10 cuộc tập trận quân sự lớn nhất năm 2010

Thế giớiThứ Năm, 23/12/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Năm 2010 khu vực châu Á-Thái Bình Dương trở thành một điểm nóng về quân sự với rất nhiều cuộc tập trận quy mô lớn.

(VTC News) - Năm 2010 khu vực châu Á-Thái Bình Dương trở thành một điểm nóng về quân sự với rất nhiều cuộc tập trận quy mô lớn, đặc biệt là những cuộc tập trận này có sự tham gia của các cường quốc trong khu vực như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… Điều này khiến cho khu vực Đông Á nổi lên nhiều vấn đề an ninh hết sức phức tạp.

1. Cuộc tập trận mang tên "Cobra Gold - 2010"

Hoạt động tập trận “Hổ mang vàng” năm 2010. 

Thời gian:
Ngày 1/2/2010, diễn ra trong vòng 11 ngày.

Các nước tham gia: Mỹ, Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.
Địa điểm:
Sân bay Hải quân U-Tapao, tỉnh Rayong, miền Trung Thái Lan.

Vũ khí trang bị tham gia tập trận: một máy bay tấn công trực thăng và 4 tàu chiến chủ lực trong đó có 1 tàu khu trục, nhiều loại máy bay chiến đấu trong đó có máy bay chiến đấu "Hornet" F-18, máy bay trực thăng "Black Hawk" và máy bay trực thăng "Chinook".

Quân số tham gia: 14.073 binh sĩ, trong đó Thái Lan 4.658 quân, Mỹ có 8.741 quân.

Nội dung tập trận: cứu hộ, đổ bộ, chuyển dời người dân khỏi khu vực tác chiến, gìn giữ hòa bình.

2. Cuộc tập trận “Vành đai Thái Bình Dương - 2010” (RIMPAC-2001)

Hàng chục tàu chiến của 14 nước tham gia cuộc tập trận “Vành đai Thái Bình Dương” đã hợp thành hạm đội hùng mạnh tiến hành phô diễn sức mạnh. 

Thời gian:
Ngày 23/6 – 1/8/2010, thời gian diễn ra kéo dài 40 ngày.

Địa điểm: Vùng biển Hawaii.

Nội dung tập trận: Cuộc tập trận có các khoa mục tác chiến trên biển gồm bắn đạn thật, trinh sát, rà phá bom mìn, ngăn chặn hàng hải, chiến tranh đổ bộ, phòng không, chống hạm và tấn công chống tàu ngầm.

Tác chiến chống tàu ngầm là màn cuối của cuộc tập trận này, nội dung cốt lõi lấy tình hình ở Đông Á làm bối cảnh, triển khai tập trận chống tàu ngầm, nhằm nâng cao khả năng tác chiến hiệp đồng giữa hải quân nhiều nước.

Ngoài ra, còn bao gồm các chương trình tác chiến phi thông thường chủ yếu do các nước thế giới thứ ba tham gia như cứu trợ nhân đạo, tấn công cướp biển.

Các nước tham gia: Không chỉ có các nước đồng minh của Mỹ và các thành viên NATO như Australia, Canada, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, mà còn có các nước đang phát triển như Chile, Colombia, Peru, Indonesia, Malaysia, tổng cộng có đến 14 quốc gia, tăng 4 nước so với năm 2008.

Vũ khí trang bị tham gia cuộc tập trận:

Có 34 tàu chiến, 5 tàu ngầm, 170 máy bay quân sự và hơn 20.000 binh sĩ đến từ 14 quốc gia tham gia.

Tàu chiến Mỹ tham gia bao gồm tàu sân bay chạy bằng năng lượng nguyên tử "Reagan", 3 tàu ngầm nguyên tử, tàu đổ bộ tấn công "Bonhomme Richard", tàu chiến đấu bờ biển “Tự do” (Freedom) và 8 tàu quân sự khác.

Ngoài toàn bộ các vũ khí trang bị mới của hải, lục, không quân ra mắt, năm 2010 quân Mỹ còn lần đầu tiên đưa máy bay F-22A vào tham gia tập trận, tàu chiến đấu ven bờ “Tự do” cũng là “xuất hiện” lần đầu tiên.

Phản ứng của các bên:

Chuyên gia Trung Quốc: Sở dĩ Mỹ tập trung tổ chức tập trận quy mô lớn tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương là có ý đồ nâng cao khả năng tác chiến thực tế cho quân đội và khả năng tác chiến liên hợp với các nước đồng minh, thông qua duy trì đóng quân ở tiền duyên khu vực châu Á-Thái Bình Dương để đạt được mục đích căn bản là đe dọa các nước khác.

