Y tế cơ sở - trụ cột đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân

Tin tứcThứ Tư, 16/09/2020 20:52:00 +07:00
(VTC News) -

Y tế cơ sở luôn được coi là trụ cột để đảm bảo tính công bằng và hiệu quả trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cơ bản của người dân.

Hệ thống y tế cơ sở đóng vai trò tối quan trọng trong tổng thể hệ thống y tế quốc gia. Y tế cơ sở luôn được coi là trụ cột để đảm bảo tính công bằng và hiệu quả trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cơ bản của người dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long từng phát biểu: Y tế cơ sở như nền tảng, là bàn đạp của ngành Y tế từ đó xây dựng lên những công trình “kiến trúc thượng tầng”. Đây là tuyến gần dân nhất, thực hiện các hoạt động chăm sóc y tế cho người dân nhanh nhất, trong thời gian qua y tế cơ sở đã phát huy được hiệu quả.

Thời gian qua, mặc dù ngành Y tế đã quan tâm đầu tư cho y tế cơ sở, nhưng thực tế phản ánh vẫn chưa được như mong muốn. Hiện nay, Bộ Y tế đang thực hiện nhiều giải pháp mang tính đột phá nhằm đổi mới mạnh mẽ trong cả cơ chế và phương thức hoạt động để y tế cơ sở là nền tảng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. 

Bộ Y tế đang triển khai mạnh kết nối trên toàn tuyến, tuyến tỉnh, huyện, xã theo đội hình 1-4-4-2, kết nối qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa. Phương thức kết nối hệ thống sẽ là 1 thầy thuốc Trung ương hỗ trợ được ít nhất 4 thầy thuốc tuyến tỉnh, 4 thầy thuốc tuyến huyện và 2 thầy thuốc tuyến xã. Bên cạnh đó sẽ là đổi mới nhân lực, phương thức tài chính, phương thức chi trả nhằm nâng cao chất lượng y tế cơ sở.

Mục tiêu của dự án là phục vụ sự đổi mới về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho y tế cơ sở của địa phương. Vì thế, các địa phương không nên đầu tư tràn lan mà đầu tư trọng điểm, ví như trạm y tế nào xuống cấp quá thì đầu tư, cán bộ y tế tại trạm sử dụng được các kỹ thuật nào thì đầu tư trang thiết bị y tế phù hợp, tránh lãng phí khi thực hiện dự án.

Y tế cơ sở - trụ cột đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân - 1

Ảnh minh hoạ.

Bộ Y tế đã giao nhiệm vụ cho y tế cơ sở theo Danh mục các dịch vụ kỹ thuật tuyến cơ sở bắt buộc phải thực hiện (nếu chưa đủ năng lực cần tổ chức tập huấn ngay); thực hiện quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, quản lý các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã; nâng cao năng lực phát hiện, sàng lọc, kịp thời chuyển người bệnh lên tuyến trên và tiếp nhận, theo dõi, điều trị người bệnh từ tuyến trên chuyển về.

Ðồng thời hoàn thiện, thống nhất mô hình tổ chức trung tâm y tế tuyến huyện theo mô hình đa chức năng để gắn phòng bệnh với chữa bệnh, quản lý trực tiếp trạm y tế xã.

Tài chính cho y tế cơ sở cũng từng bước đổi mới về phương thức chi trả; ban hành và cập nhật gói dịch vụ y tế cơ bản phù hợp khả năng chi trả của bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước. Ðồng thời, tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ từ tuyến trên xuống và ngược lại; xây dựng các quy trình chuyên môn, hướng dẫn điều trị.

Tiếp tục đào tạo theo địa chỉ để bổ sung nhân lực cho y tế cơ sở các vùng khó khăn; xây dựng và trình ban hành các chính sách ưu đãi cho viên chức y tế cơ sở.

Phân loại các trạm y tế xã để đầu tư không dàn trải, phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ở từng vùng miền, khu vực; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế cho các trạm y tế xã ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo.

Triển khai quyết liệt các giải pháp về phát triển y tế cơ sở được nêu trong Quyết định số 2348/QÐ-TTg ngày 5/12/2016 của Thủ tướng phê duyệt Ðề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Trong đó, tập trung hoàn thành mô hình 26 trạm y tế xã điểm tại tám tỉnh, thành phố hoạt động theo nguyên lý y học gia đình trước khi nhân rộng ra cả nước.

Cùng với đó là việc triển khai các khóa đào tạo về y học gia đình, quản lý các bệnh mạn tính không lây… tại các trạm y tế xã điểm.

Ðến nay, qua khảo sát, các trạm y tế xã điểm đã bước đầu được sắp xếp lại công năng, sửa chữa, nâng cấp, thay đổi nội thất, trang bị thêm máy tính, mua sắm bổ sung trang thiết bị y tế theo danh mục và nhu cầu sử dụng.

Các cơ quan chức năng cũng ban hành cơ chế, chính sách tài chính phù hợp; cung cấp phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, kết nối thanh toán bảo hiểm y tế và quản lý, báo cáo thống kê hoạt động của trạm… Nhờ đó, các nhiệm vụ của trạm y tế bước đầu được triển khai trên diện rộng theo nguyên lý y học gia đình.

Lần đầu tiên việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân gắn với bảo hiểm y tế toàn dân và chăm sóc sức khỏe toàn dân được thực hiện. Hơn 11.400 trạm y tế xã, trong đó 78% số trạm có bác sĩ làm việc là điều kiện rất thuận lợi cho việc triển khai việc quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân.

Nhiều trạm y tế đã lập hồ sơ, quản lý sức khỏe cá nhân, trong đó Hà Nội, Hà Tĩnh, Khánh Hòa và một số tỉnh khác đã lập hồ sơ quản lý khoảng 85% dân số. Phần lớn các trạm y tế đã triển khai quản lý một số bệnh không lây nhiễm như: tâm thần phân liệt; động kinh và bước đầu quản lý người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường.

Tiến tới thực hiện mục tiêu quản lý sức khỏe toàn diện, người dân cần được khám sức khỏe định kỳ chứ không chỉ khám bệnh khi ốm đau; được khám sàng lọc để phát hiện sớm nguy cơ, mầm mống bệnh tật, điều trị kịp thời nhằm giảm thấp nhất chi phí; được tư vấn về sức khỏe, dinh dưỡng, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe…

Thiếu Huyền
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp