Nhiều mặt hàng khô, bánh kẹo tăng giá, "khan" hàng

Kinh tếThứ Năm, 06/01/2011 01:00:00 +07:00

(VTC News) – Theo đánh giá của giới kinh doanh các mặt hàng khô thì “Năm nay, giá cả tăng đột biến, chưa năm nào có hiện tượng như thế”.

(VTC News) –  Theo ghi nhận của chúng tôi, tại thời điểm này khi chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là Tết Nguyên đán, các  mặt hàng khô như mộc nhĩ, nấm hương, măng, miến,… đã bắt đầu đồng loạt tăng giá từ 15 – 20%, thậm chí “khan” hàng. Theo đánh giá của giới kinh doanh: “Năm nay, giá cả tăng đột biến, chưa năm nào có hiện tượng như thế”.

Hàng khô đã tăng giá 15 – 20%

Thông thường cứ vào dịp cuối năm, khi nhu cầu của người dân tăng cao, hàng hóa phục vụ Tết đều có xu hướng tăng giá. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới kinh doanh: “Năm nay, giá cả tăng đột biến, chưa năm nào có hiện tượng như thế”.

Chị Nguyễn Thị Hòa, chủ cửa hàng tạp hóa, chuyên bán các loại đồ khô, phụ gia thực phẩm trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, HN) cho biết: “Nếu những năm trước, giá tăng theo từng đợt. Dầu ăn, mắm, muối “đội” giá dần dần thì năm nay  giá các mặt hàng đồng loạt tăng nhahn chóng khiến những người bán hàng như chúng tôi cũng ngỡ ngàng chứ đừng nói gì tới người mua, nhất là những người có điều kiện kinh tế khó khăn”.

Mì tôm và nhiều mặt hàng tăng giá một cách đột biến đặc biệt là những ngày giáp Tết.

Theo chị Hòa, việc tăng giả ảnh hưởng không ít tới doanh thu buôn bán bởi đến thời điểm này, không khí mua sắm trầm lắng, vắng vẻ hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Chị than thở: “Buôn bán giờ chán lắm, dân tình ít mua, hàng lấy về bán rất chậm, thậm chí nhiều mặt hàng ế ẩm”. Ngoài lý do giá cả “leo thang”, chị Hòa cũng thừa nhận: Việc các siêu thị tung ra nhiều chương trình khuyến mại với những “chiêu” thu hút khách rầm rộ như “xả hàng cuối năm” hoặc “đón chào năm mới, rinh nhiều quà tặng” khiến người dân đổ xô tới siêu thị mua sắm vì thế “cạnh tranh với siêu thị rất khó”, chị Hòa nói.  

Chính vì lẽ đó, năm nay nhiều cửa hàng đã hạn chế lấy hàng. Chị Ngọc, chủ tiệm tạp hóa ở chợ Hôm trên đường Trần Xuân Soạn thông báo: Mì tôm, mì sợi nấu lẩu từ 58.000 – 60.000 đồng/thùng (cách đây 2 tháng) giờ đã tăng đến 80.000 đồng/thùng. Chị Ngọc cho biết: tới đây, nhà phân phối còn thông báo, giá mới có thể lên 85.000 đồng/thùng. Do đó, “bình thường, mỗi tháng, chúng tôi nhập về khoảng 40 – 50 thùng mì tôm, nhưng hiện tại, chỉ lấy khoảng 20 thùng”. Ngoài ra, cũng theo chị Ngọc, mọi năm vào những ngày giáp Tết, cách thời điểm giao thừa 1 tháng, cửa hàng chị phải tích trữ khoảng mấy tạ miến, nhưng năm nay chỉ cần “đủng đỉnh” mua với khối lượng rất ít về để bán dần. Hơn nữa, “thời tiết này cũng không có miến”.

Theo khảo sát của pv VTC News, tại các chợ đầu mối, hầu hết các mặt hàng khô tính tới thời điểm hiện tại đều tăng giá từ 15– 20% so với khoảng 1 tháng trước đó. Miến t. Cừ 25.000 – 26.000 đồng/kg giờ đã tăng đến 34.000 đồng/kg. Mộc nhĩ, tháng trước giá chỉ khoảng 7.000 đồng/lạng, hiện tại, giá được “hét” lên thành 13.000 – 14.000 đồng/lạng (tăng đến 50%). Nấm hương từ 27.000 – 28.000 đồng/lạng cũng lên 32.000 đồng/lạng, bánh đa nem cũng tăng nhẹ theo giá gạo trên thị trường.

