Indonesia sẽ tự chế tạo tàu ngầm vào năm 2014

Tổng hợpThứ Hai, 18/10/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) – Indonesia dự định sẽ bắt đầu tự đóng mới chiếc tàu ngầm đầu tiên vào năm 2014 và mua thêm 2 chiếc tàu ngầm khác từ nước ngoài.

(VTC News) – Indonesia dự định sẽ bắt đầu tự đóng mới chiếc tàu ngầm đầu tiên vào năm 2014 và mua thêm 2 chiếc tàu ngầm khác từ nước ngoài.


“Chúng tôi cần không phải là 2 mà là 3 chiếc tàu ngầm mới” - Thứ trưởng Quốc phòng  Indonesia Sjafrie Sjamsoeddin tuyên bố ngày 15/10 trước các phóng viên của Hãng Antara trong chuyến thăm và làm việc tại thành phố Malang phía Đông đảo Java.

 

Trong tuyên bố này, Thứ trưởng Quốc phòng Indonesia còn nhấn mạnh thêm rằng, Indonesia đã chuẩn bị tất cả các điều kiện cần thiết để bắt đầu chế tạo chiếc tàu ngầm nội địa đầu tiên vào năm 2014.

 

Bên cạnh đó, Indonesia cũng sẽ tổ chức đấu thầu cung cấp 2 chiếc tàu ngầm mới cho Hải quân nước này với các nhà đăng ký thầu chính là Nga, Hàn Quốc, Pháp và Đức.


Hiện nay, Indonesia đang tiến hành nghiên cứu cơ chế thanh toán, chuẩn bị kinh phí và một số vấn đề khác có liên quan để chuẩn bị cho gói thầu cung cấp 2 tàu ngầm mới từ nước ngoài.

 

Theo tuyên bố của trợ lý Tư lệnh Hải quân Indonesia phụ trách vấn đề kế hoạch, Thiếu tướng Among Margono cho biết, Hải quân Indonesia đã xác định các tiêu chí kỹ-chiến thuật cần thiết cho những chiếc tàu ngầm mới. Theo đó, những chiếc tàu ngầm này sẽ có tính năng vượt trội hơn hẳn so với những chiếc tàu ngầm hiện có của một số quốc gia lân cận.

Tàu ngầm loại Type 209/1300 thuộc lớp Cakra. 

Hiện nay, Hải quân Indonesia hiện đang sở hữu 2 chiếc tàu ngầm loại Type 209/1300 thuộc lớp Cakra. Chiếc thứ nhất mang tên KRI Cakra – 401, chiếc thứ hai là KRI Nanggala – 402, cả hai đều được triển khai vào hoạt động năm 1981.

Tàu KRI Cakra – 401 do Viện thiết kế Ingenieur Kontor Lübeck (IKL) thuộc tập đoàn đóng tàu Howaldtswerke-Deutsche Werft của Đức thiết kế dựa trên phiên bản của tàu ngầm Type 206 trước đó. Một trong những ưu điểm của phiên bản thiết kế này là có thể cho phép sỹ quan chỉ huy quan sát được toàn bộ thân tàu từ mũi cho tới đuôi thông qua kính viễn vọng.

Tàu KRI Nanggala – 402 được thiết kế theo dạng thân đơn, trang bị 04 động cơ diesel MTU loại 5000 mã lực, 04 máy phát điện và chân vịt 7 cánh có thể giúp giảm thiểu tiếng ồn. Bốn bộ "pin" nhiên liệu, mỗi bộ chứa 120 pin được đặt ở đầu và cuối trung tâm chỉ huy cho phép nó có thời gian hoạt động tối đa lên tới 50 ngày.

Tàu được thiết kế 02 khoang hút nước để phục vụ cho quá trình điều khiển lặn. Tàu có độ choán nước 1.390 tấn, thân dài 59,5 mét, rộng 5,5 mét, cao 6,2 mét. Thủy thủ đoàn 33 người.

Tàu ngầm lớp Cakra được trang bị 08 ống phóng ngư lôi cỡ nòng 533 mm, với 14 quả. Ngoài ra, ống phóng ngư lôi có thể được sử dụng để phóng tên lửa chống ngầm UGM-84 Harpoon và rải mìn với cơ số lên tới 28 quả, tùy thuộc vào yêu cầu sử dụng.

Tàu ngầm loại này có khả năng lặn đến độ sâu tối đa là 500 mét, đạt tốc độ tối đa 20 km mỗi giờ khi nổi và 38,7 km mỗi giờ khi lặn. Tầm hoạt động của Cakra đạt tới 20.000 km khi chạy nổi ở tốc độ 20 km mỗi giờ, 15,00 km khi chạy có ống thông hơi ở tốc độ 20 km mỗi giờ và 700 km nếu lặn sâu với tốc độ 7 km mỗi giờ.

Tên lửa trang bị trên tàu ngầm lớp Cakra của Hải quân Indonesia. 

Theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Indonesia, chiếc tàu đầu tiên KRI Cakra -401 đã được công ty Daewoo Shipbuilding nâng cấp trong giai đoạn 2004-2006, với tổng giá trị lên tới 60 triệu USD; chiếc thứ hai KRI Nanggala -402 bắt đầu được nâng cấp vào giữa năm 2009.

Tàu ngầm loại Type 209 có các seri và lớp khác nhau như Type 209/1100, Type 209/1200, Type 209/1300, Type 209/1400, Type 209/1500. Tàu loại này được sử dụng bởi hải quân nhiều nước như: Indonesia, Argentina, Brazil, Chile, Colombia, Ecuador, Hellenic, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nam Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela.

Hữu Kỷ - Nhật Minh (Tổng hợp)

 

 

 

Bình luận
vtcnews.vn