"Tỷ giá USD không thể tăng quá cao..."

Kinh tếThứ Sáu, 18/02/2011 03:00:00 +07:00

(VTC News) – Đây là nhận định của ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Theo ông Kiêm, giá USD sẽ không thể vọt cao...

(VTC News) – Theo ông Cao Sỹ Kiêm, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, việc nâng tỷ giá đồng USD phụ thuộc vào 3 yếu tố gồm xuất khẩu, nhập khẩu và nợ nước ngoài. Tùy vào tình hình để có thể tăng, giảm tỷ giá nhưng giá USD sẽ không thể vọt cao bởi sự điều chỉnh phải đảm bảo hài hòa được cả 3 yếu tố trên.

Ông Cao Sỹ Kiêm khẳng định: USD không thể tăng giá quá cao vì còn phụ thuộc vào 3 yếu tố: xuất khẩu, nhập khẩu và nợ nước ngoài.
Quyết định nâng tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng từ mức 18.932 VND lên mức 20.693 VND (tăng trên 9%) và thu hẹp biên độ tỷ giá từ +/-3% xuống +/-1% vào ngày 11/2 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngay sau đó tạo ra những phản hồi trái chiều. Trong đó, nhiều doanh nghiệp cũng như người dân đã bày tỏ sự e ngại quyết định này sẽ gây ra ảnh hưởng xấu đến khả năng thanh toán của người tiêu dùng.

Hơn nữa, trước khi điều chỉnh giảm tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết, cơ quan quản lý sẽ điều chỉnh theo hướng linh hoạt nhưng có tăng, có giảm, qua đó, dư luận không khỏi dấy lên e ngại, giá USD sẽ còn vọt lên mức cao.

Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi với VTC News, ông Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam -  khẳng định: giá USD không thể vọt lên mức cao. Bởi theo ông Kiêm, có 3 căn cứ để tính giá USD hay nói cách khác, việc điều chỉnh tỷ giá phải cân nhắc đến 3 yếu tố.

Thứ nhất, muốn đẩy mạnh xuất khẩu sẽ phải hạ giá đồng tiền Việt Nam, nâng tỷ giá USD. Nhưng xuất khẩu ở Việt Nam lại có “ngưỡng”, chẳng hạn như ngành may mặc phải nhập sợi, vải; đóng tàu phải nhập sắt, thép, que hàn... Tức là phải tiến hành nhập khẩu rồi mới xuất khẩu do đó khi thị trường thế giới giảm giá, không cẩn thận sẽ bị lỗ. Do đó, phải cân nhắc nâng tỷ giá nâng đến mức nào để vừa với khả năng sản xuất, với xuất khẩu. Khuyến khích xuất khẩu nhưng phải căn cứ vào cơ cấu trong sản xuất. Khuyến khích xuất khẩu có giới hạn là vì thế.

Thứ hai là vấn đề nhập khẩu. Hiện nay, phần lớn vật tư của chúng ta nhập ở nước ngoài nên khi nâng tỷ giá sẽ phải sử dụng nhiều đồng tiền Việt Nam hơn. Khi đó giá thành sẽ đội lên, kích thích lạm phát, giảm tăng trưởng. Do vậy, việc nâng tỷ giá sẽ phải cân nhắc bởi Việt Nam đang nhập siêu cao.

Thứ ba là do Việt Nam đang nợ nước ngoài một khoản rất lớn bằng ngoại tệ nên khi giảm giá tiền đồng Việt Nam thì sẽ tăng khối tiền nợ nước ngoài. Bởi chỉ một đồng USD lại mất thêm vài đồng tiền Việt Nam.

Việc nâng tỷ giá phải đảm bảo để 3 yếu tố này hài hòa. Do vậy, tùy từng tình hình phải chấp nhận thiệt một chút về xuất khẩu, hoặc nhập khẩu, hoặc nợ nước ngoài nhưng khi cộng chung lại thì phải được lợi chứ không để mất nhiều hơn được”, ông Kiêm lý giải.

