Kiện cựu CEO 18, chiêu 'dằn mặt' đối thủ của HSG?

Kinh tếThứ Bảy, 28/04/2012 05:36:00 +07:00

Tôn Hoa Sen (HSG) đang vướng phải “sự cố” không có lợi về uy tín vì liên tục tố cáo cựu TGĐ thiếu minh bạch, gây thất thoát trong thời gian điều hành.

Tôn Hoa Sen (HSG) đang vướng phải “sự cố” không có lợi về uy tín vì liên tục tố cáo cựu TGĐ thiếu minh bạch, gây thất thoát trong thời gian điều hành, khi ông này về đầu quân cho một doanh nghiệp đối thủ cùng ngành.

Tranh cãi leo thang

Trong ĐHCĐ hồi tháng 3/2012 của HSG, trước rất nhiều cổ đông, ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Cty  HSG - lần đầu tiên lên tiếng về việc ông Phạm Văn Trung, cựu CEO, rời Cty chỉ sau 18 ngày nắm quyền. Nguyên nhân được đưa ra: Ông Trung nghỉ việc là do thiếu minh bạch trong điều hành.


Diễn biến câu chuyện càng gay cấn hơn khi đại diện HSG trong một công bố có gửi báo chí đã cảnh báo và đề nghị NKG đuổi việc ông Trung và các cán bộ quản lý khác đã từng làm việc cho HSG trước đây. 

Trước đó, ông Trung nói lý do thôi việc ở HSG như trong đơn từ chức là vì chuyện gia đình. Nhưng trong thông tin gửi báo chí, ông Trung cho rằng trong quá trình cải cách, xây dựng hệ thống quản lý cho HSG, trong đó mục tiêu là phải đảm bảo được quyền lợi cao nhất cho cổ đông, ông đã vô tình làm ảnh hưởng đến một vài cá nhân trong HSG, nên xin thôi việc.

Ông Trung cũng đặt nghi vấn, phải chăng lãnh đạo HSG đang đùn đẩy trách nhiệm cho người khác để lái sự quan tâm của cổ đông sang hướng khác, nhằm tránh việc giải trình khoản lợi nhuận sau thuế sụt giảm, chỉ đạt 64% so với kế hoạch.

Ngay sau đó, HSG tiếp tục tố cáo ông Trung đẩy giá vận chuyển lên cao. Đáp lại, ông Trung viết trong một thông cáo: “Tôi chưa từng đặt bút ký vào bất cứ một hợp đồng thuê mướn vận chuyển nào. Việc mời chào và ký hợp đồng vận chuyển hoàn toàn do Phó TGĐ Kiểm soát phụ trách. Do đó, mọi bằng chứng đưa ra là cố tình quy chụp và vu khống tôi”.

Lập tức, ông Trung gửi đơn kiện lên Toà án huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, nơi HSG đóng trụ sở, để kiện HSG và người có liên quan là ông Lê Phước Vũ tội “vu khống, bôi nhọ, xúc phạm danh dự”.

Sự vụ tiếp tục leo thang khi HSG cũng đòi khởi kiện ông Trung và yêu cầu bồi thường thiệt hại do ông Trung gây ra; đồng thời yêu cầu ông Trung hoàn trả tiền tạm ứng, tiền nợ hàng...

HSG gửi công bố đến nhiều nơi, trong đó có UBCKNN, nói ông Trung vi phạm “Cam kết trách nhiệm” đã ký với HSG là không được phép hợp tác, sản xuất, kinh doanh... cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào sau 36 tháng kể từ ngày nghỉ việc.

“Việc ông Trung hợp tác làm việc với Tôn Nam Kim (NKG) với chức danh thành viên HĐQT kiêm TGĐ sau khi tự ý thôi việc tại HSG mới chỉ 7 tháng là đã vi phạm nghiêm trọng cam kết chế độ trách nhiệm”, bản công bố viết. Phản bác lại công bố này, ông Trung tố HSG đã không thực hiện bất kỳ các khoản trợ cấp thôi việc nào cho cựu CEO kể từ ngày nghỉ việc.

Chiêu “dằn mặt” đối thủ?


Diễn biến câu chuyện càng gay cấn hơn khi đại diện HSG trong một công bố có gửi báo chí đã cảnh báo và đề nghị NKG đuổi việc ông Trung và các cán bộ quản lý khác đã từng làm việc cho HSG trước đây. Thông báo của HSG khẳng định: Nếu NKG không đuổi việc ông Trung và các cộng sự thì có nghĩa NKG đang thông đồng, cấu kết với các cá nhân trên để cạnh tranh không lành mạnh với HSG.


Bức xúc khi bỗng dưng bị HSG “chỉ đạo” phải thôi việc nhân sự của mình, NKG phản ứng mạnh với HSG bằng công văn và thông cáo gửi cơ quan chức năng nêu rõ: “NKG là một pháp nhân có tư cách độc lập, do vậy NGK có quyền tự do thuê mướn, tuyển dụng lao động mà không phụ thuộc hoặc phải xin phép bất kỳ bên thứ ba nào, kể cả HSG.

Việc HSG đề nghị NKG chấm dứt quan hệ lao động với ông Phạm Văn Trung cũng như các cán bộ quản lý khác đã từng làm việc tại HSG là hành vi can thiệp quá sâu vào công việc nội bộ của NKG”.

NKG đồng thời đề nghị HSG không lôi NKG vào cuộc trong các thông tin mà HSG công bố và cho rằng, nếu HSG tiếp tục có những can thiệp quá sâu vào nội bộ của họ cũng như công bố thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng đến uy tín và tổn hại đến lợi ích của NKG thì họ sẽ yêu cầu HSG bồi thường mọi thiệt hại.

Theo ông Phạm Văn Trung, sở dĩ sau 1 năm im lặng, gần đây HSG mới khơi lại chuyện xin nghỉ của mình là vì NKG đang chuẩn bị khởi động nhà máy mới ở Bình Dương có công suất tương đương công suất với nhà máy của HSG.

Hơn nữa, ông Trung vốn là người phụ trách kinh doanh nhiều năm ở HSG, từng là trụ cột quan trọng ở đây, nắm được thị trường nên mới xảy ra vụ um xùm này. Cũng không loại trừ đó là lý do mà HSG muốn lôi ông Trung ra khỏi NKG bằng cách hạ uy tín để ban quản trị NKG không đủ kiên nhẫn tin tưởng nữa ở ông Trung?

Trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam, có rất nhiều CEO làm thuê không hài lòng được ông chủ (chủ tịch HĐQT) và cuối cùng phải dứt áo ra đi. Nếu không được giải quyết dứt điểm, vụ việc sẽ là một tiền lệ xấu, đặc biệt khi HSG và cả NKG đều là những Cty tên tuổi, niêm yết trên sàn Chứng khoán, mọi hoạt động đều có thể ảnh hưởng đến cổ đông.

Theo luật sư Trần Kim Ngân thuộc VPLS Nghiêm & Chính: “Về mặt pháp lý, ông Trung không vi phạm cam kết trách nhiệm. Không có bất kỳ nội dung nào cấm ông Trung không được phép làm việc với tư cách là người lao động cho công ty đối thủ cạnh tranh. Hơn nữa, Luật Lao động Việt Nam bảo hộ quyền cho người lao động tự do lựa chọn và tìm kiếm việc làm, và có quyền làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và bất kỳ ở đâu mà luật pháp không cấm".

Nguyễn Tùng/ Lao động

Bình luận
vtcnews.vn