Mỹ thực sự muốn các đồng minh Ả Rập dân chủ?

Thế giớiThứ Ba, 08/03/2011 02:01:00 +07:00

(VTC News) – Nhìn vào làn sóng bạo loạn chống chính phủ ở Bắc Phi, Washington dường như luôn dao động về lập trường.

(VTC News) – Nhìn vào làn sóng bạo loạn chống chính phủ ở Bắc Phi, Washington dường như luôn dao động về lập trường. Nhưng, rõ ràng hiện nay chính phủ Barack Obama đang thực hiện chính sách:

Nếu đồng minh lâu dài trong khu vực của họ muốn thúc đẩy cải cách chính trị, thì Mỹ sẽ ủng hộ họ duy trì quyền lực, mặc dù những cải cách liên quan không hoàn toàn thỏa mãn những đòi hỏi dân chủ của những người biểu tình chống chính phủ.

Biểu tình chống chính quyền vẫn đang diễn ra tại Lybia. 

Trong thời gian bạo loạn tại Ai Cập, ban đầu Washington ủng hộ Tổng thống Ai Cập, đồng minh lâu nay của Mỹ, Hosni Mubarak, nhưng sau đó lập trường dần dần thay đổi, và cuối cùng lại đứng về phía những người biểu tình, yêu cầu Mubarak từ chức.

Các nước Ả rập từng kêu gọi Mỹ để cho Mubarak “ra đi có thể diện”, nhưng Obama không nghe, khiến họ rất tức giận. Ngay cả Lầu Năm Góc cũng hoài nghi về cách làm của Nhà Trắng (quan hệ giữa quân Mỹ và Ai Cập rất chặt chẽ).

Mubarak ra đi, các nước vùng Vịnh tức giận

Một số người lo ngại, Mỹ ép Mubarak buộc phải từ chức một cách nhanh chóng như vậy sẽ dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ tại Cairo, ảnh hưởng đến sự ổn định của Bắc Phi. Lý do của Nhà Trắng là người biểu tình trên đường phố ở Ai Cập lên đến hàng trăm ngàn, Mỹ bất đắc dĩ phải thay đổi lập trường của họ.

Trên thực tế, khi Nhà Trắng chuyển sang ủng hộ những người biểu tình, trong con mắt của tổ chức nhân quyền, là đã quá muộn, chứ không phải quá sớm, vì vậy đã bị chỉ trích.

Sau sự đổi thay ở Ai Cập, các nước Ả Rập vẫn tiếp tục vận động Mỹ nghĩ đến sự ổn định của khu vực Ả Rập, không nên ủng hộ các phần tử chống chính phủ.

Họ đặc biệt lo ngại, một khi vua Hamad của Bahrain cũng bị lật đổ, khu vực này sẽ là xuất hiện "hiệu ứng domino", rất nhiều nhà lãnh đạo sẽ phải đối mặt với nguy cơ rời khỏi ngai vàng quyền lực.

Người lao động nhập cư đang cố gắng tháo chạy khỏi Libya hỗn loạn càng sớm càng tốt, rất nhiều người chưa được di tản phải trú ẩn trong các khu trại tị nạn tạm thời.

Họ cũng cảnh báo Mỹ, nếu mất đi đồng minh quan trọng này, đối phương có thể chuyển sang thân Iran.

Trong khi đó, cộng đồng tình báo Mỹ lo ngại về một hậu quả khác: Saudi Arabia sẽ tấn công Bahrain, đàn áp các phiến quân người Shiite, khiến cho mối quan hệ đồng minh lâu dài giữa Mỹ và Saudi Arabia cũng bị đe dọa, gây thiệt hại nghiêm trọng cho quan hệ chính trị và kinh tế hai nước.

Công tác vận động thay mặt cho Bahrain do Ủy ban Hợp tác vùng Vịnh đi đầu. Nước thành viên của Ủy ban này ngoài Bahrain, còn có các nước như Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và UAE.

Kết quả, chính quyền Obama đã xác định chính sách đối với các nước Ả Rập, đó chính là ủng hộ các đồng minh trong khu vực (bao gồm Bahrain và Morocco) muốn thúc đẩy cải cách chính trị, chứ không hoàn toàn thỏa mãn đòi hỏi dân chủ của những người biểu tình chống chính phủ.

Một quan chức Mỹ cho biết: "Bắt đầu từ Bahrain, (Mỹ) chính phủ đã có một số hành động, muốn nhấn mạnh đến tính ổn định của công tác cai quản. Mọi người đều hiểu là, Bahrain quá quan trọng, không thể sụp đổ được".

Cai quản ổn định, trừ Libya

Tuy nhiên, Libya là một ngoại lệ trong đối tượng thực hiện chính sách này. Libya vốn từ lâu đối đầu với Mỹ, nhưng do đồng ý từ bỏ chương trình hạt nhân nên đã cải thiện quan hệ một phần với Mỹ.

Trước tình hình xảy ra biểu tình ở Libya, phản ứng đầu tiên của Obama là giữ im lặng, nhưng sau đó đã chỉ trích nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi đã có các hành động bạo lực đối với người dân nước này, kêu gọi Gaddafi từ chức.

Nhưng có người chỉ trích Obama đã có phản ứng quá chậm, hiện nay buộc phải áp dụng các hành động quân sự.

Có quan chức Nhà Trắng thẳng thắn thừa nhận, quyết định một tháng trước của chính phủ không thực sự hoàn hảo, đó là một quá trình rút kinh nghiệm của họ. Ông nói: “Chúng ta luôn nói, những nước này cần phải cải cách chính trị, kinh tế và xã hội, nhưng chính sách mà người dân thực sự cần mỗi nước có khác nhau”.

Khánh Hưng(Theo Liên hợp Buổi sáng)
Bình luận
vtcnews.vn