Mặc dù quân Mỹ nhiều lần tuyên bố, mục đích của cuộc tập trận "Vành đai Thái Bình Dương" là nhằm nâng cao khả năng của hải quân các nước tham diễn để bảo vệ ổn định khu vực Vành đai Thái Bình Dương, nhưng ý đồ thực sự là phục vụ cho chiến lược toàn cầu “thế giới đơn cực” của Mỹ, tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, tác chiến liên hợp hải, không quân Mỹ phải cần rất nhiều thời gian mới có thể thực hiện tốt, trở ngại chính là ngân sách có hạn và xung đột văn hóa giữa các quân chủng.

Về phương diện ngân sách, thực hiện "tác chiến liên hợp hải, không quân" cần đến các sàn chứa máy bay, đường băng ở trên các hòn đảo Tây Thái Bình Dương, ngoài ra còn cần tên lửa chống hạm và máy bay ném bom chiến lược tầm xa mới.

Về phương diện xung đột văn hóa giữa các quân chủng, tư tưởng "Đại Hải quân" của Hải quân đối lập với tư tưởng “Đại Không quân” của Không quân.

Đối với Hải quân Mỹ, họ rất khó chấp nhận từ bỏ một số nhiệm vụ tác chiến, chẳng hạn như dành nhiệm vụ trinh sát trên biển cho Không quân, chia sẻ máy bay tác chiến với Không quân. Họ lo ngại vai trò của mình sẽ bị hạ thấp.

3. Cuộc tập trận quy mô lớn “Phương Đông - 2010” của Nga

Ngày 7/7, cuộc tập trận “Phương Đông-2010” của Nga đã tiến hành bắn đạn thật tại khu vực gần thành phố Ussuriysk, Viễn Đông, Nga. 

Thời gian:
Từ ngày 29/6 – 8/7/2010

Địa điểm: Khu vực Siberia và Viễn Đông của Nga

Vũ khí trang bị, lực lượng tham gia: Lực lượng lên đến 20.000 người, 2.500 xe bọc thép, 70 máy bay chiến đấu và 30 tàu chiến.

Kịch bản tập trận:

Kịch bản thứ nhất: Tập trận chống tàu ngầm.

Kịch bản thứ hai: Tập trận phòng không.

Kịch bản thứ ba: Tập trận chống hạm.

Kịch bản thứ tư: Lực lượng đột kích của Hải quân hỗ trợ Hải quân đổ bộ.

Kịch bản thứ năm: Máy bay tấn công phát động tấn công mật tập đối với hạm đội chiến đấu của Hải quân đối phương.

Kịch bản thứ sáu: Đổ bộ tập trận tổng hợp.

Phản ứng của các bên:

Ngoại trưởng Nhật: "Nếu (cuộc tập trận của Nga được tiến hành ở khu vực Siberia, Viễn Đông) phục vụ bao gồm cả đảo Etorofu, theo quan điểm pháp lý của Nhật đối với 4 hòn đảo phía Bắc, đây là điều không thể chấp nhận được, yêu cầu mạnh mẽ Nga không nên tiến hành tập trận ở 4 hòn đảo phía Bắc.

Báo Văn Hối, Hồng Kông: Các nhà quan sát cho rằng, cuộc tập trận này, đặc biệt là việc hoàn thành có hiệu quả nhiệm vụ chuyên nghiệp và vận chuyển đường xa, đã phản ánh đầy đủ những thành quả huấn luyện thời bình và tinh thần nghề nghiệp thường trực của quân Nga.

Cuộc tập trận này thể hiện “cơ bắp” của Nga với toàn thế giới, đặc biệt là các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhấn mạnh sự hiện diện và ảnh hưởng của Nga đối với khu vực Viễn Đông, thể hiện rõ khả năng ứng phó với nhiều mối đe dọa của quân Nga.

Chuyên gia Trung Quốc: Nga đang thử nghiệm một thành quả cải cách quân sự trong những năm gần đây của họ. Bởi vì, giai đoạn cải cách quân sự này của Nga chủ yếu là đưa các lực lượng vũ trang (hải, lục, không quân) đến các khu vực chiến lược lớn, xây dựng thành 6 quân khu chiến lược.

Ví dụ, trong phương hướng Viễn Đông của Nga, Hạm đội Thái Bình Dương của họ là nòng cốt, sau đó đem lực lượng lục, không quân của nó và không quân của quân khu Viễn Đông đặt vào trong khu vực chiến lược này, thực hiện tác chiến liên hợp, chỉ huy liên hợp.

Tập trận tác chiến liên hợp của các quân chủng này trước đây tương đối ít, lần này tiến hành thử nghiệm lần đầu tiên.

