Hàng Tết giả ngày càng hoành hành và tinh vi

Kinh tếThứ Năm, 20/01/2011 09:58:00 +07:00

Những kẻ làm hàng giả không chỉ dừng lại ở các mặt hàng sang trọng, xa xỉ như trước mà chuyển sang làm giả cả những mặt hàng tiêu dùng thông thường...

Cuộc chiến chống hàng giả ở châu Á đang đi vào giai đoạn khó khăn hơn khi những kẻ làm hàng giả không chỉ dừng lại ở các mặt hàng sang trọng, xa xỉ như trước mà chuyển sang làm giả cả những mặt hàng tiêu dùng thông thường, đặc biệt khi nhu cầu tăng cao bởi Tết âm lịch đang cận kề.

Nhái từ hàng hiệu đến đồ bình dân

Tờ Guangzhou Daily đưa tin, trong một đợt truy quét mới đây, cảnh sát thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông đã bắt 15 người chuyên bán hàng thời trang bằng da giả các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới. Nhà chức trách tịch thu 4.500 túi xách, dây nịt, dây đồng hồ… giả được gắn các nhãn hiệu hàng đầu như Hermes, Bottega Veneta và Louis Vuitton, trị giá ước tính 160 triệu nhân dân tệ (hơn 470 tỷ đồng).

Từ khi Trung Quốc phát động chiến dịch truy quét nạn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, sản xuất, phân phối sản phẩm giả và hàng kém chất lượng vào tháng 11/2010 đến nay, giới chức Quảng Châu đã phanh phui 21 vụ tương tự, phá hủy 9 cơ sở sản xuất hàng giả.

Túi xách giả hiệu Louis Vuitton. Ảnh: Guangzhou Daily  

Bên cạnh các mặt hàng thời trang, thuốc lá cũng là một trong những hàng hóa “hot” mùa lễ tết. Trong vòng 10 năm qua, nạn sản xuất thuốc lá dỏm tăng mạnh ở Trung Quốc, cao gấp 8 lần kể từ năm 2000, lên một con số chưa từng có tiền lệ: 400 tỷ điếu mỗi năm, đủ để cung cấp cho mỗi người hút thuốc Mỹ 460 gói một năm. Ngày nay, thuốc lá giả sản xuất tại Trung Quốc, với các nhãn hiệu như Marlboros, Newports, và Benson & Hedges, tràn ngập thị trường châu Á cũng như toàn cầu. Chúng tiếp sức cho một thị trường chợ đen trị giá nhiều tỷ đôla và gây hại rất lớn cho người hút. Mặc dầu vậy, rất ít người biết đến hoạt động này.  

Nổi tiếng một thời với loại quả sơn trà vàng óng, Yunxiao giờ đây là một trung tâm thương mại lớn, nguồn cung cấp một nửa sản lượng hàng giả ở Trung Quốc. "Hầu hết các nhà máy nằm dưới lòng đất. Chúng nằm bên dưới các tòa nhà, núp rất kín với những chiếc cửa ra vào bí mật. Thậm chí một ngôi chùa ở địa phương với mái ngói đỏ cũng che giấu một nhà máy ở bên trong", một người môi giới thuốc lá cho biết.
 
Thuốc lá giả tràn ngập thị trường Trung Quốc và thế giới. Ảnh: Slate.

Đài Loan và Hàn Quốc, từng "khét tiếng" về đồ nhái, giờ cũng trở thành nạn nhân của tình trạng giả mạo. Theo kết quả điều tra do Công ty về quyền sở hữu trí tuệ Marksman vừa thực hiện, 70% cửa hàng điện tử dân dụng tại các thành phố bày bán công khai sản phẩm sao chép của LG và Samsung.

Không chỉ dừng lại ở mặt hàng tiêu dùng, hàng giả ở châu Á còn “đánh” vào tâm lý thích tích góp vàng khi có tiền thưởng tết cũng như mua sắm nữ trang diện tết của người dân. Cuối tháng 12 vừa qua, 200 ounce vàng giả với giá khoảng 280.000 USD được phát hiện trên thị trường vàng Hong Kong đang gây sốc cho giới đầu tư khu vực không chỉ vì giá trị mà vì mức độ tinh vi của nó. Thông thường, các thỏi vàng lớn do các Ngân hàng Trung ương nắm giữ thường có trọng lượng 400 ounce mỗi thỏi và có trị giá chừng 560.000 USD. Giới kinh doanh vàng bạc ở Hong Kong nhấn mạnh, hàng trăm ounce vàng giả đã được mua đi bán lại tại Hong Kong trong suốt cả năm qua mà không hề ai hay biết, tạo ra một scandal lớn nhất liên quan đến kim loại quý nhất trên thị trường vàng Hồng Kông trong hàng chục năm qua.

Sau khi thị trường Hong Kong bị chấn động với 200 ounce vàng giả, đến lượt chính quyền Singapore cảnh báo các tiệm nữ trang và cầm đồ trong nước nâng cao cảnh giác bởi rất có thể vàng giả đã xâm nhập vào thị trường nước này. Theo ông Ho Nai Chuen, Chủ tịch Hiệp hội những nhà kinh doanh trang sức Singapore, hiệp hội này sẽ sớm có chỉ dẫn cụ thể để các thành viên cảnh giác. Tuy nhiên, ông này cho rằng, những nhà chuyên môn tại Singapore có đủ biện pháp để phát hiện vàng giả. Một trong những quy định tại Singapore là những người kinh doanh vàng phải ghi lại số chứng minh hoặc hộ chiếu của những người bán với số lượng lớn và những con số này sẽ được nhà chức trách kiểm tra thường xuyên.
 
Vàng giả lan từ Hong Kong sang Singapore. Ảnh: Strait Times.  

