Dân kiệt sức mua

Kinh tếThứ Hai, 25/11/2013 08:27:00 +07:00

Dù Chính phủ đang nỗ lực dùng ‘đòn bẩy’ kích cầu song chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 11 chỉ tăng 0,34% so với tháng 10/2013.

Dù Chính phủ đang nỗ lực dùng ‘đòn bẩy’ kích cầu song chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 11 chỉ tăng 0,34% so với tháng 10/2013. 


Con số này đang đi ngược với mong muốn trọng cầu mà các cơ quan chức năng đang nỗ lực thực hiện.
Ngày 24/11, Tổng cục Thống kê đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 11/2013 chỉ tăng 0,34% so với tháng 10/2013.
Kinh tế khó khăn người dân phải cân nhắc từng đồng để chi tiêu 

Nhóm mặt hàng có mức tăng giá mạnh nhất là nhóm hàng hóa và dịch vụ ăn uống tăng 0,62% (trong đó riêng mặt hàng lương thực tăng cao nhất, tới 1,29%).
Đặc điểm quan trọng của CPI tháng 11/2013 là hai nhóm quan trọng đã từng góp phần đẩy CPI các tháng trước tăng mạnh là y tế và giáo dục tháng này đã tăng rất thấp, không đáng kể. Cụ thể, nhóm thuốc và dịch vụ y tế chỉ tăng 0,07%, nhóm giáo dục 0,1%.
Các nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cũng tăng thấp, chỉ 0,41%; thiết bị và đồ dùng gia đình 0,24%; may mặc, mũ nón giày dép 0,35%; đặc biệt, nhóm giao thông và bưu chính viễn thông còn giảm (lần lượt -0,34% và 0,02%) đã giúp CPI tháng mười một chỉ tăng nhẹ ở mức 0,34%.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thông thường, những tháng cuối năm CPI thường tăng cao, nhưng CPI tháng 11 vẫn tăng thấp, cũng không ngoài dự đoán, bởi các nhóm hàng nhà nước kiểm soát giá không tăng, cùng đó là sức mua vẫn không cao do suy giảm kinh tế.
Tuy nhiên con số này còn thể hiện sức mua của dân đã cạn kiệt. 
Theo Bộ Công thương, tính đến ngày 1/9/2013, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2012. Chỉ số tồn kho giảm liên tục trong 7 tháng đầu năm đang nhích dần lên trong tháng 8 và 9, nhiều ngành sản xuất vẫn có chỉ số tồn kho tăng cao.
TS Lê Đăng Doanh nhận định: kinh tế vẫn chưa qua giai đoạn khó khăn nhất. CPI giảm mạnh là biểu hiện của giảm phát, sức mua của đại đa số dân cư đã đến mức kiệt quệ.
Còn TS Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiêp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cũng cho rằng, các doanh nghiệp đã kiệt sức rồi, nền kinh tế đang tụt dần và khoảng cách so với các nước trong khu vực đang doãng ra bất lợi. Sức mua của dân cũng giảm sút càng khiến doanh nghiệp chìm sâu hơn vào khó khăn.
Theo các chuyên gia kinh tế, xét cả giai đoạn 2007-2013, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với suy giảm kinh tế, chưa có dấu hiệu phục hồi. 
Tốc độ tăng GDP đã giảm từ 8,5% năm 2007 xuống 6,2% năm 2008, 5,5% năm 2009, 6,78% năm 2010, 5,89% năm 2011 và 5,03% năm 2012. Sản xuất kinh doanh hết sức khó khăn, đình trệ. Số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản, tạm ngừng hoạt động đạt mức kỷ lục, sức cạnh tranh thấp trong khi hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, niềm tin của người dân, nhà đầu tư giảm sút.
Vì vậy, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng cần nhìn thẳng vào sự thật để chọn giải pháp và thực hiện quyết liệt, nếu không thì nền kinh tế không những không phục hồi mà có thể sẽ còn tệ hơn nữa.
Theo Đất Việt
Bình luận
vtcnews.vn