Giữ lạm phát 7% hoàn toàn có thể làm được

Kinh tếThứ Tư, 16/03/2011 10:00:00 +07:00

(VTC News) - Theo các chuyên gia kinh tế, việc kìm chế lạm phát giữ ở mức 7% như dự báo hoàn toàn có thể thực hiện được nếu như Chính phủ kiên trì, quyết tâm.

(VTC News) - Theo các chuyên gia kinh tế, việc kìm chế lạm phát giữ ở mức 7% như dự báo hoàn toàn có thể thực hiện được và không quá khó khăn nếu như Chính phủ quyết tâm, kiên trì và thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt.

Lạm phát cao bởi nhiều nguyên nhân

Nói về những áp lực từ thực tiễn kinh tế vĩ mô của Việt Nam, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp cho rằng: Hàng năm, Chính phủ phải nỗ lực rất lớn để kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô. Kết cục có thể đạt được tạm ổn ngắn hạn, một số mục tiêu kế hoạch. Nhưng lại trả giá bằng sự hao tổn nguồn lực quốc gia rất lớn; hàng năm, nền kinh tế lại bước vào một chu kỳ bất ổn và lạm phát cao ngắn hạn. Thêm  vào đó, sự tái diễn chu kỳ hàng năm chứa đựng nguy cơ tạo vòng xoáy bất ổn và xu hướng suy thoái đáng lo ngại, gây mất niềm tin cho người tiêu dùng.

Hệ quả là trong mấy năm nay, Việt Nam đạt được tăng trưởng trong thế bất cân đối, bất ổn vĩ mô với tần suất cao hơn.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp cho rằng: Việt Nam đang tăng trưởng trong thế bất cân đối.
Theo bà Lan, một trong những nguyên nhân của việc tăng trưởng bất cân đối hiện nay là do: Tư duy chạy theo tốc độ tăng trưởng, bệnh thành tích quá cao. Ở hầu như 63 tỉnh thành của cả nước đều báo cáo mức độ tăng trưởng trên 10%, cao hơn cả mức độ tăng trưởng của cả nước. Ngoài ra, nước ta thiếu thể chế và bộ máy hoạch định chính sách có năng lực; thiếu tầm nhìn chiến lược; chính sách đôi khi đưa ra rất hay nhưng khi thực thi thì phân tán, chia cắt, mỗi nơi mỗi khác; nguồn lực bị phân bố và sử dụng kém hiệu quả.

“Nếu không thay đổi thì tình hình xấu đi, trong khi thách thức cạnh tranh những năm tới rất lớn” – Bà Lan lo ngại.

Cũng đồng tình với quan điểm trên, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát Tài chính Quốc gia Lê Xuân Nghĩa cũng nhấn mạnh: Lòng tin của dân chúng đang suy giảm mạnh. “Nếu chúng ta không nhanh chóng lấy lại niềm tin này thì không biết tương lai sẽ như thế nào”. Ông Nghĩa đưa ra một ví dụ vào năm 1997, trước một tin đồn về khủng hoảng ở Thái Lan, khi giá vàng thế giới bốc lên cao, người dân đánh mất niềm tin đã ồ ạt kéo đến ngân hàng rút tiền và chỉ sau nửa đêm, Ngân hàng Hồng Kông sụp đổ hoàn toàn.

Theo ông Nghĩa: Lạm phát hiện nay của nước ta tăng cao bởi tích hợp của  3 nguyên nhân:

Thứ nhất, đầu tư công quá lớn trong khi vốn của Việt Nam lại hữu hạn, hơn nữa, khu vực tư nhân đầu tư đạt hiệu quả lớn hơn, thu hút lao động mạnh mẽ hơn lại chỉ được dành một nguồn vốn rất hạn hẹp. Tính ra đầu tư công ở Việt Nam dành cho tư nhân chỉ chiếm khoảng 36% trong tổng đầu tư của toàn xã hội, trong khi đó sản xuất chiếm trên 50% GDP và có tới 82% lao động của toàn xã hội.

