"Chế độ ở Syria chỉ còn tính bằng ngày"

Thế giớiThứ Hai, 09/07/2012 09:52:00 +07:00

(VTC News) - Hôm 8/7, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định viễn cảnh sụp đổ của chính quyền Tổng thống Syria al-Assad chỉ còn được tính bằng ngày.

(VTC News) – Hôm Chủ nhật (8/7), Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton lên tiếng nhận định vấn đề giải tán chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria “chỉ còn được tính bằng ngày”.

Phát biểu tại cuộc họp báo được tổ chức ở thủ đô Tokyo hôm 8/7, theo bà Clinton: “ Một điều rõ ràng là phe đối lập đã làm chủ được khả năng phòng thủ và sẽ sớm có hành động đáp trả đối với quân đội cũng như chính phủ.”
Việc nhiều binh sĩ cấp cao cũng như quân nhân thuộc quân đội Syria đào ngũ hoặc bỏ trốn khiến Ngoại trưởng Mỹ thêm quả quyết rằng tình thế của chính phủ Syria lúc này chẳng khác nào “cát đang chảy nhanh trong chiếc đồng hồ dốc ngược”.
 Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton có những nhận định không mấy sáng sủa về tương lai của chế độ cầm quyền Syria dưới thời Tổng thống Bashar al-Assad

“Chẳng còn bao lâu nữa bạo lực sẽ chấm dứt, mở ra một thời kỳ chuyển giao chế độ chính trị mới. Điều này không chỉ giúp giảm bớt con số người thương vong mà còn tạo điều kiện giúp đất nước Syria tránh khỏi nạn chiến tranh thảm khốc, đe dọa tới hòa bình quốc gia và cả khu vực”, bà Clinton nói.
Nhân cuộc họp báo, đại diện Nhà Trắng cũng nhấn mạnh giải pháp hòa bình do Đặc sứ Liên hiệp quốc và Liên đoàn Ả-rập Kofi Annan đề xuất và nỗ lực thực hiện đã thất bại nặng nề. Kết quả là bạo lực đẫm máu ở Syria vẫn không ngừng gia tăng sau hơn 16 tháng kể từ khi bùng nổ.
Ngay trong ngày Chủ nhật vừa qua, trên khắp đất nước Syria lại có thêm ít nhất 30 người thiệt mạng, theo thông tin từ lực lượng đối lập.
Trước bối cảnh căng thẳng leo thang ở Syria dẫn tới việc trì hoãn nhiều hoạt động giám sát quốc tế, Liên hiệp quốc vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ chốt trong việc điều hòa mâu thuẫn nội bộ và kiềm chế các bên, Tổng thư ký Ban Ki-moon tuyên bố trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Syria mới đây cho biết vào thứ Hai (9/7), Đặc sứ Kofi Annan sẽ lại có chuyến thăm tới thủ đô Damascus vì vấn đề hòa bình và kết thúc xung đột. Mặc dù trước đó, nỗ lực của ông Annan nhằm thuyết phục hai bên thi hành lệnh ngừng bắn, triển khai hoạt động cứu trợ và bảo vệ nhân quyền cho dân thường Syria đã không phát huy tính hiệu quả, thậm chí còn ‘phản tác dụng’ ở một số địa phương.
 Đặc sứ LHQ và Liên đoàn Ả-rập Kofi Annan trong một chuyến thăm tới thủ đô Damascus nhằm thuyết phục chính phủ và phe đối lập Syria nhanh chóng triển khai giải pháp hòa bình gồm 6 điểm cơ bản

 Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực kêu gọi hòa bình của LHQ và cộng đồng quốc tế, bạo lực đẫm máu ở Syria vẫn tiếp tục leo thang khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng
Hiện tại ở Syria còn một đoàn nhân viên Liên hiệp quốc gồm 300 người đang làm nhiệm vụ giám sát việc thực thi các giải pháp hòa bình. Tuy nhiên, họ đã không thể hoàn thành trách nhiệm được giao vì hoàn cảnh thực tiễn không cho phép.
Tháng trước, Liên hiệp quốc đã tuyên bố sẽ rút về toàn bộ các giám sát viên không vũ trang do lo ngại bạo lực gia tăng đe dọa tới tính mạng của họ.Thế nhưng lực lượng phe đối lập đã lên tiếng phản đối việc các nhân viên quốc tế từ bỏ trách nhiệm đối với người dân Syria.
Trong tình thế này, Tổng thư ký Ban Ki-moon đề xuất 3 khả năng cần được thảo luận trước Hội đồng bao gồm: rút đoàn giám sát viên; tăng cường lực lượng cho đoàn hoặc trang bị thêm vũ khí cần thiết để họ có khả năng tự vệ; hoặc xác định lại nhiệm vụ của đoàn trong giai đoạn hiện nay.
Kết quả cuối cùng cho thấy đa số ý kiến ủng hộ việc duy trì hoạt động của đoàn giám sát nhưng thay đổi chiến lược cho phù hợp với điều kiện thực tiễn. Theo đó, phạm vi hoạt động của phái đoàn LHQ sẽ chuyển từ vùng bạo động về thủ đô Damascus để tập trung thúc đẩy việc triển khai 6 điểm trong giải pháp hòa bình giữa chính phủ và phe đối lập.
Theo báo cáo của LHQ, tính từ tháng 3/2011, xung đột nội bộ ở Syria đã cướp đi sinh mạng của hơn 10.000 người bất chấp nỗ lực của LHQ và sự phản đối gay gắt của cộng đồng quốc tế.
 Chính quyền của Tổng thống al - Assad đang đứng trước nhiều thách thức to lớn từ trong và ngoài nước mà theo nhận định của Ngoại trưởng Mỹ, ngày tàn của đế chế Assad 'chỉ còn tính bằng ngày'
Trong khi đó, theo thống kê của tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria mới công bố vào tuần trước, con số này đã vượt mức 16.700 người, bao gồm hơn 11.000 dân thường.
Bạo loạn đẫm máu ở Syria những ngày này đang là một trong số những vấn đề quốc tế được dư luận quan tâm. Theo đó, không chỉ xung đột nội bộ mà cả những sự kiện gây tranh cãi trong quan hệ láng giếng căng thẳng giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ gần đây cũng thu hút không ít sự chú ý.
Hôm 8/7, truyền thông Syria đưa tin các lực lượng vũ trang nước này đã có cuộc tập trận quy mô lớn nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Động thái này của Syria diễn ra ngay sau hàng loạt phản ứng mang tính ‘răn đe’ của Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi một máy bay quân sự của nước này bị Syria bắn hạ hồi cuối tháng 6/2012.
Theo một kênh truyền hình Syria, Bộ trưởng Quốc phòng Gen Dawoud Rajha là một trong số những quan chức cấp cao tham gia đợt thao diễn quân sự. 
Bên cạnh đó, các lực lượng Hải quân Syria cũng bắt đầu triển khai tập trận bằng đạn thật kết hợp với bắn tên lửa trên biển cũng như vùng duyên hải. 
 Chiếc phản lực cơ F-4 của Thổ Nhĩ Kỳ bị quân đội Syria tấn công gây căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước kể từ hồi cuối tháng 6
Vấn đề giữa Damascus và Ankara đã sớm được trình lên Ủy ban Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng như Hội đồng Bảo an LHQ để tìm giải pháp thích hợp. Tuy nhiên, cộng đồng thế giới luôn kêu gọi hai nước hành động hòa bình, xoa dịu mâu thuẫn bằng đàm phán, nhất là khi xung đột nội bộ ở Syria còn đang trong tình trạng căng thẳng như hiện nay.

Hạ Giang

Bình luận
vtcnews.vn