Xu hướng chết chóc, ung thư trong các video clip Việt

Văn hóa - Giải tríChủ Nhật, 14/08/2011 08:28:00 +07:00

Điển hình trong những MV là cảnh quay bị xe tông, bệnh ung thư này nọ và những cái chết lãng xẹt khiến khán giả phát ngấy.

Hầu hết album của các ca sỹ Việt bây giờ ý tưởng ngày càng cũ xì và được mượn đi, chế lại. Điển hình trong những MV là cảnh quay bị xe tông, bệnh ung thư này nọ và những cái chết lãng xẹt khiến khán giả phát ngấy.

Tiêu chí để đánh giá album của bất kì một ca sỹ nào đó là hay, đặc sắc khi nó đáp ứng đủ các tiêu chí: ca khúc được hòa âm, phối khí hoàn chỉnh, ca sỹ thể hiện hiệu quả cũng như ý tưởng MV trong album phải quy tụ được những cảnh quay đẹp, độc đáo. Đã có hàng loạt ca sỹ thành công nhờ có những ý tưởng hay rất riêng trong MV mà khi nhắc đến họ, khán giả không thể nhầm lẫn.

Lý Hải xuất sắc trong những màn đánh đấm, rượt đổi do chính mình thể hiện trong các MV “Trọn đời bên em” , Đan Trường và Cẩm Ly những cảnh quay lãng mạn được mô phỏng từ các bộ phim kiếm hiệp trong MV của album “Nắng gió tình ta”, Liêu Anh Tuấn album “Mặt nạ” đóng vai chàng trai hề kịch câm mua vui cho mọi người. Kế đến anh còn hóa thân thành chàng trai tâm thần trong album phát hành online “5:00PM”.

Liêu Anh Tuấn trong MV của mình. 

Thế nhưng, không hiểu vì ý tưởng nghèo nàn mà khán giả đều thấy một xu hướng đang diễn ra khá phổ biến là ý tưởng làm MV hay album cua các ca sĩ hiện nay đều lặp đi, lặp lại. Điều làm khán giả khó chịu và bực mình nhất chính là nhân vật thể hiện trong MV luôn theo mô tuýp quen thuộc: Chết chóc.

Hình ảnh trong MV Kiếp dã tràng - Phan Đinh Tùng tiêu biểu cho xu hướng đang nói tới. 

Không nam diễn viên chết thì cũng nữ diễn viên chết, bi kịch cứ thế mà thay phiên nhau tùy MV và sở thích của mỗi ca sỹ. MV “Đừng xóa tên anh” (Lam Trường), MV “Kiếp dã tràng” của Phan Đinh Tùng, nhóm The men với MV “Chỉ vì anh quá yêu em”, MV “Người tình phụ”… là những điển hình thuộc dạng này.

Không chỉ chết là xong chuyện mà các ca sỹ còn có những ý tưởng để biến cái chết cho hồi hộp, kịch tích như bị ung thư, buồn vì tình đến mức tự tử. Có thể nhắc đến những trường hợp bệnh ung thư trong các MV: “Giật mình trong đêm” của Tuấn Hưng, “Tìm lại giấc mơ” của Hồ Ngọc Hà, “Khi tình yêu phai màu” của đôi song ca Noo Phước Thịnh, “Tình yêu cao thượng 2” của Phạm Quỳnh Anh, “Đừng để em khóc” của Hòa Mi.

 

Giật mình trong đêm - Tuấn Hưng. 

Nhiều khi chỉ cần nghe tựa một ca khúc buồn miên man, u sầu, não ruột của một ca sỹ nào đấy mà chưa phải để mắt vào MV khán giả cũng đoán được ý tưởng thế nào cũng có cảnh chết chóc. Điều ái ngại khán giả quan tâm chính là việc chết này có phải ý tưởng do các ca sỹ Việt nghĩ ra hay là lại vai mượn hoặc “đạo” từ nước ngoài. Rất nhiều ngôi sao nước ngoài cũng đã "chết" trong chính MV của mình, nhiều nhất là các ngôi sao xứ kim chi.

Nói thế không phải phủ nhận tài năng và sự sáng tạo của các sỹ Việt. Nhưng bên cạnh những nghệ sĩ nghiêm túc trong việc sáng tạo các sản phẩm MV, thì thị trường Video clip nhạc Việt vẫn luôn được gán bởi cụm từ chẳng mấy hay ho: Đạo. Đạo từ ca khúc, trang phục diễn đến vũ đạo của nhiều nghệ sĩ nước ngoài. Rất nhiều MV “đạo” ý tưởng đã bị phát hiện nhưng do tôn trọng thành quả của họ, nhiều khán giả đã bỏ ngoài tai. Nhưng cũng vì thế, những MV kiểu này ngày càng được ngụy trang, "tái chế" kĩ càng hơn.

Kết

Cơm ăn mỗi ngày cũng đến lúc phải ngán. Khán giả cũng không thể nghe và xem một MV, một album khi mà ý tưởng chẳng có gì mới. Quanh quẩn chỉ là bị kịch bệnh tật, tai nạn rồi dẫn tới cái chết. Đã đến lúc các ca sỹ cần nhìn lại những sản phẩm âm nhạc của mình để có những bước thay đổi phù hợp với thị hiếu của đông đảo khán giả.

Theo 2sao

Bình luận
vtcnews.vn