Yếu tố con người – chìa khóa cho Việt Nam bước vào kỷ nguyên 4.0

Khoa học - Công nghệThứ Sáu, 13/07/2018 20:09:00 +07:00

Các chuyên gia nhận định rằng, nguồn nhân lực trẻ dồi dào với độ tuổi trung bình vào khoảng 30.3 tuổi, tức là Việt Nam đang trong thời điểm vàng bởi phần lớn dân số đang trong độ tuổi lao động với chất lượng giáo dục cao.

Hội thảo chuyên đề “Những xu hướng lớn của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Nhận diện tác động và khuyến nghị đối với Việt Nam”, nằm trong chuỗi hội thảo của Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 diễn ra vào chiều 13/7 tại Hà Nội.

Theo đó, về mức độ sẵn sàng tham gia Cách mạng 4.0 theo từng ngành, lĩnh vực kinh tế chính yếu của Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Quang Liêm, Trưởng Nhóm nghiên cứu Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đánh giá: Sự chuẩn bị cho việc tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0 trong từng lĩnh vực đã và đang được thực hiện một cách tích cực, có hiệu quả.

“Mặc dù vậy, chúng ta vẫn gặp phải những thách thức như vấn đề nhận thức, huy động nguồn lực và sự không đồng đều về trình độ công nghệ giữa các khối, ngành địa phương”.

Hiện nay, mức độ sẵn sàng đối với Công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực Chiếc lược và tổ chức thực hiện chiến lược tương đối thấp, tập trung chủ yếu ở mức độ không tham gia hoặc mới tham gia. Trong việc xây dựng chiến lược và tổ chức thực hiện liên quan đến Công nghiệp 4.0, tỷ lệ khối các doanh nghiệp nhà nước vượt trội hơn so với khối doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong lĩnh vực dịch vụ, các doanh nghiệp tham gia, có kinh nghiệm tham gia chiếm tỷ lệ lớn và đang có chiều hướng tăng dần. Đây được nhận định là lĩnh vực có tiềm năng phát triển vượt bậc trong thời gian tới ở Việt Nam. Trong lĩnh vực người lao động, tỷ lệ người hiểu biết và sẵn sàng tham gia vào công nghiệp ứng dụng công nghiệp 4.0 rất cao và tập trung. Các yếu tố liên quan đến công 4.0 được sử dụng chủ yếu là công nghệ kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn.

Nhìn chung, mức độ sẵn sàng với Công nghiệp 4.0 của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế như lĩnh vực thương mại điện tử và nhận thức của người lao động trong các doanh nghiệp về công nghệ 4.0 có tiềm năng phát triển tốt trong thời gian tới.

1111

 Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát triển mở đầu hội thảo chuyên đề

Về phía người lao động, có thể thấy mức độ sẵn sàng của họ được cải thiện nếu doanh nghiệp, chính quyền cơ sở chú trọng việc trang bị kỹ năng cần thiết cho người dân các khía cạnh liên quan đến tiếp cận Công nghiệp 4.0. Tức nâng cao mức độ sẵn sàng của người dân đòi hỏi sự quan tâm, tăng cường đầu tư, người quản lý có trình độ và tầm nhìn, khả năng thúc đẩy, tạo dựng môi trường học tập suốt đời, tiếp cận kỹ năng mới của người dân.

TS. Lucy Cameron, chuyên giá tư vấn, nghiên cứu cao cấp về đổi mới, sáng tạo công nghệ và các chính sách viễn thông của Data61, CSIRO Úc nhận định khi tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam có những thuận lợi và khó khăn nhất định.

Cụ thể, về thuận lợi, nước ta có vị trí địa lý nằm trong khu vực mà có nhiều thuận lợi về các hoạt động kinh tế và văn hóa, có tốc độ tăng trưởng nhanh và ở trung tâm các quốc gia đang phát triển năng động nhất Châu Á. Nguồn nhân lực trẻ rất dồi dào với độ tuổi trung bình chỉ khoảng 30.3 tuổi, tức là Việt Nam đang trong thời điểm vàng bởi phần lớn dân số đang trong độ tuổi lao động với chất lượng giáo dục cao.

Hơn nữa, hiện nay, Việt Nam có sự bùng nổ về công nghệ thông tin vô cùng mạnh mẽ với đa phần dân số đều sử dụng điện thoại di dộng và có kết nối internet: mạng 4G chiếm 95% hộ gia đình, mục tiêu giới thiệu mạng 5G vào năm 2020. Sự đổi mới sáng tạo rất đột phá, chỉ số Đổi mới Toàn cầu 2017 (GII) tương đối cao, xếp thứ 47 trong số 127 quốc gia, tăng 12 bậc so với năm 2016.

Tuy nhiên, khó khăn mà nước ta phải đối mặt khi tham gia Cách mạng 4.0 là các vấn đề về đô thị hóa không đồng đều; Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất từ sự biến đổi khí hậu; vấn đề quản lý đầu tư nước ngoài và nợ công.

Bên cạnh đó, Việt Nam phải đối mặt với thách thức đáng kể trong hai thập niên tới để tránh khỏi “bẫy thu nhập trung bình”; đầu tư công và tăng trưởng có xu hướng giảm dần; đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở mức thấp, chi tiêu công kém hiệu quả. Đặc biệt là nguy cơ rỗi loạn thị trường lao động do ứng dụng kỹ thuật số, bởi theo Tổ chức Lao động Quốc tế, khoảng 70% việc làm ở Việt Nam có nguy cơ bị thay thế qua tự động hóa trong hai thập niên tới. Việt Nam được xác định là quốc gia có nguy cơ bị gián đoạn kỹ thuật số nhất trong năm quốc gia Đông Nam Á.

222

 Các diễn giả quốc tế nhận định con người là yếu tố vô cùng quan trọng, quyết định sự thành bại trong bước tiến tới kỷ nguyên 4.0 của Việt Nam

Bà Cameron cho rằng Việt Nam đang có những chỉ số được đánh giá tốt như quy mô của nền sản xuất, đầu tư toàn cầu hay môi trường nhu cầu. Tuy nhiên, các chỉ số khác chưa đạt được kết quả như mong muốn, chẳng hạn như tính phức tạp của nền sản xuất, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nguồn lực bền vững, vốn con người…

Trong suốt thời gian diễn ra hội thảo chuyên đề, nguồn lực con người là vấn đề được nhắc đi nhắc lại liên tục bởi đây là hướng đi cốt lõi để giải quyết bài toán làm sao để Việt Nam có thể vững bước tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0. Theo bà Cameron, con người chính là nhân tố quan trọng, trong khi đó, GS.TS. Nguyễn Quang Liêm sử dụng cụm từ “nhân tố quyết định” để thể hiện vai trò đặc biệt quan trọng này.

Do đó, các diễn giả đề xuất Việt Nam cần tiếp tục đặc biệt chú trọng vào vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho các thế hệ đi sau, đưa chương trình giáo dục, đào tạo về Cách mạng công nghiệp 4.0 và các ứng dụng của nó ở cấp bậc Đại học, trung học, thậm chí là tiểu học. Từ đó, sẽ có sự dồi dào nhân lực mà có sự hiểu đúng, hiểu trúng và biết cách áp dụng đúng đắn Cách mạng 4.0. Bên cạnh đó, vấn đề nâng cao và xây dựng nhận thức đúng đắn về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ở Việt Nam cũng phải được tiến hành từ Chính phủ, doanh nghiệp cho đến người dân.

Phan Minh
Bình luận
vtcnews.vn