Hai Bộ cùng cam kết không để giá tăng đột biến dịp Tết

Kinh tếThứ Tư, 01/12/2010 02:00:00 +07:00

(VTC News) - Mặc dù nhu cầu hàng hóa tăng cao trong các tháng cuối năm, nhưng Bộ Công thương khẳng định: Sẽ không khan hàng và không có chuyện tăng giá đột biến

(VTC News) - Mặc dù nhu cầu hàng hóa tăng cao trong các tháng cuối năm, nhưng Bộ Công thương khẳng định: Sẽ không khan hàng và không có chuyện tăng giá đột biến.

Bước vào năm 2010, tình hình thị trường trong nước có nhiều diễn biến thất thường khi giá cả hàng hóa liên tục tăng. Chỉ riêng 3 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 4,12% (tháng 3/2010 so với tháng 12/2009), 3 tháng cuối năm lại có diễn biến phức tạp gây sức ép lớn lên mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ. CPI của cả nước trong 11 tháng đã tăng 9,58%. Diễn biến này làm mục tiêu giữ tỷ lệ lạm phát ở mức 1 con số khó thành công.

“Giá cả tăng cao phần nhiều do tâm lý”

Trong buổi họp báo diễn ra vào chiều 30/11, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa phân tích nguyên nhân dẫn tới biến động giá do: chúng ta vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn vật tư, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất và đời sống nhân dân; Dịch bệnh trong chăn nuôi diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới tăng trưởng; Lũ lụt, hạn hán xảy ra ở nhiều nơi với mức độ nghiêm trọng gây thiệt hại lớn. Thị trường vàng và tình hình ngoại tệ diễn ra bất thường; Ngoài ra có sự tác động của việc tăng phí giáo dục chưa phù hợp với bối cảnh kinh tế nước ta trong thời gian qua. Hơn nữa, theo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa: Không ngoại trừ hiện tượng lợi dụng đầu cơ, "găm" hàng, tăng giá bất hợp lý.

Thị trường tăng giá phần nhiều do yếu tố tâm lý của người dân.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng: Tình trạng doanh nghiệp Trung Quốc thu gom hàng hóa của Việt Nam ở khu vực biên giới cũng ảnh hưởng đối với hàng hóa nội địa. Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết: “Đúng là có hiện tượng một số mặt hàng của ta bị thu mua qua biên giới như thịt lợn. Nếu nguồn cầu thịt lợn tăng cao, bà con nông dân có thể thu lợi và tiếp tục nuôi lợn”.

Một lý do khiến giá tiêu dùng tăng cao ngoài mong muốn, theo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa phần nhiều do tâm lý: “Vừa rồi chúng ta không bị sốt hàng, giá cả tăng chủ yếu do tâm lý. Giá điện không tăng, than không tăng nhưng nhiều tiểu thương dựa vào giá vàng biến động mạnh để đẩy giá thực phẩm lên cao. Cậu em tôi đi tập tennis về báo tin "giá thuê sân tennis cũng sắp tăng theo... vàng"".


Không lo khan hàng và “sốt giá” vào cuối năm

Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa: "Không ngoại trừ hiện tượng lợi dụng đầu cơ, găm hàng làm tăng giá bất hợp lý". 
Nhận định về thị trường những tháng cuối năm, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoadự đoán: Trong tháng 12, nhiều mặt hàng sẽ duy trì mức giá như tháng 11, nhưng cũng có thể một số mặt hàng sẽ tăng. “Chúng ta đưa ra dự báo nhưng cũng không loại trừ những diễn biến bất thường không lường trước được. Tôi lấy ví dụ như vàng, có thời điểm lên giá rất cao, vượt xa dự kiến", Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, bà cũng hứa hẹn: Để bình ổn giá cả, Bộ Công Thương sẽ đảm bảo nguồn cung đẩy đủ để không xảy ra tình trạng "sốt" giá. Đặc biệt một số mặt hàng như gạo và phân bón sẽ được Bộ giao cho các doanh nghiệp đầu ngành dự trữ lượng hàng và bình ổn giá trong thời gian dài.

Hiện các Bộ ngành và các địa phương trong cả nước đã chuẩn sẵn một lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ các nhu cầu vào dịp cuối năm, nhất là Tết Tân Mão.

