Mì gói chứa chất tạo màu: Người né, người không

Kinh tếThứ Tư, 13/07/2011 06:07:00 +07:00

(VTC News) - Mặc dù đã có những công bố về tác hại của chất tạo màu E102 có trong mì ăn liền, nhưng người tiêu dùng vẫn rất "mơ hồ" về chất này.

(VTC News) - Hiện đang có nhiều thông tin trái chiều về ảnh hưởng của chất Tartrazine (E102) trong nhiều loại mì gói ở Việt Nam. Người tiêu dùng TP.HCM đã có những động thái “né” các sản phẩm có E102. Người TP.Hà Nội vẫn sử dụng bình thường theo kiểu "đến đâu hay đến đó". Còn ở TP.Đà Nẵng, nhiều người thậm chí chưa từng nghe đến tác hại của chất phụ gia này.


Hà Nội: Biết có phẩm màu E102 nhưng vẫn dùng

Trong những ngày qua, người dân Hà Nội hầu hết đã nghe đến tác hại chất tạo màu nhưng vì chưa nhận được khuyến cáo của cơ quan chức năng nên các loại mì gói có chứa chất E102 vẫn được tiêu thụ bình thường.

Theo khảo sát của PV VTC News, tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội và đại lý bán lẻ ở khu vực Hoàng Mai, Đống Đa, Cầu Giấy, Mỹ Đình…, hầu hết các sản phẩm mì gói sản xuất trong nước và nhập khẩu đều có chứa chất Tartrazine (chất màu tổng hợp E102). 


Chị Huyền Anh (Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội), một khách hàng tại siêu thị Big C cho biết, qua báo chí và truyền hình, chị đã nghe đến thông tin về chất E102 nhưng chưa có khuyến cáo từ nhà sản xuất và các cơ quan chức năng nên gia đình chị vẫn sử dụng.

Còn chị Thu Hương (Hoàng Mai, Hà Nội), khách hàng của siêu thị Co.op Mart khẳng định, gia đình chị vẫn lựa chọn các sản phẩm mì gói hàng ngày.

"Mì gói đã trở thành món ăn quen thuộc với gia đình tôi. Ban đầu, khi tiếp nhận thông tin phẩm màu tổng hợp Tartranzine gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tôi thấy hơi lo lắng nhưng rồi vẫn dùng. Đến đâu hay đến đó. Bây giờ, nhiều sản phẩm độc hại, hết thạch chứa chất DEHP, giờ lại đến mì gói chứa phẩm màu...", chị Hương cho biết.

Người tiêu dùng Hà Nội dù biết thông tin chất tạo màu E102 trong mì gói có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng vẫn mua với số lượng lớn (Hình chụp tại siêu thị Big C, Hà Nội

Chia sẻ về những lo lắng của mình, chị Quế Nhàn (Thái Thịnh, Hà Nội) cho biết: Tôi có 2 con nhỏ, buổi sáng, con tôi thường đòi ăn mỳ tôm. Mỗi ngày, mỗi đứa ăn 1 gói mỳ, giờ nghe tin có chất E102 trong mỳ, tôi rất lo lắng, con tôi ăn nhiều như vậy không biết có ảnh hưởng sức khỏe không?".

Theo bà Thanh Huyền, Giám đốc truyền thông, Siêu thị Big C khu vực phía Bắc và miền Trung, hằng ngày, hệ thống siêu thị Big C tiêu thụ một lượng rất lớn các sản phẩm mì gói. Đặc biệt là các thương hiệu có tiếng như AceCook, Masan, Miliket, Micoem.…

"Chúng tôi cũng có biết thông tin về tác hại của phẩm màu E102 có trong loại thực phẩm này nhưng đến nay, siêu thị chưa nhận được những khuyến cáo từ cơ quan chức năng. Tuy nhiên, để an toàn cho người tiêu dùng, Big C đã liên hệ đến các công ty cung ứng sản phẩm cho siêu thị để biết thêm thông tin về hàm lượng cho phép của E102 trong mì gói. Các công ty đều khẳng định, Việt Nam cho phép sử dụng loại chất này với tỷ lệ quy định trong nước cũng như quốc tế ở mức chấp nhận ADI từ 0- 7,5mg/kg thể trọng/ngày", bà Huyền nhấn mạnh.

