Chồn nhung đen là chồn hay chuột?

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 12/12/2012 06:22:00 +07:00

(VTC News) - Liệu con vật mà nhiều nông dân đang đua nhau nuôi, một số người dân khác lại háo hức tìm ăn như một đặc sản có thuộc họ nhà chồn?

(VTC News) - Sau khi Báo điện tử VTC News đăng bài viết “Đua nhau nuôi chuột thành… chồn nhung đen”, tòa soạn đã nhận được hàng trăm ý kiến của người dân, cám ơn vì đã cảnh báo người dân tránh khỏi trò lừa nuôi chồn nhung đa cấp.


Báo cũng nhận được ý kiến của TS. Võ Văn Sự (Chi hội động vật quý hiếm Việt nam - Viện chăn nuôi). TS. Sự cung cấp nhiều tài liệu khẳng định loài vật nuôi này là con chồn, chứ không phải chuột Nam Mỹ.

Theo đó, loài chồn nhung đen có tên khoa học là Cavia porcellus. Tên thường gọi là Cavy và tiếng Anh là Guine Pig.

Trong “Từ điển sinh học” tiếng Việt loài này cũng còn được gọi là “Cavy”. Đây là loài gặm nhấm, có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Đó là loài vật lai giữa các loài như là Cavia aperea, C. fulgida, hoặc C. tschudii (những loài này đang có trong tự nhiên ở Nam Mỹ). Nó cũng giống như việc lai giữa lừa và ngựa thành con la, ngan lai với vịt, trĩ lai với gà, gà sao lai với gà… Có nghĩa là con vật này là loài nhân tạo và không có trong tự nhiên, không phải động vật hoang dã.

Con Guinea-Pig ở Nam Mỹ. Ảnh internet 
Những nghiên cứu mới nhất dựa trên các tín hiệu di truyền phân tử kết hợp với nghiên cứu hình thái xương sọ và bộ xương cho thấy loài này có thể gần gũi với loài Cavia tschudii hơn.

Chồn nhung đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa bản địa của rất nhiều bộ lạc vùng Nam Mỹ, và được xem là một nguồn thực phẩm.

Bên cạnh đó loài vật này cũng được sử dụng như nguồn dược phẩm bản địa và có vị trí trong các lễ hội, lễ giáo của cộng đồng. Từ những năm 1960 đã có những cố gắng để tăng lượng sử dụng ở các vùng khác ngoài Nam Mỹ.

Ở các nước phương Tây chồn nhung được đại chúng xem là động vật cảnh từ thế kỷ 16, khi chúng được nhập vào.
Guinea-Pig rất đa dạng về màu sắc. Ảnh internet 
Bản tính hiền lành, dễ nuôi, dễ quản lý, khiến con vật này ngày trở nên “quần chúng”. Nhiều tổ chức nhân giống loài này đã tạo nên các giống, dòng khác nhau, đa dạng màu sắc trên cả thể giới.

Các nghiên cứu sinh học về chồn nhung được tiến hành từ thế kỷ 17. Chúng được dùng như là con vật thí nghiệm ở thế kỷ 19 và 20. Tuy nhiên, sau này người ta đã không dùng nó mà sử dụng chuột. Hiện nó vẫn được dùng trong các nghiên cứu các bệnh như tiểu đường (juvenile diabetes), lao (tuberculosis), chửa đẻ khó.

Loài chồn nhung phổ thông được thuần khoảng 5.000 năm trước Công nguyên tại vùng Andean Nam Mỹ (Colombia, Ecuador, Peru và Bolivia), tức hàng ngàn năm sau việc thuần hóa loài lạc đà Nam Mỹ.

Người Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh đã nhập về châu Âu và chúng trở thành sinh vật cảnh trong giới thượng lưu và kể cả hoàng gia Anh.
Ở Nam Mỹ cũng có rất nhiều Guinea-Pig màu đen, mà người Việt gọi là chồn nhung đen. Ảnh internet 
Vì sao cái tên tiếng Anh của nó là Guinea Pig, tức là lợn Guinea, thì chưa ai rõ. Có thể hình dáng nó như thể con lợn nên gọi là lợn. Guine - có thể là từ mà người châu Âu thường ám chỉ các thứ không rõ nguồn gốc và xa xăm… hoặc là xuất phát từ tên vùng “Guiana” của Nam Mỹ. Người Đức, Hungary, Nga, Ba Lan gọi là “lợn biển”… vì cho rằng tiếng của nó phát ra nghe như tiếng của loài Delphine. Người Trung Quốc gọi là lợn Hà Lan, sau đặt tên là hắc thốn… Người Nhật nhập về Nagasaki năm 1843, và gọi là “Morumotto”.

Loài chồn nhung đen nặng 700 – 1.200 gam, dài 20-25 cm, tuổi thọ 4-5 năm nhưng cũng có thể sống đến 8 năm. Cá thể sống lâu nhất được đưa vào sách kỷ lục thế giới năm 2006 là gần 15 năm.

