Cho người nước ngoài 'ôm' bất động sản: Chúng ta cầm chuôi hay lưỡi?

Kinh tếThứ Ba, 23/09/2014 04:35:00 +07:00

(VTC News) - Liệu việc "mở" cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam sẽ đem đến lợi ích hay sẽ dẫn đến việc đầu cơ, khó kiểm soát?

(VTC News) - Liệu việc "mở" cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam sẽ đem đến lợi ích hay sẽ dẫn đến việc đầu cơ, khó kiểm soát?

Dự thảo Luật nhà ở mới đây đã bỏ quy định người nước ngoài nhập cảnh là được quyền sở hữu nhà ở. Theo các chuyên gia bất động sản việc bỏ quy định này là không cần thiết vì chúng ta đang nắm đằng chuôi, trong khi người nước ngoài được phép mua nhà sẽ giải tỏa được kho hàng tồn bất động sản cao cấp.

Trước đó, tại quy định của dự thảo luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào tháng 8/2014 thì cả Việt kiều và cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam là được sở hữu nhà ở, khoăn lớn nhất được đặt ra với Điều 156, quy định “cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được quyền sở hữu nhà”.
mua nhà, người nước ngoài, Đặng Hùng Võ, bất động sản, địa ốc
Cho phép người nước ngoài mua nhà Việt Nam: Chúng ta đang cầm đằng chuôi 
Tuy nhiên, sau phiên thảo luận sáng 10/9 thì quy định này đã không còn trong dự thảo.


Theo các chuyên gia, trong khi thị thường đang thật sự cần kích cầu thì dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) vẫn quy định chặt chẽ về điều kiện được mua nhà ở tại Việt Nam với người nước ngoài.

Theo đó, việc mua nhà ở chỉ áp dụng cho các đối tượng được phép nhập cảnh vào Việt Nam; chỉ cho phép mua nhà ở thương mại trong các dự án phát triển nhà ở tại khu vực không cấm người nước ngoài cư trú, đi lại.

Điều ngặt nghèo hơn, dự thảo Luật lại quy định điều kiện cá nhân nước ngoài "phải đang học tập, làm việc, sinh sống tại Việt Nam”.

GS. Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết, thực tế, việc bỏ quy định “cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được quyền sở hữu nhà” là không cần thiết.

Theo ông Võ, lý do bác bỏ điều này chủ yếu là do lo ngại việc người nước ngoài sẽ “ôm” nhiều bất động sản dẫn đến đầu cơ, lũng đoạn thị trường và làm xuất hiện nhiều khu đô thị "ma" khi có người đến ở 2 ngày rồi để không.

Tuy nhiên, ông Võ cũng khẳng định, cả hai điều này đều khó xảy ra và thực tế là chúng ta đang nắm đằng chuôi, còn người nước ngoài đang ở đằng lưỡi, nên việc bỏ quy định này là không cần thiết.

Cụ thể, ông Võ lý giải, thứ nhất, theo quy định nhập cảnh vào Việt Nam mà không theo con đường du lịch thì thời gian tối thiểu của visa là 3 tháng. Do vậy, thực tế nói được nhập cảnh nhưng cũng đã có thời gian quy định cụ thể.

Thứ hai, về vấn đề đầu cơ, thao túng thị trường là khó có thể xảy ra. Bởi lẽ theo quy định, người nước ngoài chỉ được phép mua nhà trong khoanh vùng nhất định mà Việt Nam cho phép, chứ không phải khu vực nào cũng được mua.
 
Giá mua cũng được quy định rõ là người nước ngoài chỉ được mua loại nhà ở có giá bán cao hơn mức giá do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ…

Ngoài ra, thị trường bất động sản tại Việt Nam hiện nay đang ở trong giai đoạn trầm lắng, khó khăn, vì vậy, việc người nước ngoài đổ tiền “ôm” nhiều nhà đất thì sẽ đem về cho Việt Nam một nguồn tiền lớn, chứ không thể mua đi bán lại “kiếm lời” như thời kỳ sốt nóng trước kia được.

