Trung tâm môi giới giăng bẫy lừa tân sinh viên

Kinh tếThứ Sáu, 04/11/2011 07:58:00 +07:00

Nhiều trung tâm môi giới, công ty đã giăng bẫy để trục lợi bất chính về tiền và sức lao động của sinh viên.

Nhiều sinh viên (SV) mới chân ướt chân ráo lên thành phố nhập học được vài tuần đã lân la đi tìm ngay một công việc part time (bán thời gian) để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Thế nhưng, nhiều trung tâm môi giới, công ty đã giăng bẫy để trục lợi bất chính về tiền và sức lao động của sinh viên.

Chiêu của các trung tâm môi giới lừa

“Cần tuyển gấp, không yêu cầu trình độ năng lực, không cần kinh nghiệm, sẽ được đào tạo kỹ năng làm việc, làm ba tiếng/ngày, lương 3,5 triệu/tháng, ưu tiên sinh viên, nội trợ kiếm thêm thu nhập...”, đó là lời mời chào hấp dẫn được đăng đầy rẫy trên một số trang tìm việc hoặc tờ rơi, quảng cáo dán trên khắp trụ điện xung quanh các trường đại học. Tuy nhiên, ẩn trong số đó có không ít nhà tuyển dụng rởm tại TPHCM giới thiệu việc làm “ma” nhằm bẫy SV.

Một sản phẩm của công ty bán hàng đa cấp trị giá 1,7 triệu đồng  
Chỉ cần đưa ra những lời hứa hẹn về một công việc tốt, thủ tục đơn giản, thu nhập cao, thời gian phù hợp... đủ khiến cho nhiều SV nhẹ dạ, cả tin trở thành nạn nhân của những trò lừa đảo, chấp nhận đóng nhiều loại phí trước khi đi làm như: thế chân, chụp hình, đồng phục... Các trung tâm "ma" mỗi ngày tiếp nhận khoảng 10 - 20 "con mồi" và nghiễm nhiên bỏ túi từ 2 - 3 triệu đồng.

Trong vai SV đang kiếm việc làm thêm, chúng tôi đến văn phòng của một công ty chuyên cung cấp PG (Promotion Girl) và PB (Promotion Boy) cho các chương trình giới thiệu sản phẩm ở Q.Tân Bình. Trước khi đi làm nhân viên, công ty yêu cầu đóng 300 ngàn tiền chụp 30 tấm hình để đưa cho các nhà tuyển dụng lựa chọn, rồi chờ đến khi nào có chương trình sẽ gọi đi làm. Nhưng khi chúng tôi nói sẽ tự chụp hình rồi mang lại cho họ thì nhân viên công ty nhất định không chịu và nói “em chụp hình ở ngoài cũng được nhưng nếu tụi anh xem thấy kích thước và góc độ không đạt thì em cũng phải đóng tiền ở đây chụp lại, chi bằng để tụi anh chụp cho đỡ tốn. Bây giờ, chụp 30 tấm hình ở ngoài không nơi nào có giá 300 ngàn đâu”. Không ít SV phải mất tiền oan tại các trung tâm môi giới kiểu này. Bạn Đ.T.T.N (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn) là một trong những nạn nhân của công ty này, sau khi đóng 300 ngàn và chụp hình xong chờ hoài, gọi điện thoại hỏi việc nhưng chỉ nhận được câu trả lời “hiện giờ chưa có công việc phù hợp, em ráng chờ thêm đi”.

Nhiều chiêu móc túi từ những người có nhu cầu tìm việc khá phổ biến là một số trung tâm môi giới mượn danh nghĩa các công ty để tuyển số lượng lớn nhân viên. Thông tin tuyển dụng của các trung tâm thường là “Công ty A đang cần tuyển gấp 20 nhân viên bán hàng trong siêu thị, trực điện thoại, bán mỹ phẩm... liên hệ anh A., chị B., số điện thoại 0903...”. Đến khi các ứng viên đi phỏng vấn mới biết đó chỉ là trung tâm môi giới và phải nộp phí xin việc từ 100 - 200 ngàn đồng nhưng công việc chẳng đâu vào đâu khiến nhiều người nản mà bỏ việc.