Tại chợ Hoàng Văn Thái (Thanh Xuân, Hà Nội), chị Lê Thị Phương, chủ một ki-ốt hàng tạp hóa cũng than thở vì hầu như tất cả các mặt hàng khô đều “sốt” giá. Chị Phương cho biết: Giá đầu vào tăng cao nên các sản phẩm bán ra cũng phải “đội” giá. Mộc nhĩ trước đó ít lâu bán 11.000 đồng/lạng, sau đó lên 12.000 đồng và bây giờ, phải bán lên 13.000 đồng/lạng; Nấm hương lấy vào đã 30.000 đồng/lạng nên phải bán chênh giá lên thêm 2.000 đồng. Rượu Hà Nội tăng đến 10% đặc biệt là rượu Vodka, mỗi chai tăng lên khoảng 4.000 – 5.000 đồng so với vài ngày trước đó.

Ngoài ra, theo ý kiến của các bà nội trợ thì nước mắm, bột canh, mì chính cũng nằm trong guồng quay “tăng giá” đến chóng mặt. Chính những người bán hàng cũng thừa nhận: Bình thường, giá mỗi thùng bột canh (50 gói) là 133.000 đồng, giờ tăng lên 135.000 đồng. Tính chi ly, mỗi gói bột canh bán lẻ đến tay người tiêu dùng tăng khoảng 100 đồng. Mì chính Vedan cách đây 1 tháng, giá chỉ khoảng 1.124.000 đồng/thùng (50 gói), hiện cũng đã tăng thêm 44.000 đồng/thùng lên 1.168.000 đồng/thùng.

Các sản phẩm khô tăng giá từ 15 - 20% (Ảnh: P.H)

Có thể nói, trung bình khoảng 1 tháng, một số mặt hàng tiêu dùng lại thiết lập mặt bằng giá mới, đặc biệt là dầu ăn, không thể tính theo tháng mà phải tính theo ngày. Một can 10 lít loại bình thường cách đây 1 tháng chỉ dừng lại ở 270.000 đồng, hôm nay, mức giá này đã là 310.000 đồng, thậm chí, có khi chỉ 2 tuần là nhảy giá vùn vụt. 

Về lý do tăng giá, chị Phương (Chợ Hoàng Văn Thái) thẳng thắn trả lời: “Tôi có hỏi người đổ hàng đến, họ bảo, lấy hàng đắt thì bán ra đắt. Nhìn chung, không phải lý do tăng giá nào cũng chính đáng. Có lẽ, sức tăng của thị trường không đến mức như thế nhưng nhiều người cứ dựa vào đó đẩy giá lên tạo những cơn sốt điên đảo”.

Để dẫn chứng, chị Phương lấy ví dụ: Mì Omachi “sốt” 3 ngày nay, không có một gói hàng nào để lấy. “Thử hỏi, lúc mì Omachi tiếp tục tung ra thị trường, họ có hét lên 6.000 đồng/gói thì người mua cũng phải chịu thôi”.

Siêu thị cam kết bình ổn giá và không “khan” hàng

Trước biến động giá ngoài thị trường, Đại diện hệ thống siêu thị Fivimart, bà Vũ Thị Hậu - phó Tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam cam kết: Không tăng như thị trường bên ngoài. Hiện Fivimart đã tiến hành nhập hàng về các kho dự trữ từ 3 tháng trước để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Đại diện hệ thống siêu thị BigC cũng nhấn mạnh đến chính sách giá tốt, cam kết giá không biến động trong suốt quá trình phục vụ mua sắm Tết, tăng cường các mặt hàng thuộc loại hàng hóa tiêu thụ mạnh trong dịp Tết đồng thời tiếp tục chương trình khuyến mại sẽ bắt đầu vào ngày 7/1 sắp tới. Một số loại mứt, kẹo Tết bán theo cân ở BigC được niêm yết giá như sau: Mứt táo mèo 65.900 đồng/kg, kẹo khoai môn 81.900 đồng/kg, mứt mơ 81.900 đồng/kg, mức cà rốt 44.900 đồng/kg, nho khô 91.900 đồng/kg…

Đến cuối tháng 12/2010, Big C đã hoàn tất việc trữ hàng bánh kẹo phục vụ  Tết bao gồm: Khoảng 130 tấn mứt và các loại  kẹo truyền thống, 60.000 giỏ quà Tết và trên 90% các loại bánh kẹo đóng hộp phục vụ Tết là hàng Việt như Kinh Đô, Bibica, Hải Hà, Hanco, Vinabico, Tân Tân, Orion…).

