Wikileaks công bố tiếp 400.000 tài liệu mật của Mỹ

Thế giớiChủ Nhật, 17/10/2010 09:00:00 +07:00

(VTC News) - Wikileaks sẽ công bố tiếp 400.000 tài liệu tuyệt mật về cuộc chiến tranh Iraq. Mỹ đã lập 1 đội chuyên trách để giải quyết hậu quả của sự việc.

(VTC News) - Trong báo cáo của mình hôm thứ Sáu (15/10) vừa qua, AFP cho biết, Wikileaks dường như đang chuẩn bị công bố tiếp 400.000 tài liệu tuyệt mật của Lầu Năm góc về cuộc chiến tranh Iraq do Mỹ và đồng minh tiến hành năm 2003.

Việc công bố này được dự kiến vào hôm nay, Chủ nhật 17/10, trên trang web lớn nhất chuyên về các tài liệu tuyệt mật chưa hề được tiết lộ Wikileaks, vượt xa so với con số 77.000 tài liệu mật về cuộc chiến tranh Afghanistan mà website này công bố trước đó.

Những thông tin mật nhất về cuộc chiến tranh này sẽ được Wikileaks công bố hôm nay?  

Theo AFP, để đối phó với những tác động có thể xảy ra khi các tài liệu này được công bố, Lầu Năm Góc đã thành lập một đội Đặc nhiệm gồm 120 quan chức từ vài tuần trước. Phát biểu trước các phóng viên AFP, Đại tá David Lapan, phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết, đội Đặc nhiệm này đã tiến hành nghiên cứu các dữ liệu từ cuộc chiến tranh Iraq “để xác định xem những tác động có thể xảy ra là gì”.

Trong một bức thư được công bố hôm thứ 6, các quan chức Lầu Năm góc nói rằng không có hành động hay nguồn tin tình báo nào bị ảnh hưởng sau khi Wikileaks công bố các tài liệu hồi tháng 7, nhưng điều này có thể gây ra những thiệt hại đáng kể đến an ninh nước Mỹ.

Bức thư được gửi đến hãng truyền thông Mỹ AP cho biết, những quan ngại của các quan chức chính quyền Obama về hậu quả của việc 77.000 tài liệu mật về cuộc chiến tranh Afghanistan được công bố hồi tháng 7 thực tế đã không xảy ra.

Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đã gửi một bức thư về những kết luận này hôm 16/8 tới Thượng nghị sỹ Carl Levin, Chủ tịch ủy ban vũ trang thượng viện, khi ông này yêu cầu Lầu Năm góc phải có một bản đánh giá nghiêm túc về những tác động có thể xảy ra.

Nhưng vấn đề giờ đây là các quan chức Mỹ đã bị mất lòng tin nghiêm trọng khi để xảy ra sự việc trong mắt các đồng minh của Mỹ, những nước đã chấp nhận rất nhiều rủi ro để trở thành đồng minh của họ trong các cuộc chiến tại Trung Đông.

Steven Aftergood, một quan chức phụ trách theo dõi xu hướng "Tin tức Blog," trong một phiên điều trần trước chính phủ cho biết, “tác động lớn nhất là các quan chức quốc phòng đã bị mất lòng tin về khả năng giữ bí mật của họ”.

“Và điều này vô hình chung tác động đến cả những cá nhân hay tổ chức được chúng ta tuyển dụng để phục vụ cho các sứ mệnh đặc biệt”, ông cho biết thêm. “Vì vậy, chúng ta phải nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc”.

Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates: "Những lo sợ hậu quả sau khi 77.000 trang tài liệu về cuộc chiến Afghanistan đã bị thổi phồng"  

Các quan chức Mỹ đã cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng do vụ rò rỉ thông tin hồi tháng 7. Trong bức thư gửi Thượng nghị sỹ Levin, Bộ trưởng Gates nói rằng các tác động có thể đã bị thổi phồng.

“Những xem xét ban đầu của chúng tôi cho thấy, các thông tin bị công bố phần lớn liên quan đến các hoạt động quân sự”, Bộ trưởng Gates viết, điều này cho thấy, những tài liệu này không bao gồm những thông tin nhạy cảm nhất.