Bán hàng đa cấp, cái “bẫy” sinh viên

Nhiều sinh viên muốn kiếm tiền từ những công việc làm thêm ngoài giờ, vừa phù hợp với thời gian học tập vừa có tiền để trang trải cuộc sống đắt đỏ nơi thị thành. Bắt mạch được tâm lý đó, nhiều công ty bán hàng đa cấp tung hỏa mù về một công việc siêu lợi nhuận mà không cần kinh nghiệm, thủ tục đơn giản lại ít tốn thời gian để “bẫy” những sinh viên thiếu hiểu biết. Trong hai tháng đầu năm học mới đã có rất nhiều tân SV phải dở khóc dở cười bởi chiêu bán hàng đa cấp

Những mẩu tin tuyển dụng được dán khắp nơi ở TPHCM  
Bạn N.T.A.Đ (sinh viên năm thứ nhất Trường ĐH Nguyễn Tất Thành), một trong những nạn nhân của dịch vụ bán hàng đa cấp, tâm sự: “Mình đọc tờ quảng cáo dán trên trụ điện cần tuyển nhân viên tư vấn với mức lương hấp dẫn từ 3,5 đến 6 triệu, thời gian làm việc cũng thuận tiện nên mình đã liên hệ xin việc. Đến nơi nghe những lời nói khá ngon ngọt, lọt tai nên mình đã vay bạn bè gần 2 triệu đồng để mua một chiếc đồng hồ mà công ty bảo là hàng “xịn”. Sau vài ngày đi làm mình mới biết đã bị lừa. Bây giờ mình lo lắm, không biết kiếm đâu ra tiền để trả bạn nữa”. Nhiều người bạn của N.T.A.Đ cho biết sau khi bị lừa bởi việc làm bán hàng đa cấp, dù đang trong thời kì học quân sự đầu năm mà ngày nào cũng thấy Đ. lo lắng, mắt buồn xa xăm, xao lãng học hành và kết quả là Đ. bị thi lại môn Giáo dục quốc phòng. 

Thâm nhập vào H.T.Đ, một công ty bán hàng đa cấp có qui mô lớn tại TPHCM vào một ngày cuối tháng 10, chúng tôi nhận thấy trong căn phòng nóng bức có khá đông “ứng cử viên” tìm việc. Sau một hồi “nhập môn”, nhiều nhân viên lần lượt giới thiệu về mức hoa hồng cao chót vót và lấy nhiều dẫn chứng trong công ty để thuyết phục chúng tôi tham gia, đại loại như: “Có rất nhiều người chỉ là những anh chị bán hàng ngoài đường, công nhân sau khi tham gia mạng lưới H.T.Đ được vài năm đã có mức thu nhập hơn 100 triệu đồng/tháng”. Sau cùng, chúng tôi được yêu cầu phải mua một mặt hàng của công ty với giá từ 1,7 đến hơn 4 triệu đồng để được tham gia mạng lưới đa cấp của công ty này.

Ngoài kiểu bán hàng đa cấp như H.T.Đ, hiện nay trên địa bàn TPHCM còn xuất hiện thêm một kiểu bán hàng đa cấp bị biến tướng đó là nạp thẻ điện thoại. Trên các trang mạng tìm việc làm có rất nhiều thông tin tuyển dụng của các thành viên thuộc mạng lưới tuyển dụng nhân viên nạp card của Công ty Đ.P (quận Tân Bình) với mức lương 1,8 triệu đồng/tháng, thời gian làm việc từ 17 giờ 30 đến 20 giờ 30 mỗi ngày. Thủ tục nhận việc, sinh viên phải đóng 100 ngàn tiền kích hoạt sim dùng để nạp tiền điện thoại và học việc trong 4 ngày. Để nhận được 1,8 triệu đồng tiền lương, sinh viên phải tuyển được 5 thành viên mới và mỗi người phải nạp được 1 triệu tiền card điện thoại cho khách hàng. Nếu 1 trong số 5 thành viên do mình quản lý bỏ việc hoặc làm việc không đạt chỉ tiêu thì phải nghỉ việc. Thực tế đây chỉ là một cái bẫy việc làm, thu phí dưới hình thức buộc sinh viên phải đóng tiền mua sim đa năng.

Để tránh dính bẫy lừa từ công việc part time, các bạn sinh viên nên tự trang bị cho mình những kiến thức, kinh nghiệm cần thiết, tỉnh táo, sáng suốt và cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định xin việc làm thêm. Muốn kiếm một công việc đúng nghĩa, sinh viên nên trực tiếp liên hệ với tổ chức, tập thể đang cần tuyển người nộp hồ sơ hoặc tìm hiểu thêm ở những trung tâm hỗ trợ sinh viên để được tư vấn.

Ngọc Nga/cand

Bình luận
vtcnews.vn