Do đó, muốn giảm lạm phát về dài hạn phải thay đổi sự phân bố, Nhà nước cần tái cấu trúc lại đầu tư công,  tập trung phân bố mạnh mẽ cho khu vực tư nhân và tiết kiệm đầu tư công với những dự án đắt tiền, trì trệ mà không thu được nhiều hiệu quả.

Nguyên nhân thứ 2 do điều hành của Nhà nước. Năm ngoái, Chính phủ có chủ động làm một số việc từ  đó dẫn tới chỉ số giá tăng lên. Ví dụ: Cho phép khu vực giáo dục đặc biệt học phí tăng lên, đây là hoạt động nằm trong chương trình xã hội hóa giáo dục làm cho sản phẩm về giáo dục tăng tới 20%. Ngoài ra, khi thấy thiên tai, mất mùa dữ dội, Chính phủ đã cho phép mua tích trữ lương thực với khối lượng lớn nhằm đảm bảo nguồn lương thực dài hạn nhưng trong ngắn hạn lại tạo ra thiếu nguồn cung trầm trọng.

Thêm vào đó, năm 2010 lại vừa trùng lặp với chu kì tăng giá nông phẩm – chu kì của toàn thế giới. Giá cả lương thực thực phẩm trên thế giới tăng quá cao, liên tục trong 7 tháng đặc biệt là ở Trung Quốc. Đây là những lý do trực tiếp tác động dẫn tới lạm phát quý IV tăng lên nhanh chóng.

Hạn chế lạm phát ở mức 7%: Hoàn toàn có thể

Ông Nghĩa cho rằng: Vào thời điểm hiện tại, khi lạm phát đang ở mức cao, việc ổn định kinh tế vĩ mô và ngay lập tức kéo mức độ lạm phát xuống là một điều rất khó. Nhưng với Nghị quyết 11 chỉ đạo của chính phủ, cộng thêm việc rút kinh nghiệm từ năm ngoái, với sự kiên trì hơn, quyết tâm hơn của các cơ quan chức năng, đưa khung tiền xuống 16% chưa từng có trong lịch sử hoặc đưa tín dụng xuống 20% cũng chưa từng có trong lịch sử, ông Nghĩa tin tưởng: Năm nay sẽ khác năm ngoái, việc kìm chế lạm phát ở mức 7% là điều có thể thực hiện được.

“Xu hướng đưa giảm dần tỷ lệ lạm phát, nhanh thì 1 năm, không thì 2 năm, đưa bằng hoặc dưới 7% là tốt rồi” – Ông Nghĩa nói.

Phó chủ tịch Ủy ban giám sát Tài chính Quốc gia Lê Xuân Nghĩa: "Với những khó khăn hiện tại, tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng, không phải quá lớn để chúng ta không thể vượt qua".
Theo ông Nghĩa: Lạm phát chi phối bởi chính sách tiền tệ rất lớn. Khi giá đầu vào tăng, giá điện, giá xăng dầu tăng, các doanh nghiệp phải giảm sản lượng, vì giảm sản lượng nên giá lại tăng tiếp. Trên thế giới, mỗi khi giá đầu vào tăng, Ngân hàng Trung ương luôn thực hiện biện pháp: giảm cung tiền xuống, do đó, giá không tăng được. Ví dụ: Giá xăng dầu tăng 40 USD/ thùng, thậm chí có lúc tăng trên 100 USD/ thùng nhưng lạm phát ở nhiều nước trên thế giới không nơi nào tăng, tỷ lệ lạm phát rất thấp.

“Để đạt được điều đó là do Ngân hàng Trung ương khống chế lượng cung tiền, đảm bảo mặt bằng giá cả không thay đổi” – ông Nghĩa nhấn mạnh.

Năm nay, Chính phủ ta đưa ra mức cung tiền rất thấp, phù hợp với xu thế, vì vậy, ông Nghĩa nhận định: “Nếu kiên trì thực hiện nghị định của chính phủ, việc kìm giữ lạm phát khoảng 7% không có gì là khó khăn”.