“Các đánh giá ban đầu của chúng tôi chỉ ra rằng không có dấu hiệu của việc nguy hại đến an ninh quốc gia, đồng thời những tin tức tình báo về các vấn đề nhạy cảm không bị tiết lộ ở đây”, ông nói thêm.

Người phát ngôn Lầu Năm góc, Đại tá Lapan cho biết hôm thứ 6 rằng những đánh giá về các tài liệu hồi tháng 7 vẫn còn giá trị, ngay cả khi tiến hành nghiên cứu một cách kỹ lưỡng hơn. Một đội đặc nhiệm do cơ quan tình báo quốc phòng dẫn đầu đã tiến hành việc báo cáo đều đặn hàng tuần để kịp thời nắm những tác động có thể xảy ra.

Đại tá Lapan cho biết, sau khi bức thư của Bộ trưởng Gates được gửi tới Thượng viện, hai bên vẫn tiến hành liên lạc với nhau về vấn đề này qua điện thoại, tiếp xúc cá nhân hay trong các cuộc họp giao ban.

Tên của các nguồn tin tình báo nhìn chung được giữ bí mật ở mức cao hơn so với các tài liệu mà Wikileaks cho công bố. Các tài liệu công bố cung cấp một cái nhìn tổng thể về cuộc chiến tranh, kéo dài từ năm 2004 đến 2009, chủ yếu dựa trên các báo cáo tình báo hẹp và các tài liệu chiến trường khác.

Bộ trưởng Gates lưu ý rằng tuy các tài liệu đề cập đến tên “những người Afghanistan đã hợp tác với CIA”  không phải là tài liệu tình báo mật nhưng nó lại chỉ ra họ là những người đã đoạn tuyệt với Taliban.

Taliban sau đó tuyên bố sẽ trừng phạt những cá nhân này, nếu nguồn tin trên được chứng minh là đúng sự thật.

“Chúng tôi đánh giá mức độ của những rủi ro này cũng tương đương với mức độ rủi ro cho  an ninh quốc gia Hoa Kỳ và đang xem xét các khả năng để làm giảm nhẹ chúng”, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Gates viết.

“Chúng tôi đang làm việc với các đối tác của mình để làm giảm nhẹ nhất những rủi ro có thể xảy ra khi các thông tin này được đăng tải”.

Cho đến nay, Lầu Năm góc không nhận được bất kỳ báo cáo nào cho thấy những người Afghanistan có tên trong danh sách mà Wikileaks công bố bị sát hại.

Wikileaks sẽ vẫn tiếp tục thách thức Mỹ bằng việc công bố những tài liệu được cho là tuyệt mật này? 

Trong phiên họp hôm 29/7, chỉ ít ngày sau khi Wikileaks cho công bố các tài liệu mật này, Bộ trưởng Gates nói, ông đã tranh thủ được sự giúp đỡ của FBI để tìm hiểu xem “những hậu quả nghiêm  trọng nhất có thể xảy ra” là gì.

“Những tài liệu về hành động quân sự bị tiết lộ có thể sẽ gây nguy hiểm cho quân đội của chúng tôi, đồng minh của chúng tôi và các đối tác đang hoạt động tại Afghanistan  và cũng có thể làm hỏng mối quan hệ cũng như danh tiếng của chúng tôi đối với phần còn lại của thế giới”. “Các nguồn tin tình báo, các phương pháp kỹ chiến thuật quân sự có thể trở thành con dao hai lưỡi đối với chúng tôi”.

Tại cuộc họp này, Đô đốc Mike Mullen, chủ tịch tham mưu trưởng liên quân, cho biết hành động này của Wikileaks sẽ tạo ra những hậu quả chết người.

“Sự thật là, họ sẽ làm những người lính trẻ của chúng ta hay các gia đình Afghanistan phải đổ máu”, Mullen nói.

Gần đây, các quan chức tình báo Mỹ cho biết vụ tiết lộ tài liệu mật hồi tháng 7 có thể làm tăng lên tính gay gắt của cuộc tranh luận về việc chia sẻ thông tin nhạy cảm trong nội bộ chính phủ nên ở mức nào, mà bài học nhãn tiền là vụ tấn công 11/9, để ngăn ngừa các cuộc tấn công khủng bố trong tương lai.

Hữu Túc(Theo Foxnews)

 

Bình luận
vtcnews.vn