Giá hàng Tết sẽ ổn định

Kinh tếThứ Tư, 30/11/2011 08:57:00 +07:00

(VTC News) – Nguồn cung hàng hóa dịp Tết Nhâm Thìn đã được các DN chuẩn bị đa dạng và đáp ứng đủ nhu cầu người dân, vì thế giá cả cũng sẽ không tăng đột biến.

(VTC News) – Nguồn cung hàng hóa dịp Tết Nhâm Thìn đã được các DN chuẩn bị đa dạng và đáp ứng đủ nhu cầu người dân, vì thế giá cả cũng sẽ không tăng đột biến.

 

Đó là khẳng định của Bộ Công thương về nguồn cung hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

 

Theo Bộ Công thương, hiện đã có 30 địa phương dự kiến sẽ triển khai chương trình bình ổn giá, trong đó 17/30 địa phương đã báo cáo kế hoạch cụ thể.

 

Hàng Tết đã vào kho, đủ hàng và sẽ ổn định giá 
Cụ thể, tại Hà Nội, một số DN đã được thành phố hỗ trợ cho vay 430 tỷ đồng với lãi suất 0% để thực hiện chương trình bình ổn thị trường dịp Tết. TP Hà Nội cũng đã ký với 7 tỉnh khu vực đồng bằng Bắc Bộ cung cấp hàng nông sản, thực phẩm vào dịp Tết.

 

Ngoài ra, TP Hà Nội cũng hỗ trợ 4 tỷ đồng để tổ chức trung tâm bán hàng Tết, mở 100 điểm Vàng bán hàng từ nay đến Tết Nguyên đán.

 

Các DN được hỗ trợ lãi suất vốn vay phải cam kết đáp ứng 15% lượng hàng bình ổn giá dịp này.

Tại TP. HCM, các DN tham gia chương trình bình ổn giá cũng đã chuẩn bị được nguồn hàng khá lớn với tổng vốn lên đến 3.464 tỷ đồng. Cụ thể, 20 DN tham gia chương trình bình ổn thị trường của UBND thành phố đã dự trữ được lượng hàng chiếm khoảng 30-50% thị trường.

 

Được biết, dịp Tết Nguyên đán tới đây, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu như thịt lợn, rau củ quả sẽ được đảm bảo về lượng và ổn định về giá theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tính đến hết tháng 11, tổng đàn lợn trên cả nước tăng 4,4% so với tháng 10. Bên cạnh đó, lượng  gia cầm cũng tăng mạnh, khoảng 335 triệu con, tăng 4,7% so tháng trước, nguồn thịt trâu, bò cũng đảm bảo đủ cho nhu cầu dịp Tết.

 

Nguồn cung gạo cũng không đáng lo bởi lượng lúa cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng trong nước vẫn đáp ứng đủ (sau khi đã dành xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo).

 

Về mặt hàng đường kính để sản xuất bánh kẹo, nguồn cung đã được cải thiện do hiện toàn bộ các nhà máy đường đã vào vụ sản xuất cũng với lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch trong tháng 10.

 

Ngoài việc sát sao trong việc kiểm soát nguồn cung, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thị trường, kiểm sóat thị trường, thanh tra giá, ngăn chặn đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt đối với các mặt hàng thiết yếu.

 

Đồng thời xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đảm bảo thị trường lành mạnh, cung cầu hàng hóa ổn định.

 

Hà Linh

Bình luận
vtcnews.vn