Hầu hết các sản phẩm mì gói tại siêu thị đều chứa phẩm màu E102 

Đồng ý với quan điểm trên, bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhất Nam với hệ thống siêu thị Fivimart cho hay, hiện nay, các sản phẩm mì gói vẫn được siêu thị bán bình thường, người tiêu dùng vẫn lựa chọn với số lượng lớn.

"Thực tế, các sản phẩm khi đưa vào bán trong siêu thị đã có sự kiểm tra rất sát sao về nguồn gốc xuất xứ, nhà sản xuất, chất lượng,.. nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Đặc biệt hiện nay, khi Luật bảo vệ người tiêu dùng đã chính thức áp dụng từ ngày 1/7/ 2011, không chỉ riêng hệ thống siêu thị chúng tôi mà các siêu thị khác trên địa bàn Hà Nội đều thực hiện nghiêm ngặt điều này", bà Hậu nói.

Tại các siêu thị khác như Intimex, Hapro, Unimart, Co.op Mart…, sau khi có thông tin về tác hại của chất tạo màu E102, các sản phẩm mì gói vẫn được bày bán với nhiều thương hiệu khác nhau.

Ngoài các siêu thị, số lượng mì tiêu thụ trong những ngày vừa qua tại các đại lý và các cơ sở bán lẻ trên địa bàn Hà Nội không hề giảm.

Tại các đại lý bán lẻ, lượng mua của người dân vẫn không giảm sút (hình chụp tại siêu thị mini Đình Thôn-Mỹ Đình) 

Chị Nhung, chủ đại lý trên đường Trương Định, Hoàng Mai cho biết, hằng ngày, đại lý chị vẫn nhập và phân phối mì gói với số lượng khá lớn. Chị cho biết, chị cũng đã nghe thông tin về chất chứa phẩm màu E102 trong mì gói. Nhưng, những ngày qua, số lượng bán chưa thấy giảm sút.

Tương tự, tại khu vực Cầu Giấy, Mỹ Đình…, các đại lý bán mì gói vẫn thu hút lượng khách lớn mỗi ngày. Chị Mây, chủ siêu thị mini  tại Mỹ Đình (Từ Liêm) cho hay, khu vực Cầu Giấy, Mỹ Đình là nơi tập trung nhiều sinh viên nên lượng tiêu thụ mì mỗi ngày khá lớn. "Chỉ tính riêng ngày hôm nay, tôi đã bán được 50 thùng mì", chị Mây cho biết.

Người dân Đà Nẵng vẫn "mơ hồ" về chất phụ gia độc hại
 
Mặc dù đã có những thông tin về tác hại của chất tạo màu E102 có trong mì ăn liền nhưng người tiêu dùng Đà Nẵng vẫn rất "mơ hồ" về những ảnh hưởng đến sức khỏe của chất phụ gia  này.

Ghi nhận tại một số chợ trên địa bàn TP Đà Nẵng, hầu hết người tiêu dùng, thậm chí nhiều người bán cũng “mù tịt” với thông tin này.
 
Chị Kim Ánh, bán hàng tại lô 34 Chợ Hàn (Đà Nẵng) cho biết: “Là người bán, cũng là người dùng nên khi mua hàng hay bán hàng, tôi đều xem xét rất kỹ các thông tin về sản phẩm như hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ, thành phần cấu tạo… Nhưng làm sao biết chất nào không tốt, có hại. Riêng đối với sản phẩm mì ăn liền, gia đình tôi dùng rất thường xuyên nhưng không hề biết về chất này, ký hiệu ra sao cũng như tác hại của nó…”

 
Người tiêu dùng tại Đà Nẵng vẫn "mơ hồ" đối với chất tạo màu E102 có trong mì ăn liền cùng những tác hại của nó đến sức khỏe người tiêu dùng.

