Yêu cầu thanh tra toàn diện dự án của Công ty Phi Long

Bất động sảnChủ Nhật, 14/10/2018 19:26:00 +07:00

UBND TP.HCM vừa chỉ đạo Thanh tra thành phố cùng các sở ngành có liên quan thanh tra toàn diện các dự án của Công ty Phi Long trên địa bàn.

Mới đây, ông Võ Văn Hoan - Chánh văn phòng UBND TP.HCM vừa ký văn bản số 10585/VP-ĐT về việc truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Vĩnh Tuyến đề nghị thanh tra toàn diện tất cả các dự án của Công ty TNHH tư vấn và đầu tư Phi Long (Công ty Phi Long) trên địa bàn.

Cụ thể, UBND thành phố giao thanh tra nghiên cứu, rà soát toàn diện các dự án do Công ty Phi Long đang triển khai trên địa bàn thành phố theo kiến nghị của Sở Tài nguyên Môi trường một cách chặt chẽ, đầy đủ các sơ sở pháp lý trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Nếu phát hiện vi phạm, báo cáo UBND TP.HCM xem xét, ra quyết định hủy bỏ quyết định giao đất cho công ty này.

Thanh-tra-toan-dien-cac-du-an-cua-Cong-ty-Phi-Long-co--ng-ty-phi-long-1539484661-width1200height900 copy

Một dự án của Công ty Phi Long tại khu Nam Sài Gòn bị "đắp chiếu" suốt nhiều năm.

Theo Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM, hiện Công ty Phi Long có khoảng 7 dự án đang triển khai tại TP.HCM. Hầu hết các dự án của công ty này đều triển khai rất chậm, chưa hoàn thành khâu bồi thường giải phóng mặt bằng, không thực hiện thủ tục chỉnh lý biến động các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đã bồi thường thuộc dự án, chậm đầu tư cơ sở hạ tầng.

Một số dự án sai phạm đã có kết luận thanh tra nhưng chủ đầu tư không khắc phục; công ty liên tục đổi tên, sáp nhập doanh nghiệp, chuyển trụ sở, có dấu hiệu trốn tránh khi được cơ quan chức năng yêu cầu kiểm tra năng lực tài chính.

Trước đó, theo phản ánh của người dân, Dự án Khu đô thị thương mại Nam Sài Gòn (D14/391A Trịnh Quang Nghị, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM) được UBND TP.HCM giao cho Công ty Phi Long làm chủ đầu tư từ năm 2004. Vào khoảng năm 2010, khi nghe Công ty Phi Long rao bán đất nền dự án Khu đô thị thương mại Nam Sài Gòn nên rất nhiều người dân tìm đến mua. 

Thế nhưng, thay vì chú tâm vào việc thực hiện dự án như bồi thường, giải phóng mặt bằng, triển khai xây dựng hạ tầng thì doanh nghiệp này lại lách luật huy động vốn trái phép đẩy rủi ro về phía khách hàng. 

Đáng nói, từ khi dự án được giao đến nay, doanh nghiệp này đã thay đổi người đại diện pháp luật khoảng trên 20 lần. Chủ đầu tư cũng liên tục đổi tên doanh nghiệp, sáp nhập, chuyển trụ sở và bị người dân tố cưỡng đoạt đất, san lấp trái phép tại dự án tai tiếng này.

Tuệ Lâm
Bình luận
vtcnews.vn