Người dân đã bắt đầu rục rịch mua sắm bánh kẹo phục vụ dịp Tết.

Tại siêu thị BigC Thăng Long (Trần Duy Hưng, Hà Nội), để người dân
được thanh toán nhanh chóng sau khi mua hàng, siêu thị đã tăng cường từ 76 quầy thu ngân lên 101 quầy, trở thành siêu thị có số lượng quầy thanh toán lớn nhất Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là đợt cao điểm khách hàng tranh thủ mua giỏ quà Tết tặng người thân, bạn bè, đối tác, vì vậy, Big C cũng đẩy mạnh công tác đóng gói, trưng bày đẹp mắt. Nhiều gói quà Tết được bày biện bắt mắt đầy ắp tại quầy, kệ ngay cửa ra vào hoặc được xếp, treo ở trên cao.

Chị Lưu Thị Tâm, nhân viên  bán hàng tại BigC cho biết: Hiện tại, mỗi ngày, quầy hàng chị phụ trách bán được khoảng 400 – 500 giỏ quà Tết (tất cả các mệnh giá), nhỏ nhất từ 49.000 đồng đến đắt nhất 1,9 triệu đồng, trong đó, bán chạy nhất vẫn là những loại giỏ có mệnh giá dưới 300.000 đồng. Theo chị Tâm, giỏ quà Tết năm nay đa dạng về mẫu mã và phong phú hơn so với mọi năm., Mặt khác, có rất nhiều người đã đặt hàng trước, siêu thị gói quà Tết theo mức giá phù hợp với túi tiền của mỗi người dân.

Tuy còn khoảng 1 tháng nữa mới đến Tết Âm lịch, song không ít khách hàng đã tất bật sắm đồ Tết ngay từ bây giờ.

Chị Lê Thu Thủy (Cầu Giấy, HN), mua sắm tại BigC cho biết: “Nhân tiện ngày nghỉ phép, có chút thời gian rỗi rãi, chị chọn mua luôn quà Tết về trưng bày ở nhà cho đẹp và để cho có không khí đón năm mới, sau đó, gần Tết sẽ đi chúc mọi người”.

Những giỏ quà Tết dưới 300.000 đồng như thế này được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Không ít cô, cậu sinh viên cũng bắt đầu chăm chú tới các giỏ quà Tết. Một bạn trẻ của Đại học Xây dựng vừa săm soi gói quà trị giá 200.000 đồng tại siêu thị BigC vừa nhận định: “Thời buổi kinh tế thị trường, với 200.000 đồng để mua được một món quà giá trị thật là khó, ngay cả một hộp bánh ngon, một chai rượu xịn, có lẽ cũng không có giá ấy. Mình thấy gói quà Tết này vừa đẹp vừa lịch sự và trang trọng, giá cả lại phải chăng nên mình định mua mấy gói về để đi Tết thầy cô”.

Nhiều khách hàng cũng lo sợ gần Tết, giá sẽ còn tăng cao nữa nên đã tranh thủ mua sớm. Bạn Khánh Linh (Quê Hải Dương) nhân tiện chuyến về chơi Hà Nội cùng bạn bè đã mua quà sắm Tết cho bố mẹ, bạn nói: Khi chọn giỏ quà Tết, quan trọng nhất vẫn là hình thức, còn chất lượng thì mình không thể kiểm định được.

Tuy nhiên, đứng trước hàng nghìn gói quà Tết, Linh vẫn không khỏi đắn đo vì giá cả, bởi theo bạn: “Giá hình như đắt hơn năm trước, một giỏ quà như thế này, cũng chừng ấy thứ, nào rượu, nào mứt, nào trà, năm ngoái chỉ khoảng 170.000 đồng thì năm nay tăng lên 200.000 đồng”.


Bài, ảnh
: Phương Hạ





Bình luận
vtcnews.vn