Chiến lược quân sự của Mỹ chĩa mũi dùi vào TQ?

Thế giớiThứ Tư, 16/02/2011 01:59:00 +07:00

(VTC News) - Mỹ vừa công bố chiến lược quân sự quốc gia 2011 với điểm nhấn là: trọng điểm chiến lược mới chuyển tới khu vực châu Á-TBD.

(VTC News) - Mỹ vừa công bố chiến lược quân sự quốc gia 2011 với điểm nhấn là: trọng điểm chiến lược mới chuyển tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chĩa thẳng mũi dùi vào Trung Quốc.

Trọng điểm chiến lược mới: châu Á-Thái Bình Dương

Hãng AP đưa tin, quân đội Mỹ ngày 8/2/2011 công bố "Chiến lược quân sự quốc gia". Văn kiện chiến lược quân sự quốc gia lần đầu tiên có nội dung đổi mới trong 7 năm qua này thay đổi xu hướng trước đây đặt trọng điểm chiến lược vào Afghanistan.

Chiến lược quân sự quốc gia do Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ xây dựng, 2 năm công bố 1 lần, nhưng mỗi lần công bố có thể không đưa ra thay đổi nội dung mang tính thực chất. Chiến lược quân sự quốc gia lần trước có nội dung đổi mới được công bố năm 2004.

Hoạt động tập trận Hổ Mang Vàng ở Châu Á - Thái Bình Dương (ảnh tư liệu minh hoạ) 

Theo AP, so với chiến lược quân sự quốc gia năm 2004, chiến lược mới có sự thay đổi trọng tâm, tỷ trọng chiến lược quân đội Mỹ tại 2 chiến trường Iraq và Afghanistan giảm xuống, còn "chiến tranh mạng" và khu vực châu Á-Thái Bình Dương trở thành trọng điểm chiến lược mới được quân Mỹ quan tâm.

Tờ "Thời báo Kinh tế" Ấn Độ ngày 9/2 cho biết, Mỹ đang tìm kiếm "mở rộng hợp tác quân sự với Ấn Độ" và "xây dựng quan hệ tích cực, hợp tác và toàn diện với Trung Quốc", coi đó là một trong những nội dung của chiến lược quân sự mới.

Chiến lược quân sự quốc gia đã sửa đổi đề xuất định nghĩa lại vai trò lãnh đạo của Mỹ thường xuyên thay đổi trên thế giới, trong đó đề cập tới: “Với sự gia tăng vai trò và sức mạnh quân sự của châu Á, chúng ta sẽ tìm kiếm thông qua phương thức mới để thúc đẩy thành hợp tác an ninh khu vực rộng lớn hơn".

Một quan chức cấp cao của quân đội Mỹ cho biết, tầm quan trọng của châu Á-Thái Bình Dương sẽ tăng lên. Ông nói: "Khu vực châu Á-Thái Bình Dương có 2 cường quốc đang nổi lên là Ấn Độ và Trung Quốc, và còn có rất nhiều quốc gia phát huy vai trò quan trọng trong khu vực".

Chiến lược quân sự đã sửa đổi cho biết: "Chúng tôi tìm cách mở rộng hợp tác quân sự với Ấn Độ về không phổ biến vũ khí hạt nhân, bảo vệ công cộng toàn cầu, chống khủng bố và các phương diện khác", "tìm kiếm xây dựng quan hệ tích cực, hợp tác và toàn diện với Trung Quốc, hoan nghênh Trung Quốc đảm nhiệm vai trò lãnh đạo có trách nhiệm".

Văn kiện này cho biết: "Để có được sự hỗ trợ, lực lượng liên hợp của quân Mỹ tìm cách tăng cường quan hệ quân sự với Trung Quốc nhằm mở rộng lĩnh vực cùng quan tâm, ưu đãi cho nhau và cùng có lợi, tăng cường hiểu biết, giảm sự hiểu lầm và ngăn ngừa đoán nhầm".

Văn kiện cho biết, Mỹ "sẽ thông qua hợp tác với Trung Quốc trên phương diện tấn công cướp biển và ngăn ngừa phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt để thúc đẩy lợi ích chung".

Đồng thời, Washington "sẽ tiếp tục quan tâm mật thiết đến sự tiến triển quân sự của Trung Quốc, và những ảnh hưởng của sự tiến triển này đối với cán cân lực lượng quân sự ở Eo biển Đài Loan".