Hơn nữa, người nước ngoài cũng chỉ được mua ở những nơi phân khúc cao cấp, phân khúc này đang là bài toán khó cho thị trường bất động sản hiện nay.

“Vì vậy, việc cho phép người nước ngoài mua chỉ có lợi cho ta, còn việc đầu cơ hay không đều có thể kiểm soát được. Nói cách khác chúng ta đang cầm dao đằng chuôi, còn họ cầm đằng lưỡi”, ông Võ cho hay.

Cũng theo GS. Đặng Hùng Võ, hiện phân khúc bất động sản cao cấp tại Việt Nam đang tồn đọng khá lớn. Cung cao, trong khi cầu rất hạn chế, số lượng người Việt Nam có thể mua được phân khúc này là đếm trên đầu ngón tay.

 
Việc cho phép người nước ngoài mua chỉ có lợi cho ta, còn việc đầu cơ hay không đều có thể kiểm soát được. Nói cách khác chúng ta đang cầm dao đằng chuôi, còn họ cầm đằng lưỡi.
GS. Đặng Hùng Võ
 
Trong khi người nước ngoài có nguồn tài chính dồi dào, có khả năng mua các loại bất động sản cao cấp này thì nên tạo điều kiện để họ có thể sở hữu. Đây cũng là giải pháp tốt để giải quyết hàng tồn kho bất động sản cao cấp của Việt Nam.


Về vấn đề sẽ hình thành nên khu đô thị “ma”, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, nhu cầu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam rất lớn.

“Vì vậy, tôi cho rằng, ít người sẽ mua nhà rồi bỏ không. Tài sản của họ họ phải biết nắm giữ chứ không ai để mục nát cả”, ông Võ nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với GS. Đặng Hùng Võ, ông Trần Như Trung – Chuyên gia bất động sản ví von, việc bỏ quy định “cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được quyền sở hữu nhà” không khác gì mời người ta vào nhà nhưng chỉ mở “cửa hẹp”.

“Nếu bạn muốn mời ai đó vào nhà, mà cửa chỉ để hé thì chắc chắn khách sẽ có vui lòng vào căn nhà của bạn”, ông Trung cho hay.

Việc tạo điều kiện cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam là điều mà các doanh nghiệp đang chờ mong vì nó sẽ tạo ra một nguồn cầu lớn trong nước.

Theo ông Trung, nếu Việt Nam muốn thu hút khách du lịch, muốn trở thành điểm đến mới của Châu Á thì phải chấp nhận mở cửa và thử nghiệm. Vì vây, nếu quyết tâm mở cho người nước mua nhà ở Việt Nam thì nên chấp nhận thử nghiệm và mở rộng cửa để họ vào.

“Nếu không mở toang cửa, không cho họ thấy "đất lành chim đậu" thì sẽ khó có thể giải quyết được bài toán thị trường hiện nay”, ông Trung cho hay.

Cũng theo ông Trung, việc người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam nên nhìn dưới góc độ thị trường, chứ không nên dùng mệnh lệnh hành chính.

“Hiện phân khúc bất động sản cao cấp tại Việt Nam đang dư thừa nguồn cung, vì vậy, nếu người nước ngoài có tiền thì chỉ cần họ chịu đổ tiền mua là được, còn chuyện đầu cơ theo tôi thị trường bất động sản Việt Nam sẽ khó có các cơn sốt như giai đoạn trước, vì vậy, cũng không ai dại gì đi “ôm” một đống nhà đất tại Việt Nam lúc này”, ông Trung phân tích.

Ngoài ra, việc mở cửa cho người nước ngoài vào Việt Nam cũng cần phải xác định rõ mục tiêu là để giải quyết hàng tồn kho bất động sản cao cấp hay để giải quyết nhu cầu ở.

