lối đá phòng ngự phản công sắc bén. Tiếc là họ phải dừng bước sau trận thua 1-2 đầy kịch tính trước Uruguay.
Huh-Jong Moo.
6. Raymond Domenech (Pháp, từ 2004)

Trong mắt người hâm mộ bóng đá Pháp, Raymond Domenech là một kẻ điên khùng đáng bị cho vào nhà thương. 6 năm ở tuyển Pháp là 6 năm không ngớt những lời chỉ trích dành cho cựu HLV của tuyển U21 Pháp. Bảo thủ trong cách bố trí đội hình, cư xử mất lòng các cầu thủ khiến họ nổi loạn, phát biểu không suy nghĩ khiến dư luận công kích, và xấu hổ hơn nữa là lên giọng "dạy đời" Carlos Pareira thay vì bắt tay ông này sau trận thua 1-2 trước Nam Phi. Công ít tội nhiều, vậy mà bây giờ Domenech lại đang chễm chệ ở FFF (Liên đoàn Bóng đá Pháp) với vai trò chuyên viên kỹ thuật. Thật không thể hiểu nổi.
Xấu hổ Domenech.
7. Carlos Dunga (Brazil, từ tháng 7/2006)

15 phút điên rồ của Wesley Sneijder và các đồng đội đã khiến giấc mơ vô địch thế giới lần thứ 6 tan biến với các vũ công Samba. Mọi sự chỉ trích dĩ nhiên nhắm vào Carlos Dunga khi đã từ bỏ lối đá đẹp vốn là truyền thống của Selecao để áp dụng sức mạnh cơ bắp và chiến thuật phản công. 3 năm rưỡi "đánh bạc" với phong cách chơi mới, Dunga giúp Brazil vô địch Copa America 2007 và Confederations Cup 2009, đồng thời dẫn đầu khu vực Nam Mỹ ở vòng loại World Cup 2010. Nhưng đích ngắm quan trọng nhất, chiếc cúp vàng thế giới thì người Brazil lại phải đợi đến 2014 để mà hy vọng.
"Đen" cho Carlos Dunga và các học trò.
8. Sven Goran Eriksson (Bờ Biển Ngà, từ tháng 3/2010)

Là giải pháp "chữa cháy" sau khi Salihodzic ra đi, Sven Goran Eriksson có quá ít thời gian để xây dựng lối chơi riêng cho Bờ Biển Ngà. Ông thầy người Thụy Điển xem ra vẫn như hồi còn ở tuyển Anh, chậm chạp trong xử lý chiến thuật và thay đổi nhân sự. Lạ là các quan chức bóng đá Bờ Biển Ngà đã không kiên quyết sa thải Eriksson ngay sau khi kết thúc chiến dịch, vì 2 triệu bảng đối với họ không phải khoản tiền từ trên trời rơi xuống.
Làm HLV - thất bại, kiếm tiền - thành công.
9. Paul Le Guen (Cameroon, từ tháng 7/2009)

Cựu HLV của Paris Saint-Germain tiếp quản đội cựu vô địch châu Phi trong thời buổi thoái trào của nền bóng đá nước này. Ngoài Samuel Eto'o, Cameroon không sản sinh ra thêm một ngôi sao nào có đủ sức dẫn dắt lối chơi của cả đội. Thua tan tác cả 3 trận vòng bảng, Le Guen phải nhường ghế cho Lothar Mattheus. "Sư tử bất khuất" giờ chỉ còn trong hoài niệm của những ai từng xem Italia 90 mà thôi.
Paul Le Guen.
10. Marcelo Lippi (Italia, từ tháng 6/2008)Không có bộ mặt HLV nào thích hợp với bộ mặt của đội tuyển do mình dẫn dắt như Marcelo Lippi. "Gã đầu bạc" tái ngộ với Azzurri sau khi Roberto Donadoni không hoàn thành nhiệm vụ ở EURO 2008. Nhưng chiến lược gia từng giúp Italia vô địch World Cup 2006 cũng không khá hơn là bao. Sai lầm lớn nhất của Lippi là không dám mạnh dạn thay máu đội hình bằng những gương mặt trẻ mà vẫn trọng dụng cựu binh, trong khi đó ông liên tục loay hoay với việc sử dụng sơ đồ 4-2-3-1 và 4-4-2. Thất bại của Italia cho thấy sự bảo thủ đã khiến nền bóng đá ở đất nước hình chiếc ủng bị thui chột.
Marcelo Lippi đã quá già cho việc này.
11. Diego Maradona (Argentina, từ tháng 10/2008)?


Báo chí Argentina loan tin Diego Maradona tuyên bố sẽ chia tay Albiceleste ngay sau giải đấu ở Nam Phi. Tuy nhiên, LĐBĐ nước này vẫn chưa có tín hiệu. Nhiều khả năng "Cậu bé Vàng" sẽ trở thành người thứ 11 mất ghế.

Hoàng Quân (tổng hợp)

World Cup trên VTC News 

>> Viết bình luận, gửi ảnh độc, nhận quà bất ngờ
>> Chơi trò dự đoán miễn phí, trúng đến 30 triệu đồng
>> Nghe Quang Huy & Quang Tùng đoán, bình World Cup
>>
Lịch TT trực tiếp trên truyền hình độ nét cao VTC
>> Kết quả bóng đá trực tuyến


Bình luận
vtcnews.vn