Cụ thể, Bộ đã yêu cầu các Sở Công Thương, Tập đoàn, Tổng công ty rà soát lại cân dối cung cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước nhất là lương thực, thực phẩm, xăng dầu, phân bón, sắt thép và các hàng hóa phục vụ Tết.

Hệ thống bán lẻ được mở rộng qua việc đầu tư xây dựng các siêu thị, trung tâm thương mại, nhiều chợ đầu mối, chợ nông thôn được củng cố hạ tầng. Một số địa phương như TP.HCM được cấp
380,6 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện chương trình bình ổn giá; TP.Hà Nội cũng đã có phương án bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn với tổng số vốn 500 tỷ đồng (trong đó 100 tỷ đồng cho việc dự trữ hàng phục vụ cứu trợ khi có thiên tai, bão lụt, úng ngập; 400 tỷ giành cho việc dự trữ các mặt hàng thiết yếu, bình ổn giá)...

Các doanh nghiệp được tạm ứng vốn để thực hiện dự trữ hàng hóa phục vụ bình ổn giá mặt hàng thiết yếu đã cam kết thực hiện nghiêm túc việc dự trữ hàng hóa thiết yếu đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, sẵn sàng đưa ra tiêu thụ trong dịp Tết Tân Mão với giá cả ổn định. Trường hợp, khi thị trường có biến động tăng giá, sẽ thực hiện giá bán thấp hơn tối thiểu 10% so với giá thị trường.

Bà Trần Thị Miềng, Cục phó Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp &Phát triển nông thôn) cho biết thêm: Hiện Hiệp hội Lương thực đang còn khoảng 500.000 tấn gạo để phục vụ cho người dân từ nay đến hết Tết Nguyên đán. Ngoài ra, từ nay đến tháng 4/2011, lượng lúa thu mua sẽ khoảng 3,5 triệu tấn, đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

"Giá gạo thế giới tăng từ 420 USD - 500 USD mỗi tấn khiến giá gạo trong nước cũng tăng theo. Nhưng chắc chắn sẽ không có chuyện tăng giá đột biến do lượng cung đáp ứng đủ", bà Miêng khẳng định.

Cũng theo bà Miêng, không chỉ Tết Nguyên đán mà hiện nay các doanh nghiệp tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đã ký hợp đồng cung ứng thực phẩm với nhà cung cấp đến hết tháng 3/2011 nên hoàn toàn có thể yên tâm có đủ chân hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng và không có chuyện tăng giá đột biến. “Một số mặt hàng khác như thực phẩm, đường cũng sẽ đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường”, bà Miêng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đại diện của Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng nhấn mạnh, việc bình ổn giá trong giao đoạn này không có nghĩa là không cho giá tăng. Bởi “Kìm chế giá gạo trong bối cảnh giá đầu vào như phân bón... tăng sẽ làm cho bà con nông dân thua thiệt”, bà Miêng nói.

"Nhà nước không thể bao cấp mãi về giá"

Theo tính toán của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, năm 2010, sản lượng than bán cho các nhà máy điện là 9 triệu tấn, tổng giá trị than bán cho điện thấp hơn giá thành là 2.200 tỷ đồng. Nếu năm 2011, than bán cho điện dự kiến 11 triệu tấn thì mức chênh lệch khoảng 3.000 tỷ đồng. Và tập đoàn này cho rằng, nếu có tăng giá than bán cho ngành điện bằng giá thành năm 2010 thì chỉ làm cho giá bán điện tăng khoảng 2,4%. Còn nếu tính đúng giá thành thì mức tăng đối với ngành điện là 2,6%.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, giá điện năm 2011 chắc chắn phải tăng bởi “Nhà nước không thể bao cấp mãi về giá”.

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Đặng Hoàng An cho rằng, việc tăng giá điện năm 2011 là điều tất yếu, bởi lẽ giá than, một trong những nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất của điện đã nâng giá, điều này cũng kéo theo sự tăng giá của nhân công và giá mặt bằng giá chung của thị trường. Chính vì thế mà rất khó có thể giữ được giá điện bình ổn theo giá của năm 2010.

Theo Đại Đoàn Kết


Bài, ảnh: Tiểu Phương



Bình luận
vtcnews.vn