Chị Thu, trú tại tổ 34, Phước Mỹ, Sơn Trà, Đà Nẵng chia sẻ: “Gia đình tôi, nhất là bọn trẻ con rất thích ăn mì ăn liền. Tuần nào, chúng tôi cũng đi chợ, hoặc siêu thị để mua mì ăn liền về dùng nhưng không biết là có chất này chất kia. Vừa qua, có nghe thông tin nhưng không rõ ràng nên cũng hoang mang lắm. Cơ quan chức năng cần vào cuộc, công bố cụ thể để người dân chúng tôi an tâm”.

Nhân viên bán hàng tại lô 23 Hồng Biên, chợ Hàn cho biết thêm, chị không hề được thông báo về chất tạo màu E102 từ nhà sản xuất cũng như cơ quan chức năng. "Tuy nhiên, sức mua mì ăn liền từ đầu tháng 7 đến nay có sút giảm, có nguyên nhân là do nắng nóng, còn có phải là do tác hại của chất tạo màu hay không thì không rõ”, nhân viên này cho hay. 

Về vấn đề này, bác sỹ Nguyễn Minh Tiến, Chi Cục trưởng Chi cục VSATTP TP Đà Nẵng cho biết: “Chúng tôi có nghe thông tin chất tạo màu có trong mì ăn liền ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng, nhưng thông tin chưa thật sự rõ ràng. Hơn nữa, chúng tôi chưa nhận được chỉ đạo cụ thể của ngành Y tế TP cũng như Cục ATVSTP nên chưa có kế hoạch về công tác kiểm tra đối với sản phẩm liên quan.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng là thị trường tiêu thụ, không có nơi sản xuất nên việc kiểm tra, thu hồi đối với sản phẩm không mang tính triệt để mà phải làm tận gốc từ phía nhà sản xuất. Chưa kể, nếu thông tin về chất E102 gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng thì nhà sản xuất phải có động thái tích cực như công bố về chất này, thậm chí thu hồi nều cần thiết”.
 
TP HCM: Người tiêu dùng "né" mì gói chứa E102
 

Ngược lại với TP Hà Nội và TP Đà Nẵng, ngay sau khi thông tin các loại mì gói ở Việt Nam có chứa chất Tartrazine (E102) có thể làm cho người sử dụng bị ảnh hưởng về mặt sức khỏe, người tiêu dùng TP.HCM đã có những động thái “né” các sản phẩm này.

Tại siêu thị Co.op Mart Đinh Tiên Hoàng trưa ngày 11/7, gian hàng mì gói chỉ lác đác một vài khách hàng ghé vào, cho dù đây luôn là siêu thị có doanh thu lớn nhất trong chuỗi Co.op Mart.

Gặp chúng tôi khi đang lựa chọn mì gói của Acecook Việt Nam, chị Nguyễn Trâm Anh (ngụ quận 2, TP.HCM) nói rằng, món mì gói là sự lựa chọn khoái khẩu của chị và gia đình từ nhiều năm nay.

"Thời gian trước, tôi không quan tâm lắm đến mì của hãng nào. Thế nhưng, từ ngày thông tin E102 xuất hiện trong mì gói, làm ảnh hưởng sức khỏe thì tôi đã buộc phải suy nghĩ lại. Hiện tôi chỉ chọn loại mì gói nào mà trong thành phần công bố rõ không có E102 mà thôi…”, chị Trâm Anh chia sẻ.

Người tiêu dùng TP.HCM đã biết "né" các sản phẩm mì gói có E102 (ảnh chụp ở siêu thị Big C trưa 11/7) 

Tương tự, tại siêu thị Big C Miền Đông, anh Nguyễn Anh Tuấn (nhân viên Bưu điện TP.HCM) nhanh nhảu cho biết khi đang chọn sản phẩm mì: "Hiện anh chỉ mua loại mì nào không có màu vàng để đảm bảo an toàn sức khỏe".

