Lật tẩy những “ngón đòn” tinh vi “chôm”... sim số đẹp

Kinh tếThứ Sáu, 08/10/2010 06:09:00 +07:00

Lợi dụng thú chơi sim số đẹp của các đại gia, những tên đạo chích tìm mọi thủ đoạn tinh vi để cướp bằng được số sim này...

Thời nay, nhiều đại gia sẵn sàng chi hàng chục nghìn USD để mua một chiếc sim có số đẹp. Lợi dụng thú chơi thời thượng này, những tên đạo chích giở mọi thủ đoạn để cướp bằng được "miếng ngon". Khi mất sim số đẹp, không ít người lâm vào cảnh dở khóc, dở cười.


Lừa ngoạn mục

Chị Nguyễn Thu Trang, nhân viên một công ty chứng khoán, chủ nhân của số thuê bao 0974xxx989 vừa là nạn nhân của đạo chích sim mấy ngày trước nhớ lại: “Mình đang làm việc bỗng có một số điện thoại cố định gọi đến, tự giới thiệu là nhân viên chăm sóc khách hàng của Viettel. Anh này nói thuê bao của mình hiện chưa đăng ký thông tin cá nhân, nếu không đăng ký sớm sẽ bị cắt. Sau đó anh này hỏi mình 5 số điện thoại liên lạc gần nhất nói là để giúp mình đăng ký thông tin.

Tin tưởng, mình làm đúng theo hướng dẫn. Khoảng 30’ sau, mình sử dụng điện thoại để liên lạc thì màn hình hiện thông báo Unregistered Simcard (Sim chưa được đăng ký). Quá ngạc nhiên, mình đã gọi điện lên tổng đài và được trả lời rằng, thuê bao của chị đã được một người khác đăng ký cách đây khoảng 30 phút. Mình phải ra tận trung tâm của Viettel để khai báo và xác nhận thông tin lấy lại số thuê bao vừa mất”.

Những người sở hữu sim số đẹp là đích ngắm của những tên đạo chích thời công nghệ. Ảnh minh họa. 

Anh Kiều Cao Dũng, Giám đốc khách sạn N.H (Hoàn Kiếm, Hà Nội), chủ nhân của số thuê bao 0918xxx999 cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự: “Thời gian vừa rồi, bỗng nhiên mình bị nhiều số lạ nháy máy. Khi gọi lại thì đầu kia không nghe, chỉ vài tiếng sau, máy của mình tự nhiên báo lỗi sim chưa được đăng ký. Gọi điện lên tổng đài thắc mắc mới được biết sim của mình đã bị người khác đăng ký thông tin”, anh Dũng kể.

Lý giải cho thủ đoạn này anh Dũng cho biết: Rất đơn giản, kẻ trộm chỉ cần dùng nhiều sim khác nhau, nháy máy cho chủ nhân của sim đẹp để lấy thông tin cuộc gọi. Khi khổ chủ gọi lại, chúng mặc nhiên đã có được danh sách các cuộc gọi đến hoặc gọi đi trong thời gian gần nhất. Sau đó, chúng đường hoàng đến các trung tâm dịch vụ khách hàng gần nhất để khai báo mất sim, xin cấp lại sim mới. Nghiễm nhiên, chúng trở thành chủ nhân hợp pháp của thuê bao này.

Với hai thủ thuật trên, những tên đạo chích tỏ ra mất khá ít công sức, tuy nhiên nếu nạn nhân khiếu nại lên tổng đài và chứng minh được việc sở hữu số sim đẹp, thủ đoạn này có thể bị xóa sổ nhanh chóng. Nhưng với một khoảng thời gian ngắn chiếm được quyền kiểm soát, kẻ trộm cũng có thể kiếm lời từ việc bán "nóng" sim số đẹp cho những người nhẹ dạ. Cũng có nhiều người khá thờ ơ, khi bị mất sim không tìm cách giải quyết ngay, vài ngày sau mới tá hỏa, sim của mình được rao bán công khai trên mạng với giá hàng chục triệu đồng.

Tinh vi hơn hai thủ đoạn trên, nhiều tên trộm lành nghề cũng sử dụng những ngón đòn hoàn hảo hơn nhằm chiếm đoạt bằng được sim số đẹp. Thủ thuật này thường gặp ở những chủ cửa hàng bán sim thẻ điện thoại, hoặc những sim đẹp mua bán qua tay. Trước khi bán cho khách hàng, kẻ trộm đã chủ ý khai báo bằng thông tin cá nhân khác. Nếu khách hàng thiếu thận trọng và không kiểm tra kỹ thông tin về chủ thuê bao, sau một thời gian sử dụng, kẻ trộm có thể mang chứng minh thư lên trung tâm dịch vụ khách hàng và báo hủy sim cũ, xin cấp lại sim mới một cách đàng hoàng. Nghiễm nhiên, khách hàng vừa mất sim đẹp lại mất thêm cả một đống tiền!