Nếu là để giải quyết hàng tồn kho bất động sản thì việc họ mua nhà ở 2 – 3 ngày rồi bỏ đấy không quan trọng bằng việc họ đã đổ một khoản tiền lớn về Việt Nam.

Còn nếu là để giải quyết nhu cầu ở, lấp đầy các khu đô thị, tránh trường hợp khu đô thị “ma” thì thực tế ở Việt Nam các khu biệt thự bỏ hoang rất nhiều, muốn giải quyết không phải chuyện của một vài ngày, mà là cả một quá trình dài hạn.

Hơn nữa, người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam là mua ở những phân khúc cao cấp, đã hoàn thiện, và chủ yếu là có nhu cầu thực. Vì vậy, sẽ khó xuất hiện những khu đô thị “ma”.

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, việc mở rộng điều kiện cho cá nhân nước ngoài được mua nhà ở chính là hoạt động xuất khẩu tại chỗ, làm gia tăng tổng tài sản quốc gia, tạo điều kiện phát triển các ngành nghề và tạo việc làm cho người lao động, tăng tổng cầu cho thị trường BĐS và không ảnh hưởng tiêu cực đến phân khúc thị trường nhà ở dành cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp trong nước.

Theo ông Lê Hoàng Châu, dự thảo Luật đã quy định chặt chẽ về điều kiện được mua nhà ở là chỉ áp dụng cho các đối tượng được phép nhập cảnh vào Việt Nam; chỉ cho phép mua nhà ở thương mại trong các dự án phát triển nhà ở tại khu vực không cấm người nước ngoài cư trú, đi lại; chỉ được mua loại nhà ở có giá bán cao hơn mức giá do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ...

Điều này sẽ không làm ảnh hưởng đến chính sách về nhà ở trong nước, đặc biệt là không ảnh hưởng đến các đối tượng chính sách xã hội có khó khăn về nhà ở.

Đồng thời, với các quy định chặt chẽ như vậy thì vấn đề quốc phòng, an ninh vẫn được đảm bảo và cũng không nên quy định thêm về điều kiện cư trú. Trong dự thảo luật cũng đã quy định chặt chẽ về phương thức thanh toán để phòng, chống việc rửa tiền, cụ thể là việc thanh toán tiền mua nhà ở phải thực hiện thông qua các ngân hàng, tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam.

Tuy nhiên, trong dự thảo luật lại có quy định điều kiện cá nhân nước ngoài “phải đang học tập, làm việc, sinh sống tại Việt Nam”.

Theo ông Châu, quy định này đã làm hạn chế, thậm chí làm mất tác dụng chủ trương mở rộng điều kiện cho cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam. “Nếu quy định theo dự thảo luật hiện nay thì chẳng khác nào quy định cá nhân nước ngoài phải có visa nhập cảnh vào Việt Nam với thời gian 6 tháng, 12 tháng như trước đây” - ông Châu nói.

Cũng theo ông Châu, trên thực tế có nhiều doanh nhân, chuyên gia người nước ngoài có cơ sở kinh doanh hoặc làm việc tại nhiều nước, họ đến và ở Việt Nam mỗi đợt từ vài ngày đến vài tuần để làm việc rồi lại đi nơi khác, nhưng lại có nhu cầu nhà ở thực sự.

Do đó, ông Châu kiến nghị chỉ cần quy định cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì có thể mua nhà và sở hữu nhà nếu có nhu cầu.

Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến cuối tháng 8/2014, tổng giá trị tồn kho bất động sản trong cả nước dù đã giảm, nhưng tỷ lệ tồn kho vẫn ở mức cao, còn khoảng trên 82.000 tỷ đồng. Trong đó, tồn kho nhà thấp tầng (Biệt thự, liền kề) tồn gần 14.000 căn, tương đương hơn 23.000 tỷ đồng.


Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn