Thế giới 24h: Điểm nóng Châu Á - Thái Bình Dương

Thế giớiChủ Nhật, 15/07/2012 06:09:00 +07:00

(VTC News) - Philippines theo dõi tàu hải quân Trung Quốc, Triều Tiên bất ngờ muốn đàm phán hạt nhân, Trung Quốc đổ hàng tỉ USD vào Campuchia, ...

(VTC News) - Philippines theo dõi tàu hải quân Trung Quốc, Triều Tiên bất ngờ muốn đàm phán hạt nhân, Trung Quốc đổ hàng tỉ USD vào Campuchia, ... là những tin đáng chú ý trong ngày.


Philippines theo dõi tàu hải quân Trung Quốc


Manila đang giám sát các diễn biến xung quanh con tàu hải quân Trung Quốc mắc cạn tại Trường Sa, trong khi nhiều tàu khác của Trung Quốc cũng có mặt ở hiện trường để cứu hộ.


Phó phát ngôn viên dinh tổng thống Philippines Abigail Valte thông báo,  họ sẵn sàng hỗ trợ việc cứu hộ con tàu hải quân Trunng Quốc mắc cạn ở đảo đá Trăng Khuyết. Đảo này ở vị trí cách thành phố Rizal trên đảo Palawan của Philippines 60 hải lý, tờ Phil Star cho biết.

Cho đến chiều nay, máy bay quân sự của Philippines đã xác nhận việc tàu hải quân Trung Quốc còn mắc kẹt ở vùng nước mà các bên có tuyên bố tranh chấp. Quanh tàu hải quân bị kẹt còn có các tàu nhỏ khác, phát ngôn viên quân đội Philippines, đại tá Neil Anthony Estrella, cho hay.

Tàu hộ vệ Đông Hoán 560, con tàu mắc cạn ở Trường Sa 


"Khi thực hiện nhiệm vụ trinh sát trên không, máy bay đã có thể khẳng định, dựa trên các bức ảnh, rằng có một con tàu mang số hiệu 560 bị mắc cạn ở đá Trăng Khuyết", ông nói với AFP. Cũng theo ông, tại hiện trường có 5 con tàu khác và một số thuyền nhỏ đang giúp con tàu mắc cạn.

Một tàu tuần tra bờ biển của Philippines đã được điều đến để giám sát các hoạt động của phía Trung Quốc, Estrella nói và thêm rằng căn cứ vị trí của đảo, Manila khẳng định rằng nơi đó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Trong khi đó, đại sứ quán Trung Quốc ở Manila cho hay, tàu mắc cạn Đông Hoán 560 (Dongguan) thuộc lực lượng tàu hộ vệ tên lửa lớp Giang Hồ-V(Jianghu-V) đã được cứu hộ thành công vào lúc rạng sáng nay với hư hại nhỏ ở phần mũi tàu.

Triều Tiên bất ngờ muốn đàm phán hạt nhân

Campuchia cho biết Triều Tiên đã sẵn sàng nối lại đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Phnom Penh loan tin này và không nhắc đến bất kỳ điều kiện nào mà Bình Nhưỡng đặt ra để trở lại bàn đàm phán.

Bộ trưởng Ngoại giao CHDCND Triều Tiên Pak Ui-Chun đã có cuộc gặp với người đồng nhiệm Hor Namhong tại Phnom Penh và "tuyên bố rõ ràng rằng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán sáu bên" - người phát ngôn của Bộ ngoại giao Campuchia Koy Kuong cho biết.

Thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên


"Campuchia hoan nghênh bước đi tích cực này" - ông Koy Kuong nói thêm rằng ông Pak "không hề nói gì về các điều kiện trong suốt cuộc gặp" [với Bộ trưởng Campuchia].

Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên đã có mặt tại Phnom Penh trong suốt hội nghị các Bộ trưởng và Diễn đàn an ninh khu vực ARF diễn ra tuần qua tại Campuchia.

Căng thẳng dâng cao trên bán đảo Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tiến hành phóng tên lửa đưa vệ tinh Ngân Hà -3 vào vũ trụ không thành công. Mỹ cho rằng đây là một vụ thử tên lửa tầm xa.

Trung Quốc đổ hàng tỉ USD vào Campuchia

Trong năm năm qua, quan hệ Campuchia - Trung Quốc đã trở nên chặt chẽ hơn lúc nào hết, trong đó có việc Bắc Kinh đầu tư hàng tỉ USD vào quốc gia nghèo này ở Đông Nam Á.

Báo Phnom Penh Post dẫn nguồn từ Hội đồng Phát triển Campuchia cho biết đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào nước này năm 2011 đạt 1,192 tỉ USD, tăng 71,82% so với năm 2010. Con số này cao gần 10 lần so với đầu tư của Mỹ vào Campuchia.

Tờ Phnom Penh Post tháng 5 cho biết Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đang dự định đầu tư 235 triệu USD vào hai siêu dự án ở Campuchia. Một là dự án xây dựng nhà máy thép. Hai là dự án đầu tư vào một kênh truyền hình ở Campuchia và hiện đại hóa hệ thống truyền hình số.

Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong đã cảm ơn Trung Quốc về việc trợ giúp 430.000 USD để tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN 


Vào tháng 2 năm nay, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc cũng đã cho Campuchia vay 302 triệu USD để xây dựng đường sá và các dự án thủy lợi. Đây là khoản vay bổ sung vào khoản vay 198,2 triệu USD hồi tháng 8/2010.

