Giật mình 14 tỷ đồng/ngày hàng "xách tay" qua cửa khẩu

Kinh tếThứ Hai, 06/09/2010 10:34:00 +07:00

Với hạn mức 2 triệu đồng/người, nhưng tính trên 7.000 lượt người mỗi ngày thì lượng hàng nhập kiểu “xách tay” qua cửa khẩu Lạng Sơn sẽ lên đến 14 tỷ đồng(!?)

Với hạn mức 2 triệu đồng/người, nhưng tính trên 7.000 lượt người mỗi ngày thì lượng hàng nhập kiểu “xách tay” qua cửa khẩu Lạng Sơn sẽ lên đến 14 tỷ đồng(!?)

Ngày 15/9/2010 là hạn cuối cùng để hoàn thành việc gắn dấu hợp quy (dấu CR) cho đồ chơi trẻ em. Đây là quy định rất quan trọng để bảo vệ trẻ em trước những hiểm họa đến từ đồ chơi sai chuẩn. Thế nhưng, chuyến thực tế từ tỉnh biên giới Lạng Sơn về Thủ đô Hà Nội của PV cho thấy, nhiều khả năng đây sẽ là một kế hoạch... bất khả thi!?

Không nhập vẫn...  ngập cả chợ!


Lạng Sơn những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9/2010 vẫn tràn ngập đồ chơi trẻ em nhập lậu và  để hy vọng có một cái tem CR trên hàng triệu triệu món đồ chơi trôi nổi khắp các chợ vùng biên này gần như là một việc... hão huyền. Dòng thác hàng lậu vẫn tràn qua biên giới, các cơ quan chức năng vẫn ngày đêm “đấu tranh” song vẫn “bó tay” vì quá... khó!

Một cửa hàng đồ chơi trẻ em ở chợ Đông Kinh (Lạng Sơn) 

Ông Vy Công Tường, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn khẳng định với PV rằng: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 4 cửa khẩu đường bộ: Tân Thanh, Hữu Nghị, Cốc Nam, Chi Ma; ngoài ra còn một cửa khẩu đường sắt là Đồng Đăng. Nhưng kể từ khi có quy định dán tem CR cho đồ chơi trẻ em đến nay, chưa có doanh nghiệp nào mở tờ khai đăng ký nhập khẩu mặt hàng đồ chơi trẻ em hay đồ điện tử.
 
Khi chúng tôi đến chợ Đông Kinh -  một chợ lớn nhất nhì Lạng Sơn - mặt hàng đồ chơi trẻ em đủ chủng loại, kiểu dáng được bày bán la liệt. Các mặt hàng đồ chơi từ thú bông, búp bê đến các loại ôtô, robot, thậm chí cả súng ống là loại hàng mang tính bạo lực... đều được bán với giá rất hấp dẫn. Một chiếc cần cẩu tự hành cỡ lớn chỉ 120.000 đồng, một chiếc ô tô chạy pin và một con robot đèn hụ xanh đỏ giá chỉ từ 15.000 – 30.000 đồng... Khắp chợ xanh, đỏ, tím, vàng loạn mắt vì đồ chơi các kiểu, song có tìm nát mắt cũng chẳng thể thấy món đồ nào có tem CR.
 

Chị Thanh ở Na Sầm, Văn Lãng (Lạng Sơn), có thâm niên 7 năm chở hàng bằng xe lôi ở Tân Thanh cho biết: “Trước đây qua biên giới dễ lắm. Giờ thì khó hơn rồi. Nhưng chỉ cần lên công an tỉnh, làm giấy thông hành, mất 50.000 đồng là được qua biên giới 1 ngày, không cần giấy tờ gì thêm”.

Ở đây có hàng chục người chuyên làm nghề chở hàng bằng xe lôi như chị Thanh. Mỗi ngày trung bình mỗi người đi 5-7 chuyến qua biên giới, thậm chí có thể nhiều hơn và ai dám chắc họ không “cầm hộ” hàng xách tay cho dân buôn lậu?

Đến chợ Đông Kinh, không thể kiếm được món hàng nào sản xuất trong nước hay nhập khẩu từ nước khác, ngoài Trung Quốc. Các chủ hàng ở đây cho hay, bây giờ chưa phải “rộ mùa”, phải ít nữa giáp Tết Trung thu hay vào dịp cuối năm, lượng hàng mới tăng mạnh và đa dạng. Một chủ hàng ở chợ Đông Kinh nói: “Mẫu mã thay đổi thường xuyên, chỉ cần lấy sớm một tuần thôi là có thể bị lỗi mốt. Khoảng nửa tháng nữa anh quay lại đây sẽ thấy choáng”. Anh ta nói thêm: “Đến tôi năm nào cũng bán mà còn thấy thích vì người ta (Trung Quốc) làm giỏi quá, đủ kiểu loại, tính năng, mà giá lại rẻ hơn nhiều so với hàng Việt hay nhập từ nước khác”.
 
