Truy lùng nguồn gốc bức ảnh "xác chết" của Gaddafi

Thế giớiThứ Ba, 23/08/2011 05:52:00 +07:00

(VTC News) - Cư dân mạng lại xôn xao với bức ảnh được cảnh báo "không dành cho trẻ dưới 18", bức ảnh xác chết đẫm máu của Tổng thống Libya Gaddafi.

(VTC News) - Mới đây, cư dân mạng lại xôn xao với bức ảnh được cảnh báo là "không dành cho trẻ dưới 18 tuổi", bức ảnh xác chết đẫm máu của Tổng thống Libya Gaddafi.

Giữa lúc chiến sự Libya đang hồi căng thẳng, phe nổi dậy tuyên bố chiếm được 80% thủ đô Tripoli và số phận của Tổng thống Gaddafi đang được đặt một dấu hỏi lớn, thì sự tồn tại một "bằng chứng" như vậy hiển nhiên gây sốc. Bắt đầu từ một trang Twitter, bức ảnh đã lan truyền với tốc độ chóng mặt, đặc biệt sau khi nó được đăng tải trên trang chia sẻ Liveleak.

 

Tuy nhiên, trên thực tế, tấm ảnh này là... hàng giả, một sản phẩm photoshop chính hiệu; mà bản gốc của nó là một tấm ảnh trên Reuters. Tấm ảnh được dùng làm "nguyên liệu" là ảnh thi thể một vệ sĩ của Bin Laden, nằm trong chùm ảnh ghi lại cuộc đột kích của lực lượng SEALs vào khu dinh thự của trùm khủng bố hôm 2/5 vừa qua.

 Tấm ảnh thi thể vệ sĩ của Bin Laden trên Reuters...

 Nếu xoay ngược 2 lần theo cả chiều dọc và chiều ngang...

 ... Thì trùng khớp đến từng chi tiết với tấm ảnh được cho là "đã chết" của Gaddafi, từ vệt máu tới sợi dây điện bên cạnh đầu

Đây là lần thứ 2 trong vòng 3 tháng, một "kì án photoshop" liên quan đến một nhân vật chính trị được đưa ra. Hồi tháng 5, khi chưa một bức ảnh hay vật chứng nào về cái chết của Bin Laden được Nhà Trắng chính thức đưa ra, thì một tấm ảnh xuất phát từ một trang web Hồi giáo và được truyền đi lần đầu bởi Express TV đã làm dư luận xôn xao.

Tuy nhiên, một số cư dân mạng tinh ý và thạo tin đã nhận ra sự giống nhau một cách đáng ngờ giữa khẩu hình Bin Laden trong bức ảnh "đã chết" với một bức ảnh công bố cách đó nhiều năm.

 

Tiếp theo, tờ Guardian đã vạch trần bức ảnh "đầu bin Laden" là sản phẩm 100% photoshop, được ghép từ ảnh xác chết một người đàn ông Arab đăng trên Medialine.org hôm 29/4/2009 với tấm ảnh trùm khủng bố do hãng Reuters thực hiện năm 1998.

Hiện tại, những người theo dõi tình hình Libya vẫn đang "hoa mắt chóng mặt" với quá tải tin đồn từ cả 2 phía đưa ra, mà một bằng chứng rõ ràng nhất về tính thiếu xác thực của thông tin là việc cậu ấm Saif al-Islam, người con trai được coi là đã bị phe nổi dậy bắt giữ của Gaddafi
xuất hiện trên đường phố Tripoli vào đêm qua (theo giờ địa phương, tức rạng sáng nay theo giờ Việt Nam).

Trước mắt, thế trận vẫn chưa rõ ràng và mọi thông tin cần phải được bình tĩnh kiểm chứng.

Đông Linh

Bình luận
vtcnews.vn