Tại sao Mỹ không điều F-22 Raptor tới Libya?

Thế giớiThứ Năm, 24/03/2011 01:56:00 +07:00

(VTC News) – Mỹ sẽ không điều máy bay tiêm kích hiện đại nhất của mình F-22 Raptor tham chiến ở Libya.

(VTC News) – Defense News ngày 23/3 dẫn nguồn tin từ nhà phân tích quân sự Viện Lexington - Loren Tompson cho biết, Mỹ sẽ không điều máy bay tiêm kích hiện đại nhất của mình F-22 Raptor tham chiến ở Libya. 

Theo nguồn tin này, Không quân Mỹ đã quyết định không đưa máy bay tiêm kích hiện đại nhất của mình tham gia chiến dịch không kích của liên quân vào Libya.  Nhận định được ông Tompson đưa ra dựa  trên một số khía cạnh sau:

Tiêm kích Mãnh Cầm F-22. 

Một là
, F-22 Raptor được thiết kế, chế tạo không phải để sử dụng tấn công các mục tiêu mặt đất mà chủ yếu là để giành ưu thế trên không đối với các đối thủ tiềm năng như Nga, Trung Quốc trong điều kiện không có tác động của sóng vô tuyến.

Nó cũng không thể phối hợp với các máy bay khác khi đang bay trong đội hình tác chiến vì không có khả năng trao đổi thông tin với các máy bay chiến đấu khác ngoại trừ máy bay cùng loại (F-22). 

Do không đủ khả năng trang bị đồng thời cả hai tính năng nên trong quá trình thiết kế và chế tạo máy bay tiêm kích F-22 Raptor các kỹ sư hàng không của Mỹ đã phải lựa chọn một trong hai phướng án: hoặc là tính năng tàng hình, hoặc là tính năng trao đổi thông tin với các máy bay chiến đấu khác.

Cuối cùng họ đã chọn khả năng tàng hình cho F-22 theo sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng Mỹ. Hiện nay, F-22 Raptor được trang bị hệ thống thông tin liên lạc tiêu chuẩn Link-16, nhưng thiết bị này chỉ có khả năng thu thông tin từ máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng khác chứ không có chức năng phát hay trao đổi thông tin với các máy bay này.

Hai là, F-22 Raptor được trang bị hai quả bom điều khiển loại JDAM có trọng lượng 450 kg nên chỉ có khả năng tiêu diệt các mục tiêu cố định chứ không có khả năng tiêu diệt các mục tiêu di động.

Trong quá trình chế tạo máy bay F-22 Raptor, các kỹ sư hàng không của Mỹ đã dự định sẽ bổ sung vào hệ thống vũ khí trang thiết bị trên khoang thêm loại bom SDB trọng lượng 113 kg có khả năng tiêu diệt cả mục tiêu di động lẫn cố định, song ý định này sau đó lại không được thực thi, đến nay vẫn chưa rõ lý do.

Ba là, F-22 Raptor không có khả năng quét bản đồ địa hình như radar khẩu độ tổng hợp vẫn làm, do đó nó không thể có khả năng tự động lựa chọn các mục tiêu trên mặt đất để chỉ thị cho hỏa lực tiêu diệt nên hiệu quả tiêu diệt mục tiêu mặt đất sẽ không cao.

Bốn là, do lớp vỏ kim loại của F-22 đa số được làm từ vật liệu đặc biệt composite nên rất nhẹ, lại có độ cứng, độ bền cơ học cao, có khả năng chịu nhiệt và chịu sự ăn mòn tốt, tính phát xạ thấp nên kể cả là hệ thống radar hiện đại cũng rất khó có thể phát hiện ra hoạt động của nó.

Tuy nhiên, đây lại cũng chính là một trong những nguyên nhân chính gây nên các sự cố ngoài ý muốn khi nó tham gia hoạt động trong điều kiện có mưa phóng xạ, đặc biệt là trong tình hình nhiễm xạ ở Nhật Bản đang ngày càng lan rộng sang các quốc gia khác như hiện nay.

Theo ông Tompson, những hạn chế nêu trên chính là một trong những lý do chủ yếu khiến Mỹ không điều động F-22 Raptor tới chiến trường Libay tham gia cùng không quân liên quân.

Kể từ khi chính thức đưa vào biên chế đến nay, F-22 Raptor rất ít khi được sử dụng trong các chiến dịch quân sự quy mô lớn như ở Iraq hay Afghanistan. Ngay đến chính các nhà lãnh đạo Mỹ cũng đã nhiều lần chỉ trích về dự án chế tạo loại máy bay này, vừa siêu tốn kém mà lại không mang lại hiệu quả thiết thực.

Chiến dịch quân sự của liên minh phương Tây nhằm vào Libya mang tên “Bình minh Odessey” đã bắt đầu vào tối ngày 19/3 với sự tham gia của máy bay tiêm kích F-15 Eagle, F-16 Fighting Falcon, Rafale và Tornado của Không quân các nước Mỹ, Anh, Pháp, Canada và Italia.

Tuy nhiên, trong điều kiện các hệ thống radar và hệ thống phòng không của Libya hoạt động tích cực thì chỉ có máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler của Hải quân Mỹ mới có khả năng tác chiến và chế áp hiệu quả.

Hiện nay, Không quân Mỹ đang dự định tiến hành nâng cấp loại máy bay này trong khuôn khổ chương trình Increment 3.1 nhằm bổ sung và hoàn thiện các hệ thống vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật trên khoang, các linh kiện và thiết bị điện tử cũng như phần mềm lập trình cho máy tính tích hợp trên máy bay.

Mục tiêu mà Mỹ đặt ra trong chương trình này là bổ sung khả năng quét bản đồ địa hình, tự động lựa chọn các mục tiêu cả cố định lẫn di động trên mặt đất và khả năng ứng dụng bom không quân có điều khiển SDB.

Tuy nhiên, sau khi hoàn tất quá trình nâng cấp và hiện đại hóa, F-22 Raptor vẫn không thể có khả năng lựa chọn đồng thời quá hai mục tiêu để chỉ thị tấn công tiêu diệt bằng 8 quả bom SDB.

Trước kia, Mỹ cũng đã xem xét cả khả năng nâng cấp và hiện đại hóa F-22 trong khuôn khổ chương trình Increment 3.2 để mở rộng khả năng trao đổi thông tin. Tuy nhiên, trong năm 2010 Không quân Mỹ đã từ chối cấp  kinh phí cho dự án này vì nó quá tốn kém.

Những hạn chế nêu trên của dòng máy bay tiêm kích được coi là hiện đại nhất thế giới hiện nay F-22 Raptor đã chứng tỏ về tính năng cũng như khả năng tác chiến của nó vẫn chưa được như những gì Mỹ quảng bá.

Điều này chứng tỏ, vũ khí dù hiện đại đến đâu thì cũng vẫn có những yếu điểm, hạn chế nhất định, nếu sớm phát hiện có thể tìm ra biện pháp vô hiệu hóa nó mà không cần phương tiện đối trọng tương đương.

Hữu Kỷ - Nhật Minh (Theo Lenta)

 

Bình luận
vtcnews.vn