Trung Quốc còn là nước viện trợ lớn nhất vào Campuchia với những khoản viện trợ không điều kiện. Với những khoản viện trợ dễ dãi như vậy, Campuchia sẽ ít bị phụ thuộc vào các “nhà hảo tâm” phương Tây, vốn luôn đưa ra những điều kiện khắt khe về tính minh bạch và nhân quyền.

Theo các thư tín ngoại giao của Mỹ được WikiLeaks tiết lộ, đổi lại những khoản viện trợ không điều kiện này, các công ty Trung Quốc được “tiếp cận nguồn tài nguyên và khoáng sản dồi dào” của Campuchia.

Thêm Đài Loan gây rắc rối ở quần đảo Trường Sa

Tờ Liberty Times ngày 15/7 cho biết Đài Loan đang xem xét kéo dài đường băng trên đảo Ba Bình ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, một động thái có thể tạo thêm căng thẳng mới tại khu vực tranh chấp - Biển Đông.


Hãng tin AFP dẫn tờ báo cho biết nếu được chấp thuận, dự án này sẽ kéo dài thêm 500 mét đường băng tại đảo Ba Bình, đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Đảo Ba Bình thuộc quần đào Trường Sa của Việt Nam  


Một nguồn tin an ninh không nêu tên được tờ báo dẫn lời cho biết: "Cơ quan an ninh mới đây đã triệu tập một cuộc họp để đánh giá đề xuất do tình hình tại Biển Đông ngày càng trở nên phức tạp".
 
Đường băng trên, hiện có chiều dài 1.150 mét, được xây dựng vào năm 2006 bất chấp sự phản đối từ các nước tuyên bố chủ quyền tại khu vực giàu dầu mỏ này.
 
Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều lời kêu gọi Đài Loan tăng cường sức mạnh quân sự tại khu vực tranh chấp trong bối cảnh các bên tuyên bố chủ quyền đã triển khai thêm binh sĩ và tăng cường thêm trang thiết bị quân sự tại vùng biển này.

Báo Trung Quốc cáo buộc Mỹ 'can thiệp' Biển Đông

Tân Hoa xã ngày 14/7 đã cáo buộc Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton can thiệp vào các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.

Trong bài xã luận, Tân Hoa xã nêu rõ: "Mặc dù thận trọng trước việc công khai chỉ trích Trung Quốc, song bà Clinton đã can thiệp sâu vào vấn đề Biển Đông bằng việc không ngừng nhấn mạnh lợi ích của Mỹ tại đó và công khai ủng hộ âm mưu của từng nước thành viên ASEAN nhằm làm phức tạp tranh chấp lãnh hải."

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton 


Tại một diễn đàn an ninh Châu Á diễn ra tại Campuchia trong tuần này, bà Clinton đã kêu gọi các bên giải quyết các tranh chấp trên "một cách không khiên cưỡng, không hăm dọa, không đe dọa và tất nhiên không sử dụng bạo lực."
 
Hồi năm 2010, Tân Hoa xã đã cáo buộc bà Clinton làm dấy lên căng thẳng khi vị ngoại trưởng này tuyên bố Mỹ có "lợi ích quốc gia" tại Biển Đông.

Ngoài ra, bà Clinton còn hối thúc giải quyết các tranh chấp lãnh hải bằng luật pháp quốc tế, không đếm xỉa tới lời kêu gọi của Trung Quốc nhằm giải quyết các vấn đề một cách trực tiếp với các nước láng giềng.

Iran cảnh báo ngăn từng giọt dầu qua Eo biển Hormuz

Một chỉ huy hải quân Iran hôm qua tuyên bố nước này có thể ngăn chặn thậm chí là “một giọt dầu” qua Eo biển Hormuz, nếu an ninh Iran bị đe dọa. Tuyên bố được đưa ra khi căng thẳng về chương trình hạt nhân Tehran vẫn âm ỉ.

Ali Fadavi, Tư lệnh hải quân thuộc Lực lượng vệ binh cách mạng Iran IRGC cho biết Tehran sẽ tăng cường sự hiện diện của quân đội ở các vùng biển quốc tế.

Ngay sau khi Mỹ tăng cường sự hiện diện của tàu hải quân ở Vịnh Péc-xích, hải quân Iran cũng tuyên bố tăng cường sự hiện diện tại các vùng biển quốc tế 

 
“Nếu họ (Mỹ) không tuân thủ luật pháp quốc tế và cảnh báo của IRGC, sẽ có hậu quả rất xấu cho họ”, hãng thông tấn Iran Fars dẫn lời ông Fadavi cho biết.
 
“Lực lượng hải quân của IRGC kể từ cuộc chiến Iran-Iraq đã có khả năng kiểm soát hoàn toàn Eo biển Hormuz và có khả năng không cho phép thậm chí là một giọt dầu đi qua”.
 
Ông Fadavi cho biết thêm: “Các lực lượng đặc nhiệm của hải quân IRGC có mặt trên tất cả các tàu của Cộng hòa Hồi giáo Iran ở Ấn Độ Dương và ở phía đông, phía tây, để ngăn chặn bất kỳ hoạt động nào”.
 
“Sự hiện diện của lực lượng hải quân IRGC này trên các vùng biển quốc tế sẽ được tăng cường”.
 
Đỗ Hường (tổng hợp)




Bình luận
vtcnews.vn