1 đồng nghiệp sẽ bảo vệ pháp lý cho nhà báo Hoàng Hùng

Pháp luậtThứ Hai, 14/03/2011 11:20:00 +07:00

(VTC News) – "Tôi cũng chẳng muốn bà Liễu bị mức án cao nhất, nhưng tôi cho rằng việc bà Liễu ra đầu thú vẫn chưa đủ để “cân bằng” với các tình tiết khác".

(VTC News) - Luật sư Nguyễn Văn Đức – Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Biển Đông là người được bà Nguyễn Thị Kim Nga (mẹ ruột của nhà báo Hoàng Hùng) nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bên bị hại trong vụ án nhà báo Hoàng Hùng bị đốt. Luật sư Đức cho biết ông từng là đồng nghiệp làm báo cùng nhà báo Hoàng Hùng trong nhiều năm.

VTC News đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Đức xung quanh việc này.

-
Ông có thể cho biết vì sao ông lại nhận trợ giúp pháp lý miễn phí cho bà Nguyễn Thị Kim Nga – mẹ của nhà báo Hoàng Hùng?

 
Vì trong vụ án này, nạn nhân đã chết nên theo quy định của luật pháp, cơ quan điều tra phải cử đại diện cho bị hại. Trong trường hợp này, bà Trần Thúy Liễu là hung thủ nên đương nhiên, bà Kim Nga sẽ là đại diện cho người bị hại. Trước khi bà Liễu ra đầu thú, bà Nga có đến Công ty chúng tôi nhờ cử LS trợ giúp pháp lý miễn phí.

Xét thấy yêu cầu này là chính đáng, chúng tôi đã đứng ra nhận trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà và tiến hành làm các thủ tục xin tham gia tố tụng. Chúng tôi cũng chỉ vừa mới nhận giấy chứng nhận từ phía cơ quan điều tra hôm 18/2 vừa qua.

Ngoài việc bà Nga là vợ liệt sĩ (đương nhiên được nhận trợ giúp pháp lí miễn phí), sở dĩ chúng tôi còn nhận làm miễn phí là do giữa tôi và anh Hoàng Hùng còn là đồng nghiệp làm báo với nhau trong rất nhiều năm. Trước cái chết mang đầy tính uẩn khúc của một người từng là đồng nghiệp của mình, chúng tôi không thể đứng ngoài cuộc. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi lúc này là cùng góp phần với cơ quan tố tụng Long An tìm ra kẻ thủ ác, làm rõ động cơ, mục đích phạm tội của hung thủ.

- Cho tới thời điểm này, ông đã có thể tiếp cận hồ sơ vụ án hay chưa?

Hiện vụ án này vẫn còn đang trong thời hạn điều tra nên chúng tôi vẫn chưa thể tiếp cận hồ sơ vụ án. Mặt khác, qua theo dõi từ báo chí, chúng tôi hiểu rằng đây là một vụ án khá phức tạp, đòi hỏi cần phải được điều tra thận trọng, thực hiện các biện pháp tố tụng khách quan, đúng pháp luật.  Vì thế chúng tôi cũng không muốn gây thêm áp lực cho cơ quan điều tra trong việc tiếp cận hồ sơ vào thời điểm này, nhưng thật tình tôi cũng mong rằng vụ án sẽ sớm được điều tra xong. Chúng tôi vẫn theo dõi rất sát diễn biến, tiến độ của vụ án và luôn hy vọng, tin tưởng các cơ quan chức năng của Long An sẽ làm tốt công việc của mình.

Rất có thể bà Liễu sẽ phải chịu các hình phạt với hình thức tăng nặng theo điều 93 Bộ luật Hình sự "Giết người vì động cơ đê hèn" (ảnh internet) 

- Cho đến thời điểm này đã xác định được rõ bà Liễu là hung thủ đầu tiên thiêu sống chồng của mình. LS suy nghĩ gì về điều này? LS sẽ bào chữa cho bị hại thế nào khi bị hại là chồng, bị can lại là vợ?

Đây là điều tôi vô cùng băn khoăn, trăn trở khi nhận lời bảo vệ cho bà Nga. Cho dù vào thời điểm ấy, bà Liễu vẫn chưa ra đầu thú, nhưng với linh cảm nghề nghiệp, chúng tôi đều nhận định rõ rằng bà Liễu có liên quan đến vụ án là điều rất lớn. Do vậy, khi vụ việc vở lỡ, có người đề nghị chúng tôi đứng ra bào chữa cho bà Liễu, chúng tôi đã từ chối.  Vụ án nhà báo bị vợ thiêu sống thật sự là bi kịch. Người giàu trí tưởng tượng nhất cũng không thể nghĩ ra “kịch bản” đầy bi thương này.

Những người LS như chúng tôi khi nhận vụ án này chắc chắn là phải hết sức băn khoăn. Theo quy định của pháp luật, bị hại và bị can có các quyền lợi đối lập nhau, điều này đồng nghĩa rằng LS bảo vệ cho bị hại là “một kiểm sát viên thứ hai” tại phiên tòa. Với những gì đã xảy ra, bà Liễu rất có thể phải chịu một mức án rất cao, thậm chí có thể sẽ bị vĩnh viễn loại khỏi đời sống xã hội. Do đó, cái cốt lõi ở đây là không chỉ bảo vệ quyền lợi cho anh Hoàng Hùng (mà bà Nga là đại diện), mà còn cần phải tính tới tương lai, quyền lợi của hai người con gái của anh Hùng và bà Liễu. Hai cháu đã mất cha, nay có nguy cơ mất thêm mẹ thì cuộc sống sau này sẽ thế nào, tinh thần và tâm lý của các cháu sẽ ra sao trước sự mất mát quá lớn này. Đó là điều mà những người cầm cân nảy mực, LS như chúng tôi phải tính đến.

- Việc ra đầu thú có thể được coi là tình tiết giảm nhẹ, nhưng liệu đã đủ để cứu bà Liễu thoát khỏi mức án cao nhất là tử hình không, thưa luật sư?

Theo khoản 1, điều 93 của Bộ luật Hình sự, nếu “giết người vì động cơ đê hèn” có thể bị phạt từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc thậm chí tử hình. Như đã nói ở trên, vấn đề chính của cơ quan điều tra lúc này là cần làm rõ động cơ, mục đích phạm tội của hung thủ, xác định rõ vai trò của đồng phạm… để có sự xác định mức án chính xác.

Bản thân tôi cũng chẳng muốn bà Liễu bị mức án cao nhất, nhưng tôi cho rằng tình tiết bà Liễu ra đầu thú vẫn chưa đủ để “cân bằng” với các tình tiết định khung áp dụng. Có chăng, bà Liễu phải thể hiện thêm được sự thành khẩn của mình trong quá trình các cơ quan tố tụng xử lý vụ án, chứ không thì khó có thể xem xét giảm nhẹ tội.

- Xin trân trọng cảm ơn LS.


Việt Dũng (thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn