Chuyện cục vàng khối và nước mắt của chàng 36, nàng 80

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 05/02/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Nghe bà Sông bày tỏ nỗi lo, Giàng A Linh im lặng. Từ khóe mắt của chàng trai bị nhiều người rủa là tâm thần, những giọt nước mắt chảy ra.

(VTC News) - Nghe bà Sông bày tỏ nỗi lo khi chết đi, không biết ai sẽ chăm sóc cho người tình, Giàng A Linh im lặng, chẳng nói gì. Từ khóe mắt của chàng trai bị người đời rủa là tâm thần (theo lẽ thường, có tâm thần mới đi yêu bà già!), những giọt nước mắt chảy ra.

Mỗi lúc bên nhau, đôi tình nhân này lại khoác vai nhau thể hiện tình cảm như đôi chim cu gáy. 

Thất vọng vì cuộc sống gia đình, với hai lần lấy vợ rồi lại chia tay, Giàng A Linh đã theo đám bạn vào bãi vàng So Cho ở khu vực Cầu 31 trên đường đi Lào Cai để đào đãi vàng. Đây là bãi vàng nhỏ, song trữ lượng tập trung nên ối người phất lên nhanh chóng.

Một lần, khi đang lắc máng, Linh tròn mắt khi thấy một cục vàng to tướng, lên màu vàng chóe nằm chềnh ềnh giữa máng. Linh hét lên sung sướng, nhiều người cũng được tận mắt cục vàng đó.

Người phiên dịch cuộc trò chuyện của chúng tôi là Giàng A Mai, từng đi đào đãi vàng ở mỏ vàng này, cũng khẳng định rằng Linh đã đào được cục vàng thô khá lớn.

Sau khi trúng cục vàng, nghĩ rằng đã thoải mái tiền tiêu, Linh không tiếp tục công việc này nữa mà bỏ về luôn. Người Mông là thế, họ không tham lam, cuộc sống cứ hồn nhiên như cây cỏ, không nghĩ nhiều cho ngày mai.

Linh đem cục vàng xuống Lào Cai bán cho một hiệu vàng. Đặt lên bàn cân, thấy nó nặng 2 lạng 9 chỉ 3 phân (?!). Tuy nhiên, không biết rõ giá trị cục vàng thô này thế nào, nên Linh chỉ bán được vài chục triệu đồng.

Sau này, lôi chuyện Linh trúng cục vàng ra hỏi, bà Má A Chỉnh, mẹ đẻ Linh cũng khẳng định rằng, 6 năm trước, Linh đã đào được cục vàng, bán được mấy chục triệu. Linh đã chia cho mẹ một nửa số tiền, mua mấy con trâu, số còn lại Linh đem đi tiêu xài.

Bà Mã Thị Ngà, chủ quán rượu, là người chứng kiến cuộc tình của bà Sông và Linh suốt 6 năm nay. 

Bà Mã Thị Ngà, người Kinh, gốc Ninh Bình, chủ quán cơm và rượu ở chợ Sapa cũng xác nhận chuyện Linh đào được cục vàng, vì chính miệng Linh kể với bà. Trúng cục vàng, Linh có rất nhiều tiền, nên ngày nào cũng từ xã Sa Pả xuống thị trấn Sapa uống rượu. Phần lớn thời gian Linh ăn nhậu trong quán bà Ngà.

Vì Linh và bà Sông đều thường xuyên uống rượu, ăn cơm ở quán bà Ngà, nên hai người đã quen nhau và mối tình đặc biệt này đã bắt nguồn từ đây.

Theo lời Linh, bà Sông và cả bà Ngà, lúc đầu, Linh chỉ có tình thương với bà Sông mà thôi. Qua những bữa uống rượu cùng nhau, nghe bà Sông kể về thân phận mình, Linh đã rất thương cảm. Bà Sông đã nhiều lần lấy chồng, song người chết bệnh, người chết nghiện, thân già vẫn phải bán hàng rong kiếm sống.

Mỗi khi từ Sa Pả xuống thị trấn Sapa uống rượu, Linh đều đi tìm bà Sông, rồi hai người chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với nhau. Họ coi nhau như nơi trút bầu tâm sự. Khi chia tay, Linh đều cho tiền bà Sông để bà có tiền ăn, tiền thuê nhà trọ qua đêm.

Bà Ngà bảo: “Trong khi xã hội thì cứ đồn đại Linh yêu bà Sông vì bà Sông có cả hũ vàng, nhưng ngược lại, Linh mới là người có vàng. Do vậy, nếu bảo Linh yêu bà Sông để lợi dụng thì càng không đúng”.

Giàng A Linh kể, không biết có phải do uống rượu nhiều không, nhưng cách đây chừng 4 năm, một ngày, khi đang trên đường từ Sapa về nhà, đột nhiên anh thấy trời đất như quay cuồng trước mặt, rồi ngã vật ra đất, lên cơn co giật. Từ đó đến nay, cứ chừng 2-3 tháng, lại có một lần Linh ngã lăn ra đất co giật, sùi cả bọt mép. Điều này cũng được gia đình Linh, một số người ở chợ Sapa chứng nhận.

Dù chưa có cơ quan y tế nào xác định tình trạng bệnh tật của Giàng A Linh, song có thể đoán anh bị bệnh động kinh. Tuy nhiên, sau cơn co giật, anh lại tỉnh táo, vui vẻ, hoạt bát như người bình thường.

Đang là người nuôi nấng, chăm sóc người đàn bà lang thang Hạng Thị Sông, đến một ngày Linh hết tiền, lại mắc bệnh, bà Sông lại trở thành người chăm sóc Giàng A Linh. Bà Lịch, chủ nhà trọ kể: “Những lần thằng Linh ốm, bà Sông đun nước thuốc, rửa chân, lau mặt mũi cho nó. Hôm nào bà Sông ốm, thằng Linh lại làm vậy. Chiều nhau lắm!”.