Năm 1990, một nhóm nhà khoa học đã đề nghị tách loài này (cùng với một số loài khác như loài chinchillas và degus khỏi bộ gặm nhấm.

Khi thả ra tự nhiên chúng sống thành từng bầy nhỏ một đực với vài con cái cùng với con nhỏ. Chúng đi thành từng đàn, ăn cỏ và rau. Chúng không dự trữ thức ăn. Cũng không đào bới hoặc làm tổ. Thường chúng tìm ổ của con vật khác, hoặc hốc cây để ở làm tổ. Chúng thường kiếm ăn lúc hoàng hôn và trở nên linh hoạt lúc xẩm tối khi các con vật kẻ thù khó tấn công chúng.
Cảnh nuôi Guinea-Pig ở Nam Mỹ. Ảnh internet
Chồn nhung đẻ quanh năm, nhưng động dục nhiều hơn về mùa xuân. Có thể đẻ đến 5 lứa. Thời gian chửa từ 59 đến 72 ngày và trung bình là 63-68 ngày.

Lúc chửa nặng, thân hình chồn nhung trông như thể quả trứng. Khác các loài gặm nhấm khác, chồn nhung mới đẻ ra đã có lông, răng, vuốt chân phát triển và có thể nhìn rõ, chạy nhảy và ăn được thức ăn cứng ngay, mặc dù vẫn bú. Số con đẻ ra từ 1 đến 6 và trung bình là 3, kỷ lục là 17 con.

Con đực 3-5 tuần đã đạt tuổi thành dục, con cái có thể thụ thai ngay ở tuổi 4 tuần và có thể nuôi con trước khi trưởng thành. Con cái có thể chửa lại sau khi đẻ 6-48 giờ.

Cỏ là thức ăn tự nhiên của chồn nhung. Răng hàm của chúng thích hợp để ăn các loại cỏ và lớn liên tục trong cả đời của chồn.
Chồn nhung đen ở Việt Nam. Ảnh internet 
Trước năm 2000, một tiến sĩ ở nước ta sang thăm Peru và nhận thấy người dân nước này nuôi chồn nhung đại trà. Có tới 10% lượng thịt cung cấp cho người dân Peru, Ecuador… từ loài này. Vị tiến sĩ này đã kiến nghị lãnh đạo nước ta nhập về nghiên cứu.

Khoảng 2003, một số thành viên Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ đã sang Quảng Tây - Trung Quốc và phát hiện dân ở đây nuôi khá nhiều giống chồn nhung đen. Người Trung Quốc nuôi với mục đích rõ ràng là làm thuốc và lấy lông.

Khoảng năm 2005 nghe nói đã nhập 150 con về nuôi tại Hà Tây, nhưng không thành. Năm 2007, trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho phép nhập thử nghiệm, tuy nhiên phải tự bỏ kinh phí. Trung tâm này sau đó thôi vì kinh phí eo hẹp và sợ không có thị trường.
Guinea-Pig là món ăn ưa thích của một số nước. Ảnh internet
Năm 2009, Bộ môn Động vật quý hiếm được giao nhiệm vụ nuôi giống này. Sau hai năm thành công đã được Trung tâm Vùng Thú y vùng 3 cho phép đưa ra nuôi. Thực ra, năm 2007 dân chúng đã nhập lậu từ Trung Quốc về nuôi tại Thái Nguyên, Lạng Sơn và Bình Phước.

Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Lân Hùng, Tổng Thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam lại không đánh giá cao con vật gọi là chồn nhung đen. Theo ông, loài vật này đẻ nhiều, dễ nuôi như chuột nên giá trị không cao, ăn không ngon bằng thịt gà, thịt bò.

Do đó, việc nuôi con vật này chỉ nên đặt mục đích là tăng thêm đối tượng chăn nuôi, góp phần xóa đói giảm nghèo, chứ không thể làm giàu, hay có ý nghĩa cao xa nào khác. Giá trị của con vật này, theo ông Hùng, chỉ vài chục ngàn đồng, đắt gấp đôi chuột là cùng.

Loài này ở Trung Quốc gọi là hắc thốn. Tên chồn nhung đen là tên do kỹ sư lâm nghiệp Nguyễn Hữu Lộc đặt khi mang về nước. Theo cá nhân ông Hùng thì con vật này giống hệt chuột Cuba.

Một số ý kiến thì cho rằng, con chồn này thực chất là loài chuột lang, chuột đồng cỏ ở vùng Nam Mỹ. Có thể loài vật này có hình thái giống chuột, nhưng không phải chuột. Một số người cho rằng, dù không thể coi vượn là người, nhưng cũng không thể tùy tiện gọi vượn là con lợn.

Liệu con vật Guine Pig (người Nam Mỹ gọi là lợn Guine) có thể gọi là con chồn, thuộc họ nhà chồn? Điều này cần sự tranh luận, nghiên cứu, xác định rõ của các nhà khoa học.

VTC News mong tiếp tục nhận được ý kiến phản hồi của các nhà khoa học và độc giả hiểu biết về loài vật này.

Phong Bình
Bình luận
vtcnews.vn