Chiến lược quân sự sửa đổi còn cho biết, Mỹ vẫn "cảm thấy lo ngại về mức độ hiện đại quân sự và ý đồ chiến lược của Trung Quốc, cũng như thái độ cứng rắn của Trung Quốc về không gian, không gian ảo, biển Hoàng Hải, Đông Hải và biển Đông".

Chiến lược mới nhấn mạnh tầm quan trọng của Mỹ tại các đồng minh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Báo cáo kỳ vọng, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có thể phát huy vai trò lớn hơn trên phương diện bảo vệ ổn định khu vực, cho rằng “trong mấy chục năm tới, quân đội Mỹ vẫn sẽ duy trì lực lượng quân sự vững chắc tại khu vực Đông Bắc Á”, đồng thời cho biết “cần hỗ trợ Lực lượng Phòng vệ nâng cao khả năng tác chiến ngoài biên giới”.

Ngày 8/2, có nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản cho hay, Nhật-Mỹ sẽ thảo luận các mục tiêu chiến lược chung mới vào ngày 10/2/2011 tại Washington.

Tăng cường quan hệ với các nước quanh Trung Quốc

Mạng "South China Morning Post" Hồng Kông ngày 10/2 đưa tin với tiêu đề: Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ tăng cường quan hệ với các đồng minh châu Á.

Mặc dù chiến lược mới cho biết, Mỹ hoan nghênh Trung Quốc phát huy vai trò lãnh đạo an ninh có trách nhiệm, nhưng vẫn nhắc nhở Mỹ cần duy trì lực lượng quân sự mạnh ở châu Á trong vài thập kỷ tới. Bắc Kinh vẫn chưa bình luận công khai về văn kiện này. Văn kiện này đã khát quát mối lo ngại đối với hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc.

Mỹ xem ra có sự điều chỉnh nhỏ đối với sự nổi lên của Trung Quốc, kiên trì đặt quan hệ với Bắc Kinh trong bối cảnh thay đổi nhanh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tức là khu vực này sẽ ngày càng chủ đạo “điểm ưu tiên và lợi ích chiến lược” của Mỹ.

Văn kiện nói, Mỹ tìm cách xây dựng quan hệ “tích cực, hợp tác và toàn diện” với Trung Quốc, “hoan nghênh Trung Quốc đảm nhiệm vai trò lãnh đạo có trách nhiệm”, sau đó liệt kê ra một loạt mối lo ngại.

Tiếp theo đó, báo cáo đã khẳng định xu hướng ngày càng rõ ràng trong nhiều tháng qua, đó là củng cố quan hệ đồng minh mấy chục năm qua của Mỹ, ví dụ Nhật Bản và Australia, và nỗ lực lấy lòng những nước quanh Trung Quốc.

Báo cáo đặc biệt đề cập đến sự cần thiết phải phát triển quan hệ với Ấn Độ. Ấn Độ được phổ biến cho là đối thủ chiến lược của Trung Quốc tại khu vực này.

Điều cần lưu ý là, báo cáo thề rằng sẽ cho phép Mỹ triển khai hợp tác quân sự chặt chẽ hơn với các đồng minh thân cận ở Đông Á là Nhật Bản và  Hàn Quốc, nhằm giúp cho việc “duy trì ổn định của khu vực”.

Các nhà ngoại giao của châu Á và phương Tây tại khu vực này cho rằng, mặc dù báo cáo này ít có ý tưởng mới, nhưng vẫn là một tuyên bố chứa đựng nhiều thay đổi.

Một nhà ngoại giao cấp cao thành thạo vấn đề an ninh châu Á cho biết: "Mặc dù thái độ của Mỹ đối với Trung Quốc có sự thay đổi chút ít, nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, Mỹ sẽ tăng cường quan hệ chiến lược với tất cả các nước xung quanh Trung Quốc".