Điều chỉnh tỷ giá là động thái hoàn toàn đúng

Đánh giá về việc điều chỉnh tỷ giá gần đây của Ngân hàng Nhà nước, ông Kiêm cũng cho rằng: đây là một động thái hoàn toàn đúng.

“Điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá là theo cung cầu của thị trường mà cung cầu thị trường hiện nay lại có 2 vấn đề: Thứ nhất, cung – cầu thị trường về ngoại tệ đang cách xa nhau. Thứ hai, giá trị thực đồng tiền, sức mua của thị trường luôn phải để căng một chút.  

Việc phá giá đồng tiền nâng lên hơn 20.000 đồng/1 USD và biên độ kéo dài khoảng 1% mà Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện vừa qua, theo tôi là để sát với giá hình thành trên thị trường tự do. Người tiêu dùng sẽ đỡ bị lợi dụng, cung cầu dễ dàng hơn, người thu vào cũng dễ và người mua cũng dễ, giúp khả năng giải quyết tốt hơn.

Chưa hết, động thái này sẽ giúp việc điều hành chính sách tiền tệ sẽ minh bạch hơn.

Tuy nhiên, việc nâng giá đồng USD trong lúc lạm phát chưa giảm sẽ kích thích lạm phát. Tỷ giá nâng lên, xuất khẩu có thể tốt hơn nhưng nhập khẩu sẽ khó khăn. Đặc biệt là đối với những doanh nghiệp sử dụng đồng USD trong sản xuất kinh doanh, việc nâng tỷ giá sẽ làm giá thành đội lên, chi phí đội lên và sức mua sẽ giảm xuống, người làm công ăn lương sẽ chịu thiệt.

Hơn nữa, hiện nay lạm phát thế giới đang ở mức cao, giá trị các vật tư, nguyên liệu, thiết bị đã cộng lạm phát nên khi xuất hàng sang Việt Nam, ngoài việc “gánh” lạm phát của họ thì việc nâng tỷ giá, hạ giá tiền đồng của Việt Nam, doanh nghiệp tiếp tục “gánh” lạm phát và như vậy là “ăn” lạm phát kép”, ông Kiêm cho biết.

Tránh đầu cơ bằng cách nào?


Việc điều chỉnh tỷ giá, theo nhận định của ông Cao Sỹ Kiêm có mặt lợi nhưng cũng có mặt không tốt. Tuy nhiên, theo ông Kiêm, ở Việt Nam hiện nay chưa thể thực hiện tự do hóa lãi suất, tự do quản lý ngoại hối mà cần phải có bàn tay quản lý của Nhà nước. Bởi ở Việt Nam, cung cầu không ổn định, lạm phát đang cao, nếu thiếu sự quản lý của Nhà nước sẽ không khỏi tránh sự đầu cơ.

Trước ý kiến cho rằng vì Ngân hàng Nhà nước khống chế giá ngoại tệ khiến cho tích lũy ngoại tệ của ngân hàng thấp? Ông Kiêm cho rằng ý kiến này chỉ đúng một phần. Bởi lẽ: “Thông thường, người dân không nắm được tình hình cung cầu nên cứ thấy thấy thị trường nhấp nhổm là hùa nhau mua vào rồi “găm” giữ. Thậm chí càng lúc thị trường càng căng thì lại càng giữ nhiều hoặc khi căng, tức là khi giá USD tăng thì lại càng mua đông rồi khi giá USD giảm thì lại ồ ạt bán ra nên nhiều khi bị thiệt.

Ngoài ra, chính sách quản lý không minh bạch, không rõ ràng, dứt khoát cũng là nguyên nhân khiến dân không tin rồi dân phải tự xử lý lấy. Do đó, ở Việt Nam luôn tồn tại song song thị trường chợ đen với ngân hàng trong việc mua bán ngoại tệ là vì vậy”, ông Kiêm kết luận.


Thu Hiền

Bình luận
vtcnews.vn