“Doanh nghiệp họ gọi điện hỏi tôi với giọng run rẩy, khẩn cấp như sắp khủng hoảng đến nơi…” – ông Nghĩa kể. Tuy nhiên, “với những khó khăn hiện tại, tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng, không phải quá lớn để chúng ta không thể vượt qua. Và nó không đáng có nếu cách đây gần một năm chúng ta kiên trì với các chính sách và làm quyết liệt hơn”.

Khẳng định khá chắc chắn trong buổi hội thảo “Những chính sách vĩ mô 2011 và giải pháp của doanh nghiệp” diễn ra tại Hà Nội ngày 15/3/2011, ông Nghĩa cho rằng: Lãi suất sẽ còn cao trong quý 1-2/2011, sau đó giảm nhẹ trong quý 3-4.

“Dấu hiệu giảm nhẹ không phải do thắt chặt tiền tệ mà do phân bổ nguồn tài chính, do cắt giảm đầu tư công và chi tiêu công, dành nhiều vốn cho khu vực tư nhân hơn, làm lãi suất giảm, mà khi lãi suất giảm, chứng khoán sẽ phục hồi…”, ông Nghĩa nói.

Việc cắt giảm đầu tư công ngoài giảm bội chi ngân sách còn giúp giảm thâm hụt cán cân thanh toán, giảm nhu cầu ngoại tệ, giảm áp lực điều chỉnh tỷ giá, tỷ giá ổn định hơn. Bà Lan đã chỉ ra rằng: Nhiều dự án làm cầu, làm đường, nhiều công trình nhà ở, giao thông của Nhà nước hầu hết phải nhập khẩu nguyên vật liệu, đòi hỏi lượng ngoại tệ lớn, làm tăng tính biến động của tỷ giá, làm khó cho thị trường Việt Nam.
 
“Giảm đầu tư công, vốn của nền kinh tế, nhất là tín dụng ngân hàng sẽ chuyển đến khu vực tư nhân, các doanh nghiệp, hiệu quả sử dụng vốn được cải thiện” – Đó là một trong những biện pháp hữu hiệu mà bà Lan đưa ra trong thời buổi lạm phát hiện nay.

Thêm vào đó, theo bà Lan, để ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế lạm phát,  trọng tâm nhất vẫn là chính sách tài khóa, cần giảm thâm hụt ngân sách (còn 3 – 3,5% GDP). “Giảm thâm hụt ngân sách, điều này hoàn toàn làm được. Năm 2009, 2010 thu vượt dự toán hàng chục ngàn tỷ. Chi tiêu đúng như dự toán thì không còn thâm hụt ngân sách, từ đó giải quyết nhiều vấn đề khác” – Bà Lan cho biết.

Một số mục tiêu kế hoạch 2011 - 2015

- Tăng trưởng GDP: 7-7,5%/năm.

- Nông, lâm thuỷ sản: 2,6-3%; CN và xây dựng 7,8-8%; dịch vụ 7,8-8,5%.

- TFP: 35% của tăng trưởng, tức tăng 10 điểm%; giảm tiêu hao năng lượng trên GDP 2,5-3% GDP.

- Lạm phát trung bình 7%/năm.

- Nhập siêu năm 2015 dưới 15% KN xuất khẩu=
khoảng 19 tỷ USD giá thực tế, bằng gần 11% GDP.

- Huy động vào NS 23-24% GDP, thuế & phí 22-23%. Thâm hụt  NS dưới 5%, nếu cộng thêm trái phiếu và tín dụng đầu tư khoảng 3,5% GDP thì thâm hụt NS 8,5% GDP.

- Tiết kiệm nội địa 32,5%, đầu tư 40%, chênh lệch 7,5%. Vốn trong nước= 203 tỷ USD, nước ngoài 87 tỷ USD, mỗi năm trung bình 17,5 tỷ USD.

Phương Hạ


Các thí sinh quan tâm đến  cơ hội học tập và nghề nghiệp hấp dẫn tại ĐH Văn Hiến có thể gửi câu hỏi tới địa chỉ [email protected].


Bình luận
vtcnews.vn