Đánh giá về tác hại sâu rộng của hàng giả, ông Guy Sebban, Tổng Thư ký Phòng Thương mại quốc tế  ICC cho rằng: “Các công ty đa quốc gia bị thiệt hại tới 10% doanh thu vì nạn hàng giả. Số tiền đó tương đương với 20 tỷ USD một năm dù cho ít hãng, kể cả Procter&Gambler và Unilever muốn thừa nhận thực tế đó”.

Ông Richard Heath, đứng đầu đơn vị chống hàng giả của hãng Unilever khẳng định nạn hàng giả đã thoát khỏi phạm vi khu vực và đã trở thành vấn đề quốc tế. Tất cả các khoản đầu tư của những kẻ làm giả chủ yếu tập trung vào nhãn mác chứ không phải vì chất lượng hàng hóa bên trong.

Chính vì thế, mối nguy hại mà hàng giả có thể gây ra cho sức khỏe người tiêu dùng là khôn lường, đơn cử như hãng Colgate-Palmolive đã cảnh báo người tiêu dùng là thuốc đánh răng giả có chứa hóa chất chống đông rất độc hại với người sử dụng hày năm 2004, sữa giả nhãn hiệu Nestlé đã làm ít nhất 13 trẻ sơ sinh Trung Quốc tử vong khiến cho hãng này bị tổn thương danh tiếng nghiêm trọng.

Chiến dịch dập “bão” hàng giả

Trước tình trạng đó, Trung Quốc, nơi xuất xứ của lượng hàng giả khổng lồ trên thế giới, đã tuyên bố triển khai chiến dịch truy quét hàng giả kéo dài 6 tháng, kể từ cuối tháng 10/2010, nhằm cải thiện hình ảnh của nước này. Nội các Trung Quốc cho hay đây là chiến dịch đặc biệt nhắm vào các nhà sản xuất và người buôn bán hàng giả, cũng như hoạt động vi phạm bản quyền. Chiến dịch truy quét này triển khai với các lĩnh vực như xuất bản, văn hóa, giải trí, công nghệ cao và nông nghiệp. Trung Quốc sẽ mạnh tay với các cơ sở sản xuất hàng giả, tăng cường quy định về bảo vệ bản quyền trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, cũng như trên Internet.

Nội các nước này thừa nhận hàng giả và việc vi phạm bản quyền đang gây khó khăn cho các đơn đặt hàng trên thị trường, giảm tính cải tiến trong kinh doanh và làm xấu hình ảnh của Trung Quốc trên thị trường quốc tế. Ngành công nghiệp hàng giả của Trung Quốc hiện thuê hàng triệu lao động, cửa hàng phân phối có mặt trên cả nước. Trước đó, chính quyền Trung Quốc cũng đã từng đưa ra nhiều chiến dịch truy quét hàng giả.

Các tập đoàn lớn cũng đầu tư vào công cuộc chống hàng giả bằng cách đăng ký bản quyền ở các nước sở tại thuộc châu Á và tìm kiếm các bằng chứng tại đây để đưa ra xử lý trước pháp luật. Hãng Red Bull, nhà sản xuất nước uống tăng lực lớn nhất thế giới đã có hẳn một đội ngũ chống việc làm giả loại nước này ở châu Á cả về màu sắc sản phẩm và nhãn hiệu đăng ký vì thị trường châu Á đang có rất nhiều hàng giả của Red Bull.

Các nhân viên của Unilever ở Pakistan cũng chứng kiến nhiều vụ làm giả sản phẩm của hãng tại đây như xà phòng Dove giả được bày bán đầy ở chợ Boulton Market ở Karachi vì thế Unilever cũng có một đội chống hàng giả Unilever ở Karachi. Qua thực tế, đội này đã phát hiện một nhà máy ở phía đông thành phố Multan có 20 công nhân sản xuất trà Lipton giả với sản lượng một tấn một ngày.

Nhìn chung, các quốc gia châu Á đã nhận thức rõ tác hại của hàng giả đối với sức khỏe người tiêu dùng, danh tiếng hàng hoá của mình và uy tín quốc gia trong hoạt động thương mại với EU, Mỹ cũng như các nước khác trên toàn thế giới. Chính phủ nhiều quốc gia châu Á đã yêu cầu các lực lượng hải quan, cảnh sát, thị trường phải vào cuộc sâu sắc để giảm tác hại của nạn làm hàng giả với sức khỏe của người dân bản địa và tăng cao uy tín quốc gia để thu hút nhiều hơn đầu tư nước ngoài.

Theo một cuộc khảo sát của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), có tới 62% người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng nhái mà không biết. Từ đầu năm 2010 đến nay, lực lượng quản lý thị trường trong cả nước đã xử lý khoảng hơn 50.000 vụ vi phạm, trong đó hơn 11.000 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả với số tiền thu được từ các vụ vi phạm này lên tới trên chục tỷ đồng. Không chỉ xuất hiện ở chợ nhỏ, mà tại các trung tâm mua sắm của các thành phố lớn, hàng giả, hàng nhái cũng xuất hiện. Với kỹ thuật làm giả, nhái đạt đến độ tinh vi cao, từ mặt hàng thông thường đến cao cấp, từ hàng tiêu dùng đến tư liệu sản xuất, không phân biệt giá trị nhỏ hay lớn, công nghệ cao hay thấp đều có thể làm giả, làm nhái.

Những sản phẩm nhái giống hệt từ kiểu dáng đến nhãn hiệu. Không chỉ những mặt hàng như túi sách, mũ, đồ chơi… mà hiện tại hàng nhái, hàng giả còn hoành hành ở những mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng như thuốc chữa bệnh, thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc lá, sữa...


Theo Đất Việt
 


Bình luận
vtcnews.vn