Mỹ chĩa thẳng mũi dùi vào Trung Quốc

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, chiến lược mới coi khu vực châu Á-Thái Bình Dương là trọng điểm chiến lược mới của quân đội Mỹ, đồng thời nhấn mạnh muốn tăng cường quan tâm tới sự tăng trưởng sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

Đây là điều không có gì đáng ngạc nhiên. Bởi vì ngay từ thập niên 90 của thế kỷ trước, Mỹ đã đề xuất chuyển trọng tâm chiến lược từ châu Âu sang châu Á-Thái Bình Dương, nhưng thời gian và tốc độ của nó đã bị kéo dài.

Từ năm 2001, Mỹ liên tiếp rơi vào vòng xoáy của hai cuộc chiến tranh Afghanistan và Iraq. Đến nay, cùng với sự thay đổi của cuộc chiến, có thể tạm thời “thả lỏng” bỏ 2 chiến trường này, tập trung sức mạnh để ứng phó với “các mối đe dọa” của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. So với các thế lực khủng bố, mối đe dọa của quốc gia này đối với quốc gia khác mới là lâu dài, quan trọng hơn.

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, mặc dù số từ đề cập đến Trung Quốc trong chiến lược mới rất ít, nhưng đối với Mỹ, các mối đe dọa chủ yếu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương chính là đến từ Trung Quốc.

Ví dụ như báo cáo viết “một số nước đang phát triển khả năng chống can thiệp”, chính là ám chỉ Trung Quốc đang thử nghiệm nhiều vũ khí quân sự tiên tiến như máy bay J-20.

Việc Trung Quốc phát triển lực lượng quân sự trên biển đã gây hoài nghi và bất an cho nước khác. Về căn bản, đây là do Mỹ nắm không chắc xu hướng tương lai của quân sự Trung Quốc, hai nước chưa xây dựng được lòng tin quân sự, vì vậy Mỹ đã làm công tác chuẩn bị cho ngăn chặn chiến tranh.

Sự thay đổi trọng tâm chiến lược của Mỹ chắc chắn sẽ làm gia tăng tình hình căng thẳng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, điều này phù hợp với mục tiêu và lợi ích theo đuổi nhất quán của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nhưng, do hợp tác kinh tế Trung-Mỹ ngày càng đi vào chiều sâu, hai bên đều đang cố gắng tránh xung đột chiến tranh. Hơn nữa, vũ khí hạt nhân và nhất thể hóa toàn cầu là hai hòn đá tảng lớn để chế ước chiến tranh hiện đại. Vì vậy, trong 50 – 100 năm nữa, giữa Trung-Mỹ sẽ không thể bùng phát chiến tranh.

Chiến lược mới khẳng định, quân Mỹ cần tăng cường hợp tác quân sự với các nước Đông Nam Á, Ấn Độ và Australia, từ đó nâng cao hơn nữa vai trò ảnh hưởng của quân đội Mỹ tại khu vực Đông Nam Á và Nam Á.

Sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc không những tạo ra thách thức đối với Mỹ, mà còn khiến các nước Đông Nam Á cảm thấy bất an. Ví dụ, tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước như Philippines trong vấn đề biển Đông bị một số nước cho là do sức mạnh quốc gia tổng hợp của Trung Quốc được tăng cường.

Theo ý nghĩa này, chiến lược quân sự mới của Mỹ đã đem lại liều thuốc an thần cho các đồng minh chiến lược của họ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Đây cũng là “vòng cung liên minh ngăn chặn” mà Mỹ đang đẩy mạnh xây dựng để ngăn chặn Trung Quốc, không để Trung Quốc “giàu mạnh”, mà để Trung Quốc trở thành một nước tương tự như Canada “giàu mà không mạnh”.

Điều quan trọng nhất để bảo vệ quan hệ hai nước là kinh tế, còn chính trị và quân sự sẽ phải phục tùng nhu cầu kinh tế. Trung Quốc không “đấu” với Mỹ về quân sự, mà cùng các nước phát triển kinh tế, đây là sự lựa chọn sáng suốt nhất.

Kinh tế là biện pháp tốt nhất có thể hóa giải liên minh ngăn chặn, hóa giải căng thẳng quân sự. Ở mức độ rất lớn, tình hình khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong tương lai sẽ đi theo khuôn khổ đó. Mỹ sẽ luôn dao động giữa ngăn chặn về quân sự, hợp tác về kinh tế đối với Trung Quốc.

Khánh Hưng(Tân Hoa Xã, Phượng Hoàng, Quang Minh báo)

Bình luận
vtcnews.vn