Thủ tướng Hy Lạp đạt thỏa thuận từ chức

Thế giớiThứ Hai, 07/11/2011 11:15:00 +07:00

(VTC News) - Theo tuyên bố của Tổng thống Hy Lạp, hôm nay (7/11), Thủ tướng đương nhiệm George Papandreou sẽ từ chức.

(VTC News) - Theo tuyên bố của Tổng thống Hy Lạp, hôm nay (7/11), Thủ tướng đương nhiệm George Papandreou sẽ từ chức và nước này sẽ tiến hành bầu ra tân Thủ tướng.

Phóng viên Tân Hoa Xã tại Athens hôm qua (6/11) cho hay, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou và nhà lãnh đạo đảng Tân Dân chủ đối lập Antonis Samaras đã đạt được thỏa thuận về việc thành lập chính phủ liên minh vào tối qua (6/11), hai bên đã đồng ý xây dựng chính phủ liên minh mới do tân Thủ tướng lãnh đạo.

Tối cùng ngày, ông Papandreou và ông Samaras đã đệ trình việc xây dựng chính phủ liên minh lên Tổng thống Hy Lạp Karolos Papoulias. Tổng thống Papoulias tuyên bố, ông Papandreou và ông Samaras sẽ tiếp tục đối thoại vào ngày 7/11 về việc chọn ra tân Thủ tướng của nước này.

Theo đó, Hy Lạp sẽ tổ chức bầu cử sớm sau khi chính phủ mới thực hiện kế hoạch cứu trợ theo như thỏa thuận của các nước khu vực đồng tiền chung euro hôm 26/10.

 Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou

Trước đó, hai đảng chủ chốt đều đã đưa ra ý kiến về việc xây dựng chính phủ liên minh, tuy nhiên, hai bên vẫn chưa thống nhất quan điểm về hình thức và nhiệm vụ của chính phủ liên minh này. Đảng Tân Dân Chủ lấy việc ông Papandreou từ chức làm điều kiện thành lập chính phủ liên minh, trong khi luôn ủng hộ chính phủ liên minh phải lấy cơ sở từ chính phủ quá độ do bộ máy quan chức mang tính cơ cấu, với vai trò đảm bảo Quốc hội phê chuẩn kế hoạch cứu trợ của EU. Phía đảng Xã hội cầm quyền cho rằng, chính phủ mới nên cầm quyền ít nhất là đến tháng 2/2012.

Theo kế hoạch cứu trợ thỏa thuận được của lãnh đạo khu vực đồng tiên chung euro hôm 26/10, nợ công của Hy Lạp sẽ cắt giảm tới hơn 100 tỷ euro, đồng thời nước này sẽ nhận được một khoản cứu trợ là 130 tỷ euro với điều kiện đi kèm là tiếp tục thực hiện thắt chặt chi tiêu và các biện pháp cải cách.

Từ khi bùng nổ khủng hoảng nợ công, chính phủ Hy Lạp đã đưa ra 7 gói giải pháp thặt chặt chỉ trong 2 năm. Việc tăng thuế, giảm lương, đặc biệt là cắt giảm việc làm và lương hưu của công chức đã bị phản đối kịch liệt, tỷ lệ ủng hộ đối với chính phủ cũng giảm đáng kể.

Hiện nay, việc đảng cầm quyền liệu có thuyết phục được Quốc hội phê chuẩn kế hoạch cứu trợ mới hay không đã trở thành vấn đề tiên quyết, do đó, nội bộ Hy Lạp và các nước bên ngoài đang yêu cầu các chính đảng thành lập chính phủ liên minh cùng nhau ứng phó với khủng hoảng nợ đang gia tăng.

Đỗ Hường

 

Bình luận
vtcnews.vn