Doanh nghiệp bày cách hạ giá nhà ở xã hội

Kinh tếThứ Bảy, 15/12/2012 07:26:00 +07:00

(VTC News) – Hạ lãi suất vay, giảm thuế, tăng mật độ dân số,…là những giải pháp được các doanh nghiệp bất động sản đề xuất nhằm hạ giá thành nhà ở xã hội.


(VTC News) – Hạ lãi suất vay, giảm thuế, tăng mật độ dân số,…là những giải pháp được các doanh nghiệp bất động sản đề xuất nhằm hạ giá thành nhà ở xã hội.

Ngày 13/12/2012, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cùng Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam đã làm việc với thành phố Hà Nội và một số doanh nghiệp bất động sản nòng cốt trên địa bàn thành phố để bàn những giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, tháo gỡ khó khăn, vực dậy thị trường bất động sản.

Nhà xã hội giá phải rẻ

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng thị trường bất động sản hiện đang “đóng băng” sau một thời gian dài, cứ có đất là quy hoạch làm dự án nhà ở, đầu tư tự phát, làm theo phong trào…Hiện nay dư nợ tín dụng liên quan đến bất động sản khoảng 1.500.000 tỷ đồng.

“Chính vì vậy “tháo ngòi nổ” bất động sản hiện nay đang là vấn đề cấp bách và phải như “cứu hỏa”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Chưa bao giờ Quốc hội, Chính phủ lại quan tâm đến thị trường bất động sản như hiện nay. Không chỉ Bộ Xây dựng, mà cả Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước đều đã vào cuộc rất tích cực, quyết liệt thực hiện hàng loạt các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản…

Theo Bộ trưởng, vấn đề quan trọng, hàng đầu hiện nay là bàn giải pháp cụ thể về làm nhà ở xã hội, vì đây chính là cách để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Với khối lượng các dự án bất động sản trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay, nếu tất cả đều hoàn thành thì nhu cầu phải rất nhiều năm nữa mới tiêu thụ hết. Chính vì vậy, rất cần phải kiểm soát phát triển, phải rà soát, đánh giá lại thị trường để có kế hoạch đầu tư phù hợp.

Nhà thu nhập thấp Đặng Xá 
Cần phải cơ cấu lại các dự án để cứu bất động sản nhưng làm theo cách nhân văn là làm nhà ở cho người nghèo mà doanh nghiệp vẫn có lãi. Làm nhà xã hội chính là một gói kích cầu đa mục đích mà cả người dân, doanh nghiệp và nhà nước đều có lợi. Người dân thì có nhà, doanh nghiệp thì có việc làm, thu nhập, thị trường bất động sản phát triển sẽ làm cho nền kinh tế sôi động, kích thích tiêu dùng.

“Nhà ở xã hội nên có diện tích vừa phải, giá phải rẻ, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, vật liệu mới để kéo giá nhà rẻ xuống, phù hợp với nhu cầu chi trả của đại bộ phận người mua”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Hạ giá bằng cách nào?

Mặc dù được hưởng nhiều ưu đãi, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, giá nhà ở xã hội  hiện nay vẫn cao. Tại buổi làm việc, đại diện nhiều doanh nghiệp bất động sản đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm hạ giá thành nhà ở xã hội.

Ông Đoàn Châu Phong, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Vinaconex kiến nghị thành phố Hà Nội cho phép doanh nghiệp được giữ lại quỹ sàn nhà ở thương mại theo quy định phải trả cho thành phố để doanh nghiệp bán lấy tiền bù đắp vào chi phí xây dựng nhà ở xã hội, nhằm kéo giá nhà ở xã hội xuống thấp.

Bên cạnh đó, ông Phong cũng kiến nghị nhà nước cho phép doanh nghiệp trích 10% lợi nhuận không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp để đầu tư đồng bộ các dịch vụ tiện ích để giảm bớt giá dịch vụ cho người sử dụng khi đến ở.

Còn đại diện tập đoàn Nam Cường thì cho rằng, để hạ giá nhà thu nhập thấp thì các ngân hàng cần hạ lãi suất cho vay xuống 10% thay vì 18% như hiện nay, đồng thời giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 15%, giảm thuế VAT cho người mua nhà ở thương mại còn 5%...

“Nếu cộng các yếu tố trên thì giá nhà ở thương mại đã có thể giảm được từ 25-30%”, đại diện Tập đoàn Nam Cường nói.

Đại diện của Tổng công ty HUD thì lại đề nghị thành phố cho phép tăng mật độ dân số để giảm giá thành nhà ở xã hội, bởi vì dự án nằm ngoài đường vành đai 3 và có kết nối hạ tầng kỹ thuật tốt…

Trước các đề xuất của các doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, theo Nghị định phát triển nhà ở xã hội mà Bộ vừa trình Chính phủ, các cơ chế hộ trợ đã tăng lên rất nhiều. Các dự án nhà ở xã hội sẽ được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 10%, thuế  giá trị gia tăng với người mua là 5%.

Bên cạnh đó cũng mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội, thu hẹp bớt điều kiện, tiêu chí được mua, bán nhà ở xã hội; trong các khu đô thị buộc phải dành  20% quỹ đất để làm nhà ở xã hội,…Bộ Xây dựng đang kiến nghị những chính sách này được áp dụng từ quý II/2013.

Đặc biệt, về nguồn vốn tín dụng, Bộ Xây dựng sẽ ký kết thỏa thuận với với Ngân hàng BIDV phối hợp triển khai chương trình phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2013-2015. Theo đó, trong 3 năm tới mỗi năm BIDV sẽ dành 10.000 tỷ đồng cho nhà xã hội với lãi xuất ưu đãi đầu tư, trong đó 6.500 tỷ dành cho người mua nhà với lãi suất bằng lãi suất huy động tiết kiệm, thời hạn 15 năm, giá trị bằng 70% giá trị nhà.

“Cơ chế chính sách dành cho nhà ở xã hội hiện nay rất thoáng, các doanh nghiệp cần thể hiện ý chí quyết tâm làm nhà xã hội”, Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.

Châu Anh

Bình luận
vtcnews.vn