Mang thực tế này trao đổi với lãnh đạo Hải quan Lạng Sơn, Phó Cục trưởng Vy Công Tường cho rằng việc kiểm định, dán tem thực tế rất phức tạp. Một lô hàng có nhiều mặt hàng, chủng loại. Có những thứ hàng lớn như xe hơi mô hình, rô-bốt, thú bông... có những thứ lắt nhắt như lính chì, búp bê... khiến việc kiểm định thực tế rất khó khăn và tốn kém.
 
“Từ nay đến Tết Trung thu, hay vào dịp cuối năm, khi nhu cầu trong nước tăng cao, có thể sẽ phát sinh nhu cầu nhập khẩu những lô hàng lớn, khi đó có thể sẽ có yêu cầu lập tờ khai, kiểm định, dán tem. Còn những hàng bày bán ở chợ Đông Kinh hay chợ cửa khẩu chủ yếu là hàng xách tay, hoặc có thể là hàng lậu”, ông Tường khẳng định.
 
“Xách tay”... 14 tỷ đồng/ngày?!

 
Rời chợ Đông Kinh, chúng tôi ngược lên cửa khẩu Tân Thanh. Tại chợ Tân Thanh, người ta ngang nhiên bày bán sỉ và lẻ đủ loại hàng đồ chơi trẻ em, hàng điện tử các loại. Vậy nhưng, khi trao đổi với chúng tôi, ông Vy Mạnh Hồng, Phó Chi cục trưởng Hải quan Tân Thanh lại khẳng định: “Tại cửa khẩu của chúng tôi chủ yếu là hàng rau quả. Không có hàng điện tử, đồ chơi trẻ em”(?!).
 
Thì ra, theo ông Hồng cho biết, hàng điện tử chủ yếu được nhập qua cửa khẩu Hữu Nghị, hoặc có thể nhập chui qua khu vực Hang Dơi, Cốc Nam. Hàng người ta bán ngoài chợ chỉ là nhập nhỏ lẻ dưới dạng xách tay. Hiện nay, theo quy định thì hàng xách tay dưới 2 triệu đồng sẽ được miễn thuế. Thực tế, nhiều người vẫn lợi dụng hình thức này để nhập hàng qua biên giới, cơ quan hải quan biết nhưng để xử lý được thì rất khó.
 
Ông Vy Công Tường cũng xác nhận việc này. Ông nói: “Thực tế, nhiều người lợi dụng quy định này để nhập hàng lậu. Vào khoảng năm 2008 – 2009, lúc cao điểm một ngày có trung bình 5.000 – 7.000 lượt người qua lại biên giới. Hiện nay, thì ít hơn, trung bình một ngày có khoảng 200- 300 lượt người. Nhưng đây không phải thời kỳ cao điểm, thường thì thời điểm cuối năm, khi nhu cầu mua bán trao đổi tăng cao thì số lượng sẽ tăng lên”.
 
Hiện nay, theo quy định của Bộ Công Thương, người dân biên giới khi đi qua cửa khẩu được phép mang hàng miễn thuế trị giá dưới 2 triệu đồng. Hàng hoá bán tại các chợ biên giới được cho là mang về theo hình thức này, thực tế là không có kiểm định, dán tem. Quy định này tiếng là để “tạo điều kiện cho cư dân biên giới”, nhưng thực tế cư dân biên giới lấy đâu tiền mà hôm nào cũng qua mua đến 2 triệu đồng tiền hàng? Với hạn mức 2 triệu đồng/người, nhưng tính trên 7.000 lượt người mỗi ngày thì lượng hàng nhập kiểu “xách tay” này sẽ lên đến 14 tỷ đồng(!?)
 
Ngoài hình thức “lách” theo kiểu hàng xách tay, miễn thuế thì dân buôn còn có thể “tuồn lậu”, với hơn 250 km đường biên giới, việc ngăn chặn các đầu nậu hàng lậu là rất khó khăn. Đồ chơi trẻ em không thể đưa vào diện cấm nhập hay nhập có điều kiện, nên việc kiểm soát, chống nhập lậu ở biên giới cũng chỉ là một hàng rào để “lọc”, việc hậu kiểm tại thị trường cũng hết sức quan trọng.


Theo Gia đình&Xã hội


Bình luận
vtcnews.vn