Kẽ hở của nhà mạng

Hiện nay, các nhà mạng đua nhau tung ra những đợt sim khuyến mãi rầm rộ nhằm thu hút khách hàng. Quy trình sử dụng sim khuyến mại rất đơn giản: Khi sử dụng hết số tiền trong tài khoản, chủ thuê bao bỏ sim cũ, mua sim khuyến mại mới, giá siêu rẻ chỉ từ 25 đến 60 nghìn đồng. Như vậy, vô hình chung cùng một chủ lại có hàng chục, thậm chí vài chục sim khác nhau mà không phải đăng ký thuê bao mới. Điều này khiến các nhà mạng cực kỳ khó khăn trong việc quản lý các thuê bao mới, đồng thời cũng tạo kẽ hở cho những đạo chích lợi dụng chuộc lợi bất chính. Chỉ cần bỏ ra vài trăm nghìn, kẻ trộm đã sắm cho mình hàng chục chiếc sim khuyến mãi, làm công cụ cho những phi vụ chôm sim số đẹp.

Thông tư 22/2009/TT-BTTT, quy định: "Mỗi cá nhân chỉ được sử dụng hộ chiếu, chứng minh thư của mình để đăng ký tối đa 3 số thuê bao di động trả trước của mỗi mạng thông tin di động". Tuy nhiên nếu khách hàng có nhu cầu mua thêm sim, đại lý vẫn sẵn sàng cung cấp.

Theo tìm hiểu của phóng viên, muốn sở hữu nhiều hơn 3 sim/1 mạng hoàn toàn không khó vì việc đăng ký còn nhiều kẽ hở. Khách hàng có thể đăng ký với hệ thống mạng bằng một tên không có thật và một chứng minh nhân dân khống. Ngoài ra, các thủ tục cấp lại sim bị mất của nhà mạng thường được đơn giản hoá do lượng người giao dịch đông, chỉ cần liệt kê danh sách 5 số điện thoại gọi đến hoặc gọi đi gần nhất. Trong nhiều trường hợp, khi khổ chủ phát hiện ra sự đã rồi, khiếu nại lên nhà mạng thì nhà mạng trả lời rằng đây là lỗi của khách hàng, do không đăng ký thông tin cá nhân và nhà mạng không đủ cơ sở để giải quyết khiếu nại.

Có thể khép tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Xung quanh vấn đề trộm sim số đẹp, Luật sư Đường Văn Quân - giám đốc Công ty Tư vấn Đầu tư và Phát triển Hợp tác Thương mại Vina Legend - cho biết: Hành vi trộm sim này có thể khép vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Bộ luật Hình sự.

Theo quy định, chủ thuê bao có nghĩa vụ đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước trực tiếp tại địa điểm giao dịch được ủy quyền. Bộ luật Dân sự Việt Nam quy định: Đối với các loại tài sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu thì người sở tài sản đó phải thực hiện nghĩa vụ đăng ký theo quy định của pháp luật, khi đó mới có đủ căn cứ xác lập quyền sở hữu tài sản của chủ tài sản.

Hơn nữa, tại thời điểm hiện tại chưa có một văn bản pháp luật nào thừa nhận việc các thuê bao di động là đẹp hay không đẹp, việc thuê bao số đẹp chỉ là do người dùng tự đặt ra và quy cho nó một giá trị nhất định khi giao dịch qua tay, pháp luật chỉ thừa nhận một chức năng duy nhất của các thuê bao di động đó là chức năng liên lạc, trao đổi thông tin giữa các người dùng với nhau.

Như vậy, khi trường hợp một người bị người khác lấy danh nghĩa tổng đài hoặc một biện pháp nào khác đăng ký mất thuê bao người dùng muốn đòi lại quyền lợi và yêu cầu pháp luật bảo vệ là rất khó. Do chính bản thân người đó cũng chưa thực hiện nghĩa vụ của mình khi sử dụng tài sản, không có đủ căn cứ chứng mình quyền sử dụng tài sản của người đó và cũng rất khó chứng minh được hành vi của người đi đăng ký là tội phạm.

Trên thị trường hiện nay, sim di động loại VIP có giá niêm yết từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng chủ yếu thuộc về 3 “gã khổng lồ” là MobiFone, VinaPhone và Viettel. Do vậy, những vụ trộm cắp sim số đẹp cũng chủ yếu diễn ra ở ba nhà mạng này.


Theo Đời sống&Pháp luật

                       Đại lễ 1000 năm, bạn muốn đăng trên VTC News: 

              - Những lời ngẫu hứng, tự sự, tâm sự... của chính bạn?

                - Những bức ảnh, đoạn video... chỉ mình bạn ghi được?
                                                        
                       - Tin tức, bài viết xoay quanh sự kiện Đại lễ?

                                                            
Hãy gửi đến email
[email protected] 
                                                                        hoặc
[email protected]

Tất cả thông tin bạn gửi sẽ được Ban Biên tập VTC News tiếp nhận, xử lý để đăng tải. Trân trọng!



Bình luận
vtcnews.vn