Tôi hỏi bà Sông: “Linh yêu bà trước hay sau khi mắc bệnh động kinh?”. Bà Sông bảo: “Hồi chưa mắc bệnh Linh đã thích bà rồi, giờ mắc bệnh, ốm yếu hơn, Linh vẫn thích bà như trước, không thay lòng đổi dạ đâu”. Nghe bà Sông nói vậy, Linh cũng tủm tỉm cười xác nhận.

Tôi lại tiếp tục hỏi bà Sông: “Vậy giờ Linh mắc bệnh thế này, bà có bỏ Linh không?”. Bà Sông suy nghĩ một lát, tự dưng nước mắt chảy ra. Bà lấy vạt áo lau nước mắt rồi bảo: “Bà già rồi, không sống được lâu nữa, chắc sẽ chết trước Linh thôi. Bà lo lắng và thương Linh lắm. Nhỡ bà chết đi mà chưa chữa khỏi được bệnh cho Linh thì không biết ai sẽ chăm sóc cho Linh nữa”.
Nhắc đến chuyện bệnh tật của Linh, bà Sông đã khóc. 
Biết ơn bà Sông, chàng trai này cũng nước mắt mọng mi. 

Nghe bà Sông nói thế, Giàng A Linh im lặng, chẳng nói gì. Từ khóe mắt của chàng trai bị người đời rủa là tâm thần (theo lẽ thường, có tâm thần mới đi yêu bà già!), những giọt nước mắt chảy ra. Khi ấy, hàng chục người đứng xung quanh nghe câu chuyện cũng lặng im và xúc động.

Trong lòng tôi, nhiều cảm xúc khác nhau cũng ập về. Tôi có những người bạn ở ngay giữa thủ đô văn minh hoa lệ, cuộc sống vương giả, họ đều trên dưới 80 tuổi, song vẫn lấy những cô vợ mới trên dưới 20 tuổi đầu, trông như ông cháu. Họ say sưa kể về cuộc tình của mình rất ly kỳ, đáng trân trọng, rất đích thực và xã hội cũng coi đó là chuyện bình thường. Tôi còn quen một ông chủ tịch một tập đoàn Đông y, mà mọi người trong tập đoàn đó gọi vui là “tập đoàn dê”, vì từ ông to đến ông bé đều có vài vợ trẻ. Họ cũng gọi đó là tình yêu, không cần quan tâm những người phụ nữ trẻ đẹp kia chấp nhận làm lẽ vì lý do gì.

Tôi chợt nhớ đến mối tình của Chí Phèo và Thị Nở, của một kẻ gàn, và một nàng dở. Chỉ một bát cháo hành, mà giữa họ, đã có một tình yêu không những đặc biệt, mà còn tuyệt đẹp. Đã có biết bao áng văn vẫn chưa ca ngợi hết được vẻ đẹp đến thánh thiện của mối tình giữa kẻ gàn và kẻ dở ấy.

Với quan niệm về chuẩn mực đạo đức hiện thời, chắc chuyện tình yêu của bà Hạng Thị Sông và Giàng A Linh kia nhiều người cho là bất bình thường. Nhưng tôi tin rằng, không phải vì cái sự bất bình thường đó mà nó không là một thứ, một dạng của tình yêu.

Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương

Thế giới có vô vàn chuyện bí ẩn, nhưng bí ẩn nhất vẫn là tình yêu – thứ được coi là gần gũi nhất với cuộc sống con người. Tình cảm, sự chăm sóc, yêu thương nhau giữa bà Sông và Linh có phải là tình yêu? Quý độc giả hãy tham gia góp ý, mổ xẻ, giúp câu chuyện này thêm phần sáng tỏ.

Ai tâm thần?
Đoàn Bộ. [email protected] 334 nguyễn trãi Hà nội

Cứ nhìn Linh khóc, cứ nhìn bà Sông lau nước mắt cũng đủ thấy TY của họ là thế nào rồi. Đây là một TY đích thực, đích thực hơn bất cứ TY nào. Tôi cũng rất yêu vợ nhưng chưa bao giờ phải khóc như Linh, vợ tôi cũng rất yêu tôi nhưng chưa bao giờ phải lau nước mắt như bà Sông. Xin mọi người hãy trân trọng TY này, xin báo giới đừng mổ xẻ thêm nữa. Hãy để cho họ sống yên ổn. Ai bảo Linh (hoặc bà Sông) tâm thần thì chính người đó tâm thần.

Hoan ho to bao dientu hang dau VietNam
Viet Hung. [email protected]. 96 duong yen phu - ha noi

Cảm ơn báo điện tử vtc.vn đã cho độc giả những bài báo có ích. Chúc tờ báo giữ vững được bước phát triển, góp phần cho báo chí nước nhà vươn lên một tầm cao mới.

Yêu!là thế sao?
Yêu!là thế sao?Chu [email protected]

Tình yêu từ xưa đã không thể định nghĩa rồi! Như tác giả đã nói, đến Thị Nở và Chí Phèo qua 1 bát cháo hành thôi cũng đủ nói lời yêu! Thế tại sao cụ bà 80 không thể yêu anh chàng 36 được! Yêu là vậy chăng? Sao phải luận bàn nhi??????

Qua tuyet voi
Nguyen [email protected] Linh Quang, HN.

Đọc xong bài viết này tôi thực sự cảm động và trân trọng tình cảm của anh Linh và bà Sông. Chúng ta nên trân trọng mối tình tuyệt vời này. Mong trong xã hội chúng ta có nhiều tình yêu trong sáng như vậy.

Tiếp tục cập nhật...

Bình luận
vtcnews.vn