Một khách hàng khác, nữ sinh Ngọc Thu (SV trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho rằng, kể từ khi biết thông tin về E102, em đã chuyển sang sử dụng các loại mì của Hàn Quốc và Nhật Bản. Thu nói: "Dù mua những loại mì này có mắc hơn mì Việt Nam nhưng vẫn yên tâm hơn vì không có E102, không có màu vàng đậm. Chất phụ gia này đã bị cấm sử dụng tại Hàn Quốc và Nhật Bản".

Tuy nhiên, trao đổi với VTC News, đại diện các siêu thị lớn ở TP.HCM đều nhận định rằng, sản lượng mì Việt Nam bán ra trong thời gian gần đây vẫn ổn định, không thay đổi nhiều so với thời điểm trước kia.

Một nhân viên tại siêu thị Big C Miền Đông giải thích: “Sở dĩ như thế là do người tiêu dùng ở TP vẫn giữ lại thói quen và sở thích cũ. Họ mua loại mì nào là họ sẽ mua mãi, nếu như không có sự cảnh báo của các cơ quan chức năng. Vả lại, mì đã được lưu thông ra thị trường là phải đảm bảo về mặt y tế nên đương nhiên là họ phải tin tưởng”.

Trước các thông tin trái chiều này, Sở Y tế TP.HCM khẳng định, người tiêu dùng không nên quá hoang mang về việc này. Vì theo đại diện lãnh đạo Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, nếu sử dụng E102 trong giới hạn cho phép (300mg/1kg mì) thì vẫn an toàn cho sức khỏe đối với người bình thường.

Vị này cũng cho biết thêm, các cơ quan chức năng ngành y tế sẽ tiếp tục theo dõi, và sẽ có các cảnh báo tới người tiêu dùng khi có thông tin tiếp theo.


E102 là ký hiệu để chỉ chất nhuộm màu nhân tạo Tartrazine. Đây là chất bột màu vàng, tan trong nước được sử dụng làm chất tạo màu trong ngành công nghiệp, mỹ phẩm, dược phẩm và đặc biệt là thực phẩm.

Trên thế giới, đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học khẳng định sự độc hại của E102 trong thực phẩm với sức khỏe người tiêu dùng. Từ năm 2003, Nhật Bản đã cấm sử dụng E102 với một số thực phẩm, trong đó có sản phẩm mỳ. Năm 2008, EU cảnh báo về sự nguy hại của phẩm màu E102 và yêu cầu các sản phẩm có sử dụng E102 phải ghi khuyến cáo trên nhãn E102 - có thể có ảnh hưởng xấu lên hoạt động và sự chú ý của trẻ em.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Southampton (Anh), phẩm màu vàng E102 có trong chế độ ăn sẽ làm tăng sự hiếu động thái quá và gây kém tập trung ở trẻ 3 tuổi và 8-9 tuổi. Một nghiên cứu khác tại Australia, chất E102 có liên quan đến việc thay đổi hành vi khó chịu, bồn chồn và rối loạn giấc ngủ của trẻ. Ngoài ra, phẩm màu E102 còn có nguy cơ gây tổn thương đến sức khỏe sinh sản của nam giới.

Ngày 6/7, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) chính thức khẳng định, phẩm màu E102 đã được Ủy ban hỗn hợp về phụ gia thực phẩm Quốc tế FAO/WHO (gọi tắt là JECFA) cũng như Ủy ban Khoa học Châu Âu nghiên cứu từ nhiều năm trước. Trên cơ sở các bằng chứng khoa học và thực nghiệm, các cơ quan này đều thống nhất quy định mức ăn vào hàng ngày chấp nhận được là từ 0 - 7,5mg/kg thể trọng/ngày.

Ở Việt Nam, việc sử dụng phẩm màu E102 đã quy định có tính pháp lý (Quyết định số 3742/2001/QĐ-BYT). Vì vậy, Cục này cho rằng, nếu phẩm màu trên được sử dụng đúng hàm lượng theo quy định thì vẫn bảo đảm an toàn.

Bài, ảnh: Thái Vy, Bửu Lân, Việt Dũng

 


 

Bình luận
vtcnews.vn