Dmitry Medvedev: "Một mặt, nếu chúng ta phát triển kinh tế ở đây (khu vực châu Á-Thái Bình Dương), phát triển khu vực Viễn Đông của chúng ta, có tính đến vấn đề hiện diện ở đây, chúng ta cần chuẩn bị tốt bảo đảm an ninh của nước ta ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cuộc tập trận này cần thể hiện năng lực giải quyết vấn đề khu vực này của chúng ta".

4. Cuộc tập trận trên biển “Ý chí bất khuất”

Tàu sân bay CVN-73 rời cảng Busan đến vùng biển tập trận. 

Thời gian:
Từ ngày 25-28/7/2010, kéo dài 4 ngày.

Các nước tham gia: Mỹ, Hàn Quốc.

Địa điểm: vùng biển Nhật Bản.

Vũ khí trang bị tham gia: Tàu sân bay USS George Washington của Mỹ. Tàu đổ bộ lớn nhất châu Á "Dokdo" của Hàn Quốc. Có hơn 200 máy bay.

Lực lượng tham gia: Hơn 8.000 quân.

Nội dung tập trận: bao gồm tác chiến phòng ngự mạng, cung cấp nhiên liệu, chỉ huy và kiểm soát, tập trận chống tàu ngầm, tiếp dầu trên không bắn đạn thật.

Tiến trình tập trận:

Ngày thứ nhất, quân đội hai nước tìm kiếm tàu ngầm đối phương ở vùng biển phía Đông.

Ngày thứ hai, phát hiện và tấn công các tàu ngầm của đối phương.

Ngày thứ ba, tập trận máy bay ném bom không đối đất, ném bom chống tàu ngầm, phòng không, chống hạm.

Ngày thứ tư, mô phỏng tình hình quân đội Mỹ-Hàn bị “đối phương đe dọa” dưới biển, trên mặt biển, trên không, tiến hành tập trận vận tải quân sự và chống thâm nhập.

Bình luận:

Chuyên gia Trung Quốc: Không thể phủ nhận, Mỹ có ý đồ chiến lược của họ, nhưng quân Mỹ có kế hoạch đưa tàu sân bay đến bố trí tại biển Hoàng Hải giữa Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên, mục đích chủ yếu của họ còn muốn thể hiện thực lực, có ý đồ đe dọa Bắc Triều Tiên.

5. Cuộc tập trận "Ulchi Freedom Guardian"

Tàu ngầm tấn công hạt nhân “Virginia”. 

Thời gian:
Từ ngày 16-26/8/2010, kéo dài 11 ngày.

Các nước tham gia: Mỹ, Hàn Quốc.

Địa điểm: Biển Nhật Bản và biển Hoàng Hải, cả phía đông và phía tây của bán đảo Triều Tiên.

Vũ khí trang bị tham gia: Pháo tự hành K9; xe tăng chủ lực K1A1; tên lửa Patriot PAC-3; máy bay trực thăng vũ trang AH-64D.

Lực lượng tham gia: 30.000 binh lính Mỹ và 56.000 binh lính Hàn Quốc, còn một số lượng nhất định binh sĩ Mỹ tham gia tập trận qua mạng internet. Đây là một trong những cuộc tập trận có lực lượng tham diễn nhiều nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Mục tiêu tập trận: Nâng cao khả năng phòng thủ của Hàn Quốc, nghiêng về phương diện huấn luyện tổng hợp cho binh sĩ của quân đội các bên và nâng cao khả năng quyết sách cho sĩ quan chỉ huy quân đội.

Điểm sáng của cuộc tập trận: Tập trận mạng, mọi người đã được bố trí ở những nơi khác nhau, nhưng có thể tiến hành tập trận chung trong một không gian ảo tương đối tập trung.

Phản ứng của các bên:

Bắc Triều Tiên: Ngày 15/8, Bắc Triều Tiên đã thông qua người phát ngôn Bộ Tổng Tham mưu quân đội nước này, lên án gay gắt cuộc tập trận này, tuyên bố quân và dân Bắc Triều Tiên sẽ áp dụng các “biện pháp đối ứng quân sự nghiêm khắc nhất”.

 Dù là về quy mô, nội dung hay tính chất, cuộc tập trận của liên quân Mỹ-Hàn đều là “cuộc tập trận chiến tranh toàn diện” và cuộc tập trận chiến tranh hạt nhân” nhằm vào Bắc Triều Tiên.

Chuyên gia Trung Quốc: Đây là một cuộc trình diễn sức mạnh, một lượng lớn vũ khí trang bị mới, công nghệ cao, chính xác được đưa ra phô trương. Trên thực tế là theo đuổi một hiệu ứng tuyên truyền, một loại sức ép, đưa sức ép này tạo áp lực cho đối phương, đó là cái vô hình.

Còn tiếp…

Khánh Hưng(Theo Tân Hoa Xã)

Bình luận
vtcnews.vn