ĐBQH: Không nên khoán trắng giá bán lẻ điện cho DN

Kinh tếThứ Năm, 21/06/2012 05:20:00 +07:00

(VTC News) – Nhiều ĐBQH “lên án” độc quyền giá điện và cho rằng nếu còn độc quyền thì không có sự bình đẳng giữa người mua và người bán điện.


(VTC News) – Nhiều ĐBQH “lên án” độc quyền giá điện và cho rằng nếu còn độc quyền thì không có sự bình đẳng giữa người mua và người bán điện.

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực ngày 20/6, ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh) tán thành giá điện được thực hiện theo cơ chế thị trường nhưng phải có sự điều tiết quản lý của nhà nước.

ĐBQH Đoàn Nguyễn Thùy Trang (Ảnh: KTNT)  
Theo ĐB Trang, điện cho sản xuất, sinh hoạt hiện còn thiếu, nguồn điện có được chủ yếu là nguồn tài nguyên của quốc gia, trong đó phần lớn là nguồn tài nguyên nước cho thủy điện.

“Để hạn chế tình trạng độc quyền của doanh nghiệp (DN) nhất thiết phải có sự kiểm soát, điều tiết của nhà nước” – ĐB Trang nói.

ĐB này cũng đề nghị, dự thảo luật cần bổ sung thêm hai tiêu chí là minh bạch, hiệu quả vào quy tắc hoạt động của thị trường điện lực.

Về giá bán lẻ điện, ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang cũng tán thành với việc nhà nước cần quản lý giá bán lẻ điện không khoán trắng cho DN. Theo đó các đơn vị điện lực được định giá điện bán lẻ theo khung giá và cơ chế điều chỉnh giá do Chính phủ quy định.

“Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ giá cả yếu tố đầu vào, giá điện không phải chỉ có tăng mà phải giảm khi giá nguyên liệu đầu vào giảm, có như vậy ngành điện mới công bằng với khách hàng”.

Đồng tình, Bùi Thị An (TP Hà Nội) bày tỏ quan sát thấy giá điện luôn luôn tăng không bao giờ giảm. ĐB An đề nghị Bộ công thương cũng như Chính phủ đề ra những giải pháp để chống độc quyền.

“Nếu còn độc quyền sẽ không bao giờ có sự bình đẳng giữa người mua và người bán và cũng không bao giờ có chuyện giá có thể giảm hoặc tăng - phải chống độc quyền và công khai minh bạch” – ĐB An nói.

Cũng “lên án” độc quyền trong gia điện, ĐB Nguyễn Thanh Phương (TP Cần Thơ) đề nghị nhà nước cần có chính sách tích cực hơn nữa để nhanh chóng chuyển giá điện sang cơ chế thị trường vì theo kế hoạch chung là đến năm 2022 mới thực hiện giá bán điện lẻ cạnh tranh, càng kéo dài sự điều tiết của nhà nước thì “càng bất lợi cho nền kinh tế”.

Theo ĐB Phương, việc giữ giá điện thấp chưa đúng với giá thực như hiện nay cũng có nhiều nhược điểm lớn đã tác động đến nhiều ngành sản xuất. Cụ thể đó là giá thành sản xuất của một số ngành chưa thực sự phải là giá thực và được hưởng lợi từ giá điện thấp hoặc bù chéo giá nguyên liệu cho ngành điện như than chẳng hạn cũng gây thiệt hại cho các ngành khác. Hơn thế giá điện thấp khó thu hút đầu tư vào ngành điện để góp phần tạo thị trường cạnh tranh thật sự.

ĐB Nguyễn Thanh Phương cũng đề xuất thêm nên giảm bớt các loại mức giá trong cơ cấu giá điện hiện nay nhằm tránh phức tạp và dễ dẫn đến không minh bạch trong quản lý.

“Những thành phần thuộc diện chính sách hay diện cần hỗ trợ của Nhà nước thì cần có cơ chế riêng, tránh hỗ trợ trực tiếp vào giá điện, những vùng khó khăn, hải đảo, vùng xa chưa có lưới điện thì Chính phủ có cơ chế giá riêng” – ĐB đề nghị.

Về quản lý giá điện, ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) đề nghị không hỗ trợ trực tiếp cho đơn vị sản xuất điện sẽ dẫn đến tự ý mà cũng không hỗ trợ trực tiếp cho người dân sử dụng điện nên chăng giao cho địa phương, tỉnh, huyện, xã để người ta phát triển hạ tầng.

“Giao rồi phải có chính sách về vốn thay vì nhà nước là người bán điện, người dân sẽ được hưởng từ hạ tầng qua việc cấp vốn, đồng thời nhà nước phải có hệ thống kiểm soát như vậy ngành điện sẽ không độc quyền” – ĐB Nguyệt nói.

Ở một khía cạnh khác, ĐB Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định) đề nghị, dự thảo luật cần bổ sung rõ quyền và nghĩa vụ của khách hàng sử dụng điện, đơn vị điện lực và có chế tài xử phạt rõ ràng để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa hai bên.

“Trên thực tế, nếu như người sử dụng điện chậm trả tiền điện hoặc vi phạm pháp luật về điện thì lập tức bị cắt điện hoặc bị xử phạt tiền, còn một số địa phương nhất là nông thôn mà bị cắt điện thì làm cho họ phải chi phí giá thắp sáng cao hơn, hoặc chưa kể đến những thiết bị, hàng hóa, nhất là hàng hóa đông lạnh bị hỏng thì không được ai đền bù hoặc khi có sự cố về điện, về truyền tải điện thì việc sửa chữa, khắc phục của ngành điện đôi khi không được kịp thời. Do đó, tôi đề nghị phải đưa chế tài vào luật cho rõ ràng”.

ĐB Tố Nga, ĐB Bùi Thị An cũng nhấn mạnh, điện là hàng hóa đặc biệt liên quan đến cả xã hội, liên quan đến tất cả mọi người dân. Theo đó, xây dựng luật này cần lấy ý kiến rộng rãi của người dân cũng như các tổ chức chính trị xã hội như tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật bảo đảm chất lượng và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, sau đó sẽ gửi đến các ĐBQH cho ý kiến và thông qua vào kỳ họp tới.

Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn